Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Glycomark – xét nghiệm mới trong theo dõi kiểm soát đường huyết

Glycomark là một xét nghiệm định lượng phân tử 1,5-anhydroglucitol (gọi tắt là 1,5 AG) trong máu, được phát hiện vào năm 1880 và sau đó được một công ty Nhật Bản phát triển trở thành một loại xét nghiệm.

1,5-AG là một loại đường tự nhiên tìm thấy trong hầu hết các thực phẩm. Cơ thể không tự sản xuất 1,5-AG, vì vậy mà nó hầu như không thay đổi. Ở người bình thường, 1,5-AG và glucose đi tới thận, hầu hết được tái hấp thu hoàn toàn khi dưới ngưỡng 180 mg/dL. Do đó chúng trở lại vào trong máu và không xuất hiện trong nước tiểu.

Cơ thể duy trì gần như ổn định 1,5-AG, bởi vì khi có một lượng 1,5-AG ăn vào thì có một lượng gần như tương đương được bài tiết qua nước tiểu. Glucose và 1,5-AG cạnh tranh nhau để được tái hấp thu. Điều này đồng nghĩa với khi glucose máu tăng thì 1,5-AG máu giảm và khi 1,5-AG tăng thì glucose máu giảm.

Đo 1,5-AG trong máu được sử dụng ở những bệnh nhân đái tháo đường, có tiền sử glucose máu cao, để xác định sự biến đổi glucose máu ngay cả khi các xét nghiệm HbA1C và glucose máu bình thường.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng, ở những người tiểu đường nồng độ 1,5-AG giảm trong máu và thậm chí giảm hơn khi nồng độ đường máu ở những người này đang ở mức cao.

Cuối những năm 1970, HbA1C được giới thiệu là một xét nghiệm giúp theo dõi kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường, và nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và kiểm soát đường huyết. HbA1C cho phép ta biết được nồng độ đường máu trung bình 3 tháng trước đó của ta là bao nhiêu? Như chúng ta đã biết, giá trị trung bình có thể không phản ánh đúng, bị đánh lạc hướng bởi giá trị cao và giá trị thấp, cho ra kết quả trung bình ở mức giữa.

1,5-AG lần đầu tiên được chú ý tới tại Mỹ, sau khi một nghiên cứu được công bố trên tạp trí Diabetes Care 2006, đã chỉ ra tính ứng dụng của 1,5-AG trên một người có độ biến động đường máu lớn trong 2 tuần trước đó. Và xét nghiệm này được sử dụng rộng rãi ở Châu Á, và trở thành một chỉ số quan trọng trong kiểm soát đường máu.

Khác với % HbA1C, Glycomark có giá trị càng cao càng tốt. Mục tiêu Glycomark cần đạt ở người đái tháo đường là > 10 µg/mL. Các chuyên gia chỉ ra thêm rằng:

  • Với Glycomark = 10 µg/mL tương đương với lượng đường máu sau bữa ăn trung bình hàng ngày trong 1-2 tuần khoảng 185 mg/dL.
  • Với Glycomark = 12 µg/mL tương đương với lượng đường máu sau bữa ăn trung bình hàng ngày trong 1-2 tuần khoảng 180 mg/dL.
  • Và ở mức thấp Glycomark < 2 µg/mL có nghĩa là lượng đường máu trung bình hàng ngày đã vượt trên 290 mg/dL. Vì vậy, Glycomark giảm đồng nghĩa với glucose máu tăng.

Tại sao bạn cần quan tâm tới Glycomark?

Glycomark thực sự hữu ích trong việc đánh giá hiệu quả điều trị, xem cơ thể có đáp ứng với thuốc hay không, bởi nó cho thấy sự thay đổi trong khoảng 2 tuần khi thuốc bắt đầu được sử dụng. Nó cũng là công cụ cần thiết giúp bác sỹ phân loại bệnh nhân của mình, bởi ngay cả khi HbA1C trong tầm kiểm soát thì một số bệnh nhân có nhiều đỉnh cao và đỉnh thấp cũng không phải là tốt.

Đối với những người tiểu đường type 1 phụ thuộc insulin, không có sự giảm đường huyết bất thường nào, thì giá trị Glycomark không lớn. Tuy nhiên, nó vẫn có thể ứng dụng vào việc đánh giá lượng đường huyết sau ăn khi sử dụng một loại thuốc mới.

Và hiện nay, có một số nghiên cứu sử dụng giá trị kết hợp giữa Glycomark và HbA1c để dự báo bệnh đái tháo đường ở những người có nguy cơ.

Một số lưu ý cần nhớ về xét nghiệm Glycomark

  • Với những bệnh nhân suy thận, kết quả xét nghiệm không phản ánh chính xác
  • Giá trị bình thường thay đổi giữa các dân tộc khác nhau, ví dụ như người Châu Á, thói quen dùng đậu nành ảnh hưởng tới phép đo
  • Khoảng giá trị bình thường ở các phòng xét nghiệm khác nhau là khác nhau

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Xét nghiệm HbA1c cho bệnh nhân tiểu đường

 

Lê Văn Công - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (theo Healthline, Dovemed)
Bình luận
Tin mới
Xem thêm