Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Lý do khiến bạn luôn mệt mỏi dù đã ngủ đủ giấc - Phần 2

Cuộc sống hiện đại bắt bạn làm việc liên tục trong khoảng thời gian dài cùng với rất nhiều trách nhiệm khiến bạn không thể ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, dẫn đến mệt mỏi và suy nhược. Nhưng nếu bạn vẫn đủ ngủ giấc mỗi đêm mà ban ngày bạn vẫn thấy thiếu năng lượng và kiệt sức thì sao?

Vấn đề ở đây nằm ở chất lượng giấc ngủ nhiều hơn là số giờ ngủ. Kể cả nếu bạn nghĩ mình ngủ rất ngon, nhưng khi thức dậy lại thấy mệt mỏi cả ngày, thì có nghĩa là giấc ngủ của bạn không "ngon" như bạn tưởng.

Rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để xem chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng đến thể trạng của chúng ta như thế nào. Cảm thấy mệt mỏi đồng nghĩa với việc có chất lượng cuộc sống kém, khiến chúng ta không thể tận hưởng từng phút giây của cuộc sống, luôn có tâm trạng khó chịu và dễ bị kích thích. 

Nếu bạn đang thắc mắc tại sao mình vẫn mệt mỏi mặc dù đã ngủ đủ giấc thì dưới đây là một số lý do có thể lý giải cho tình trạng này.

Trầm cảm hoặc căng thẳng

Một nguyên nhân khác dẫn đến mệt mỏi có thể là do trầm cảm hoặc căng thẳng. Đôi khi, chúng ta không thực sự nhận thấy mình đang phải trải qua những tình trạng này và chỉ nhận ra khi bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu như mệt mỏi, thiếu động lực làm việc. 

Khi đó, bạn nên suy nghĩ xem có nguyên nhân tiềm ẩn nào khiến bạn cảm thấy như vậy không? Có thể đó là một vấn đề gì đó khiến bạn căng thẳng hơn bình thường? Nếu bạn cảm thấy tâm trạng mình rất tệ và rất nhạy cảm? Điều này là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu những cảm giác này kéo dài thì bạn nên nói chuyện với ai đó.

Luyện tập và điều chỉnh chế độ ăn cũng có thể giúp bạn chống lại trầm cảm và căng thẳng, cũng như giúp bạn cảm thấy thư giãn hơn. Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn cùng với chăm sóc sức khỏe thể chất sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Mất cân bằng đường huyết

Có nguyên nhân từ loại thực phẩm bạn ăn, tình trạng mất cân bằng đường huyết có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng. Lượng đường huyết có thể bị mất cân bằng dần theo thời gian do loại chế độ ăn bạn đang áp dụng. Nếu bạn ăn rất nhiều thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm nhiều đường, thì đường huyết của bạn sẽ thường xuyên tăng cao trong suốt cả ngày. Trong trường hợp này, bạn nên giảm lượng đường tinh chế trong chế độ ăn để giảm lượng đường huyết của cơ thể xuống. 

Nhưng điều này không có nghĩa là bạn sẽ loại bỏ hoàn toàn đường ra khỏi chế độ ăn.  Bạn cần laoij bỏ các loại đường tinh luyện khỏi chế độ ăn của mình. Đường từ các loại trái cây sẽ tốt cho sức khỏe hơn nên bạn không cần thiết phải tránh, nhưng nếu bạn là một người hảo ngọt, thì bạn nên cân nhắc cắt giảm lượng đường mình ăn xuống một chút để xem có sự cải thiện nào không.

Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn

Nếu bạn nghĩ rằng chế độ ăn của mình đầy đủ dinh dưỡng, bạn uống nhiều nước, không có gì khiến bạn căng thẳng và bạn vẫn thường xuyên luyện tập, nhưng lại vẫn hay mệt mỏi thì rất có thể bạn đang mắc phải một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng, ví dụ như thiếu máu, hội chứng mệt mỏi mãn tính, rối loạn giấc ngủ, suy giáp, sốt viêm tuyến và nhiều căn bệnh khác. Bạn không nên tự chẩn đoán cho mình mà nên đến gặp bác sỹ để trao đổi về các mối lo lắng của bạn.

Một điều bạn nên ghi nhớ: cho dù bạn đã ngủ đủ giấc, nhưng chất lượng giấc ngủ mới là yếu tố quan trọng để giúp bạn loại trừ cảm giác mệt mỏi và kiệt sức trong suốt cả ngày. Thay đổi lối sống có thể có rất nhiều lợi ích với bạn, do vậy, hãy cố gắng tạo ra một vài sự thay đổi, cho dù rất nhỏ và xem xem những thay đổi này tạo ra sự khác biệt gì trong vài tuần nhé!

Thông tin thêm tham khảo tại bài viết: Tác hại của việc ngủ không đủ giấc

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ lifehack
Bình luận
Tin mới
Xem thêm