Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Làm thế nào để cải thiện ăn uống ở người bệnh HIV/AIDS?

Quản lý tốt những triệu chứng gây ăn kém, hấp thu kém sẽ giúp cải thiện dinh dưỡng cho người bệnh. Đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu những cách giúp người bệnh HIV/AIDS ăn uống tốt hơn.

HIV – hay virus gây suy giảm miễn dịch ở người – khiến người mắc bệnh ít có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng và bệnh tật. AIDS là giai đoạn muộn của HIV, đây là Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, bệnh xuất hiện sau nhiều năm hệ miễn dịch bị suy yếu bởi HIV.

Tuy hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa bệnh, nhưng người bệnh HIV/AIDS vẫn có thể cải thiện các triệu chứng bệnh bằng cách cải thiện chế độ dinh dưỡng, nếu dinh dưỡng kém sẽ dẫn đến sụt cân và suy giảm miễn dịch nhanh hơn, tạo điều kiện cho những bệnh nhiễm trùng cơ hội và khiến sức khỏe người bệnh suy yếu. Do đó, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc đều đặn, chế độ ăn có dinh dưỡng tốt đóng vai trò vô cùng quan trọng với người bệnh.

Tuy nhiên, dù dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng như vậy, nhưng nhiều người bệnh vẫn không thể tiếp nhận được dinh dưỡng phù hợp do nhiều nguyên do, đặc biệt là nguyên do đến từ việc các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng cơ hội khiến người bệnh bị mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, nuốt khó,...

Quản lý tốt những triệu chứng này sẽ giúp cải thiện dinh dưỡng cho người bệnh. Đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu những cách giúp người bệnh HIV/AIDS ăn uống tốt hơn.

Đọc thêm tại bài viết: Sự khác nhau giữa HIV và AIDS

1. Tăng sự thèm ăn

Người bệnh bị chán ăn có thể cố gắng tăng cảm giác thèm ăn bằng cách:

  • Vận động nhẹ nhàng hàng ngày như đi bộ, yoga, đạp xe
  • Không tiêu thụ quá nhiều chất lỏng trước và trong bữa ăn, sẽ khiến người bệnh no nhanh hơn và ăn ít thực phẩm hơn
  • Chia nhỏ các bữa ăn thành 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ trong ngày
  • Tạo môi trường ăn uống thoải mái, chế biến món ăn đẹp mắt, ngon miệng, chọn những món yêu thích

2. Giảm cơn buồn nôn và nôn

Buồn nôn và nôn mửa cũng là triệu chứng gây khó chịu của bệnh HIV/AIDS, nó khiến người bệnh không hấp thu được dinh dưỡng từ thực phẩm đã ăn trước đó, chán ăn, trào ngược dạ dày thực quản, dễ nhiễm khuẩn họng,... Để cải thiện, người bệnh có thể:

  • Không tiêu thụ quá nhiều chất lỏng trong bữa ăn
  • Tránh ăn no quá trong 1 bữa
  • Tránh các thực phẩm có mùi hoặc có vị mạnh, nồng, thực phẩm quá béo, quá cay,...
  • Khi buồn nôn có thể dùng thực phẩm giúp giảm cơn buồn nôn như: trà gừng, bánh mỳ, bánh quy,...
  • Tránh để bụng quá đói, lúc này dạ dày sẽ tiết nhiều acid dịch vị khiến cơn buồn nôn trầm trọng hơn, lời khuyên là hãy ăn nhẹ sau 1-2 tiếng

3. Giảm tiêu chảy

Tiêu chảy là triệu chứng phổ biến ở người bệnh do nhiễm khuẩn đường ruột xảy ra thường xuyên hơn. Kiểm soát triệu chứng này sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe tổng thể, hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, đỡ mất nước và điện giải khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi. Người bệnh có thể thử những cách sau để giảm tiêu chảy, bao gồm:

  • Trong giai đoạn tiêu chảy nặng, thử chế độ ăn BRAT – là viết tắt của chuối, gạo, táo và bánh mỳ nướng
  • Tránh tiêu thụ sữa và các chế phẩm sữa
  • Tránh tiêu thụ các sản phẩm chứa nhiều đường
  • Uống nhiều nước để tránh mất nước, nếu tiêu chảy nhiều lần, cần uống nước điện giải để bù lại lượng điện giải mất đi theo phân

Đọc thêm tại bài viết: 5 dấu hiệu sớm chứng tỏ bạn bị nhiễm HIV

4. Giảm khó nuốt

Bệnh nhân HIV/AIDS cũng có thể đối mặt với chứng khó nuốt do bị sưng hạch bạch huyết (chủ yếu ở cổ) và gây đau, khó nuốt. Để cải thiện triệu chứng này, người bệnh có thể thực hiện theo các bước sau:

  • Ăn thức ăn mềm, dễ nuốt
  • Tránh ăn các thức ăn giòn, cạnh sắc, cứng
  • Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, khuyến nghị ăn các thức ăn ấm hoặc mát
  • Tránh ăn thực phẩm có tính acid mạnh như chanh, cam, thực phẩm muối chua,...

5. Hạn chế sụt cân

Dinh dưỡng kém cùng các bệnh nhiễm trùng cơ hội khiến người bệnh dễ dàng sụt cân, việc này lại làm trầm trọng thêm bệnh, khiến hệ thống miễn dịch càng suy yếu hơn. Do đó, chế độ ăn uống của người bệnh cũng cần lưu ý:

  • Ăn nhiều hơn, bạn có thể chia nhỏ bữa ăn để ăn được nhiều thực phẩm hơn
  • Tập trung vào các thực phẩm bổ dưỡng, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất béo tốt, protein, trái cây và rau xanh,...

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc ăn uống, chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn đưa ra chế độ ăn uống và giải pháp thích hợp với tình trạng bệnh của bạn.

 

Bác sĩ Đoàn Hồng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm