Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Bệnh chốc lở và những điều cần biết

Bệnh chốc lở là một bệnh về da có khả năng lây nhiễm cao. Vì vậy, thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm là hết sức cần thiết.

Bệnh chốc lở thường biểu hiện ở mặt, cổ và bàn tay của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những trẻ đóng bỉm cũng có xu hướng bị chốc lở xung quanh khu vực da được đóng bỉm. Chốc lở hiếm xảy ra hơn ở người lớn và thường xảy ra sau bệnh lí về da khác hoặc sau một nhiễm trùng.

Chốc lở thường gây ra bởi hai loại vi khuẩn là liên cầu beta tan huyết nhóm A và tụ cầu vàng. Điều trị thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tiên lượng của bệnh tốt và thường khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Phân loại

Có một số loại chốc lở khác nhau.

Chốc lở lây nhiễm (chốc lây)

Chốc lở lây nhiễm còn được gọi là chốc không có bọng nước, và là loại chốc lở thường gặp nhất ở trẻ em. Loại này rất dễ lây và thường bắt đầu bằng những vết lở xung quanh miệng và mũi.

Những vết lở này vỡ ra, chảy nước, để lại ban da đỏ sẽ đóng vảy. Ban có thể gây ngứa nhưng không đau. Hạch bạch huyết của bạn có thể bị sưng khi bạn bị chốc lở lây nhiễm.

Chốc lở bọng nước

Đây là loại gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 2 tuổi. Bọng nước thường xuất hiện ở vùng trên cơ thể, cánh tay và cẳng chân. Những bọng nước này ban đầu trong suốt và sau đó trở nên đục.

Bọng nước trong chốc lở thể bọng nước thường kéo dài hơn bọng nước ở những loại khác và khu vực xung quanh nó thường đỏ và ngứa.

Chốc loét

Chốc loét là thể nguy hiểm nhất vì nó ảnh hưởng đến lớp da sâu hơn lớp biểu bì. Bọng nước gây đau và có thể trở thành loét. Bệnh có thể gây sưng hạch bạch huyết và để lại sẹo.

Triệu chứng

Những triệu chứng của chốc lở có thể gây khó chịu và xấu hổ, đặc biệt là nếu bệnh biểu hiện ở mặt. Mặc dù giữa các loại khác nhau, các triệu chứng có khác biệt đôi chút nhưng thường bao gồm:

  • Những vết lở đỏ dễ vỡ và để lại lớp vảy màu vàng
  • Bọng nước chứa đầy dịch
  • Ban ngứa
  • Tổn thương da
  • Sưng hạch bạch huyết

Nguyên nhân

Chốc lở xảy ra khi một số loại vi khuẩn xâm nhập vào da theo nhiều cách khác nhau:

  • Tiếp xúc trực tiếp da-da với người bị chốc lở
  • Chạm vào những đồ vật mà người bị chốc lở từng sử dụng chúng, như khăn tắm, giường hoặc đồ chơi
  • Chấn thương da
  • Côn trùng cắn
  • Động vật cắn

Yếu tố nguy cơ

Một số đối tượng dễ bị chốc lở hơn những người khác:

  • Trẻ từ 2-6 tuổi
  • Thường xuyên ở nhà trẻ hoặc ở trường học
  • Da bị kích ứng do những bệnh lí khác
  • Vệ sinh kém
  • Thời tiết nóng
  • Ở môi trường đông đúc, chật chội làm vi khuẩn dễ lây lan
  • Bị viêm da dị ứng
  • Tham gia các hoạt động có tiếp xúc trực tiếp da-da
  • Bị tiểu đường
  • Bị suy giảm miễn dịch

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ khám vết lở và hỏi những chấn thương da gần đây của bạn. Ở hầu hết các trường hợp, chốc lở có thể được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể cần xét nghiệm để tìm ra loại vi khuẩn gây ra bệnh chốc lở của bạn.

Điều trị

Điều trị chốc lở tùy thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng và loại vi khuẩn gây bệnh. Nếu bạn bị mức độ nhẹ, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn những cách vệ sinh đơn giản để giúp da lành lại và phòng chốc lở lan rộng.

Những giải pháp tại nhà

Khu vực da bị ảnh hưởng nên được rửa sạch vài lần mỗi ngày bằng nước hoặc dung dịch kháng khuẩn. Điều quan trọng là không nên cọ xát khi rửa vì có thể làm da bị kích ứng thêm. Sau khi rửa, để khô da và bôi mỡ kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu có nhiều vảy trên da, bạn có thể ngâm da vào nước để loại bớt vảy và giúp da chóng lành. Khu vực da bị ảnh hưởng có thể rửa bằng xà phòng hoặc dung dịch có tỉ lệ dấm : nước là 1: 32.

Tránh cạy hoặc sờ vào khu vực bị chốc lở để giảm lan truyền bệnh ra vùng da khác. Bạn cũng nên chú ý rửa tay sau khi đã sờ vào khu vực da bị bệnh.

Kháng sinh

Nếu các giải pháp điều trị tại nhà không có hiệu quả hoặc bệnh của bạn ở mức độ nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc, ví dụ như kem bôi kháng sinh sử dụng cho vùng da bị bệnh. Điều quan trọng là cần làm sạch da trước khi bôi để thuốc có thể ngấm sâu hơn.

Bác sĩ cũng có thể kê cho bạn kháng sinh đường uống. Thuốc có thể ở dạng lỏng cho trẻ và dạng nén cho người lớn. Nếu bạn được kê cả thuốc bôi và thuốc uống thì điều quan trọng là bạn cần phải dùng hết liệu trình để tránh tái nhiễm và hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh.

Phòng bệnh

Vệ sinh tốt sẽ giúp bạn phòng ngừa chốc lở:

  • Rửa tay thường xuyên
  • Tắm đều đặn
  • Làm sạch và che phủ bất kì tổn thương nào trên da

Nếu bạn bị chốc lở, bạn cần chú ý những biện pháp để phòng lây nhiễm cho người khác:

  • Rửa tay bằng xà phòng kháng khuẩn
  • Sử dụng khăn tắm sạch để lau khô người và tay
  • Giặt quần áo bằng nước nóng
  • Vệ sinh các bề mặt trong nhà bằng sản phẩm kháng khuẩn
  • Cắt móng tay
  • Tránh đến trường hoặc nhà trẻ khi có dịch bệnh
  • Không dùng chung các đồ vệ sinh cá nhân
Bình luận
Tin mới
  • 30/05/2023

    Điều trị viêm họng liên cầu khuẩn

    Viêm họng liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến cổ họng và amidan. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và biện pháp phòng bệnh qua bài viết sau đây.

  • 30/05/2023

    Có nên bổ sung vitamin khi đói?

    Uống vitamin vào buổi sáng có thể là một cách tốt để duy trì thói quen uống thuốc, nhưng dùng vitamin khi bụng đói có thể có một số nhược điểm. Đọc bài viết sau để biết cách mà bạn có thể tối đa hóa lượng vitamin của mình và tránh bị đau bụng.

  • 30/05/2023

    Thói quen vừa tắm vừa đánh răng có tốt không?

    Đánh răng khi tắm có thể giúp bạn tiết kiệm được vài phút trong chu trình vệ sinh cá nhân hàng ngày. Nhưng liệu đây có phải là ý tưởng tốt nhất mang lại hiệu quả vệ sinh cho bạn?

  • 29/05/2023

    Phân biệt dịch tiết âm đạo và rò rỉ nước tiểu

    Nước tiểu thường có màu vàng và lượng thường khá nhiều so với dịch tiết âm đạo. Bên cạnh đó, dịch tiết âm đạo ra thường có màu trắng và đặc hơn so với nước tiểu. Tiết dịch âm đạo quá nhiều và rò rỉ nước tiểu có nguyên nhân cơ bản khác nhau và bạn sẽ cần được thăm khám để chẩn đoán, cũng như điều trị sớm.

  • 29/05/2023

    Ung thư cổ tử cung tế bào nhỏ

    Đọc bài viết sau để khám phá thêm về ung thư cổ tử cung tế bảo nhỏ. Bài viết này sẽ đề cập đến các triệu chứng, yếu tố rủi ro cũng như cách chẩn đoán và điều trị bệnh.

  • 29/05/2023

    Nguyên nhân phát ban hình tròn

    Nguyên nhân gây phát ban hình tròn có thể do các vấn đề về da. Thông thường, người ta nghi ngờ phát ban hình tròn có thể là bệnh hắc lào (một tình trạng nấm da), nhưng phát ban có thể có hình dạng như hắc lào nhưng lại có một số đặc điểm khác biệt.

  • 28/05/2023

    Các loại chấn thương khi sinh

    Cùng tìm hiểu chấn thương khi sinh là gì và cần làm gì để đối phó với bệnh này qua bài viết sau đây.

  • 28/05/2023

    Thuốc làm tăng lượng đường máu

    Một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn phổ biến có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Mỗi loại thuốc có thể làm tăng đường huyết theo nhiều cơ chế khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là có thể gây ra bệnh tiểu đường hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh.

Xem thêm