Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bí mật của những trẻ ít khi bị ốm

Bạn nhận thấy rằng những đứa trẻ hàng xóm dường như rất ít khi bị ốm, khác hẳn với bé nhà bạn. Bạn tự hỏi liệu cha mẹ của những trẻ đó có bí quyết gì hay không?

Thật ra chẳng có bí quyết nào cả, tuy nhiên những thói quen lành mạnh sau đây có thể giúp trẻ phòng tránh được bệnh tật suốt cả năm.

Giữ bàn tay luôn sạch sẽ

Việc rửa tay thường xuyên sẽ giúp giảm đáng kể khả năng lây nhiễm các bệnh hô hấp và tiêu hóa. Do vậy, bạn hãy tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách (nên sử dụng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn) khi trẻ đi học về, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn, sau khi trẻ chơi hoặc tiếp xúc với động vật, đất cát.... Thời gian cần thiết để chà rửa kỹ tay bằng xà phòng là khoảng 1 phút, tương đương với khoảng thời gian hát hai lần bài “Chúc mừng sinh nhật”.

Khuyến khích trẻ thực hành rửa tay đúng cách tại trường học và những nơi trẻ tham gia sinh hoạt, chơi đùa. Hãy biến việc rửa tay thành một thói quen tốt để trẻ thực hiện, ngay khi không có mặt bạn. 

Hãy là đứa trẻ luôn năng động

Các nghiên cứu chứng minh rằng việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với cường độ trung bình có thể giúp giảm số lần mắc cảm lạnh và cúm trong năm từ 20-25% bằng cách kích thích sự lưu thông của các tế bào miễn dịch chống nhiễm trùng. Theo bác sỹ Harley A. Rotbart, tập thể dục là biện pháp tốt hơn và hiệu quả hơn hẳn bất kỳ loại thuốc hay phương pháp điều trị được quảng cáo trên tivi nào.

Đối với trẻ nhỏ và thiếu niên, riêng việc chơi đùa an toàn giúp trẻ năng động, học hỏi và phát triển rất nhiều. Những trò chơi ngoài trời, chạy nhảy, bơi lội sẽ giúp trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần và là một cách lành mạnh để chống lại bệnh tật. Mùa hè, những kỳ nghỉ là thời điểm lý tưởng để trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất.

Thêm nữa, đừng coi thường hiệu quả của làm việc nhà. Những trẻ tham gia vào các công việc trong nhà như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, làm vườn... sẽ có thời gian hoạt động nhiều hơn thay vì ngồi cắm cúi vào tivi hay máy vi tính. Những trẻ làm việc nhà khoảng 30 phút mỗi ngày sẽ năng động hơn, khỏe mạnh hơn và ít bị béo phì hơn. 

Ngủ đủ giấc

Hãy đảm bảo rằng con bạn luôn đi ngủ đủ giấc. Tình trạng thiếu ngủ có thể làm gia tăng gấp đôi nguy cơ mắc cảm lạnh hay cúm cũng như những ảnh hưởng đến phát triển của trẻ. 

Trẻ em có nhu cầu ngủ rất cao, thông thường cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn. Thời gian ngủ mỗi ngày thay đổi ở mỗi trẻ và bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó tuổi của trẻ là quan trọng nhất. Nhu cầu ngủ giảm dần theo độ tuổi của trẻ.

  • Trẻ sơ sinh 1 - 4 tuần tuổi: mỗi ngày ngủ từ 16-18 giờ, ngủ cả ban ngày và ban đêm.
  • Trẻ từ 1 tháng đến 1 tuổi: ngủ từ 14 - 15 tiếng mỗi ngày là đủ.
  • Trẻ 1-3 tuổi: ngủ từ 12 – 14 giờ mỗi ngày. 
  • Trẻ từ 3 - 6 tuổi: ngủ 10-12 giờ mỗi ngày, buổi tối từ khoảng 19 – 21 giờ và nên có một giấc ngủ trưa ngắn
  • Trẻ 6 - 12 tuổi: cần ngủ 10 – 11 tiếng mỗi ngày, buổi tối nên bắt đầu ngủ lúc 21 giờ 
  • Trẻ 12 - 18 tuổi: cần ngủ 8 – 9 tiếng mỗi ngày và không nên ngủ muộn sau 22h 

Hạn chế chạm tay lên mặt

Hầu hết những virus gây cảm lạnh và cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua mũi, mắt và miệng, do vậy bạn cần hạn chế việc trẻ đưa tay lên những vị trí này. Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng giữ được trẻ trong tầm kiểm soát nhưng tốt nhất là nên hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen tốt này.

Bạn cũng nên dạy cho trẻ thói quen rửa tay sau khi tiếp xúc với nước mũi, nước mắt... Ngoài ra, bạn không nên cho trẻ dùng chung ống hút, ly cốc và bàn chải đánh răng với người khác.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng

Đây là điều cốt yếu để trẻ khỏe mạnh từ bên trong. Hãy nhớ, các bữa ăn bạn nấu cho trẻ sẽ là tốt nhất. Hạn chế các thức ăn sẵn, các đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp nhiều nhất có thể.

Những bữa ăn đa dạng, các loại trái cây và rau xanh đầy màu sắc và giàu dinh dưỡng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Hãy tăng cường những loại thực phẩm giàu vitamin C (súp lơ xanh, các trái họ dâu và cam) và vitamin D (cá ngừ, sữa và ngũ cốc). Ngoài ra, nên cho trẻ ăn thêm sữa chua có chứa lợi khuẩn (probiotic) để giúp tăng cường sức đề kháng tại đường ruột.

Hãy tạo một thói quen ăn uống lành mạnh cho cả gia đình và huy động sự tham gia của trẻ trong việc chuẩn bị các bữa ăn cùng với cả nhà. 

Tiêm phòng đầy đủ

Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để giúp trẻ phòng tránh được một số bệnh nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng (viêm màng não, sởi, rubella, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B…). Do vậy, hãy thường xuyên cập nhật lịch tiêm chủng phù hợp tại nơi mà bạn đang sinh sống và cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ.

Bên cạnh lịch tiêm chủng thường xuyên cho trẻ nhỏ, hãy lưu ý những khi có dịch bệnh xảy ra, chẳng hạn như dịch cúm, dịch sởi...để tiêm phòng cho trẻ khi cần thiết.

Đồng thời cũng nên lưu ý những vaccin cần thiết tiêm cho chính bạn và những người  trưởng thành sống cùng trong gia đình để góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Những lời khuyên của bác sỹ giúp bé yêu luôn khỏe mạnh

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 02/06/2023

    5 công thức detox đơn giản giúp bạn giảm cân, đốt cháy mỡ thừa

    Nước detox mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, đồng thời giúp hỗ trợ quá trình giảm cân tuy nhiên không phải người nào cũng dùng được. Thức uống này có thể tự làm tại nhà với những nguyên liệu dễ tìm như chanh, dưa chuột, lá bạc hà…

  • 02/06/2023

    Chế độ ăn ít chất béo hay ít carb giúp giảm cân nhanh hơn?

    Trước đây, nhiều người tìm đến chế độ ăn ít chất béo để giúp giảm cân và tăng cường đốt cháy chất béo trong cơ thể. Tuy nhiên, gần đây, chế độ ăn ít carb ngày càng được ưa chuộng và áp dụng phổ biến bởi khả năng giảm cảm giác đói và thèm ăn. Vậy chế độ ăn kiêng nào giúp giảm cân nhanh hơn?

  • 02/06/2023

    4 cách đơn giản đốt mỡ, hỗ trợ giảm cân ngay cả trong khi ngủ

    Bạn có thể tăng cường đốt mỡ, hỗ trợ giảm cân ngay cả khi đang ngủ nếu áp dụng 4 bí quyết đơn giản dưới đây.

  • 02/06/2023

    6 loại vaccine người cao tuổi nên tiêm

    Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị cúm và các bệnh truyền nhiễm khác, nhưng người cao tuổi có nguy cơ tiến triển nặng hơn nếu họ mắc bệnh. Nếu bạn từ 65 tuổi trở lên, tiêm vaccine là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình bạn khỏi các bệnh nhiễm trùng có thể phòng ngừa được.

  • 01/06/2023

    Magiê: thừa, thiếu đều nguy

    Con người không thể thiếu magiê, bởi vì nó rất quan trọng đối với mọi hoạt động của cơ thể, đặc biệt là xương và hệ tim mạch.

  • 01/06/2023

    Hạ phospho máu

    Hạ phospho máu là tình trạng nồng độ phospho trong máu thấp bất thường. Tình trạng này thường gặp ở những người mắc các bệnh như: nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm toan ceton do tiểu đường hoặc có thể xảy ra khi rối loạn sử dụng rượu.

  • 01/06/2023

    Cần cung cấp đủ magiê cho trẻ

    Magiê là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ. Thiếu magiê trẻ sẽ chậm lớn, hệ thống thần kinh và bắp thịt hoạt động không được điều hoà, đưa đến thiếu canxi và phốtpho, gây nên các triệu chứng buồn nôn, chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi, đau nhức, run rẩy, co giật tay chân.

  • 01/06/2023

    Làm thế nào để giúp con học ở nhà?

    Gia đình sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ học khi chúng học ở nhà. Vậy bạn đã có cách dạy phù hợp chưa? Hãy làm theo 1 số mẹo này nếu bạn chưa có cách!

Xem thêm