Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bí quyết nằm lòng khi dạy con theo từng độ tuổi

Bé sơ sinh cần nhất được bố mẹ vỗ về, tương tác, còn trẻ nhỏ học hỏi từ chính lời nói và việc làm của bạn. Với trẻ lớn, quan trọng là tạo cho con cảm giác được tin tưởng, khuyến khích...

Bí quyết nằm lòng khi dạy con theo từng độ tuổi

Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ và con cái có hàng trăm giao tiếp với nhau. Điều thực sự quan trọng là bố mẹ tận dụng những khoảnh khắc quý giá để thể hiện sự quan tâm đến con cái và tận hưởng từng phút giây bên thiên thần của mình. Quan tâm con cái tích cực là cách bạn thể hiện niềm vui đối với con và “hâm nóng” tình cảm gia đình.

Ngay từ những giây phút đầu tiên, trẻ cần có những trải nghiệm và các mối quan hệ mà ở đó con nhận thấy mình là người có ích, biết mang lại niềm vui đến người khác. Cách người lớn quan tâm, giao tiếp và phản hồi trẻ đúng mực giúp trẻ định hình giá trị bản thân mình.

Ý thức về hình ảnh bản thân được hình thành nhờ những thông điệp yêu thương mà trẻ tiếp nhận từ cha mẹ và những người thân. Một hình ảnh lành mạnh là yếu tố cực kỳ quan trọng không chỉ đối với mối quan hệ của trẻ với những người khác mà còn giúp bé tạo dựng niềm tin vào bản thân trong quá trình khám phá thế giới.

 

Cảm giác an toàn của bé xuất phát từ các mối quan hệ với cha mẹ và những người lớn thường chăm sóc bé. Khi con cảm thấy sợ hãi, bất an hoặc đối diện với một trải nghiệm mới mẻ, lạ lẫm, bé sẽ cần người lớn ủng hộ, khuyến khích để tìm lại sự bình ổn, an toàn.

Trong một số tình huống đặc biệt, cha mẹ thường xao nhãng hoặc không chú ý đến nhu cầu của trẻ, bé có thể cảm thấy lo âu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu tình huống này diễn ra trong thời gian dài ngay từ giai đoạn sơ sinh thì trẻ đến 6 tháng tuổi có thể biểu hiện dấu hiệu căng thẳng.

Trẻ sơ sinh

Ngay cả trẻ sơ sinh cũng sẵn sàng tiếp nhận và học hỏi về mọi vật, mọi người xung quanh bé. Chính vì vậy, cha mẹ càng tương tác với trẻ, bé càng tiếp nhận được nhiều.
Cha mẹ có thể tương tác với bé sơ sinh bằng cách:

  • Vỗ về khi bé khóc.
  • Cười khi bé cười.

Đáp lại những tiếng u, ơ của trẻ bằng cách nói những điều có ý nghĩa (thậm chí ngay cả khi bạn không hiểu những gì con muốn thể hiện).

Trẻ nhỏ, trẻ tập đi

  • Khi con lớn hơn, sự kết hợp giữa lời nói và việc làm của bạn chuyển tới con những thông điệp quan trọng.
  • Chú ý đến cách bé đánh giá vẻ mặt hay giọng nói của bạn. Trước khi trẻ có thể hiểu và sử dụng ngôn ngữ, bé có thể nhạy cảm với âm sắc giọng nói, cử chỉ, biểu lộ gương mặt và ngôn ngữ cơ thể của bạn.
  • Tận dụng tối đa các hoạt động hằng ngày. Tắm bé, thay tã, cho ăn, mặc đồ được coi là những nhiệm vụ tẻ nhạt nhưng các hoạt động thường ngày này lại tạo ra vô số cơ hội để bạn tương tác với trẻ. Ví dụ, bạn có thể cưng nựng và chơi đùa với con trong khi lau người bé sau khi tắm.
  • Bất cứ lúc nào có thể, hãy quẳng gánh lo và các kế hoạch sang một bên để tận hưởng trọn vẹn thời gian bên con: Điều này cũng giống như khi vội vã đi trên đường, bạn có thể sẵn sàng dừng lại chỉ để quan sát một chú sâu bướm. Bạn đâu mất quá nhiều thời gian để tạo ra sự khác biệt. Hãy ngắm nhìn con yêu, mỉm cười với bé, tỏ ra vui thích, quan tâm và ở bên con một cách tích cực. Tất cả những hành động này đều truyền tải đến trẻ một thông điệp: Con là điều quan trọng và đặc biệt của cha mẹ.
  • Chú trọng những điều tích cực. Việc bạn nóng lòng muốn sửa chữa lỗi lầm của trẻ sẽ mang lại cho bé cảm giác thất vọng, giận dữ, lơ đãng khi ở bên cha mẹ. Hơn nữa, điều này còn chứng tỏ cho trẻ thấy bé là người mắc lỗi, vô dụng, không đáng được quan tâm. Vì thế, trước khi sửa chữa lỗi của trẻ, hãy tự hỏi bản thân: Liệu điều đó có quan trọng không? Tôi có thực sự phải làm như vậy hay hãy để nó trôi qua?

Trẻ lớn

  • Dùng những lời nói để khen ngợi và khuyến khích bé.
  • Thể hiện sự hứng thú với những sở thích, hoạt động và thành công của bé.
  • Chú ý khi con có biểu hiện tốt. Ví dụ, khen ngợi con khi bé dọn dẹp phòng hoặc khi bé biết chờ đến lượt chơi. Khen ngợi là biện pháp củng cố hành vi tích cực.
  • Cảm ơn con khi bé giúp bạn việc nhà hay ở siêu thị.
  • Tỏ ra tin tưởng khả năng của bé. Nếu một đứa trẻ liên tục bị nhắc nhở phải cẩn thận hoặc hoặc bị dọa sẽ ngã, sẽ bị thương rất khó duy trì niềm tin ở bản thân.
  • Tạo cho các bé nhiều cơ hội làm những gì chúng thích và sở trường của con. Cảm giác thỏa mãn khi tự mình hoàn thành một việc tốt giúp trẻ xây đắp sự tự tin vào chính mình.
  • Khen ngợi những cố gắng của bé chứ không chỉ chú trọng đến kết quả. Bé cần hiểu rằng thất bại không phải là chuyện gì khủng khiếp.
  • Tránh sửa chữa lỗi lầm của bé quá nhiều. Thử nghiệm và mắc lỗi là một phần trong cuộc sống của bé. Con có thể cảm thấy nản lòng và tuyệt vọng nếu mọi nỗ lực của mình đều bị “chấm điểm” hoặc chỉ trích.
  • Cố gắng tách biệt đứa trẻ với lỗi lầm của bé. Không ủng hộ hành động chứ không phải không ủng hộ đứa trẻ. Để nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ, cha mẹ nên nhận xét “vẽ lên tường là việc làm không nghiêm túc”, thay vì nói “con hư lắm”. Cần làm cho con hiểu rằng tình yêu của cha mẹ dành cho các bé là vô điều kiện. Thay vì nói con không được làm điều này điều kia, hãy chỉ cho con biết chúng nên làm những gì. Trong hầu hết các trường hợp, cách diễn đạt hiệu quả nhất là chuyển từ câu phủ định sang khẳng định. Ví dụ, thay vì nói “Đừng đi xuống lòng đường”, hãy nói “Con hãy đi cạnh mẹ”.

Khi nào cha mẹ cần chú ý

Dù thái độ tích cực là điều được khuyến khích nhưng không phải lúc nào cha mẹ nào cũng có thể thể hiện thái độ đúng. Trẻ hoàn toàn có khả năng học cách thích nghi những khi cha mẹ thiếu nhạy cảm, không có mặt hoặc thờ ơ.

Tuy nhiên, nếu những biểu hiện tiêu cực trên diễn ra nhiều lần, thậm chí hằng ngày hoặc nếu cha mẹ cảm thấy khó khăn để thể hiện hay hành động tích cực, thì đây có thể là dấu hiệu căng thẳng khi làm cha mẹ. Trong tình huống này, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ và tư vấn của các chuyên gia tâm lý.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Mang thai con "rạ"

Lê Mai - Theo Bệnh viện Nhi TW/Raisingchildren/Betterhealth
Bình luận
Tin mới
  • 24/11/2024

    Thoát vị khe hoành là gì?

    Thoát vị hoành, hay thoát vị khe hoành, xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên ngực thông qua một lỗ mở ở cơ hoành (cơ ngăn cách bụng với ngực). Tình trạng này xảy ra ở nơi dạ dày và thực quản của bạn nối lại với nhau, còn được gọi là ngã ba thực quản dạ dày. Đôi khi, thoát vị khe hoành không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị.

  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

Xem thêm