Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giúp con nói "KHÔNG" với việc sử dụng chất kích thích

Lạm dụng chất kích thích ở thanh thiếu niên đang ngày càng gia tăng, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Để giải quyết vấn đề nhức nhối này, việc cha mẹ thảo luận cởi mở với con về tác hại của chất kích thích và đề cao lối sống lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích ở tuổi vị thành niên có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, cản trở sự phát triển toàn diện.

Đâu là lý do khiến trẻ vị thành niên sử dụng chất kích thích?

Quyết định sử dụng chất kích thích của mỗi thanh thiếu niên có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Theo Tổ chức phi lợi nhuận Gobi (Mỹ), sau khi hỗ trợ nhiều gia đình và thanh thiếu niên, họ đã thu thập được các lý do sử dụng chất kích thích từ chính các em, bao gồm:

  • Giảm stress và giải tỏa căng thẳng

  • Chống lại sự buồn chán

  • Kiểm soát, trốn tránh cảm xúc

  • Tìm kiếm cảm giác mạo hiểm

  • Cảm thấy vui vẻ và thông minh hơn

  • Dễ dàng kết bạn

Hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng chất kích thích ở tuổi vị thành niên

Sử dụng chất kích thích ở tuổi vị thành niên có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của các em. Dưới đây là một số hậu quả phổ biến mà các bậc phụ huynh và thanh thiếu niên cần lưu ý:

1. Nghiện chất kích thích

Đây là mối nguy hiểm lớn nhất khi sử dụng chất kích thích. Chất kích thích có thể gây ra phụ thuộc về thể chất và tâm lý, khiến người dùng khó cai nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng kiểm soát hành vi.

2. Sa sút trong học tập

Việc sử dụng chất kích thích ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tập trung, ghi nhớ và học tập của thanh thiếu niên, dẫn đến kết quả học tập giảm sút, thậm chí bỏ học.

3. Rối loạn tâm thần

Sử dụng chất kích thích trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tâm thần như trầm cảm, lo âu, hoang tưởng, rối loạn tâm thần phân liệt, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và khả năng hòa nhập xã hội.

4. Dẫn đến những hành vi nguy hiểm

Chất kích thích có thể khiến thanh thiếu niên đưa ra những quyết định sai lầm, thiếu tỉnh táo, dẫn đến các hành vi nguy hiểm như lái xe khi đã sử dụng chất kích thích, quan hệ tình dục không an toàn, tham gia vào các băng nhóm tội phạm.

5. Vấn đề sức khỏe

 Sử dụng chất kích thích có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tổn thương não, gan, phổi, tim mạch, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tuổi thọ.

6. Tử vong

 Sử dụng chất kích thích quá liều có thể dẫn đến hôn mê, tổn thương não và thậm chí tử vong.

Phụ huynh hãy khuyến khích con mở lòng mình để vượt qua các cám dỗ của chất kích thích.

Phụ huynh hãy khuyến khích con mở lòng mình để vượt qua các cám dỗ của chất kích thích.

Cha mẹ làm sao để trở thành lá chắn bảo vệ con khỏi chất kích thích?

Nhiều bậc phụ huynh thường cảm thấy khó khăn khi nói chuyện với con cái ở tuổi vị thành niên về vấn đề sử dụng chất kích thích.

Tuy nhiên, đây là một chủ đề quan trọng cần được thảo luận cởi mở để bảo vệ con khỏi những tác hại tiềm ẩn. Để có một cuộc trò chuyện hiệu quả, phụ huynh cần lưu ý:

1. Khuyến khích con chia sẻ quan điểm

Hãy để con cảm thấy thoải mái khi chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình về vấn đề này, tránh áp đặt quan điểm hoặc phán xét con. Phụ huynh cũng nên dành thời gian để lắng nghe con một cách chăm chú và không ngắt lời, điều này thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu của bạn đối với những gì con bạn đang nói.

2. Thảo luận về tác hại của việc sử dụng chất kích thích

Thay vì sử dụng những lời đe dọa hay cảnh báo đáng sợ, phụ huynh có thể tập trung vào việc giải thích những tác hại thực tế của việc sử dụng chất kích thích. Nêu ra những ví dụ cụ thể về cách sử dụng chất kích thích có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của con, chẳng hạn như sức khỏe, học tập, các mối quan hệ và tương lai của con (Hãy giải thích mọi thứ một cách đơn giản và dễ hiểu).

Phân tích thông điệp của truyền thông

Cùng con thảo luận về những thông điệp sai lệch hoặc gây hiểu lầm về việc sử dụng chất kích thích mà con có thể tiếp xúc. Từ đó khuyến khích con suy nghĩ phản biện và tự đánh giá tính chính xác của thông tin mà chúng tiếp nhận.

Chia sẻ trải nghiệm của bản thân (nếu có)

Nếu bạn đã từng sử dụng chất kích thích trong quá khứ, hãy chia sẻ với con bạn về trải nghiệm của bạn một cách trung thực. Giải thích lý do tại sao bạn chọn không sử dụng chất kích thích nữa. Nhấn mạnh những bài học quý giá mà bạn đã học được từ những trải nghiệm đó.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên quan tâm đến các hoạt động của con; làm quen với bạn bè của con; thiết lập các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng chất kích thích và đảm bảo con bạn hiểu rõ những quy tắc đó; làm gương cho con về lối sống lành mạnh hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia nếu cần thiết...

Hãy nhớ rằng, giao tiếp cởi mở và thường xuyên là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ tin tưởng với con bạn và giúp con tránh xa những tác hại của việc sử dụng chất kích thích.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 10 dấu hiệu âm thầm cho thấy trẻ vị thành niên lạm dụng chất kích thích.

Việt An - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
  • 14/07/2025

    Bài tập tốt nhất cho chứng đau thắt lưng

    Đau thắt lưng là một trải nghiệm phổ biến đối với nhiều người. Nó thường có thể dẫn đến đau, ngứa ran hoặc tê ở phần thân dưới. Có nhiều nguyên nhân gây đau thắt lưng, phổ biến nhất bao gồm căng cơ, tư thế xấu và tuổi tác.

  • 13/07/2025

    Lựa chọn trang phục và phụ kiện chống nắng hiệu quả cho thanh thiếu niên

    Mùa hè đến mang theo cái nắng gay gắt, đặc biệt tại Việt Nam – nơi khí hậu nhiệt đới khiến bức xạ tia cực tím (UV) đạt mức cao trong nhiều tháng. Đối với thanh thiếu niên lứa tuổi năng động, thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời như thể thao, dã ngoại hay đi học việc bảo vệ làn da và sức khỏe trước tia UV là vô cùng cần thiết.

  • 12/07/2025

    Chất tạo ngọt nhân tạo làm thúc đẩy cơn đói, khiến bạn ăn nhiều hơn

    Một nghiên cứu mới đã tìm hiểu cách thức sucralose, một chất tạo ngọt không calo, ảnh hưởng đến các tín hiệu não bộ liên quan đến cảm giác đói.

  • 11/07/2025

    Những dấu hiệu của tình yêu thái quá và cách xử lý

    Việc ai đó thể hiện tình cảm với bạn có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ và phấn khích khi bạn đang trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ mới. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân biệt sự mới lạ của một mối quan hệ mới với các hành vi thái quá.

  • 10/07/2025

    Vận động cùng con - giải pháp gắn kết tình cảm gia đình

    Trong cuộc sống hiện đại, khi thời gian dành cho gia đình ngày càng bị thu hẹp bởi công việc và các thiết bị điện tử, việc tìm kiếm một hoạt động vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp gắn kết tình cảm cha con trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

  • 10/07/2025

    Cách phòng tránh và xử trí khi trẻ bị cháy nắng

    Những ngày hè đầy nắng là thời điểm lý tưởng để đưa trẻ ra ngoài chơi, đi biển, cắm trại, picnic,... Tuy nhiên, dành quá nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời có thể khiến trẻ dễ bị cháy nắng. Cháy nắng nặng không chỉ gây khó chịu mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về da cho trẻ. Cùng đọc bài viết sau đây để biết cách phòng tránh và xử trí khi trẻ bị cháy nắng.

  • 09/07/2025

    Đau đầu do thời tiết nóng bức: Nguy cơ tiềm ẩn và giải pháp phòng ngừa hiệu quả

    Mùa hè mang theo những ngày nắng kéo dài, không khí oi bức và nền nhiệt độ cao, tạo nên nhiều thách thức đối với sức khỏe con người. Một trong những ảnh hưởng phổ biến nhưng ít được chú ý là tình trạng đau đầu do nóng.

  • 08/07/2025

    Các nguồn cung cấp chất béo cho cơ thể

    Chất béo là một trong ba nhóm dưỡng chất thiết yếu, cùng với carbohydrate và protein, có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể con người.

Xem thêm