Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

14 cách ngăn ngừa chứng ợ nóng và trào ngược axit dạ dày (GERD)

Bạn có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày bằng một số thay đổi trong lối sống, bao gồm ăn tối sớm hơn, điều chỉnh tư thế ngủ và tránh một số thực phẩm, đồ uống có tính axit.

Hầu hết chúng ta đều quá quen thuộc với cảm giác đau, nóng rát ở giữa ngực liên quan đến chứng ợ nóng xảy ra khi axit từ dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản. Mặc dù dùng thuốc có thể điều trị chứng trào ngược axit và ợ nóng, nhưng những thay đổi trong lối sống cũng có thể giúp bạn giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là 14 cách tự nhiên để giảm chứng trào ngược axit và ợ nóng, tất cả đều được các nghiên cứu khoa học chứng minh.

Ngủ nghiêng về bên trái.

Nghiên cứu cho thấy việc ngủ nghiêng về bên trái có thể giúp giảm chứng trào ngược axit vào ban đêm. Cụ thể, cách làm này sẽ làm giảm tới 71% lượng axit tiếp xúc với thực quản. Mặc dù nguyên nhân chưa hoàn toàn rõ ràng nhưng nó có thể được giải thích bằng giải phẫu của thực quản. Thức ăn sau khi qua thực quản sẽ vào dạ dày theo hướng bên phải nên ngủ nghiêng về bên trái sẽ giúp axit tránh xa cơ vòng thực quản dưới. Cơ thắt thực quản dưới chịu trách nhiệm giữ cho axit và thức ăn chưa tiêu hóa không thể quay trở lại thực quản, nhưng nhiều vấn đề có thể xảy ra khiến điều này gặp trục trặc, ví dụ như tư thế ngủ.

Nâng cao đầu giường.

Tình trạng trào ngược axit thường xảy ra vào ban đêm, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và khiến bạn khó ngủ hơn. Một đánh giá đã cho thấy việc kê cao đầu giường làm giảm chứng trào ngược axit và cải thiện các triệu chứng như ợ chua ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Ăn tối sớm hơn.

Nếu bị trào ngược axit, việc ăn bữa tối sớm vài giờ trước khi đi ngủ có thể cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, tập trung ăn các bữa lớn trong ngày và bữa tối ăn nhẹ cũng là một biện pháp hữu ích. Nghiên cứu cho thấy rằng đi ngủ khi thức ăn chưa được tiêu hóa hết, đặc biệt nếu đó một bữa ăn lớn, nó có thể khiến cho các triệu chứng của bạn trầm trọng hơn vào ban đêm.

Chọn hành tây đã nấu chín thay vì ăn sống.

Hành sống là nguyên nhân phổ biến gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa như trào ngược axit và ợ chua. Điều này là do chúng khó tiêu hóa hơn và có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản. Nếu bạn thích ăn hành, hãy chế biến chín trước khi ăn.

Chia nhỏ các bữa ăn và tăng số bữa.

Cơ thắt thực quản dưới được coi như một van giữa dạ dày và thực quản. Ở người bị trào ngược axit, hoạt động của cơ này bị suy yếu hoặc rối loạn chức năng khiến axit trào ngược lên thực quản. Do đó, đa số các triệu chứng thường xảy ra sau bữa ăn. Vì vậy, việc chia nhỏ các bữa ăn và tăng số bữa trong ngày có thể giúp giảm triệu chứng trào ngược axit.

Duy trì số cân nặng vừa phải.

Lượng mỡ bụng dư thừa có thể làm tăng áp lực trong ổ bụng khiến cơ thắt thực quản dưới bị đẩy lên trên và mất đi sự hỗ trợ của cơ hoành. Tình trạng này được gọi là thoát vị tạm thời, là nguyên nhân hàng đầu của chứng trào ngược dạ dày thực quản. Hơn nữa, các nghiên cứu còn cho thấy rằng mỡ bụng dư thừa có thể dẫn đến nguy cơ trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản cao hơn.

Do đó, giảm cân được coi như là một biện pháp để cải thiện chứng trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên xin ý kiến của bác sỹ để xác định liệu pháp phù hợp và an toàn với bản thân mình.

Thực hiện chế độ ăn kiêng lowcarb.

Chế độ ăn nhiều carbohydrat có thể làm trầm trọng thêm chứng trào ngược axit, do đó, việc giảm số lượng carbohydrat có thể làm cải thiện các triệu chứng. Một số nghiên cứu giải thích rằng carbohydrat không được tiêu hóa là lý do gây ra sự phát triển quá mức của vi khuẩn và tăng áp lực bên trong bụng, điều này có thể góp phần gây ra hiện tượng trào ngược axit.

Quá nhiều carbohydrat chưa tiêu hóa trong hệ thống đường ruột không chỉ  gây ra triệu chứng đầy hơi, chướng bụng mà còn gây ra hiện tượng ợ hơi.

Hạn chế việc uống rượu bia.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nhiều rượu bia có thể làm tăng các triệu chứng trào ngược axit. Đó là vì rượu làm tăng axit dạ dày, giãn cơ thắt thực quản dưới và làm suy yếu khả năng đào thải axit của thực quản.

Không sử dụng nhiều cà phê.

Cà phê cũng có thể khiến cho cơ thắt thực quản dưới giãn tạm thời, làm tăng nguy cơ trào ngược axit. Tuy nhiên, các nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn hạn chế và chưa tìm thấy mối liên quan giữa việc tiêu thụ cà phê và các triệu chứng trào ngược axit.  

Hạn chế tiêu thụ đồ uống có ga.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ đồ uống có ga thường xuyên có thể dẫn đến nguy cơ trào ngược cao hơn. Điều này có thể là do khí carbon dioxide tạo bong bóng cho những đồ uống này có thể khiến bạn ợ hơi nhiều hơn, làm tăng lượng axit trào ra khỏi thực quản, làm trầm trọng thêm một số triệu chứng trào ngược axit, bao gồm ợ nóng, đầy bụng và ợ hơi.

Không uống nhiều nước ép cam hoặc quýt.

Nhiều loại nước ép cam quýt, bao gồm nước cam và nước bưởi, được coi là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng ợ chua. Những thành phần này có tính axit cao và chứa các hợp chất như axit ascorbic, có thể gây khó tiêu nếu bạn tiêu thụ chúng với số lượng lớn và có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản. Mặc dù nước ép cam quýt có thể không trực tiếp gây trào ngược axit nhưng nó có thể khiến chứng ợ chua của bạn trở nên trầm trọng hơn.

Hạn chế sử dụng bạc hà.

Bạc hà là  thành phần phổ biến được sử dụng để pha trà thảo mộc và tăng thêm hương vị cho thực phẩm, kẹo, kẹo cao su, nước súc miệng và kem đánh răng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng dầu bạc hà có thể làm giảm trương lực cơ vòng thực quản, gây ợ nóng và làm trầm trọng thêm chứng trào ngược dạ dày thực quản. Vì lý do này, tốt nhất bạn nên tránh dùng bạc hà nếu bạn cảm thấy nó khiến chứng ợ chua của bạn trở nên trầm trọng hơn.

Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo.

Thực phẩm chiên rán và một số thực phẩm giàu chất béo khác cũng có thể là tác nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm: đồ chiên rán, khoai tây chiên, pizza, thịt lợn hun khói, nước sốt. Những thực phẩm giàu chất béo góp phần gây ra chứng ợ nóng bằng cách khiến cho muối mật được giải phóng vào đường tiêu hóa, gây kích thích thực quản. Chúng cũng kích thích giải phóng cholecystokinin (CCK), một loại hormone làm giãn cơ vòng thực quản dưới, cho phép các chất trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản. Một nghiên cứu đã xem xét điều gì xảy ra khi những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản ăn thực phẩm giàu chất béo. Hơn một nửa trong số những người tham gia báo cáo về các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản sau khi ăn đồ chiên rán, nhiều chất béo. Điều đó nói lên rằng, bạn nên tiêu thụ ít chất béo hơn để giữ gìn sức khỏe.

Bỏ thuốc lá.

Nước bọt giúp trung hòa axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Nhưng hút thuốc có thể làm giảm lượng nước bọt có trong miệng. Hút thuốc cũng làm giảm trương lực của cơ thắt thực quản dưới, gây ho và trào ngược axit. Nghiên cứu cho thấy rằng việc bỏ hút thuốc có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của chứng trào ngược axit hoặc trào ngược dạ dày thực quản của bạn.

Các câu hỏi thường gặp

Làm thế nào để cải thiện triệu chứng trào ngược axit nhanh chóng?

Cách nhanh nhất để giảm chứng trào ngược axit có thể là dùng thuốc kháng axit. Một số loại trà thảo dược, sữa ít béo hoặc sữa thực vật, nước ép trái cây không có múi, nước dừa và đôi khi chỉ cần nước lọc cũng có thể giúp giảm triệu chứng trào ngược axit.

Trào ngược axit có thể tự khỏi không?

Nếu bạn bị ợ nóng tạm thời liên quan đến bệnh lý nào đó hoặc một dạng trào ngược dạ dày thực quản nhẹ, chứng trào ngược axit có thể tự khỏi sau vài giờ. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần dùng thuốc và thay đổi lối sống để kiểm soát các triệu chứng của mình.

Kết luận

Chứng ợ nóng là một vấn đề gây ra sự khó chịu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng của mình trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc đồ uống, thì việc hạn chế hoặc tránh những thứ này là hợp lý. Mặc dù có nhiều loại thuốc và lựa chọn điều trị để giảm chứng ợ nóng, nhưng thực hiện một số thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể có ích.

 

Hải Yến - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm