Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Hội chứng vành cấp: những điểm cần lưu ý

Hội chứng vành cấp xảy ra khi tim không được cung cấp đủ máu. Đây là một tình trạng cấp cứu. Nó bao gồm đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim.

Mạch vành cung cấp máu giàu oxy tới cơ tim. Nếu động mạch này bị hẹp hoặc tắc nghẽn, tim sẽ không có đủ oxy; gây ra đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực không ổn định xảy ra khi dòng máu đến tim đột ngột bị giảm do hẹp động mạch vành; một cục máu đông nhỏ trong động mạch vành hoặc dòng máu chảy chậm. Thông thường thì nó không gây tổn thương cơ tim và xảy ra khi bạn nghỉ ngơi. Bạn có thể đã từng bị đau thắt ngực ổn định trước đó. Bạn sẽ biết khi nào các triệu chứng này xuất hiện, ví dụ như khi tập luyện. Đau thắt ngực ổn định thường hết khi bạn nghỉ ngơi hoặc uống thuốc. Tuy nhiên, những triệu chứng của đau thắt ngực không ổn định có thể không hết khi nghỉ ngời hoặc dùng thuốc; nó có thể xấu đi theo thời gian và xảy ra bất cứ lúc nào. Đau thắt ngực không ổn định không phải là nhồi máu cơ tim nhưng nó cảnh báo nhồi máu cơ tim có thể xảy ra nhanh chóng, vì vậy cần được điều trị ngay lập tức.

Nhồi máu cơ tim có nghĩa là động mạch vành bị tắc nghẽn và tim bị tổn thương. Không đủ máu và oxy nuôi dưỡng, một phần cơ tim bắt đầu bị hoại tử.

Bất kì loại hội chứng vành cấp nào đều rất nguy hiểm và cần được điều trị ngay lập tức.

Nguyên nhân

Hội chứng vành cấp xảy ra do dòng máu bị chậm lại hoặc dừng lại ở những mạch máu cấp máu cho tim. Hội chứng này thường do bệnh lý mạch vành của tim, là hậu quả của xơ vữa động mạch.

Xơ vữa động mạch gây ra do các mảng bám tích tụ lại thành của các động mạch vành. Mảng bám này dẫn đến đau thắt ngực do hẹp thành động mạch. Hẹp mạch dẫn đến giảm dòng máu nuôi dưỡng cơ tim. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu bị tắc nghẽn hoàn toàn.

Triệu chứng

Hãy gọi 115 hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu bạn xuất hiện các triệu chứng của hội chứng vành cấp:

  • Đau hoặc chẹn ngực, cảm giác khác thường ở ngực
  • Vã mồ hôi
  • Khó thở
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Đau, cảm giác lạ ở lưng, cổ, hàm hoặc vùng bụng trên hoặc một hay cả hai bên vai, cánh tay
  • Chóng mặt hoặc yếu, liệt đột ngột
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều

Sau khi gọi 115, các chuyên gia có thể hướng dẫn bạn uống aspirin liều thấp. Đừng cố gắng tự mình lái xe đến bệnh viện.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và hỏi các triệu chứng cũng như tiền sử của bạn. Họ cũng sẽ hỏi về tiền sử gia đình của bạn. Sau đó, bạn sẽ được cho làm một số xét nghiệm để xác định xem nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng.

Điện tâm đồ có thể cần thực hiện nếu bạn bị đau thắt ngực hoặc đã từng bị nhồi máu cơ tim. Xét nghiệm này đánh giá hoạt động điện của tim để theo dõi nhịp tim của bạn. Một vài miếng dán nhỏ sẽ được gắn lên ngực và các vị trí khác trên cơ thể. Chúng kết nối với một máy để ghi ra các tín hiệu trên giấy. Bác sĩ sẽ tìm một số thay đổi trên phiếu điện tim để biết tim của bạn không được cấp máu đầy đủ hoặc bạn đang bị nhồi máu cơ tim.

Xét nghiệm máu được sử dụng để tìm sự tăng men tim – là những chất được giải phóng ra khi cơ tim bị tổn thương.

Trong một số trường hợp, bạn có thể cần chụp xạ hình tưới máu cơ tim để tìm ra vùng cơ tim bị thiếu máu hoặc kiểm tra những vị trí bị tổn thương sau nhồi máu cơ tim.

Điều trị

Nếu bạn gọi 115, điều trị sẽ bắt đầu được tiến hành với aspirin và một số thuốc khác.

Ở bệnh viện, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp để tái tưới máu cơ tim ngay lập tức. Bạn có thể cần uống các thuốc để phá vỡ hoặc ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Hoặc uống nitroglycerin và các thuốc khác để làm mở rộng lòng mạch, giúp tăng tưới máu và giảm các triệu chứng, ví dụ như đau ngực hoặc chẹn ngực. Bạn cũng có thể được dùng thuốc giảm đau và thở oxy.

Các kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ quyết định điều trị thêm. Nếu bạn bị nhồi máu cơ tim, bạn có thể sẽ cần sử dụng thuốc để phá vỡ các cục máu đông hoặc nong mạch vành (thường sử dụng stent) hoặc phẫu thuật bắc cầu chủ - vành để cải thiện lưu thông máu đến tim. Nếu bạn bị đau thắt ngực không ổn định, bạn có thể sẽ cần sử dụng thuốc nhưng cũng có thể vẫn cần đến nong mạch vành.

Sau khi bạn được xuất viện, bạn sẽ cần tiếp tục sử dụng thuốc để giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Các thuốc này bao gồm thuốc chẹn beta, aspirin hoặc các thuốc khác nhằm ngăn ngừa hình thành cục máu đông, thuốc hạ áp và các thuốc nhóm statin để kiểm soát cholesterol máu.

Phòng bệnh

Thay đổi lối sống có thể giúp phòng ngừa bệnh tim mạch gây ra hội chứng vành cấp. Nếu bạn đã có bệnh tim, lối sống tốt cho tim mạch đi kèm với sử dụng thuốc có thể phòng ngừa nhồi máu cơ tim:

  • Chế độ ăn tốt cho bệnh tim mạch, bao gồm nhiều rau củ, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc
  • Duy trì cân nặng hợp lí, giảm cân nếu cần
  • Hoạt động: bác sĩ sẽ giới thiệu cho bạn mức độ luyện tập phù hợp với bạn
  • Không hút thuốc lá
  • Kiểm soát các bệnh lý tiểu đường, cao huyết áp và cholesterol cao
  • Giảm căng thẳng: căng thẳng có thể gây ra tổn thương tim
  • Uống Aspirin hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ
Bình luận
Tin mới
  • 02/04/2025

    Nâng cao tầm vóc Việt

    Tầm vóc không chỉ là thước đo chiều cao đơn thuần mà còn phản ánh sức khỏe và sự phát triển toàn diện của một dân tộc. Tuy nhiên, thực trạng chiều cao của người Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế so với bạn bè quốc tế

  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

  • 29/03/2025

    Tại sao bạn bị đau bụng khi chạy?

    Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.

Xem thêm