Theo nghiên cứu, vỏ chanh chứa rất ít calorie nhưng lại giàu khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa là các hợp chất thực vật ngăn ngừa tổn thương tế bào bằng cách chống lại các gốc tự do trong cơ thể. Nghiên cứu trong ống nghiệm phát hiện vỏ chanh có đặc tính chống oxy hóa còn mạnh hơn vỏ của một số loại trái cây có múi khác như bưởi hoặc quýt.
Chất chống oxy hóa nổi bật nhất trong vỏ chanh là D-limonene và vitamin C. Trong đó D-limonene là hợp chất tạo cho chanh có hương vị đặc trưng và chịu trách nhiệm cho hầu hết lợi ích sức khỏe của loại trái cây này. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy D-limonene làm tăng hoạt động của một loại enzyme giúp giảm stress oxy hóa. Stress oxy hóa có liên quan đến tổn thương mô và tăng tốc độ lão hóa. Còn vitamin C có vai trò nhất định trong việc tăng cường và bảo vệ hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Vỏ chanh tốt cho sức khỏe tim mạch như thế nào?
Tăng huyết áp, nồng độ cholesterol trong máu cao và béo phì là những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch phổ biến nhất. Nghiên cứu cho thấy hợp chất chống oxy hóa flavonoid, vitamin C, D-limonene và pectin - chất xơ hòa tan có trong vỏ chanh mang lại nhiều lợi ích tiềm năng trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn
Cụ thể, một đánh giá từ 14 nghiên cứu thực hiện trên hơn 300.000 người cho thấy việc bổ sung trung bình 10mg flavonoid mỗi ngày làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim xuống 5%. Ngoài ra, trong một nghiên cứu trên chuột bị béo phì phát hiện D-limonene làm giảm lượng đường trong máu, chất béo trung tính triglyceride và mức cholesterol “xấu” (LDL), đồng thời tăng mức cholesterol “tốt” (HDL).
Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở 60 trẻ em bị thừa cân chỉ ra rằng bổ sung bột chanh (có chứa vỏ) làm hạ huyết áp và cholesterol LDL. Pectin có trong vỏ chanh cũng có thể làm giảm nồng độ cholesterol bằng cách tăng bài tiết acid mật do gan sản xuất và ức chế hấp thu cholesterol.
Sử dụng vỏ chanh đúng cách
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) công nhận vỏ chanh là an toàn và không gây tác dụng phụ cho con người khi sử dụng. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ vỏ chanh tươi, bạn cần lưu ý làm sạch kỹ càng để loại bỏ bụi bẩn.
Một số cách để thêm vỏ chanh vào chế độ ăn uống như:
- Thêm vỏ chanh vào bánh nướng, salad hoặc sữa chua.
- Rắc vỏ chanh trên đồ uống.
- Cắt vỏ chanh thành sợi và nướng ở 93 ° C, sau đó thêm chúng vào trà.
- Vỏ chanh sấy khô, cắt nhỏ trộn chung với muối hoặc tiêu để làm gia vị.
Tham khảo thông tin tại bài viết: 3 bài thuốc chữa viêm khớp ngày giao mùa từ vỏ chanh