Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Cho trẻ dùng bột ăn dặm lúc 4 tháng tuổi để làm quen có thể gây hại đến hệ tiêu hóa

Việc sử dụng các loại bột ăn dặm lúc 4 tháng tuổi để làm quen là hoàn toàn không có cơ sở khoa học, thậm chí còn gây hại cho trẻ bởi trước 6 tháng, hệ tiêu hóa của trẻ chưa sẵn sàng để tiếp thu những chất khác.

Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết, trên thị trường có nhiều loại bột ăn dặm được quảng cáo dùng được cho trẻ từ 4 tháng nhằm giúp làm quen với việc ăn dặm. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng, không cần thêm bất kỳ loại thực phẩm nào khác.

Khi tròn 6 tháng, bước sang tháng thứ 7, bố mẹ mới nên bắt đầu cho bé ăn dặm. Như vậy, việc sử dụng các loại bột ăn dặm này như kiểu làm quen là hoàn toàn không có cơ sở khoa học và thậm chí còn gây hại cho trẻ bởi trước 6 tháng, hệ tiêu hóa của trẻ chưa sẵn sàng để tiếp thu những chất khác.

Hơn nữa, các loại bột ăn dặm này đều có bổ sung muối, đường và các chất bảo quản, không tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của bé. Bố mẹ nên nấu thức ăn cho con để đảm bảo tươi ngon và bổ dưỡng, không nên dùng các loại bột ăn dặm cho bé.

Cho trẻ dùng bột ăn dặm lúc 4 tháng tuổi để làm quen có thể gây hại đến hệ tiêu hóa - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Thời điểm 6 tháng tuổi có thể chưa có răng hoặc chỉ có 1-2 cái. Tuy nhiên, lợi của bé rất cứng chứ bởi bên dưới lợi của bé đã có mầm răng, chỉ là chưa nhú lên mà thôi. Vì vậy, lợi của bé rất lợi hại trong việc nghiền thức ăn.

Tuy nhiên, lợi của bé có thể nhai được nhưng cũng rất khó cho bé xử lý thức ăn cứng và dai, có thể làm tổn thương lợi. Bố mẹ nên chọn thức ăn có độ cứng và dai phù hợp với bé để giúp bé học kỹ năng nhai dễ dàng, nhanh hơn. Bố mẹ nên nấu thức ăn hơi kỹ một chút để thức ăn có thể mềm hơn đế bé dễ nghiền thức ăn hơn. Các thực phẩm dai như thịt bò, thịt lợn, bố mẹ nên băm nhỏ, làm thịt viên thì bé sẽ dễ nhai hơn.

Các bác sĩ tại đây cũng cho biết, trước 1 tuổi, sữa là thức ăn chính cho bé, chứ không phải là ăn dặm. Nguồn dinh dưỡng chính bé nhận được là từ sữa, bé chỉ nhận được một phần dinh dưỡng rất ít từ ăn dặm. Thời kỳ 3 tháng đầu tiên là 6-9 tháng là thời kỳ bé tập làm quen với ăn dặm, lượng ăn khuyến cáo là rất ít vì cơ thể bé cần thời gian để làm quen.

Ở thời kỳ này, bé có thể ăn rất rất ít cũng không ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng mà bé nhận được nếu bé vẫn uống sữa đầy đủ. Theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật thời kỳ trước 9 tháng lượng ăn dặm chỉ nên chiếm 30% và lượng ăn theo khuyến cáo là cháo từ 50-80ml. Rau củ 20-30ml, đạm 10-15ml, tổng tất cả khoảng 100ml mỗi ngày, chỉ bằng khoảng 1 chén cháo con.

Thời kỳ trước 1 tuổi lượng thức ăn khuyến cáo tổng cũng chỉ khoảng 150ml. Điều này hoàn toàn khác với suy nghĩ của rất nhiều bố mẹ là từ khi con bắt đầu ăn dặm đã phải ăn nhiều, chuyển sang thời kỳ ăn dặm có nghĩa là ăn dặm là chính. Nếu bố mẹ muốn bé tăng cân mà cho bé ăn dặm nhiều, ít sữa đi là hoàn toàn sai lầm. Bé không những không thể tăng cân mà còn có thể bị thiếu hụt chất nếu uống sữa quá ít.

Hầu hết các bé trong thời kỳ 6-12 tháng đều tăng cân chậm lại do lúc này các bé đã bắt đầu biết ngồi, bò, vận động nhiều hơn, thích hóng chuyện và khám phá nhiều hơn là ăn uống. Các bé đã có thời kỳ 6 tháng trước vận động ít, khám phá ít nên đã tích lũy rất nhiều năng lượng cho thời kỳ này, bố mẹ không cần quá lo lắng. Vì thế, bố mẹ không nên ép bé ăn dặm nhiều để tăng cân, sẽ gây những tổn thương sau này cho hệ tiêu hóa của trẻ và khiến trẻ biếng ăn, sợ ăn.

Sau 1 tuổi, nếu bé uống sữa nhiều, ăn dặm ít lại là một vấn đề vì lúc này dinh dưỡng chủ yếu bé nhận được là từ thức ăn, chứ không phải từ sữa. Nhiều bố mẹ có quan điểm rất sai lầm là trước 1 tuổi thì cố gắng bắt con ăn dặm thật nhiều, uống ít sữa để bụng còn ăn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Thời điểm phù hợp nhất nên cho trẻ ăn dặm.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm