Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Các cách làm giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn mãn tính có thể ảnh hưởng đến đại tràng, gây ra các triệu chứng như đau quặn bụng, đau dạ dày, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy và/hoặc táo bón.

Đây là rối loạn thường gặp nhất của hệ tiêu hóa trên thế giới, với các con số thống kê từ một số nghiên cứu cho thấy có khoảng 10-15% số người trên thế giới mắc phải rối loạn này và thường phổ biến ở những người dưới 45 tuổi. Khoảng 2/3 số người bệnh là phụ nữ, nguyên nhân có thể là bởi các hormone đường ruột thường bị ảnh hưởng nhiều bởi các hormone sinh dục. Nhưng trong những năm gần đây, các biện pháp điều trị mới đã được ra đời để điều trị rối loạn này. Dưới đây là những phương pháp điều trị, thuốc cũng như những cách trị liệu thay thế có thể giúp ích cho những người mắc phải hội chứng ruột kích thích.

Trị liệu hành vi nhận thức

Mặc dù các nghiên cứu chỉ ra rằng, có rất nhiều cách trị liệu tâm lý có hiệu quả với hội chứng ruột kích thích, nhưng trị liệu hành vi và nhận thức được coi là phương pháp đem lại kết quả tốt nhất. Trị liệu hành vi và nhận thức là phương pháp giúp bạn điều chỉnh hoặc thay thế những suy nghĩ tiêu cực hoặc có hại cho sức khỏe. Trong phương pháp này, đường tiêu hóa được coi như một bộ não thứ hai của bạn vì đường tiêu hóa cũng gắn với thụ thể serotonin – thụ thể giống với thụ thể có trong não bộ, giúp điều hòa cảm xúc. Nếu bạn lo lắng và ủ rũ, triệu chứng đường tiêu hóa của bạn sẽ tệ hơn. Trị liệu hành vi và nhận thức sẽ giúp bạn phá vỡ quy luật này.

Thôi miên

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, thôi miên là một phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích đem lại hiệu quả khá bất ngờ. Ví dụ, một nghiên cứu tại Thụy Điển xuất bản năm 2012 trênThe American Journal of Gastroenterology chỉ ra rằng, thôi miên có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, ví dụ như đau bụng và chướng bụng ở khoảng 40% số bệnh nhân. Hơn thế, hiệu quả của phương pháp thôi miên còn kéo dài tới tận 1 năm sau đó. Điểm mấu chốt ở đây là phương pháp thôi miên thực sự tập trung vào đường ruột của bạn, gợi lên hình ảnh đường ruột như một dòng suối đang bị tắc nghẽn và bạn phải làm việc để loại bỏ sự tắc nghẽn đó. Tuy nhiên, bạn nên đảm bảo rằng bạn đến gặp một chuyên gia về thôi miên, nếu người đó đã được cấp chứng chỉ thì càng tốt.

Lập kế hoạch đi ngủ

Kế hoạch ngủ không chỉ là ngủ đủ 7 tiếng một đêm, mà còn là thường xuyên ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày. Y tá thường xuyên đổi ca là những người thường mắc phải hội chứng ruột kích thích nhất, theo một nghiên cứu tại trường Đại học Michigan.  Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả, bởi tất cả các chức năng của cơ thể, bao gồm cả chức năng tiêu hóa đều được điều khiển bởi đồng hồ sinh học, do vậy, mất cân bằng đồng hồ sinh học có thể gây ra các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Nếu bạn đi du lịch qua các múi giờ các nhau, bạn nên cân nhắc đến việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung melatonin vào giờ đi ngủ (với liều tiêu chuẩn là 3mg). Đây là việc đã được các nghiên cứu chứng minh rằng có thể vừa giúp bạn điều chỉnh được đồng hồ sinh học, lại vừa có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

Luyện tập thể thao

Tăng cường mức độ hoạt động không chỉ cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích mà còn có thể làm giảm các triệu chứng liên quan, ví dụ như trầm cảm, mệt mỏi, lo âu, theo như kết quả của một nghiên cứu tại Thụy Điển. Luyện tập thể thao sẽ làm tăng lượng hormone serotonin và do đó, có tác dụng tích cực tới đường ruột. Luyện tập thể thao cũng làm tăng lượng hormone endorphin, giúp bạn cải thiện cảm xúc và giảm stress. Đặt mục tiêu luyện tập từ 3-5 tiếng luyện tập mỗi tuần, với các bài tập có cường độ từ trung bình đến nặng như đi bộ, đạp xe hoặc tập aerobic.

Vitamin D

Gần 80% số người mắc hội chứng ruột kích thích bị thiếu vitamin D, theo một nghiên cứu năm 2015 tại Anh. Mặc dù các chuyên gia chưa lý giải được chính xác tại sao vitamin D lại ảnh hưởng đến đường ruột, nhưng bạn vẫn nên yêu cầu bác sỹ kiểm tra mức độ vitamin D trong cơ thể bạn. Chưa có khuyến cáo về lượng vitamin D trong máu bao nhiêu là bình thường, nhưng dưới 20ng/mL thường được coi là thiếu. Nếu lượng vitamin D trong máu của bạn dưới mức này, hãy trao đổi với bác sỹ về việc bổ sung vitamin D với liều từ 800-1000IU/ngày.

Antihistamine

Những người mắc phải hội chứng ruột kích thích sử dụng antihistamine estabine trong vòng 12 tuần báo cáo lại rằng các triệu chứng của họ thuyên giảm nhiều hơn so với những người dùng giả dược, theo như một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Gastroenterology. Về lý thuyết, vì histamine là chất được giải phóng ra khi bạn có phản ứng dị ứng cũng sẽ được giải phóng ra ở đường ruột và có thể gây viêm và làm nặng hơn triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Do vậy, sử dụng antihistamine (kháng histamine) có thể sẽ giúp ích cho bạn.

Tinh dầu bạc hà

Bạc hà là một chất chống co thắt tự nhiên, có thể làm thư giãn và làm dịu các cơ tại ruột non và làm giảm các triệu chứng bệnh. Một nghiên cứu tổng hợp năm 2014 xuất bản trên Journal of Clinical Gastroenterology, cho thấy, tinh dầu bạc hà có thể sử dụng một cách an toàn và hiệu quả trong việc điều trị và cải thiện triệu chứng của hội chứng ruột kích thích trong thời gian ngắn, giúp làm giảm tình trạng đau bụng. Nếu có ý định sử dụng tinh dầu bạc hà, bạn nên lựa chon các loại viên uống có vỏ bọc để tránh bị ợ nóng.

Chất xơ

Chất xơ có thể giúp ích cho bạn, cho dù bạn đang bị táo bón hay tiêu chảy. Nếu bạn bị táo bón, chất xơ sẽ giúp mọi thứ trong hệ tiêu hóa di chuyển dễ dàng hơn. Còn nếu bạn bị tiêu chảy, chất xơ sẽ giúp phân nặng và đặc hơn, làm chậm quá trình tiêu chảy. Hãy đặt mục tiêu ăn 25g chất xơ một ngày vì quá nhiều chất xơ có thể gây đầy hơi và đau bụng. Hãy tăng dần lượng chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày bằng cách thêm dần các khẩu phần trái cây, rau xanh hoặc đậu mỗi 2-3 ngày/lần trong vòng vài tuần.

Thuốc chống trầm cảm

Sử dụng thuốc chống trầm cảm liều thấp đã được chứng minh có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Nếu bạn bị tiêu chảy, bác sỹ có thể sẽ cho bạn thử sử dụng một loại thuốc chống trầm cảm ba vòng như nortriptyline (Pamelor) để ức chế hoạt động của các dây thần kinh tại đường ruột, làm giảm đau và giảm nhu cầu đi ngoài. Nếu bạn bị táo bón, các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) như Zoloft có thể giúp tăng chức năng của hệ tiêu hóa.

Kháng sinh

Đôi khi, hội chứng ruột kích thích có thể có nguyên nhân hoặc bị làm nặng thêm bởi sự phát triển ồ ạt của các vi khuẩn trong đường ruột. Rifaximin là loại kháng sinh đã được một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng chứng minh có thể cải thiện các triệu chứng bệnh sau 14 ngày sử dụng, và tác dụng của rifaximin có thể kéo dài tới 10 tuần sau khi đã dừng thuốc. Đây là loại kháng sinh đã được FDA công nhận dùng để điều trị hội chứng ruột kích thích đi kèm với tiêu chảy (IBS – D) vào tháng 5 năm 2015.

Chế độ ăn low FODMAP (low FODMAP diet)

Một số người thấy rằng áp đụng chế độ ăn low FODMAP sẽ có ích cho họ. FODMAP là viết tắt của oligosaccharides lên men, disaccharides, monosaccharides, và polyol. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, rất nhiều người mắc hội chứng ruột kích thích nhạy cảm với các loại carbohydrate này, bao gồm fructose (là loại đường có trong trái cây và mật ong), latose (có trong sữa), fructan (có trong bột mỳ, tỏi và hành), galactan (có trong các loại đậu) và polyol (được dùng như các chất tạo ngọt nhân tạo có trong một số loại trái cây cứng như mơ, anh đào). Chế độ ăn này khá phức tạp, do vậy, rất nhiều chuyên gia về hội chứng ruột kích thích cần đến một chuyên gia về dinh dưỡng để giúp đỡ họ trong việc giúp người bệnh tìm ra thứ gì bạn có thể ăn được và thứ gì bạn nên tránh.

Probiotic

Bạn chắc chắn đã từng nghe nói đến probiotic từ trước đó. Probiotic chính là các loại lợi khuẩn sống trong đường ruột và giúp giữ đường ruột khỏe mạnh. Và như đã nói ở trên, một số người bị hội chứng ruột kích thích là do sự phát triển quá mức của các loại vi khuẩn có hại trong đường ruột, gây ra các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bổ sung probiotic có thể giúp cải thiện triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, mặc dù cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận về việc này. Những thực phẩm giàu probiotic là nhứng loại thực phẩm đã được lên men, ví dụ như sữa chua, dưa chuột muối. Ngoài ra, nếu lựa chọn thực phẩm chức năng, bạn nên chọn các loại có bổ sung chủng vi khuẩn Bifidobacterium infantis vì đây là chủng vi khuẩn có lợi nhất.

Tập yoga

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, tập yoga có thể giúp làm giảm hội chứng ruột kích thích. Cho dù bạn luyện tập loại yoga nào thì tác dụng của yoga cũng sẽ không thay đổi. Yoga sẽ làm tăng lượng hormone serotonin, do vậy, sẽ làm dịu đường tiêu hóa và cảm xúc của bạn. Những tư thế được cho là có lợi cho đường tiêu hóa bao gồm tư thế con mèo và con bò, tư thế đứa bé, tư thế xác chết (còn gọi là tư thế savasana)

Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

Xem thêm