Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ghép gan điều trị ung thư: Một thách thức của y học

Ung thư gan hay ung thư gan nguyên phát là loại bệnh ung thư trong đó các tế bào ác tính phát sinh từ các mô trong gan, thường do hậu quả của xơ gan và viêm gan.

Ghép gan điều trị ung thư: Một thách thức của y học

Phương pháp điều trị lý tưởng nhất hiện nay là ghép gan để đồng thời loại bỏ được khối u gan, gan xơ và  được thay bằng gan lành mới.  Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị mới, khó và chỉ định chặt chẽ trên từng bệnh nhân cụ thể.

Bệnh nhân ung thư gan nào được điều trị phương pháp ghép gan?

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Thịnh - Chủ nhiệm khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (TƯQĐ 108), bệnh nhân ung thư gan cần được thăm khám kỹ lưỡng, hoàn thiện các xét nghiệm cận lâm sàng chuyên khoa, chỉ định điều trị ghép gan thông qua tiểu ban ung thư hội chẩn phục vụ ghép gan và chỉ khoảng 10% số bệnh nhân ung thư gan tại thời điểm phát hiện bệnh có thể tham gia phương pháp điều trị này.

Để được ghép gan thì bệnh nhân ung thư gan cần phải được phát hiện sớm, nằm trong tiêu chuẩn Milan. Tức là bệnh nhân có 1 khối u gan dưới 5cm hoặc không quá 3 khối u gan nhỏ hơn 3cm, chưa xâm lấn tại chỗ vào hệ thống tĩnh mạch gan, chưa có di căn xa. Đây được gọi là ung thư gan giai đoạn sớm, khi ghép gan sẽ mang lại cơ hội sống thêm 5 năm ước tính khoảng 70 - 80%. Vì vậy, phát hiện sớm bệnh là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để thành công trong ghép gan. Đối với ung thư gan thứ phát, tổ chức ung thư từ cơ quan khác di căn đến gan thì không chỉ định điều trị ghép gan.

Ghép gan điều trị ung thư

Các bác sĩ Bệnh viện 108 đang thực hiện một ca ghép gan.

Hiện nay, tỷ lệ thành công của những ca phẫu thuật ghép gan là rất cao. Bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường trong vòng sáu tháng. Tuy nhiên, ung thư gan tại Việt Nam thường phát hiện ở giai đoạn muộn, không thể chỉ định điều trị triệt căn hay ghép gan, do đó nhiều trường hợp bệnh nhân có đủ điều kiện kinh tế cho ghép gan thì cũng không thể tiến hành được.

Những khó khăn khi tiến hành phẫu thuật ghép gan

PGS. Thịnh cho biết, việc thực hiện ghép gan hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Trước hết, đó là tình trạng thiếu tạng ghép và chi phí cho ca ghép gan rất lớn. Đồng thời sau ghép gan bệnh nhân còn phải dùng thuốc chống thải ghép cũng khá tốn kém, nên không phải bệnh nhân nào cũng đủ khả năng tài chính để lựa chọn phương pháp này.

Việc khan hiếm tạng ghép từ người cho chết não khiến bệnh nhân phải nằm trong danh sách chờ ghép. Trong thời gian chờ đợi, bệnh ung thư gan vẫn tiến triển và có thể bị tuột ra khỏi danh sách ghép gan vì bệnh nhân chưa kịp nhận được gan mới để thay thế gan của mình thì giai đoạn bệnh đã muộn hoặc đã tử vong. Do đó phải áp dụng các phương pháp điều trị tiến bộ khác để giữ được bệnh nhân tới khi nhận được mảnh ghép. Các tiến bộ điều trị ung thư gan cũng khá tốn kém, đó là: Đốt nhiệt sóng cao tần, tiêm ethanol qua da, kỹ thuật xạ trị chiếu trong chọn lọc… và gần đây nhất là xạ trị định vị thân mới được triển khai năm 2018 tại Bệnh viện TƯQĐ 108.

Ngoài ra, ngay sau khi ghép gan, một số bệnh nhân phải đối diện với biến chứng nhiễm trùng - nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Vậy nên người bệnh cần phải được theo dõi kỹ trong suốt cuộc đời về việc thải ghép của gan. Ghép gan trong ung thư cũng khác với ghép gan không ung thư (với người bị xơ gan). Bởi ghép gan do xơ gan, sau khi ghép bệnh nhân chỉ cần được theo dõi và dùng thuốc. Còn ghép gan do ung thư ngoài theo dõi chặt chẽ còn phải tầm soát ung thư và vẫn có nguy cơ bị ung thư tái phát.

Ghép gan có tác dụng phụ gì?

Cũng như tất cả các phương pháp ghép tạng khác, sau khi ghép gan điều trị ung thư gan, bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị và ngăn ngừa thải ghép. Tất cả các thuốc chống thải ghép đều mang lại tác dụng phụ riêng. Trong đó, nhóm corticoid gây tác dụng phụ lớn nhất: Giữ nước, làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường, loãng xương, tăng huyết áp… Một số thuốc gây nhức đầu, run cơ, tiêu chảy, căng thẳng thần kinh, nôn ói, tăng kali và đường trong máu, rối loạn chức năng thận. Các thuốc chống thải ghép ức chế hệ miễn dịch nên bệnh nhân có thể bị các nhiễm khuẩn khác.

Ghép gan điều trị ung thư

Mô phỏng ghép gan thùy trái cho trẻ em (ảnh trên) và thùy phải cho người lớn (ảnh dưới).

Gan được ghép phải là gan lành không bị bệnh, gan này sẽ được lấy từ người chết não. Một đòi hỏi quan trọng là gan của người cho phải có kích thước thích hợp với người nhận và máu của người cho và người nhận phải phù hợp với nhau. Hoặc cũng có thể gan được lấy từ người cho sống khỏe mạnh. Cha mẹ, anh chị em, họ hàng có thể cho gan cho các thành viên trong gia đình. Người lạ cũng có thể cho gan với điều kiện gan của người cho phải tương xứng với người nhận.

Sau ghép gan, bệnh nhân cần làm gì?

Hầu hết bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường hoặc gần bình thường sau ghép gan. Họ có thể tham gia hoạt động thể lực từ 6 - 12 tháng sau ca ghép thành công. Tuy nhiên, như trên đã đề cập đến vấn đề theo dõi sau ghép gan đến suốt đời. Cụ thể là:

Khám định kỳ tại trung tâm ghép gan. Xét nghiệm máu theo dõi định lượng thuốc thải ghép và chức năng gan thận theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh nhân sau ghép gan do phải dùng thuốc, nên hệ thống miễn dịch bị ức chế, do đó cần tránh với các nguy cơ gây nhiễm trùng. Khi xuất hiện dấu hiệu bị bệnh, cần báo ngay bác sĩ và dùng thuốc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sau ghép gan vẫn có thể thụ thai và sinh con, nhưng phải được theo dõi chặt chẽ vì dễ bị sinh non. Ngoài ra, do phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, nên không được nuôi con bằng sữa mẹ.

Cần chú ý đến chế độ ăn uống điều độ và phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và tầm soát ung thư tái phát.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Hiểu thêm về cấy ghép gan

Trọng Nhân - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

  • 18/04/2024

    Vì sao không nên tập thể dục khi vẫn còn lớp trang điểm?

    Makeup đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều chị em. Nhiều người thậm chí cả đi tập thể dục cũng không quên trang điểm. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại cho da.

  • 18/04/2024

    Dị ứng có nên giữ con bạn ở nhà?

    Bệnh dị ứng của con bạn có khiến trẻ phải nghỉ học hoặc cản trở chuyến đi chơi của gia đình không? Mỗi ngày, 10.000 trẻ em ở Hoa Kỳ phải nghỉ học vì các triệu chứng dị ứng.

  • 18/04/2024

    CDC Mỹ cảnh báo về vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu hiếm gặp

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa đưa ra cảnh báo về một chủng vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não mô cầu hiếm gặp đang gia tăng ở Mỹ.

Xem thêm