Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ý nghĩa các chỉ số Cholesterol trong ước lượng rủi ro tim mạch

Khi làm xét nghiệm sinh hóa máu có thể bạn sẽ biết được mỡ máu của mình là bao nhêu, nồng độ cholesterol toàn phần trong máu là bao nhiêu. Nhưng bạn đã bao giờ nghe nói đến "Cholesterol ratio" - ước lượng rủi ro tim mạch?

Cholesterol ratio - Ước lượng rủi ro tim mạch 

Các chỉ số trong xét nghiệm cholesterol 

Nếu bạn đã từng đo nồng độ cholesterol máu, thì qui trình sẽ như thế này: Bạn bỏ bữa sáng, đi thử máu và sau đó nhận kết quả cholesterol trong máu. Bạn có lẽ đã nghe tới nồng độ cholesterol toàn phần trong máu. Con số này bạn sẽ luôn muốn giữ dưới mức 200 mg/dL. Nồng độ cholesterol toàn phần được tạo thành từ:

  • Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), còn gọi là cholesterol tốt
  • Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), còn gọi là cholesterol xấu
  • 20% tổng lượng triglycerides, là một loại chất béo trung tính có trong máu của bạn

Nhưng bạn đã bao giờ nghe nói đến tỉ số “cholesterol ratio” hay còn gọi là ước lượng rủi ro tim mạch? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chỉ số này và ý nghĩa của nó đối với bạn.

Cholesterol ratio (ước lượng rủi ro tim mạch) là gì? 

Cholesterol ratio được tính bằng cách chia cholesterol toàn phần trong máu cho nồng độ HDL (lipoprotein tỷ trọng cao). Chẳng hạn, nếu cholesterol toàn phần của bạn là 180 và HDL của bạn là 82, thì tỷ lệ của bạn là 2,2. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association - AHA), bạn nên giữ tỷ lệ này dưới 5, với tỷ lệ lý tưởng là 3,5.

Tỷ lệ và nguy cơ cho nam giới

Theo nghiên cứu của Framingham Heart Study, tỷ lệ Cholesterol ratio trung bình là 5 cho thấy nguy cơ bệnh tim mạch đối với nam giới. Nam giới sẽ tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu tỷ lệ này lên đến 9,6, và họ sẽ giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh tim nếu tỷ lệ là 3,4.

Tỷ lệ và nguy cơ đối với phụ nữ

Phụ nữ thường có nồng độ HDL (cholesterol tốt) cao hơn. Theo một nghiên cứu tương tự, tỷ lệ Cholesterol ratio trung bình là 4,4 cho thấy nguy cơ bệnh tim mạch đối với phụ nữ. Nguy cơ bệnh tim mạch đối với phụ nữ tăng gấp đôi nếu tỷ lệ của họ là 7, trong khi tỷ lệ 3,3 thì nguy cơ giảm chỉ còn một nửa.

Có cùng nồng độ cholesterol toàn phần, Cholesterol ratio khác nhau

Hai người có cùng nồng độ cholesterol toàn phần trong máu có thể có cholesterol ratio khác nhau. Trường Y khoa Harvard trích dẫn ví dụ sau: Nếu cholesterol toàn phần là 200 và HDL của bạn là 60, thì cholesterol ratio của bạn sẽ là 3,3. Tỉ lệ này gần mức lý tưởng của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ là 3,5. Tuy nhiên, nếu nồng độ cholesterol toàn phần vẫn giữ nguyên còn HDL của bạn là 35 - dưới mức khuyến nghị là 40 đối với nam và 50 đối với nữ thì cholesterol ratio của bạn sẽ là 5,7. Tỷ lệ này sẽ khiến bạn có nguy cơ bệnh tim cao hơn.

Ghi nhớ các chỉ số của bạn

Một số người có thể dễ dàng nhớ cholesterol ratio của họ, bởi vì đây chỉ là một con số hơn là phải nhớ tất cả các chỉ số HDL, LDL, và cholesterol toàn phần. Điều này là hợp lý nếu bạn ở trong một nhóm có nguy cơ bệnh tim thấp, nhưng nếu cholesterol xấu của bạn tăng lên thì tốt nhất bạn nên chú ý đến tất cả các chỉ số. Khi bạn quan tâm đến tất cả các chỉ số và cả cholesterol ratio sẽ giúp bạn có các kế hoạch phù hợp để duy trì các chỉ số trong phạm vi hợp lý.

Sử dụng các chỉ số của bạn

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ việc sử dụng cả hai chỉ số cholesterol toàn phần và HDL sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong điều trị hạ cholesterol. Ví dụ nếu mức cholesterol toàn phần của bạn cao hơn khuyến nghị, các bác sỹ có thể xem xét đến tỉ lệ giữa cholesterol toàn phần và HDL. Nếu tỉ số này thấp hơn 5 đối với nam hoặc thấp hơn 4,4 đối với nữ thì nghĩa là bạn có nguy cơ mắc bệnh cao, các bác sỹ có thể xem xét điều này khi đánh giá tổng quát về tình trạng của bạn

Tìm phương pháp điều trị đúng

Cholesterol ratio cho chúng ta một hình dung về nguy cơ mắc bệnh tim mạch của mình. Nhưng chỉ sử dụng tỉ số này là không đủ để quyết định phương thức điều trị tốt nhất nếu nguy cơ mắc bệnh của bạn cao. Bác sĩ sẽ dựa vào tất cả các chỉ số bao gồm cholesterol toàn phần, HDL, LDL… khi đưa ra một liệu trình điều trị phù hợp bao gồm chế độ ăn, luyện tập và thuốc để đưa các chỉ số của bạn về mức mong muốn. 

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bạn đã hiểu hết về cholesterol?

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm