Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, khi các cơ quan không nhận được đủ máu giàu oxy và các dưỡng chất, bạn sẽ hay thấy mệt mỏi, hụt hơi hơn. Ngoài ra, khi trái tim gặp khó khăn trong việc bơm máu, cơ thể cũng gặp khó khăn trong việc loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa. Điều này gây ra tình trạng sưng, phù chân khó chịu ở người bệnh suy tim sung huyết.
Để khắc phục các triệu chứng khó chịu, người bệnh suy tim sung huyết cần uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sỹ, kết hợp với việc duy trì lối sống lành mạnh. Bạn cũng có thể cần tránh một số thực phẩm sau trong chế độ ăn uống hàng ngày:
Thực phẩm giàu natri
Natri có thể góp phần gây giữ nước trong cơ thể. Bác sỹ Sitaramesh Emani từ Đại học Wexner bang Ohio (Mỹ) cho biết: “Khi bạn ăn quá nhiều các thực phẩm giàu natri, cơ thể có xu hướng giữ lại nhiều chất lỏng hơn để bù lại cho lượng natri đó”.
Do đó, người bệnh suy tim sung huyết không nên ăn quá 1.500 - 2.000mg natri/ngày. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không nên ăn quá 1 thìa cà phê muối (chứa 2.300mg natri).
Người bệnh suy tim sung huyết không nên dùng quá nhiều muối ăn
Nên nhớ, không chỉ muối ăn, natri còn có mặt trong rất nhiều thực phẩm khác, ví dụ như các loại thịt chế biến sẵn, soup đóng hộp… Thậm chí, 1 lát bánh mì cũng có thể chứa tới 230mg natri, trong khi một số loại ngũ cốc ăn sáng có thể chứa từ 150 - 300mg natri/khẩu phần.
Đồ ăn bên ngoài
Dù việc mua đồ ăn bên ngoài rất tiện lợi, nhưng các chuyên gia cảnh báo các món ăn này có thể chứa nhiều calorie và natri mà bạn không thể kiểm soát. Bác sỹ Sitaramesh Emani cho biết: “Muối ăn là loại gia vị tuyệt vời có thể giúp làm tăng hương vị cho các món ăn. Do đó, hầu hết các cửa hàng, quán ăn đều sử dụng khá nhiều muối khi chế biến để làm hài lòng thực khách”.
Nếu có ý định đi ăn nhà hàng, bạn nên trao đổi kỹ với phục vụ về vấn đề này. Tốt hơn hết, người bệnh suy tim sung huyết nên ăn các món tự nấu tại nhà để có thể kiểm soát chính xác được lượng muối ăn sử dụng.
Nước và các chất lỏng khác
Với người bệnh suy tim sung huyết, uống quá nhiều nước và các chất lỏng khác (như canh, soup, các loại trái cây…) có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giữ nước trong cơ thể. Nhiều chuyên gia khuyên bạn nên hạn chế lượng chất lỏng đưa vào cơ thể ở mức 2 lít/ngày hoặc thấp hơn, tùy thuộc vào mức độ kiểm soát bệnh của bạn. Thêm vào đó, bạn cũng nên tránh các loại đồ uống có chứa nhiều muối như các loại đồ uống thể thao, nước tăng lực…
Rượu bia
Nếu đang kiểm soát tốt bệnh suy tim sung huyết, không bị sưng, phù chân, bạn có thể uống một chút rượu bia nhưng không quá 1 ly/ngày. Nên nhớ rằng các thức uống này cũng được tính vào lượng chất lỏng bạn đưa vào cơ thể trong ngày.
Tuy nhiên, nếu đang phải sử dụng một số loại thuốc (ví dụ như thuốc làm loãng máu), các bác sỹ có thể yêu cầu bạn phải bỏ rượu bia hoàn toàn.
Thức uống nhiều caffeine
Người bệnh suy tim sung huyết nên cẩn thận với các thức uống nhiều caffeine như cà phê, trà, nước có gas… Caffeine có thể làm tăng nhịp tim, gây ra tình trạng nhịp tim không đều và khiến tình trạng bệnh suy tim thêm nghiêm trọng.
Thực phẩm chế biến sẵn
Theo bác sỹ Sitaramesh Emani, bạn nên hạn chế các thực phẩm này không chỉ vì chúng có nhiều natri mà còn do chúng chứa rất ít chất xơ. Các loại thuốc điều trị suy tim có thể gây táo bón, do đó ăn nhiều các thực phẩm chế biến sẵn sẽ khiến tình trạng này trầm trọng hơn, từ đó làm tăng áp lực lên trái tim.
Tham khảo thông tin tại bài viết: Những dấu hiệu suy tim giai đoạn cuối