Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng hằng ngày?

Cơn đau và cảm giác nóng rát vùng ngực của chứng trào ngược xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Nếu nó xảy ra hàng ngày và đây có thể là một tình trạng nghiêm trọng cần có sự can thiệp y khoa.

Chứng ợ nóng xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, họng, gây kích thích thực quản, phía sau cổ họng. Tình trạng này có thể gây khó chịu, trào ngược hoặc các triệu chứng khác như hôi miệng và ho. Các triệu chứng có thể trầm trọng hơn vào buổi tối, sau bữa ăn, khi đang nằm, cúi xuống hoặc tập thể dục.

Khoảng 20% người dân ở các nước phương Tây thường xuyên bị ợ nóng hoặc gặp các vấn đề liên quan. Khi chúng xảy ra hằng ngày thì đây có thể là các dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ợ nóng hằng ngày, cách xử lý với tình trạng này và khi nào cần đi khám bác sỹ.

Nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng hằng ngày?

Trong quá trình tiêu hóa, thức ăn sẽ di chuyển từ thực quản vào dạ dày. Khi vào dạ dày, chúng sẽ bị axit dạ dày phân hủy để có thể tiếp tục đi chuyển qua các phần còn lại của đường tiêu hóa. Nếu sản sinh quá nhiều axit, axit có thể trào ngược lên thực quản và gây ợ nóng.

Chứng ợ nóng rất điển hình và thường xuyên gặp phải khi ăn một số loại thực phẩm hoặc do ăn quá nhiều cùng một lúc. Thực phẩm và đồ uống có thể gây ợ nóng bao gồm: 

  • Rượu, bia
  • Socola
  • Cà phê
  • Thực phẩm giàu chất béo
  • Thức ăn cay nóng
  • Cà chua
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Ợ nóng thường xuyên là triệu chứng phổ biến nhất, nếu triệu chứng này xuất hiện hai lần trong một tuần đã có thể được chẩn đoán là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nếu ợ chua xảy ra trong hầu hết các ngày, đó là dấu hiệu bạn cần đến sự thăm khám của bác sỹ vì nếu không được điều trị, chúng có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trên như cơ vòng thực quản dưới bị giãn hoặc bị tổn thương vì nguyên do nào đó nên axit từ dạ dày có thể dễ dàng di chuyển vào thực quản hơn.

Một số yếu tố nguy cơ khác:

  • Thoát vị gián đoạn.
  • Chỉ số khối cơ thể cao.
  • Hút thuốc hoặc nghiện rượu/ bia nặng.
  • Căng thẳng hoặc lo âu kéo dài.
  • Có thai.
  • Tăng progesterone hoặc estrogen.
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Xem thêm tại Bị trào ngược dạ dày nên uống gì?

Có phải axit dạ dày luôn gây ra chứng ợ nóng?

Câu trả lời là không. Tuy nhiên, một số người có thể bị trào ngược âm thầm, tức là trào ngược nhưng không có biểu hiện đau rát, ợ nóng hoặc các triệu chứng khác. Tình trạng này còn được gọi là trào ngược thanh quản, có thể gây ra các vấn đề giống bệnh về đường hô hấp như ho mãn tính, đau họng và chảy nước mũi.

Chứng ợ nóng hằng ngày có thể gây ra các biến chứng không? 

Điều trị chứng ợ nóng hằng ngày bao gồm thay đổi lối sống như lựa chọn những thực phẩm lành mạnh hoặc ăn vào đúng thời điểm trong ngày. Ngoài ra còn có những loại thuốc mà bác sỹ có thể kê để làm giảm các triệu chứng. Nếu không điều trị, chúng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn với thực quản và đường tiêu hóa. Các biến chứng có thể kể đến như: 

  • Viêm thực quản trào ngược.
  • Barrett thực quản. 
  • Hẹp thực quản.
  • Ung thư thực quản.
  • Xuất huyết tiêu hóa.

Các biến chứng cũng có thể xảy ra bên ngoài đường tiêu hóa như:

  • Bệnh hen suyễn.
  • Ho dai dẳng.
  • Viêm thanh quản.
  • Xói mòn men răng.
  • Khàn giọng.

Phải làm gì nếu bạn bị ợ nóng hằng ngày?

Thuốc kháng axit không kê đơn có thể giúp giảm chứng ợ nóng nhưng không nên sử dụng như một giải pháp lâu dài nếu chúng diễn ra hằng ngày. Thuốc kháng axit có thành phần là canxi, magie và nhôm. Những hoạt chất này ức chế một loại enzym phân giải protein gọi là pepsin và trung hòa axit dạ dày nên không gây ợ nóng.

Ngoài ra, còn có một số biện pháp thay đổi lối sống mà bạn có thể thử để ngăn ngừa chứng ợ nóng hoặc giảm bớt các triệu chứng tại nhà, bao gồm:

  • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
  • Tránh ăn quá no trước giờ đi ngủ.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng.
  • Giảm căng thẳng.
  • Ngừng uống thuốc và sử dụng rượu bia quá mức.

Khi nào cần gặp bác sỹ?

Hãy hẹn gặp bác sỹ nếu những phương pháp điều trị tại nhà không hiệu quả và bạn vẫn bị ợ nóng thường xuyên sau 3 tuần. Bác sỹ sẽ tiến hành các xét nghiệm để loại trừ các tình trạng nghiêm trọng hơn và đưa ra các phương pháp điều trị giúp kiểm soát trào ngược dạ dày và ngăn ngừa tổn thương. Hoặc bạn có thể đến thăm khám bác sỹ ngay lập tức nếu có nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn sau đây:

  • Khó nuốt, đau khi nuốt.
  • Thiếu máu.
  • Giảm cân.
  • Nôn ra máu.

Kết luận:

Chứng ợ nóng hằng ngày có thể hoặc không phải là lý do đáng lo ngại, tuy nhiên, tiêu thụ một số loại thực phẩm hoặc các thói quen sinh hoạt cũng góp phần gây ra tình trạng này. Do đó, chứng ợ nóng có thể cải thiện tốt nếu có những thay đổi tích cực về lối sống và chế độ ăn uống. Đôi khi, chứng ợ nóng thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa khác. Nếu bạn cảm thấy nóng rát, ợ hơi và các triệu chứng khác, bác sỹ có thể yêu cầu xét nghiệm để loại trừ các biến chứng nghiêm trọng và đưa ra biện pháp giảm đau bằng thuốc trung hòa axit dạ dày. 

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0935 18 3939 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm