Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mang thai con "rạ"

Khác với lần mang thai đầu tiên, khi mang thai con "rạ", mẹ bầu đã quá quen với những thay đổi do thai kỳ đem lại.

Mang thai con "rạ"

Thay đổi về thể chất

Ở những bà mẹ mang thai lần đầu, những thay đổi về thể chất sẽ đến chậm hơn và có vẻ ít hơn so với những lần mang thai sau. Nguyên nhân là do khi sinh con đầu lòng, tử cung và các cơ bụng vẫn còn săn chắc, trước khi dãn ra để tạo chỗ ở cho “cư dân” mới. Do vậy vòng bụng cũng như các bộ phận khác thường "giãn" ra ít hơn.

Với bà mẹ mang thai con "rạ" lần hai, lần ba... ngực sẽ không đau tức nhiều nhưng có thể thay đổi về kích cỡ nhiều hơn khi mang thai lần đầu.

Dấu hiệu mang thai

Ở lần mang thai sau này, thai phụ cảm nhận được mình qua những kinh nghiệm đã có. Mẹ bầu mang thai con dạ sẽ sớm nhận thấy những dấu hiệu mang bầu mà họ không để ý trong lần mang thai đầu tiên.

Phụ nữ mang thai lần đầu dễ tưởng nhầm đau ngực là dấu hiệu mang thai, nhưng thực ra chỉ là triệu chứng của chu kỳ kinh nguyệt sắp tới, hay đau bụng mà tưởng là ốm nghén. Nhưng phụ nữ mang thai lần sau sẽ không nhầm lẫn như thế, họ biết sớm hơn những triệu chứng của bầu bí, thai nghén.

Nhiều phụ nữ mang thai lần đầu nhầm lẫn những chuyển động của bé với chứng ợ hơi hoặc đầy bụng. Phụ nữ mang thai con "rạ" có thể hiểu và nhận rõ bất cứ chuyển động nhỏ nào bên trong cơ thể mình và nhận thấy ngay khi nào bé bắt đầu "máy".

Mẹ bầu có thể thấy mệt hơn rất nhiều trong những lần mang thai tiếp theo. Đó là điều đương nhiên, vì ngoài đứa con sắp sinh trong bụng, mẹ bầu còn phải chăm lo cho những đứa con khác, nên ít có thời gian nghỉ ngơi hơn khi mang thai lần đầu. Thêm nữa, các ông chồng có thể sẽ không chăm sóc nhiều như lần đầu tiên mang bầu, hoặc cho rằng vợ mình giờ đã là "chuyên gia" rồi. Và rồi, khi mang thai lần thứ hai, ba...ít nhất mẹ bầu cũng tăng thêm vài tuổi hoặc có thể tới chục tuổi so với lần mang thai đầu. Chỉ riêng yếu tố tuổi tác cũng khiến cơ thể mệt mỏi hơn nhiều rồi đấy mẹ bầu ạ.

Ngoài đứa con trong bụng, mẹ bầu còn phải chăm sóc thêm các 'nhóc' nên ít thời gian nghỉ ngơi. Ảnh: internet

Sự khác biệt về tuổi tác là sự đối lập lớn nhất giữa mang thai lần đầu và những lần sau. Có con khi lớn tuổi hơn, nhất là khi bạn mang thai lần sau cách khá xa với lần đầu, có thể làm cho khả năng sinh đôi tăng cao hơn. Tình trạng này xảy ra do sự thay đổi hormone trong cơ thể khi nhiều tuổi, làm tăng khả năng rụng nhiều hơn một trứng trong chu kỳ.

Mẹ bầu nhiều tuổi cũng đồng nghĩa với việc có nguy cơ cao sinh con mang những khiếm khuyết về nhiễm sắc thể. Bác sĩ sẽ khuyến cáo thai phụ xét nghiệm sàng lọc các bệnh di truyền cho em bé trong những lần mang thai sau. Và bạn đừng nên bỏ qua những xét nghiệm chẩn đoán trước sinh nhé, nhất là khi bạn mang thai ở độ tuổi từ 35 trở lên.

Chuyển dạ và sinh con

Một trong những "lợi ích" của lần mang thai sau đó là thời gian chuyển dạ ngắn hơn. Đối với nhiều thai phụ, thời gian chuyển dạ sẽ ngắn hơn trong lần mang thai thứ hai, ba... Mặt khác, thai phụ có thể nhận thấy cơn co sinh lý Braxton-Hicks (các cơn đau giả) xuất hiện sớm hơn và nhiều hơn trong thai kỳ.

Các biến chứng

Nếu gặp biến chứng ở lần mang thai trước, như bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, huyết áp cao hay sinh non, nguy cơ mắc các bệnh đó trong thai kỳ lần sau cũng sẽ tăng lên. Nếu trước đây từng sinh mổ, thai phụ cũng có nguy cơ cao gặp biến chứng. Vì vậy mẹ bầu phải trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về những lần mang thai trước để “đón đầu” những rắc rối có thể gặp trong thai kỳ lần này.

Một vài triệu chứng có thể khiến thai kỳ sau trở nên tệ hơn, đó là đau lưng và suy tĩnh mạch. Đau lưng vốn là kẻ thù hay xuất hiện trong thai kỳ và có thể sẽ nặng hơn nếu thai phụ vẫn phải bế con.

Mẹ bầu sẽ đau lưng dữ dội hơn nếu phải bế con. Ảnh: internet

Bệnh về tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch có xu hướng xấu đi trong những lần mang thai tiếp theo. Nếu gặp các vấn đề về tĩnh mạch, mẹ bầu hãy đi tất áp lực ngay từ đầu thai kỳ. Đừng quên nâng bàn chân và nâng chân lên cao khi có thể, nhất là khi ngồi nghỉ ngơi hoặc khi ngủ.

Nếu đã bị trĩ, táo bón hay tiểu không tự chủ trong thai kỳ trước, mẹ bầu nên chủ động để tránh những bệnh đó lặp lại trong lần mang thai này bằng cách ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên.

Mẹ bầu cũng đừng quên tập luyện thể thao. Luyện tập thể thao nếu không ngăn chặn được những bệnh trên, thì cũng khiến chúng bị nhẹ nhất có thể. Hơn nữa, tập luyện thể thao sẽ giúp mẹ bầu sinh nở dễ dàng hơn, hồi phục sức khỏe và vóc dáng sau khi sinh nhanh hơn.

Bạn cần nhớ điều gì?

Với nhiều phụ nữ, lợi ích to lớn nhất của lần mang thai con "rạ" đó là kinh nghiệm. Bà mẹ mang thai lần đầu có thể xì-trét rất nhiều vì những lý do không tên hay vì có quá nhiều thay đổi.

Bà mẹ mang thai lần thứ hai, thứ ba ...đã biết thai kỳ sẽ ra sao, chuyển dạ, sinh nở và nhiều vấn đề khác sẽ xảy ra thế nào. Những kinh nghiệm đó sẽ giúp bản thân thai phụ tự tin và chăm sóc bản thân cũng như em bé trong bụng tốt hơn trong lần mang thai sau.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: NÊN mang thai ở độ tuổi bao nhiêu?

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm