Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Quả táo gai có thể điều trị suy tim?

Từ lâu, y học cổ truyền Trung Quốc đã sử dụng quả táo gai như một loại thuốc thảo dược cho một số vấn đề về tiêu hóa và hệ tuần hoàn. Nhưng liệu quả táo gai có khả năng điều trị bệnh suy tim?

Cây táo gai (hay có tên gọi khác là cây sơn tra) là cây bụi thuộc Chi Crataegus. Quả mọng chứa nhiều dinh dưỡng, có vị chua, thơm và ngọt nhẹ, màu sắc từ vàng, đỏ đậm đến đen. 

Mối liên hệ giữa quả táo gai và bệnh suy tim?.

Một đánh giá từ 14 nghiên cứu ngẫu nhiên trên 850 người bệnh suy tim  đã kết luận những người dùng chiết xuất táo gai cùng với thuốc điều trị suy tim đã cải thiện chức năng tim và tăng hiệu suất trong việc tập luyện. Họ cũng ít bị hụt hơi và mệt mỏi hơn. 

Mục tiêu trong điều trị suy tim là làm giảm bớt triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống

Bên cạnh đó, một nghiên cứu kéo dài 2 năm trên 952 người bị suy tim cho thấy những người bổ sung chiết xuất từ quả táo gai ít bị mệt mỏi, khó thở và tim đập nhanh hơn so với những người không dùng. Nhóm nhận trị liệu cũng ít cần đến thuốc kiểm soát bệnh suy tim hơn. Đặc biệt, một nghiên cứu lớn trên 2.600 người bị suy tim cho thấy rằng việc bổ sung chiết xuất quả táo gai có thể làm giảm nguy cơ đột tử liên quan đến tim.

Mặc dù kết quả nghiên cứu cho thấy kết quả khả quan trong việc cải thiện chức năng tim, giảm triệu chứng của bệnh suy tim của quả táo gai. Tuy nhiên, điều đáng nói là  hầu hết các nghiên cứu, người bệnh suy tim đều được dùng chiết xuất quả táo gai kết hợp cùng với thuốc điều trị kê đơn. Do đó chưa thể kết luận chắc chắn về tác dụng độc lập của chiết xuất quả táo gai đối với bệnh suy tim. 

Lợi ích tiềm năng của quả táo gai với sức khỏe tim mạch

Chất chống oxy hóa

Quả táo gai rất giàu polyphenol, chất chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy trong thực vật. Chất chống oxy hóa này giúp trung hòa các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do (có thể do chế độ ăn uống kém, chất độc từ môi trường, khói thuốc lá) gây hại cho cơ thể khi ở mức dư thừa.

Bởi hàm lượng chất chống oxy hóa này, quả táo gai được cho làm mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim.

Hạ huyết áp

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, quả táo gai là một trong những loại thực phẩm thường được khuyên dùng để hỗ trợ điều trị tăng huyết áp. Một nghiên cứu kéo dài 16 tuần ở gần 80 người mắc bệnh đái tháo đường type 2 và huyết áp cao đã quan sát thấy những người dùng 1.200mg chiết xuất táo gai mỗi ngày có sự cải thiện tình trạng tăng huyết hiệu quả hơn so với nhóm dùng giả dược.

Từ nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu phát hiện táo gai có thể hoạt động như một loại thuốc giãn mạch, có nghĩa là làm thư giãn các mạch máu, từ đó làm hạ huyết áp. Tăng huyết áp là một trong những yếu tố phổ biến nhất gây bệnh tim mạch.

Giảm mỡ máu

Cholesterol và chất béo trung tính triglyceride là 2 chất béo luôn có trong máu. Ở mức bình thường, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hormone và vận chuyển dinh dưỡng khắp cơ thể. Tuy nhiên, khi xảy ra rối loạn mỡ máu, đặc biệt là nồng độ triglyceride cao và cholesterol “tốt” (HDL) thấp gây tích tụ mảng bám trong động mạch, gây xơ vữa động mạch dẫn đến đau tim và đột quỵ.

Trong nghiên cứu trên động vật, chiết xuất táo gai được chứng minh là làm giảm mức cholesterol toàn phần, cholesterol "xấu" (LDL) và chất béo trung tính. Tuy nhiên cần thêm nghiên cứu trên cơ thể người để xác định liệu nó có tác dụng tương tự hay không.

Cách sử dụng táo gai an toàn

Tại Việt Nam, bạn khó có thể tìm thấy quả táo gai tươi bán trên thị trường bởi nó chủ yếu được sấy khô dùng để làm trà, dùng làm nguyên liệu trong các bài thuốc Đông y, mứt, rượu và thực phẩm chức năng. 

Riêng với việc bổ sung thực phẩm chức năng chiết xuất quả táo gai tươi, mỗi dạng sản phẩm sẽ có khuyến nghị về liều lượng khác nhau. Do đó để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng, đặc biệt khi đang dùng các loại thuốc kê đơn cho các vấn đề về tim mạch, huyết áp hoặc cholesterol.

Tham khảo thông tin tại bài viết: Suy tim: Những hiểu biết cơ bản, cách phát hiện, điều trị và dự phòng

Phạm Quỳnh H+ (Theo Healthline) - Theo Healthplus
Bình luận
Tin mới
Xem thêm