Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ngứa chân vào ban đêm cảnh báo bệnh lý gì?

Bài viết này giải thích ngứa chân vào ban đêm có nghĩa là gì và cách để giúp bạn giảm tình trạng này.

Ngứa da là một sự bất tiện bất kể thời gian nào trong ngày. Cảm giác ngứa gây khó chịu và ngứa chân vào ban đêm có thể khiến bạn không thể ngủ được. 

1. Bạn có làn da khô

Nguyên nhân khiến bạn bị ngứa chân vào ban đêm có thể đơn giản là do da của bạn khô và cần được dưỡng ẩm. Theo Mayo Clinic, bạn có thể bị khô da ở chân nếu chúng bị ngứa, bong tróc, thô ráp hoặc có vảy, Đây là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng nó có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn già đi.

Da trở nên khô hơn do lão hóa nên, vì vậy, người già sẽ thấy ngứa nhiều hơn, kể cả ở chân vào ban đêm. Hơn nữa tình trạng ngứa nói chung có thể tăng lên vào ban đêm vì các tín hiệu hóa học gây ngứa cytokine hoạt động dữ dội hơn vào ban đêm. Ban đêm mọi người cũng ít bị phân tâm bởi các sự kiện và các công việc hàng ngày, vì vậy sẽ nhận thức rõ hơn về cơn ngứa.

Biện pháp khắc phục

Bạn có thể ngăn chặn kích ứng da trước khi nó bắt đầu bằng cách thoa kem dưỡng ẩm lên chân trước khi đi ngủ.

Đọc thêm bài viết: 9 loại thực phẩm dễ gây dị ứng

2. Bệnh chàm

Bệnh chàm thường gây ngứa, viêm da, phát ban, phồng rộp và nhiễm trùng da. Trường hợp nhẹ của bệnh chàm thường gây ra những vùng da khô và ngứa nhỏ, nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh chàm có thể lan khắp cơ thể và gây ngứa liên tục. Bệnh chàm xảy ra thường xuyên hơn ở trẻ nhỏ, nhưng nó cũng có thể xuất hiện ở tuổi trưởng thành trẻ hoặc sau 50 tuổi.

Biện pháp khắc phục

Bệnh chàm khó chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nó có thể được điều trị để ít gây khó chịu hơn trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Bạn nên tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ da liễu để lập kế hoạch điều trị. Bác sĩ da liễu có thể đề xuất các loại kem hoặc thuốc mỡ trị chàm không kê đơn để giúp chữa lành làn da của bạn hoặc kê đơn thuốc nếu cần.

3. Bạn mắc hội chứng chân không yên

Theo Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ (NINDS), hội chứng chân không yên là một chứng rối loạn thần kinh được biểu hiện bằng cảm giác khó chịu ở chân và khiến bạn không thể cưỡng lại được việc di chuyển chân. Những người bị hội chứng chân không yên đôi khi mô tả cảm giác ở chân của họ là ngứa, hoặc có thể cảm thấy đau, nhói, có cảm giác như có gì đó trườn hoặc bò trong chân của họ.

Các triệu chứng hội chứng chân không yên thường dữ dội nhất vào ban đêm, khi bạn đang nghỉ ngơi và chúng có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng người già và phụ nữ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Biện pháp khắc phục

Di chuyển chân thường làm giảm các triệu chứng tạm thời của bệnh. Các biện pháp khắc phục tại nhà khác để giảm hội chứng chân không yên bao gồm: tắm nước ấm trước khi đi ngủ, tập thể dục vừa phải trong ngày, thực hiện các động tác duỗi cơ thường xuyên và mát-xa chân. Nếu các biện pháp khắc phục tại nhà không hiệu quả, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn thuốc điều trị hội chứng chân không yên.

4. Bạn bị suy giáp

Suy giáp là tình trạng do tuyến giáp hoạt động kém, không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết. Một số dấu hiệu của suy giáp bao gồm:

  • Da ngứa khô
  • Mệt mỏi
  • Tăng cân
  • Đau khớp
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều
  • Trầm cảm
  • Nhịp tim chậm lại

Việc sản xuất quá ít hormone tuyến giáp có thể gây ngứa khắp cơ thể mà không rõ nguyên nhân, bao gồm cả ở chân. Da có thể sẽ trở nên khô, ngứa và có vảy.

Biện pháp khắc phục

Suy giáp nên được bác sĩ khám và đưa ra chẩn đoán chính thức. Xét nghiệm máu có thể phát hiện xem có vấn đề gì với tuyến giáp của bạn hay không. Sau đó, bác sĩ có thể kê thuốc và liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp. Trong thời gian chờ đợi, hãy tìm giải pháp cho làn da khô của bạn bằng cách thoa kem chống ngứa trước khi đi ngủ.

Đọc thêm bài viết: Dị ứng thực phẩm mùa lễ hội

5. Bạn bị bệnh gan

Ngứa ngáy, ngứa chân có thể là một triệu chứng của bệnh gan. Bệnh gan là một tình trạng có thể ảnh hưởng hoặc làm tổn thương nghiêm trọng chức năng gan của bạn. Có một số nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh gan như: ung thư, hệ thống miễn dịch bị tổn hại, nhiễm virus và lạm dụng rượu. Ngứa liên quan đến bệnh gan là do tăng muối mật trong cơ thể. Muối mật được sản xuất bởi gan để giúp tiêu hóa. Những người mắc bệnh gan có thể có lượng muối mật tích tụ dưới da cao hơn và gây ra tình trạng ngứa.

Biện pháp khắc phục

Bệnh gan là một tình trạng nghiêm trọng cần được bác sĩ chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu, sinh thiết hoặc chẩn đoán hình ảnh. Nếu phát hiện bệnh gan, bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị thích hợp tùy thuộc vào loại bệnh gan và mức độ nghiêm trọng như dùng thuốc, thay đổi lối sống hoặc trong trường hợp nghiêm trọng sẽ cần phải ghép gan.

6. Bạn có một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác

Kích ứng da và ngứa chân nặng hơn vào ban đêm có thể là dấu hiệu của một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Trường hợp này khá hiếm gặp và các tình trạng khác liên quan đến ngứa da bao gồm:

  • Thiếu máu
  • Bệnh tiểu đường
  • Một số bệnh ung thư
  • Rối loạn thần kinh
  • Lo lắng hoặc trầm cảm
  • Phản ứng dị ứng

Các vấn đề sức khỏe trên có thể gây ra cảm giác ngứa mà không có phát ban, nhưng đây là một nguyên nhân hiếm gặp gây ngứa da. Hầu hết thì các trường hợp ngứa da có liên quan đến da bị khô hoặc phát ban da như bệnh chàm.

Biện pháp khắc phục

Nếu bạn nghi ngờ đôi chân ngứa ngáy của mình vào ban đêm là do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó gây ra thì hãy đi khám bác sĩ. Bạn sẽ được làm các xét nghiệm để chẩn đoán và được bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị. Mặc dù ngứa chân vào ban đêm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng bệnh này thường có thể được điều trị và ngăn ngừa bằng cách chăm sóc da, tránh để da khô như lựa chọn các sản phẩm không có quá nhiều chất tẩy rửa cho da.

Các mẹo khác để ngăn ngứa chân vào ban đêm bao gồm:

  • Tránh sử dụng xơ mướp, bọt biển hoặc khăn lau.
  • Sử dụng nước ấm (không nóng) để tắm.
  • Không nên tắm quá lâu
  • Ngay sau khi tắm, thoa kem dưỡng ẩm dày, không mùi
  • Thử liệu pháp nóng và lạnh: Sau khi tắm nước ấm hoặc tắm vòi hoa sen, hãy chườm lạnh lên chân.

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Ngứa chân vào ban đêm có thể làm trầm trọng và gián đoạn thói quen ngủ của bạn. Bạn có thể cố gắng làm dịu da bằng các biện pháp khắc phục tại nhà hoặc kết hợp thực phẩm giảm ngứa vào chế độ ăn uống của mình. Nhưng nếu những cách này không giúp ích thì  bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Đặc biệt, nếu tình trạng ngứa kéo dài dù đã thực hiện chăm sóc da khô hoặc nếu có vết phát ban có thể nhìn thấy được thì bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,… Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0935 18 3939 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Livestrong
Bình luận
Tin mới
Xem thêm