Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Dinh dưỡng cho trẻ nhanh hồi phục sau ốm

Trẻ ốm ngoài điều trị thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc, người mẹ cần phải chú ý chăm sóc và cho trẻ ăn uống đầy đủ để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Dinh dưỡng đặc thù khi trẻ ốm

Theo cuốn Dinh dưỡng thường thức trong gia đình, Viện Dinh dưỡng, khi trẻ ốm thường chán ăn nên dễ sụt cân và có thể bị suy dinh dưỡng. Do trẻ mệt mỏi, chán ăn nên cần cho trẻ ăn thành nhiều bữa hơn với thức ăn loãng hơn và mỗi bữa cho trẻ ăn cần nhiều thời gian hơn.

Đối với trẻ dưới 6 tháng đang bú mẹ, vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường, tăng số lần bú và thời gian mỗi lần bú kéo dài hơn vì trẻ mệt, khả năng mút vú của trẻ kém hơn. Đối với trẻ bị tắc mũi hoặc mệt quá không bú được thì người mẹ cần vắt sữa ra và cho trẻ ăn bằng thìa.

Trẻ từ 6 tháng trở lên, ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm nhiều bữa và từng ít một với các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, sữa, cá… và cho thêm dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, loãng hơn bình thường để dễ tiêu hóa. Cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh và giảm nguy cơ bội nhiễm. Cho trẻ ăn thêm quả chín hay nước quả chín như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ… để tăng cường vitamin và chất khoáng.

Dinh dưỡng cho trẻ nhanh hồi phục sau ốm - Ảnh 2.

Trẻ ốm cần được chăm sóc dinh dưỡng đúng cách.

Sau khi khỏi ốm, để giúp trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 2 bữa trong 2 tuần liền. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì phải cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa và kéo dài tối thiểu là 1 tháng.

Một số điểm chú ý về chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ ốm: Cho trẻ ăn nhiều bữa hơn với số lượng mỗi bữa ít hơn. Khi trẻ ốm không cần kiêng khem các loại thực phẩm như tôm, cá, dầu mỡ và rau xanh. Khi trẻ ốm cần cho trẻ uống nhiều nước, nhất là đối với trẻ bị tiêu chảy. Súp, nước cháo muối, dung dịch Oresol chỉ là các dịch để bù nước, không nên coi là thức ăn vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

Trẻ bị tiêu chảy tránh cho ăn các thức ăn có nhiều đường, nước ngọt có ga vì có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Đồng thời cần tránh các thức ăn có nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt như ngô đỗ gây khó tiêu.

Khi trẻ ốm người mẹ và gia đình cần dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc, dỗ dành trẻ ăn được nhiều. với trẻ bị viêm nhiễm hô hấp, sổ mũi gây khó thở cần làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng bông gạc để giúp trẻ bú mẹ và ăn uống dễ dàng. Gia đình cần tập trung quan tâm chăm sóc trẻ khi trẻ ốm, như trẻ sốt phải theo dõi nhiệt độ hay trẻ bị  tiêu chảy thì cần theo dõi số lần đi ngoài, như vậy gia đình sẽ sớm phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Đối với các bé bị sốt kèm ho và viêm họng thường dễ bị kích ứng gây nôn, trớ, nên ưu tiên cháo, súp vì đây là những món mềm. Bên cạnh đó, cho các bé uống sinh tố hoa quả, nước ép trái cây. Khi các con bị ốm kèm viêm họng, để bé tránh bị nôn trớ, các mẹ không nên ép con ăn, hoặc cho con ăn quá no. Nên chia nhỏ bữa ăn và tránh các tác nhân khiến các bé khóc. Đặc biệt, cha mẹ nên rửa sạch đờm dãi trước khi cho con ăn để tránh gây kích ứng làm cho bé bị nôn, trớ.

Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho bé

Trên thực tế, trẻ vừa mới trải qua một thời kỳ khó khăn, mệt mỏi vì phải chống đỡ lại bệnh tật. Cơ thể bé còn yếu và mọi cơ quan, chức năng, tất nhiên không loại trừ cả hệ tiêu hóa của trẻ cũng còn đang rất mệt mỏi và ít hoạt động. Trẻ lúc này thường không có cảm giác thèm ăn, ngại ăn những loại thực phẩm rắn và lười tiêu hóa.

Để trẻ ăn ngon miệng và đủ chất dinh dưỡng, nên chiều theo ý muốn ăn uống của con, cho con ăn những món con ưa thích, mục đích là để kích thích trẻ có cảm giác muốn được ăn, thèm ăn. Tuy nhiên, những món ăn đó cần lành mạnh, không quá ảnh hưởng tới dạ dày và sự tiêu hóa của trẻ.

Để bé có bữa ăn ngon, người chăm sóc trẻ phải biết cách chế biến thức ăn, nếu chỉ cho ăn nước thịt, nước xương, nước rau luộc thì dù ăn đủ số bữa trẻ vẫn suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu. Vì vậy ngay cả khi bé ốm vẫn phải cho trẻ ăn cả cái, kể cả rau xanh. Trẻ càng nhỏ thì thức ăn càng phải xay nhỏ, băm nhỏ, giã nhỏ.

Muốn biết trẻ đã được ăn uống đúng và đủ chưa, cần theo dõi cân nặng của trẻ trên biểu đồ phát triển, nếu trẻ lên cân đều đặn tương ứng với kênh A trên biểu đồ là trẻ đã được nuôi dưỡng tốt. Còn không lên cân, hoặc tụt cân thì có thể trẻ bị bệnh hoặc nuôi dưỡng không đúng. Cần tìm nguyên nhân can thiệp sớm.

Ngoài ăn, bạn cũng nên lưu ý chuẩn bị và cho bé uống nước thường xuyên. Có những bé sẽ thích uống sữa, có bé lại bị nôn mửa khi uống. Có thể cho bé uống thay đổi các loại nước như: nước trắng, nước trái cây hoặc sữa tùy theo ý thích của bé nhưng không nên cho bé uống nước ngọt có ga.

Sau ốm, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các vi chất dinh dưỡng vừa có tác dụng kích hoạt rất nhiều enzyme tiêu hóa , vừa có tác dụng kích thích giúp bé thèm ăn ngay như bổ sung Protease, lysin, kẽm, tinh chất men bia…

Do đó, trẻ mới ốm dậy cần được bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ. Việc hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể cần rất nhiều các Acid amin, các Vitamin thiết yếu, các khoáng chấ. Các vi chất cần bổ sung là vitamin nhóm B, vitamin A, vitamin D, Taurin, các nguyên tố vi lượng như Canxi, sắt, kẽm, selen…

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con bú thế nào là hợp lý?

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm