Một khi đã được chẩn đoán bệnh đái tháo đường, người bệnh cần xác định mình sẽ phải chung sống với bệnh suốt đời. Theo đó, bạn sẽ cần kết hợp thay đổi lối sống lành mạnh hơn (bao gồm cả chế độ ăn uống, tập luyện) và dùng thuốc để giữ đường huyết ở mức ổn định, ngăn ngừa các biến chứng đái tháo đường nguy hiểm.
Tuy nhiên, với người bệnh đái tháo đường cao tuổi, việc kiểm soát đường huyết có thể trở nên khó khăn hơn do khả năng hoạt động thể chất của họ có xu hướng giảm dần. Ngoài ra, người cao tuổi cũng cần chế độ ăn uống hạn chế hơn, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Do đó, các chuyên gia, bác sỹ cũng cần thận trọng hơn khi kê đơn cho người cao tuổi dùng insulin hay các loại thuốc điều trị đái tháo đường khác.
Người cao tuổi cần có kế hoạch kiểm soát đường huyết linh hoạt hơn
Lời khuyên giúp người bệnh đái tháo đường cao tuổi ổn định đường huyết tốt hơn:
Trao đổi với bác sỹ để cá nhân hóa kế hoạch kiểm soát bệnh
Khi có tuổi, người bệnh đái tháo đường sẽ cần cá nhân hóa mục tiêu điều trị bệnh. Theo đó, những người đã từng bị đau tim, bệnh thận, người từng trải qua phẫu thuật bắc cầu động mạch vành… sẽ cần thay đổi quá trình điều trị bệnh đái tháo đường. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng các phương pháp điều trị quá nặng có thể phản tác dụng với những đối tượng này.
Nên thay đổi lối sống để kiểm soát đường huyết
Trong đa số trường hợp, khả năng hoạt động thể chất của người bệnh có thể giảm đáng kể khi về già. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng của mỗi người mà người bệnh đái tháo đường vẫn nên cố gắng duy trì các hoạt động đơn giản như đi bộ, tập thể dục nhịp điệu, bơi lội… trong khả năng của mình (nhưng tốt nhất là duy trì được vận động từ 30 - 40 phút/ngày).
Người bệnh đái tháo đường cao tuổi cũng nên cố gắng duy trì ngủ đủ 6,5 - 7,5 giờ/đêm để kiểm soát bệnh tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ăn đúng bữa.
Chú ý kiểm tra đường huyết đều đặn
Theo bác sỹ Manoj Chadha từ Bệnh viện & Trung tâm Nghiên cứu Y khoa P.D. Hinduja (Ấn Độ): “Tần suất kiểm tra đường huyết sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát đường huyết của từng người bệnh. Theo đó, nếu người bệnh có thể kiểm soát đường huyết tốt, họ sẽ chỉ cần kiểm tra đường huyết từ 3 - 4 lần/tuần là đủ”.
Tuy nhiên, nếu không kiểm soát đường huyết tốt (đường huyết thường tăng cao 250 - 400mg/dL), người bệnh có thể cần theo dõi đường huyết thường xuyên hơn từ 2 - 3 lần/ngày. Tần suất kiểm tra đường huyết sẽ có thể giảm dần nếu bạn có thể ổn định đường huyết trở lại.