Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cách hiệu quả gỡ bỏ ám ảnh tâm lý cho người béo phì

Các báo cáo gần đây cho thấy, béo phì có liên quan đến tỷ lệ rối loạn tâm lý và làm tăng tình trạng rối loạn lo âu khoảng 25%, tăng tỷ lệ sử dụng chất gây nghiện khoảng 25%...

Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng có mối quan hệ hai chiều giữa béo phì và trầm cảm. Thanh thiếu niên bị trầm cảm có nguy cơ béo phì cao hơn khoảng 70%. Phụ nữ lớn tuổi béo phì có nguy cơ trầm cảm cao hơn 38% so với người bình thường.

Có sự khác biệt về giới tính trong mối liên quan giữa béo phì và trầm cảm, nữ giới có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nam giới. Sắc tộc cũng có mối liên quan đến tỉ lệ trầm cảm ở người bệnh béo phì. Phụ nữ da trắng mắc béo phì có liên quan đến tỉ lệ trầm cảm cao hơn đáng kể.

Tâm lý đau khổ do không giảm được cân

Hiện nay, khoa học chưa thực sự biết rõ tại sao những người thừa cân, béo phì có tâm lý lo lắng hơn những người khác. Tuy nhiên, nguyên nhân có thể xuất phát từ những vấn đề mà họ phải đối mặt như:

  • Sự kì thị, phán xét của những người xung quanh. Những bệnh nhân béo phì có thể không có bạn bè, người yêu, mất việc làm hoặc không thể tham gia những công việc yêu cầu cao về mặt ngoại hình.

  • Vấn đề sức khỏe của bản thân và những bệnh đồng mắc đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ, vô sinh…

Cách hiệu quả gỡ bỏ ám ảnh tâm lý của người béo phì - Ảnh 1.

Đối với người béo phì, căng thẳng khi đối mặt với tình trạng này có thể dẫn đến cảm giác tiêu cực, chuyển biến thành trầm cảm.

  • Cảm giác tiêu cực về bản thân, lòng tự trọng bị hạ thấp.

Các nguyên nhân trên đã khiến người bệnh béo phì rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm. Người bệnh cảm thấy buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động hoặc sở thích. Chính sự lo lắng, stress càng làm gia tăng hoạt động của trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, làm tăng cảm giác thèm ăn và có thể dẫn đến thừa cân và béo phì.

Với người bệnh mắc chứng trầm cảm, thức ăn có thể là một cách để đối phó với cảm giác tiêu cực. Điều này dẫn đến việc tăng cân quá mức theo thời gian.

Tâm trạng chán nản cũng có thể làm cho người bệnh ít động lực tham gia hoạt động thể chất dẫn đến việc tăng cân. Đối với người bệnh béo phì, căng thẳng khi đối mặt với tình trạng này và những vấn đề trong cuộc sống có thể dẫn đến cảm giác tiêu cực, chuyển biến thành trầm cảm. Khi bệnh nhân béo phì điều trị thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần như amitriptyline, mirtazapine, paroxetine, olanzapine có thể gặp phải các tác dụng phụ của thuốc khiến bệnh nhân ngủ nhiều, tăng cân. Đây cũng là yếu tố khiến người bệnh khó kiểm soát cân nặng.

Tác động tích cực của giảm cân lên tâm lý

Có mối liên hệ chặt chẽ giữa cân nặng và sức khỏe thể chất và tinh thần. Bằng cách thay đổi lối sống, giảm cân tích cực, chúng ta có thể cải thiện những vấn đề này.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế lượng calo ăn vào cơ thể có thể giúp người bệnh giảm cân và giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì.

Chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của người bệnh béo phì. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh được tìm thấy trong cơ thể giúp điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và sự thèm ăn. Phần lớn serotonin được sản xuất trong đường tiêu hóa. Thực phẩm chúng ta ăn vào có ảnh hưởng đến sản xuất serotonin và do đó tâm trạng của chúng ta cải thiện tích cực hơn.

Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm: Hoa quả và rau, các loại ngũ cốc: Protein, bao gồm thịt, trứng, quả hạch, hạt và đậu nành; Sữa ít béo hoặc không béo; Dầu thực vật và chất béo lành mạnh; Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm có đường.

Cách hiệu quả gỡ bỏ ám ảnh tâm lý của người béo phì - Ảnh 2.

Nếu căng thẳng vì béo phì bạn có thể nhận được từ việc điều trị sức khỏe tâm thần như trị liệu hoặc dùng thuốc.

Ngủ đủ giấc

Mất ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và làm tăng nguy cơ béo phì. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nhiều khả năng bị béo phì hơn những người ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm.

Ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm cả quá trình trao đổi chất. Những người không ngủ đủ giấc cũng có xu hướng ăn nhiều thực phẩm giàu carbohydrate hơn, điều này có thể dẫn đến tăng cân.

Ngủ đủ giấc là điều cần thiết không chỉ để kiểm soát cân nặng của bạn và ngăn ngừa các tình trạng sức khỏe thể chất khác nhau mà còn để duy trì sức khỏe tinh thần tốt.

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục là một hoạt động quan trọng để kiểm soát cân nặng và sức khỏe tinh thần. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn giảm cân và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bệnh tim mạch.

Tập thể dục cũng có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn bằng cách giảm trầm cảm và lo lắng. Khi tập thể dục làm tăng lưu thông máu não và tác động đến trục dưới đồi- tuyến yên- thượng thận (HPA) từ đó tác động đến tâm trạng và làm giảm căng thẳng.

Các chuyên gia khuyên chúng ta nên tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần, có thể trải dài trong vài ngày. Ví dụ, chúng ta có thể tập thể dục 50 phút 3 ngày mỗi tuần hoặc 30 phút tập thể dục 5 ngày mỗi tuần.

Cách hiệu quả gỡ bỏ ám ảnh tâm lý của người béo phì - Ảnh 3.

Chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế lượng calo ăn vào cơ thể có thể giúp giảm cân và giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì.

Tập thể dục cường độ trung bình vừa phải bao gồm đi bộ nhanh, đạp xe với tốc độ trung bình. Nếu bạn đang tập thể dục cao như chạy bộ, bơi lội hoặc các môn thể thao đối kháng thì bạn nên tập thể dục ít nhất 75 phút mỗi tuần.

- Các hình thức giải tỏa căng thẳng

Căng thẳng không chỉ liên quan đến các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng mà còn liên quan đến hành vi ăn uống. Những người bị căng thẳng có thể có xu hướng ăn quá nhiều và dẫn đến béo phì. Đối với một số người, ăn uống có thể là một cách đối phó với căng thẳng, nhưng về lâu dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề hơn. Thay vì chuyển sang ăn uống để làm giảm stress, có vô số hoạt động mà bạn có thể làm để giúp giảm bớt căng thẳng bao gồm:

  • Nói chuyện với một người bạn hoặc thành viên gia đình

  • Bày tỏ cảm xúc của bạn thông qua nghệ thuật, âm nhạc hoặc sách báo

  • Đọc sách

  • Tập thể dục

  • Dành thời gian trong thiên nhiên

  • Cố gắng làm việc tốt, thành công

Nếu bạn thường xuyên thấy mình bị căng thẳng, bạn có thể nhận được từ việc điều trị sức khỏe tâm thần như trị liệu hoặc dùng thuốc. Liệu pháp hoặc tư vấn có thể giúp giảm căng thẳng bằng cách hướng dẫn bạn những phương pháp lành mạnh để đối phó với các vấn đề lo âu, trầm cảm.

Tóm lại

Có mối quan hệ mật thiết giữa người bệnh béo phì và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Béo phì có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể dẫn đến tăng cân và béo phì.

Giảm cân tích cực với nhiều hoạt động thay đổi chế độ ăn, lối sống, hành vi thậm chí dùng thuốc giảm béo dưới sự giảm sát của bác sĩ chuyên khoa có thể giúp người bệnh thừa cân, béo phì cải thiện sức khỏe, tác động tích cực đến cân nặng và tinh thần của người bệnh.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Uống thuốc giảm cân, trẻ 13 tuổi tăng men gan gấp 10 lần.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm