Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Các thể lâm sàng của biến cố sảy thai

Sảy thai là biến cố thường gặp ở một số trường hợp phụ nữ mang thai. Chúng có thể gây ra chảy máu nặng hoặc nhiễm trùng nặng làm nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ. Trên thực tế, sảy thai có nhiều thể bệnh lâm sàng khác nhau; vì vậy cần phân biệt rõ để có biện pháp xử trí can thiệp đúng đắn và phù hợp.

Theo các nhà khoa học, sảy thai là sự chấm dứt hiện tượng thai nghén của người phụ nữ mang thai ở thời điểm thai nhi dưới 20 tuần tuổi và trước khi thai nhi sống được, tương ứng với trọng lượng thai dưới 500g.

Xác định sảy thai sớm là sảy thai trước tuần thứ 12 của thai kỳ và sảy thai muộn là sảy thai trong thời gian từ 12 - 20 tuần của thai kỳ. Các nhà khoa học đã ghi nhận trên thực tế có ít nhất 10% phụ nữ mang thai có khả năng bị sảy thai, thai bị sảy tự nhiên chiếm khoảng 12%, trong đó 75% bị sảy thai trước tuần thứ 8.

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân sảy thai tự nhiên do trứng chiếm tỉ lệ khoảng 85% các trường hợp, còn lại 15% là do một số bệnh lý của người mẹ mang thai. Trứng có cấu trúc nhiễm sắc thể không bình thường hoặc bánh nhau tức là tế bào lá nuôi bị teo đét hay trứng làm tổ không đúng vị trí sẽ làm sảy thai.

Người mẹ mang thai bị bệnh giang mai, nhiễm khuẩn, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn nội tiết tố buồng trứng, thiếu dinh dưỡng, thiếu protein và vitamin, bị ngộ độc do thuốc hoặc có tâm lý đau buồn, giận hờn, lo lắng... cũng dẫn đến hiện tượng sảy thai.

Đồng thời còn do nguyên nhân về yếu tố miễn dịch gây nên như trường hợp bất đồng nhóm máu ABO, yếu tố Rh (Rhesus) giữa mẹ và con. Ngoài ra, các nguyên nhân ở tử cung như dị dạng tử cung, nhân xơ tử cung, hở eo tử cung hoặc do chấn thương trực tiếp hay gián tiếp vào tử cung... cũng có thể làm sảy thai.

Triệu chứng chung của tình trạng sẩy thai là hiện tượng ra máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng dưới ở những phụ nữ đang mang thai. Đặc điểm ghi nhận là có thể ra máu tươi hoặc máu đen, lượng máu ra ít hoặc nhiều kèm theo những cơn đau tức vùng bụng dưới.
Thực tế, việc chẩn đoán xác định người phụ nữ có thai hay không thường không gặp khó khăn nhưng việc xác định thai khỏe hay yếu, còn sống hay đã chết, thai bị tống hết ra ngoài hay chưa để có biện pháp xử trí đúng đắn thì phải căn cứ vào các xét nghiệm cận lâm sàng như: định lượng chất HCG (human chorionic gonadotropin) ở trong nước tiểu, nếu HCG dưới 500 đơn vị thỏ thì thai nhi sắp tử vong; có thể siêu âm tìm túi thai và nghe tim thai.

Các thể lâm sàng

Hiện tượng sảy thai có các thể lâm sàng khác nhau cần phân biệt như: dọa sảy thai, sảy thai không tránh được, sảy thai không hoàn toàn, sảy thai hoàn toàn, sảy thai lưu, sảy thai liên tiếp, sảy thai nhiễm khuẩn. Mỗi thể lâm sàng có các biện pháp xử trí can thiệp điều trị phù hợp riêng theo từng thể loại.

Dọa sảy thai: thường có triệu chứng đau bụng dưới, có cảm giác mỏi lưng, máu tươi ra ít và từng lúc. Khám âm đạo thấy cổ tử cung còn dài, đóng kín, khối tử cung tương ứng với tuổi thai.

Sảy thai không tránh được: thường đau nhiều ở vùng hạ vị, đau từng cơn, máu ra ngày càng nhiều, có thể gây choáng. Khám âm đạo thấy cổ tử cung đã xóa nhưng chưa mở rộng, đoạn dưới phình to vì khối thai đã xuống đoạn dưới và được gọi là cổ tử cung hình con quay. Bác sĩ thường xác định việc sảy thai không tránh được nếu thấy ít nhất hai trong các dấu hiệu như: cổ tử cung đang xóa, cổ tử cung đang mở, vỡ ối, chảy máu trên 7 ngày, có những cơn cứng bụng mặc dù đã dùng thuốc an thần, có biểu hiện thai nhi đã chết.

Sảy thai không hoàn toàn: đây là trường hợp một phần bọc thai đã bị tống ra ngoài buồng tử cung, phần còn sót lại thường là nhau. Vì vậy vẫn có biểu hiện các cơn đau vùng bụng dưới tuy có nhẹ hơn nhưng máu vẫn chảy kéo dài qua âm đạo. Khám âm đạo thấy cổ tử cung mở, khối tử cung nhỏ hơn so với tuổi thai, máu chảy ra theo ngón tay khám.

Sảy thai hoàn toàn: sau khi đau bụng dưới từng cơn và ra máu nhiều, người mang thai thấy từ âm đạo tống ra một bọc hoặc một tổ chức như phôi. Sau đó hết đau bụng nhưng vẫn còn ra một ít máu ở âm đạo trong vài ngày. Khám âm đạo thấy cổ tử cung có thể đã đóng hay còn mở, tử cung co hồi lại bình thường. Trường hợp này cần xét nghiệm giải phẫu bọc thai đã bị tống ra âm đạo để tìm gai múi nhau.

Sảy thai lưu: đây là trường hợp bào thai sau khi chết còn bị giữ lại trong buồng tử cung ít nhất 8 tuần. Bất kỳ nguyên nhân gây sảy thai nào cũng có thể làm thai bị lưu lại trong tử cung, vấn đề này thường xảy ra nếu thai nhi chết trong thời gian từ tháng thứ ba đến tháng thứ sáu của thai kỳ.

Các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng thuốc progestogel một thời gian dài để điều trị dọa sảy thai có thể là nguyên nhân làm cho thai nhi bị lưu lại trong tử cung sau khi chết. Trên lâm sàng ghi nhận người phụ nữ mang thai sau khi đau phần bụng dưới và ra máu nhiều thì hết hiện tượng thai nghén, hết đau bụng và ra một ít máu màu nâu đen, có từng cục. Khám âm đạo thấy cổ tử cung đóng kín, tử cung nhỏ hơn so với tuổi thai.

Sảy thai liên tiếp: trường hợp này được xác định khi hiện tượng sảy thai xảy ra ít nhất 3 lần liên tiếp gần nhau. Tỉ lệ gặp thể sảy thai liên tiếp này trong thực tế ghi nhận khoảng 0,4% trên tổng số người phụ nữ mang thai. Mặc dù bệnh cảnh lâm sàng của hiện tượng sảy thai lần nào cũng giống nhau nhưng nguyên nhân có thể khác nhau như do tử cung dị dạng, nhau bám ở đoạn dưới, niêm mạc tử cung đáp ứng nội tiết kém, rối loạn nhiễm sắc thể, bệnh cấp tính hoặc mạn tính của người phụ nữ mang thai, hở eo tử cung, hoàng thể buồng trứng hoạt động kém, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi.

Sảy thai nhiễm khuẩn: trường hợp này xảy ra sau khi thai nhi đã chết, buồng ối bị nhiễm khuẩn do rách màng ối. Trên lâm sàng thấy người phụ nữ mang thai sau khi đau phần bụng dưới và ra máu có nước tanh chảy ra ở âm đạo thường có triệu chứng sốt từ 37,8 -40oC. Bọc thai bị tống ra sau những cơn đau phần bụng dưới nhưng nhau thường bị sót lại trong buồng tử cung. Khám âm đạo thấy cổ tử cung mở, tử cung nhỏ hơn so với tuổi thai, máu chảy ra ở âm đạo có màu nâu và tanh.

Lưu ý trong các thể lâm sàng của sảy thai, cần chẩn đoán phân biệt với tình trạng chửa ngoài tử cung và chửa trứng thể không hoàn toàn để tránh nhầm lẫn. Chửa ngoài tử cung khi chưa bị vỡ rất dễ nhầm với sảy thai vì người phụ nữ mang thai vẫn có triệu chứng đau bụng, ra máu, có triệu chứng có thai; phải thăm khám kỹ để thấy khối tử cung mềm, nhỏ hơn tuổi thai, có một khối ở cạnh tử cung, ấn rất đau. Chửa trứng thể không hoàn toàn được gọi là chửa trứng bán phần cũng có triệu chứng có thai, đau bụng, ra máu nhưng khám kỹ sẽ thấy tử cung to hơn tuổi thai, mềm, có thể có hai nang hoàng tuyến; xác định tình trạng chửa trứng bằng xét nghiệm HCG thấy kết quả định lượng trên 20.000 đơn vị thỏ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nguyên nhân gây nên hiện tượng sảy thai rất phức tạp và đa dạng. Vì vậy, khi người phụ nữ mang thai phát hiện những dấu hiệu bất thường với nguy cơ sảy thai như đau phần bụng dưới và ra máu ở âm đạo thì phải đến cơ sở y tế ngay để thăm khám, tìm ra nguyên nhân chính xác nhằm xử trí can thiệp điều trị kịp thời và đúng đắn.

Thông thường nếu chưa xác định rõ được nguyên nhân gây sảy thai cụ thể, cần khuyến cáo người phụ nữ mang thai phải nằm nghỉ ngơi tuyệt đối, dùng thuốc an thần và thuốc làm giảm sự co bóp tử cung theo chỉ định của bác sĩ nếu tử cung co cứng và theo dõi tình trạng sảy thai qua phiến đồ tế bào âm đạo nội tiết.

Tùy theo từng trường hợp của các thể lâm sàng sảy thai được chẩn đoán xác định đã nêu trên để can thiệp biện pháp điều trị phù hợp. Cần lưu ý rằng hiện tượng sảy thai là một biến cố rất thường gặp trong sản khoa bệnh lý, chúng có thể gây nên tình trạng chảy máu nặng hoặc nhiễm trùng nặng có khả năng làm ảnh hưởng sức khỏe và nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ mang thai. Vì vậy, việc phân biệt các thể lâm sàng sảy thai khá quan trọng để có định hướng điều trị cụ thể.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

Xem thêm