Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Yếu tố Rh và tầm quan trọng của xét nghiệm Rh trong thai kỳ

Các biến chứng cho thai nhi có thể xảy ra trong thai kỳ nếu bạn là Rh âm tính và thai nhi là Rh dương tính. Vậy yếu tố Rh là gì và các biến chứng mà thai nhi có thể gặp phải nếu bị bất tương thích Rh là gì? Cùng Viện Y học ứng dụng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Yếu tố Rhesus (hay yếu tố Rh) là một loại protein mang tính di truyền được tìm thấy ở trên bề mặt các tế bào hồng cầu. Nếu máu của bạn có loại protein này thì được xem là Rh dương tính và ngược lại, nếu máu của bạn không có loại protein này thì là Rh âm tính. Bạn được thừa hưởng yếu tố RH này từ cha mẹ ruột của mình. Khoảng 85% mọi người mang RH dương tính.

Các biến chứng cho thai nhi có thể xảy ra trong thai kỳ nếu bạn là Rh âm tính và thai nhi là Rh dương tính. Lúc này sẽ xảy ra sự không tương thích Rh. Tuy nhiên, vẫn có các phương pháp điều trị để ngăn ngừa biến chứng của sự bất đồng yếu tố Rh này.

Đọc thêm tại bài viết: Những hiểu biết về nhóm máu ABO và Rh

Các nhóm máu phổ biến

Protein trên bề mặt hồng cầu quyết định nhóm máu của bạn. Mỗi nhóm máu cũng có một yếu tố dương tính hoặc âm tính. Yếu tố dương tính hoặc âm tính bên cạnh nhóm máu là yếu tố Rh của bạn. Yếu tố Rh gần như không gây ra vấn đề hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn theo bất kỳ cách nào. Nó chỉ trở nên quan trọng khi các nhóm máu được trộn lẫn với nhau, chẳng hạn như trong thời kỳ mang thai và sinh nở.

Các nhóm máu phổ biến nhất là:

  • A dương tính.
  • A âm tính.
  • B dương tính.
  • B âm tính.
  • O dương tính.
  • O âm tính.

Tại sao yếu tố Rh lại quan trọng?

Yếu tố Rh của bạn không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn, nhưng bạn cần phải biết tình trạng Rh của bạn nếu bạn đang mang thai.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra bất đồng yếu tố Rh?

Bất đồng yếu tố Rh xảy ra khi một người có Rh âm tính mang một thai nhi có máu Rh dương tính. Với tình trạng không tương thích Rh, hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng với sự khác biệt này và tạo ra kháng thể. Những kháng thể này thúc đẩy hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào hồng cầu của thai nhi mà cơ thể bạn nghĩ là vật lạ. Bác sĩ sản khoa có thể ngăn ngừa điều này xảy ra bằng cách tiêm cho bạn một mũi tiêm globulin miễn dịch.

Trong thời kỳ mang thai, máu người mẹ không hòa lẫn với máu thai nhi đang mang trong bụng. Tuy nhiên, một lượng nhỏ máu từ thai nhi có thể hòa vào máu của người mẹ trong quá trình chuyển dạ và sinh nở (qua đường âm đạo hoặc mổ lấy thai). Việc hòa lẫn máu này cũng có thể xảy ra trong các trường hợp sau:

  • Các xét nghiệm như chọc ối và lấy mẫu nhung mao màng đệm (CVS).
  • Chảy máu âm đạo trong thời kỳ mang thai do bất kỳ nguyên nhân nào.
  • Chấn thương ở bụng.
  • Các biến chứng sớm khi mang thai như sảy thai hoặc thai ngoài tử cung.
  • Xảy ra sau khi xoay đầu ngoài (một thao tác để xoay thai nhi ngôi ngược).

Thai nhi có nguy cơ gặp biến chứng khi nào?

Biến chứng thường không xảy ra trong lần mang thai đầu tiên của bạn. Điều này là do máu của bạn không có khả năng hòa trộn với máu của thai nhi cho đến khi sinh, cũng có nghĩa là kháng thể sẽ không hình thành cho đến sau khi thai nhi chào đời. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn xét nghiệm yếu tố Rh của bạn ngay cả khi đó là lần mang thai đầu tiên.

Rh không tương thích sẽ trở nên nghiêm trọng nếu bạn mang thai lần thứ hai và có một thai nhi Rh dương tính khác. Trong trường hợp này, cơ thể bạn sẽ sản xuất kháng thể. Những kháng thể này khiến thai nhi thứ hai có nguy cơ gặp biến chứng. Khi cơ thể bạn nhận ra thai nhi có Rh dương tính, kháng thể có thể xâm nhập vào máu của thai nhi và tấn công các tế bào hồng cầu của thai nhi. Đây được gọi là bệnh Rh và bệnh này có thể đe dọa tính mạng của thai nhi.

Đọc thêm tại bài viết: Những xét nghiệm cần làm trong 3 tháng đầu thai kỳ

Ai có nguy cơ không tương thích Rh?

Một người có Rh âm tính có nguy cơ không tương thích Rh nếu họ mang thai một thai nhi có Rh dương tính. Biểu đồ này giúp xác định nguy cơ không tương thích Rh của thai nhi:

Người mẹ đang mang thai

Người bố

Thai nhi

Mức độ rủi ro

Rh dương tính

Rh dương tính

Rh dương tính

Không có

Rh âm tính

Rh âm tính

Rh âm tính

Không có

Rh dương tính

Rh âm tính

Rh dương tính hoặc âm tính

Không có

Rh âm tính

Rh dương tính

Rh dương tính hoặc âm tính

Cao

Xét nghiệm và chẩn đoán

Xét nghiệm yếu tố Rh là gì?

Xét nghiệm yếu tố Rh là xét nghiệm máu đơn giản mà mọi phụ nữ mang thai đều được thực hiện trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ (thường là trong lần khám thai đầu tiên). Xét nghiệm yếu tố Rh giúp xác định bạn mang Rh dương tính hay âm tính . Điều này rất quan trọng trong thai kỳ vì nếu bạn có nhóm máu Rh âm tính và thai nhi có nhóm máu Rh dương tính, bạn sẽ mắc tình trạng gọi là bất tương thích yếu tố Rh.

Bất tương thích Rh được chẩn đoán như thế nào?

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bất tương thích Rh. Nếu bạn mang thai, bác sĩ sản khoa sẽ xét nghiệm để xác định xem bạn có nhóm máu Rh âm tính hay không. Nếu bạn có nhóm máu Rh dương tính, bạn không cần phải lo lắng nữa.

Nếu bạn có nhóm máu Rh âm tính và xét nghiệm kháng thể của bạn là âm tính, bác sĩ sẽ tiêm cho bạn globulin miễn dịch Rh để ngăn ngừa sự hình thành kháng thể, bạn sẽ được tiêm globulin vào khoảng tuần thứ 28 của thai kỳ và sau đó tiêm lại trong vòng 72 giờ sau khi sinh nếu thai nhi có nhóm máu Rh dương tính. Bạn có thể được tiêm một liều vào đầu thai kỳ nếu bác sĩ cho rằng máu của bạn đã bị hòa lẫn với máu của thai nhi.

Điều trị và kiểm soát bất tương thích Rh

Bất tương thích Rh được điều trị như thế nào?

Globulin miễn dịch Rh là một loại thuốc ngăn cơ thể bạn tạo ra kháng thể Rh. Thuốc này chỉ có tác dụng nếu cơ thể bạn chưa tạo ra kháng thể Rh. Tiêm globulin miễn dịch Rh thường rất hiệu quả trong điều trị tình trạng không tương thích Rh trong thai kỳ. Việc phát hiện tình trạng không tương thích Rh sớm trong thai kỳ là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Nếu cơ thể bạn đã có kháng thể Rh, thai nhi tiếp theo sẽ có nguy cơ mắc phải tình trạng bất tương thích Rh. Vì globulin miễn dịch Rh lúc này sẽ không có tác dụng, nên phương pháp điều trị tốt nhất là theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ. Có một khả năng nhỏ là bác sĩ sẽ khuyến khích bạn sinh sớm, nhưng điều này còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh Rh của thai nhi.

Những biến chứng nào liên quan đến tình trạng không tương thích Rh?

Tình trạng không tương thích Rh không ảnh hưởng đến người mang thai. Nhưng ở thai nhi, nó có thể gây ra tình trạng thiếu máu tan máu. Thiếu máu tan máu phá hủy các tế bào hồng cầu của thai nhi nhanh hơn tốc độ thay thế chúng.

Các ảnh hưởng của tình trạng không tương thích Rh có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Vàng da.
  • Suy gan.
  • Suy tim.
  • Thai chết lưu.

Đối với các tác dụng phụ nhẹ, thai nhi có thể không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào. Hầu hết thai nhi đều hồi phục hoàn toàn nếu mắc bệnh Rh nhẹ.

Đối với các trường hợp nghiêm trọng, thai nhi có thể cần được truyền máu. Quy trình này giúp thay thế các tế bào hồng cầu của thai nhi. Các bác sĩ có thể sử dụng đèn đặc biệt để chiếu cho trẻ, giúp giảm nồng độ bilirubin ở thai nhi bị vàng da. Bạn cũng có thể cần sinh con sớm để tránh các biến chứng nghiêm trọng của bệnh thiếu máu tan máu.

Bên cạnh đó, kể từ khi phát triển các mũi tiêm globulin miễn dịch Rh, bệnh Rh hiếm khi xảy ra.

Điều gì xảy ra nếu bạn đã phát triển kháng thể?

Điều trị bằng globulin miễn dịch Rh sẽ không có tác dụng nếu người có Rh âm tính đã tạo ra kháng thể. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải biết dược yếu tố Rh của bạn và điều trị càng sớm càng tốt.

Phòng ngừa

Vì yếu tố Rh là yếu tố di truyền nên không thể chọn loại Rh nào cho thai nhi. Cách phòng ngừa tốt nhất là xét nghiệm tìm ra yếu tố Rh của bạn càng sớm càng tốt.

Tiên lượng

Nếu bạn đang mang thai và là Rh âm tính, việc tiêm globulin sau mỗi lần tiếp xúc với máu Rh dương tính giữa bạn và thai nhi sẽ làm giảm nguy cơ thai nhi mắc bệnh Rh. Bất tương thích Rh không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Việc phát hiện sớm xem bạn có bất tương thích yếu tố Rh hay không là cách tốt nhất để đảm bảo thai nhi luôn khỏe mạnh.

Kết luận

Biết được tình trạng Rh của bạn là điều vô cùng quan trọng trong quá trình mang thai để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra cho em bé của bạn. May mắn thay, việc xét nghiệm yếu tố Rh hiện nay rất phổ biến, bạn hoàn toàn có thể chủ động xét nghiệm để xác định yếu tố Rh của mình. Nếu bạn gặp tình trạng bất tương thích Rh với thai nhi, việc tiêm globulin là cần thiết để đảm bảo thai nhi không mắc bệnh Rh và sinh ra khỏe mạnh.

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM (VIAM Clinic) trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam cung cấp dich vụ xét nghiệm vitamin và khoáng chất, tư vấn chế độ dinh dưỡng cá thể dành cho mọi lứa tuổi từ trẻ em, phụ nữ mang thai đến người cao tuổi. Hãy liên hệ với VIAM Clinic nếu bạn muốn có chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị và cải thiện sức khỏe TẠI ĐÂY hoặc Hotline: 0935.18.3939 hoặc 024.3633.5678

 
 

 

 

BS. Đoàn Thu Hồng - Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM - Theo Cleveland Clinic
Bình luận
Tin mới
  • 04/12/2024

    9 thói quen gây hại cho xương

    Trong cuộc sống hiện đại, không ít người đã vô tình tạo ra những thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng lại âm thầm gây tổn hại đến sức khỏe xương khớp. Hiểu rõ những thói quen này và tìm cách thay đổi kịp thời là điều cần thiết để bảo vệ hệ xương khỏe mạnh.

  • 04/12/2024

    Tinh trùng bị loãng, đâu là nguyên nhân?

    Oligospermia là tình trạng nam giới có số lượng tinh trùng thấp hơn mức bình thường. Theo tiêu chuẩn y khoa, một mẫu tinh dịch có ít hơn 15 triệu tinh trùng/ml thì được đánh giá là bị loãng tinh trùng.

  • 03/12/2024

    Mối lo ngại khi trẻ thường xuyên nóng giận mất kiểm soát

    Theo một nghiên cứu mới đây, trẻ mẫu giáo dễ nổi nóng, khó bảo có thể được xem là một dấu hiệu cảnh báo trước nguy cơ mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) ở giai đoạn sau.

  • 03/12/2024

    Nhóm máu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?

    Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều mối liên hệ đáng chú ý giữa nhóm máu và nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau.

  • 03/12/2024

    Bất dung nạp lactose hoàn toàn khác dị ứng đạm sữa bò

    Không ít phụ huynh đang nhầm lẫn dị ứng đạm sữa bò và bất dung nạp lactose ở trẻ đều là cùng một bệnh lý. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Cả hai tình trạng đều khác nhau về nguyên nhân, biểu hiện. Để có thể phân biệt rõ hơn, mời cha mẹ cùng tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây!

  • 02/12/2024

    6 câu hỏi thường gặp về bệnh giãn phế quản

    Giãn phế quản là tình trạng các phế quản bị giãn ra và khó hồi phục được, dễ gây những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị và quản lý bệnh tốt.

  • 02/12/2024

    Tập thể dục mùa lạnh: Lợi ích và những lưu ý quan trọng

    Mùa đông thường mang đến cảm giác uể oải khiến nhiều người muốn cuộn tròn trong chăn ấm áp hơn là ra ngoài vận động. Tuy nhiên, duy trì thói quen tập thể dục trong mùa lạnh lại mang đến nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể. Trong bài viết dưới đây, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ phân tích những lợi ích và cung cấp những lưu ý quan trọng để bạn tập luyện an toàn và hiệu quả trong những ngày giá rét.

  • 02/12/2024

    Yếu tố Rh và tầm quan trọng của xét nghiệm Rh trong thai kỳ

    Các biến chứng cho thai nhi có thể xảy ra trong thai kỳ nếu bạn là Rh âm tính và thai nhi là Rh dương tính. Vậy yếu tố Rh là gì và các biến chứng mà thai nhi có thể gặp phải nếu bị bất tương thích Rh là gì? Cùng Viện Y học ứng dụng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Xem thêm