Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nghiên cứu mới có thể lý giải vì sao cà phê giúp tránh nhiều loại bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư

Nghiên cứu mới cho thấy caffein trong cà phê có tác dụng ngăn chặn tác động của một số protein gây ra các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường hay mất trí nhớ.

Một nghiên cứu vừa được công bố đã chứng minh caffein có tác động tới hệ thống miễn dịch trong cơ thể, giúp ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm của tế bào. Phát hiện mới này cũng giúp lý giải vì sao cà phê lại giúp tránh khỏi nhiều loại bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư hay Alzheimer.

Trước đây, cũng đã từng có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra tác động xấu của cà phê với sức khỏe, mà có thể gây ra nguy cơ mắc một số bệnh ung thư nhất định. Tuy nhiên nghiên cứu mới này chỉ tập trung vào tác động của caffein tới hệ thống miễn dịch.

Chúng ta đã từng biết rằng, caffein có tác dụng ngăn chặn ảnh hưởng của một loại hợp chất hóa học có tên “Adenosine”. Việc ngăn chặn tác động của adenosine đến các tế bào thần kinh, là cách mà cà phê giúp chúng ta tỉnh táo và không buồn ngủ.

Tuy nhiên nghiên cứu mới còn chỉ ra rằng, việc ngăn chặn adenosine còn giúp giảm bớt các tế bào bị viêm nhiễm trong cơ thể. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí y học Nature Medicine.

Giáo sư Mark Davis đến từ Đại học Stanford, tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết: “Cà phê là thứ nước uống được nhiều người yêu thích, và tác động của nó tới sức khỏe là một bất ngờ lớn đối với chúng tôi. Những gì chúng tôi nghiên cứu là mối tương quan giữa caffein và tuổi thọ. Chúng tôi đã thực hiện nhiều thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thu được những kết quả bất ngờ”.

Giáo sư Mark Davis.

Trong khi giáo sư Mark Davis và các đồng nghiệp của mình không cố gắng để chứng minh caffein có lợi trực tiếp cho sức khỏe, nhưng họ đã tìm ra một cách gián tiếp giúp tuổi thọ kéo dài.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Stanford và Đại học Bordeaux đã phân tích bộ gen của 114 tình nguyện viên. Thử nghiệm này không tập trung vào mã di truyền, mà vào các gen cụ thể sản xuất protein.

Họ phát hiện ra những người lớn tuổi (từ 60 đến 89) có xu hướng sản xuất những tế bào miễn dịch trong một khu gọi là inflammasome. Đó là một cụm các protein miễn dịch bên trong tế bào, giúp tạo ra IL-1B. Đây là phân tử quan trọng trong việc chống lại các căn bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên nếu sản sinh quá nhiều IL-1B và tồn tại quá lâu, nó có thể khiến tế bào bị viêm nhiễm và gây ra các bệnh mãn tính như bệnh tim, ung thư hay Alzheimer.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục phát hiện ra mỗi tương quan giữa việc kích thích inflammasome và số lượng phân tử adenine, adenosine. Càng nhiều adenine, adenosine thì khu vực inflammasome lại sản sinh càng nhiều protein IL-1B.

Từ đó, các nhà nghiên cứu có được mối quan hệ giữa caffeine với việc ngăn chặn tác động của adenosine, tác động đó lại liên quan tới khu vực inflammasome và protein IL-1B. Kết quả nghiên cứu này khiến họ nghi ngờ tác dụng của caffeine tới việc ngăn chặn các tế bào bị viêm nhiễm bên trong cơ thể.

Một thử nghiệm mới được tiến hành, trong đó tập trung vào mối quan hệ giữa caffeine và số lượng protein IL-1B trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhóm người tiêu thụ nhiều đồ uống chứa caffein như cà phê và trà, có sản lượng IL-1B trong cơ thể thấp hơn.

Sau đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành một thử nghiệm khác. Trong đó họ đánh lừa các tế bào bằng cách cho chúng tiếp xúc với nhiều adenine và IL-1B được sản sinh từ inflammasome, để thúc đẩy việc viêm nhiễm. Một số tế bào thử nghiệm được tiếp xúc đồng thời với caffein và kết quả là tốc độ viêm nhiễm của chúng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể lý giải một cách đầy đủ tác động trực tiếp của caffein tới các tế bào bị viêm nhiễm. Kết quả của nghiên cứu này cũng không nhằm khuyến khích sử dụng các đồ uống có chứa caffein như một loại thuốc chữa bệnh.

Theo Genk/Theverge
Bình luận
Tin mới
Xem thêm