Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Chế độ dinh dưỡng cân bằng cho người đái tháo đường

Không có một công thức bữa ăn nào phù hợp cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) mà tùy từng thể trạng, cân nặng và mức độ tiêu hao năng lượng từng người sẽ có một chế độ ăn khác nhau.

Trước đây, bệnh nhân ĐTĐ thường ăn kiêng quá mức dẫn tới tình trạng thiếu chất lâu dài hoặc có thể gây hạ đường huyết đột ngột cũng rất nguy hiểm. Với quan điểm mới hiện nay thì người bệnh cần có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.

che-do-dinh-duong-can-bang-cho-nguoi-dai-thao-duong-1

Người đái tháo đường cần bổ sung sữa chua, sữa tươi không đường giàu vitamin và khoáng chất.

Chế độ ăn đa dạng

Về nguyên tắc thì không có bất cứ loại thức ăn nào bị cấm đối với bệnh nhân ĐTĐ. Một chế độ ăn đa dạng, đầy đủ từ nhiều nguồn thức ăn sẽ cung cấp đủ chất giúp cơ thể hoạt động bình thường. Với bệnh nhân ĐTĐ là trẻ em lại càng cần một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ của các bé.

Bữa ăn phải có đầy đủ các chất: chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ và chất khoáng để đảm bảo sức khỏe của người bệnh. Các chất bột là nguồn năng lượng cho cơ thể hoạt động; chất đạm giúp cho các tế bào, các mô của các cơ quan, bộ phận của cơ thể phát triển; chất béo (mỡ) cho nhiều năng lượng và giúp hấp thu một số vitamin. Còn ăn hoa quả để có đủ vitamin và muối khoáng.

Lượng thức ăn phải tùy theo cân nặng và mức độ hoạt động thể lực của người bệnh.

Lựa chọn những thực phẩm ít làm tăng đường huyết

Nhìn chung, bệnh nhân ĐTĐ nên hạn chế những thực phẩm làm tăng đường huyết như: bánh kẹo ngọt, nước giải khát có đường, bánh mì, nhãn, vải, mít... Nên chọn và ăn nhiều thực phẩm ít làm tăng đường huyết, nhiều chất xơ như: rau xanh, hoa quả ít ngọt như: táo, bưởi, ổi...

Nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no. Người bệnh nên ăn lưng bát rau luộc khi bắt đầu bữa ăn. Cần lưu ý, một bữa ăn hỗn hợp gồm chất bột đường và nhiều chất xơ có tác dụng làm hạn chế tăng đường huyết sau ăn. Những người quá cân, béo phì nên giảm ăn và tăng cường tập thể dục để giảm cân. Tuy nhiên, nên giảm cân từ từ, không nên giảm cân quá nhanh, đột ngột. Đối với người gầy (BMI <18,5) thì nên ăn thêm 1-2 bữa phụ để tăng cân, nhưng lượng thức ăn cũng vừa phải, có thể tăng cường thêm chất đạm hoặc chất béo.

Ăn vừa phải chất béo: hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật, các sản phẩm chế biến từ động vật (giò, chả, đồ ăn nhanh) vì những chất béo này làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch không tốt cho sức khỏe. Người bệnh nên thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều cá vì đây là nguồn cung cấp các chất béo tốt cho cơ thể.

Nên hạn chế uống rượu bia vì nguy cơ tăng cân và hạ đường huyết. Người bệnh tăng huyết áp nên giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày.

che-do-dinh-duong-can-bang-cho-nguoi-dai-thao-duong-2

Ổi giàu chất xơ, nhiều vitamin ít làm tăng đường huyết, ít ngọt, rất phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường.

Duy trì ổn định 3 bữa ăn chính và bổ sung vitamin

Nên duy trì ổn định 3 bữa ăn chính trong ngày. Đối với người cân nặng ổn định, đường huyết kiểm soát tốt không cần thiết phải ăn thêm bữa phụ hoặc chia nhỏ bữa ăn. Người bệnh chỉ ăn thêm bữa phụ khi phải vận động nhiều: đi tham quan, chơi thể thao... Đối với những bệnh nhân có nguy cơ bị hạ đường huyết và gây nguy hiểm như bệnh nhân cao tuổi, có các biến chứng tim mạch nặng nề, suy thận hoặc bệnh nhân đang dùng thuốc kích thích tụy bài tiết insulin và đặc biệt bệnh nhân đang tiêm insulin thì cần xem xét có bữa phụ, đặc biệt trước khi đi ngủ để tránh hạ đường huyết trong đêm. Người bệnh không nên ăn bữa phụ sáng vì sau bữa sáng đường huyết thường cao nhất trong ngày do liên quan đến các hormon làm tăng đường huyết của cơ thể.

Nên bổ sung đầy đủ vitamin và muối khoáng: do ăn kiêng quá nên nhiều bệnh nhân ĐTĐ hay bị thiếu vitamin. Một chế độ ăn không có mỡ sẽ hạn chế hấp thu nhiều loại vitamin quan trọng như vitamin A, D, K, E... Khi điều trị dài ngày thuốc metformin sẽ gây thiếu vitamin B12, B9 do ức chế hấp thu ở dạ dày. Còn khi ăn quá nhiều chất xơ lại dễ bị thiếu canxi và sắt. Vì thế, bệnh nhân ĐTĐ rất cần ăn uống đầy đủ và biết lựa chọn các thức ăn có nhiều vitamin và chất khoáng quan trọng như sữa, cá hồi chứa nhiều canxi.

Người bệnh nên ăn nhiều chất xơ: các thức ăn có nhiều chất xơ như rau xanh, một số hoa quả sẽ lưu lại dạ dày lâu hơn, ngăn cản các men tiêu hóa tác dụng với thức ăn, làm chậm quá trình tiêu hóa và hạn chế hấp thu đường vào máu.

Cùng với chế độ ăn hợp lý, người bệnh cần tăng cường tập thể dục nhằm tăng cường sức khỏe, tiêu thụ năng lượng dư thừa trong cơ thể nên làm giảm cân, cải thiện đường huyết, huyết áp và mỡ máu.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 11 siêu thực phẩm cung cấp vitamin cho người bị tiểu đường typ 2

TS.BS. Phan Hướng Dương - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 23/05/2025

    Chấy rận: Những điều bạn cần biết

    Chấy là loài côn trùng sáu chân nhỏ xíu bám vào da đầu và cổ của bạn và hút máu người. Mỗi con chấy chỉ có kích thước bằng một hạt vừng, vì vậy chúng rất khó phát hiện.

  • 22/05/2025

    6 loại thực phẩm giúp răng trắng đẹp

    Một số thực phẩm có khả năng làm răng trắng hơn nhờ tác động cơ học giúp loại bỏ mảng bám, kích thích tiết nước bọt làm sạch khoang miệng, hoặc chứa các hợp chất tự nhiên có thể giúp làm sáng răng nhẹ nhàng.

  • 22/05/2025

    Thêm bằng chứng cho thấy vaccine HPV giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

    HPV là virus lây truyền qua đường tình dục, có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ, liên quan đến nguy cơ cao mắc nhiều dạng ung thư khác nhau.

  • 21/05/2025

    Chế độ dinh dưỡng tham khảo cho người hẹp van động mạch chủ

    Chế độ ăn đóng vai trò hỗ trợ trong việc quản lý và hỗ trợ điều trị hẹp van động mạch chủ. Một chế độ ăn lành mạnh có thể giúp giảm các triệu chứng, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

  • 21/05/2025

    Hướng dẫn giảm căng thẳng trong mùa thi

    Các bài kiểm tra và kỳ thi là một phần quan trọng trong quá trình học tập, nhưng đồng thời cũng có thể mang lại nhiều áp lực cho học sinh và cả những người chăm sóc các em. Việc tìm cách giảm căng thẳng và hỗ trợ học sinh trong giai đoạn này là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe tinh thần và kết quả học tập tốt nhất.

  • 20/05/2025

    Cải thiện thói quen ăn sáng để khởi đầu ngày mới tốt hơn

    Bữa sáng là bữa ăn giúp cung cấp năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể bắt đầu ngày mới. Khắc phục những sai lầm phổ biến sau giúp bạn duy trì thói quen ăn sáng khoa học và lành mạnh.

  • 20/05/2025

    6 mẹo chữa nghẹt mũi tại nhà hiệu quả nhất

    Nghẹt mũi là một dấu hiệu khó chịu, rất thường gặp khi chúng ta bị cảm cúm, nhiễm lạnh. Hiện vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh cảm lạnh thông thường, nhưng có rất nhiều mẹo tại nhà có thể làm giảm tình trạng nghẹt mũi do chứng cảm lạnh gây nên. Bài viết này sẽ phân tích các biện pháp khắc phục tình trạng nghẹt mũi tại nhà tốt nhất cùng với những điều cần tránh.

  • 19/05/2025

    Chế độ ăn cho người mắc lỵ trực trùng (lỵ trực khuẩn)

    Lỵ trực khuẩn là tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cấp tính và cần được điều trị kịp thời để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm