Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Viêm cổ tử cung

Viêm cổ tử cung là một bệnh lý thường gặp của chị em phụ nữ, gây ra nhiều khó chịu và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Cổ tử cung là phần thấp nhất của tử cung tiếp xúc với cuối đường âm đạo. Đây cũng là nơi máu kinh nguyệt thoát ra khỏi tử cung. Khi sinh nở, cổ tử cung dãn ra thành ống đẻ để em bé đi qua. Cũng giống như bất kì mô nào của cơ thể, cổ tử cung có thể bị viêm vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Triệu chứng

Một số phụ nữ không có bất kì triệu chứng nào. Khi các triệu chứng xuất hiện, nó có thể bao gồm:

  • Ra máu âm đạo bất thường
  • Ra khí hư màu xám hoặc màu trắng và có thể có mùi khó chịu
  • Đau âm đạo
  • Đau khi giao hợp
  • Cảm giác tức nặng vùng bụng dưới
  • Đau lưng

Cổ tử cung có thể trở lên viêm nặng nếu bệnh tiến triển. Khí hư giống như mủ là một triệu chứng của viêm nặng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm cổ tử cung là do nhiễm trùng. Nhiễm trùng này có thể lây qua đường tình dục nhưng không phải ở mọi trường hợp. Viêm cổ tử cung có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm cấp tính có các triệu chứng khởi phát đột ngột. Viêm mạn tính kéo dài một vài tháng.

Viêm cổ tử cung cấp tính thường do bệnh lây truyền qua đường tình dục như:

  • Herpes typ 2 hay còn gọi là Herpes sinh dục
  • Chlamydia
  • Trichomonas
  • HPV
  • Lậu

Bệnh cũng có thể do nhiễm trùng từ các yếu tố khác, ví dụ như dị ứng với chất diệt tình trùng hoặc bao cao su, màng ngăn âm đạo hoặc nhạy cảm với hóa chất trong băng vệ sinh. Vi khuẩn thông thường ở âm đạo cũng có thể gây viêm cổ tử cung.

Viêm cổ tử cung mạn tính thường xảy ra sau sinh. Nó cũng có thể gặp khi mang thai do sự gia tăng của hóc-môn gây tăng tưới máu đến cổ tử cung.

Chẩn đoán

Nếu bạn có các triệu chứng của viêm cổ tử cung, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Những triệu chứng của viêm cổ tử cung có thể là dấu hiệu của bệnh lí về âm đạo khác. Đôi khi, thăm khám định kì có thể phát hiện ra viêm cổ tử cung nếu bạn không có bất kì triệu chứng nào.

Có nhiều cách để bác sĩ có thể chẩn đoán viêm cổ tử cung:

  • Thăm khám âm đạo bằng tay

Bác sĩ sẽ đi găng và đưa một ngón tay vào trong âm đạo của bạn, trong khi tay còn lại ấn trên bụng của bạn để tạo ra áp lực. Khám âm đạo cho phép phát hiện các bất thường của các cơ quan trong khung chậu, bao gồm cổ tử cung.

Bác sĩ sẽ dùng một que phết tế bào ở âm đạo hoặc cổ tử cung và kiểm tra các bất thường của những tế bào này.

  • Sinh thiết cổ tử cung

Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm này nếu PAP Smear cho kết quả bất thường.

  • Xét nghiệm khí hư

Bác sĩ có thể lấy mẫu khí hư của bạn và soi dưới kính hiển vi để tìm những dấu hiệu của nhiễm nấm, viêm âm đạo do vi khuẩn, Trichomonas hoặc các bệnh lí khác.

Bạn cũng có thể cần làm những xét nghiệm về bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bạn cần điều trị bất kì bệnh lí nào gây ra viêm cổ tử cung để có thể chữa lành nó.

Điều trị

Không có một loại điều trị chung nào cho viêm cổ tử cung. Bác sĩ có thể quyết định giải pháp tốt nhất cho bạn dựa trên một vài yếu tố như:

  • Tình trạng sức khỏe tổng thể
  • Tiền sử y khoa
  • Mức độ nặng của bệnh
  • Phạm vi của viêm

Điều trị thường bao gồm kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và theo dõi đáp ứng, đặc biệt là sau sinh.

Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật lạnh hoặc dùng nitrat bạc trong những trường hợp nặng khi có tổn thương các tế bào cổ tử cung. Phẫu thuật lạnh sử dụng nhiệt độ đóng băng để làm đông các tế bào bất thường ở cổ tử cung và sau đó là phá hủy chúng. Nitrat bạc cũng có thể phá hủy các tế bào bất thường.

Bác sĩ có thể điều trị viêm cổ tử cung sau khi đã xác định được nguyên nhân gây ra nó. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, viêm cổ tử cung có thể kéo dài vài năm, gây ra đau khi quan hệ tình dục và các triệu chứng trầm trọng hơn.

Biến chứng

Viêm cổ tử cung do lậu hoặc Chlamydia có thể lan truyền sang niêm mạch tử cung và ống dẫn trứng, gây viêm vùng chậu. Viêm vùng chậu sẽ dẫn đến đau vùng chậu, khí hư và sốt, nếu không được điều trị có thể gây vô sinh.

Phòng bệnh

Có nhiều biện pháp để giảm nguy cơ viêm cổ tử cung. Kiêng quan hệ tình dục khi đang bị ốm, bị đau, có kinh nguyệt....sẽ bảo vệ bạn khỏi viêm cổ tử cung do các bệnh lây truyền quan đường tình dục. Nguy cơ mắc các bệnh này sẽ giảm xuống nếu bạn sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục.

Tránh thụt rửa âm đạo, không dùng tăm-pông có hương thơm có thể giúp bạn giảm nguy cơ dị ứng. Nếu bạn đưa bất cứ thứ gì vào trong âm đạo, ví dụ như tăm-pông hoặc màng ngăn âm đạo, hãy làm theo hướng dẫn để biết khi nào nên lấy nó ra và cách làm vệ sinh như thế nào.

Những loại xét nghiệm cần làm để xác định viêm cổ tử cung do các bệnh lây truyền qua đường tình dục?

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể do vi khuẩn nhưng một số khác là do virus.

  • Sàng lọc bệnh do vi khuẩn gây ra thường bao gồm việc lấy bệnh phẩm từ dịch tiết của khu vực bị ảnh hưởng, sau đó soi tìm lậu cầu hoặc Trichomonas.
  • Một số bệnh do virus gây ra có thể được sàng lọc bằng xét nghiệm máu.
  • Những loại khác, ví dụ như Herpes hoặc mụn cóc sinh dục thường được chẩn đoán bằng quan sát tổn thương bằng mắt thường.
  • Một số bệnh như HIV, Herpes và giang mai có thể được xác định bằng xét nghiệm máu.
Bs. Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 26/04/2024

    Chế độ ăn cho người bị nhiễm vi khuẩn HP

    Cùng với tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP.

  • 26/04/2024

    Tại sao cần tiêm vaccine phòng uốn ván?

    Uốn ván là một căn bệnh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cơ và dây thần kinh của cơ thể nhưng có thể phòng ngừa được. Nó thường gây co thắt, tạo cảm giác đau đớn và cứng cơ hàm. Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và dễ dàng phòng ngừa bằng tiêm chủng. Nguyên nhân là do độc tố được tạo ra bởi bào tử của vi khuẩn Clostridium tetani. Những vi khuẩn này sống trong môi trường, bao gồm cả trong đất, bụi và phân động vật.

  • 26/04/2024

    Vì sao da đầu đổ nhiều mồ hôi và cách cải thiện?

    Da đầu đổ nhiều mồ hôi khiến tóc bết, khó chịu, ngứa ngáy và tăng nguy cơ các bệnh về da. Tìm hiểu nguyên nhân tình trạng nhiều mồ hôi da đầu cũng như cách khắc phục tại nhà.

  • 26/04/2024

    Nguyên nhân khiến da mỏng hơn

    Làn da mỏng manh là làn da dễ bị nẻ và tổn thương. Đó là một vấn đề phổ biến ở người lớn tuổi. Khi bạn già đi, các lớp da của bạn sẽ mỏng đi và trở nên mỏng manh hơn. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến độ dày của da. Ngay cả những rối loạn và việc sử dụng thuốc cũng có thể góp phần làm mỏng da.

  • 25/04/2024

    10 mẹo để loại bỏ nếp nhăn biểu cảm

    Nếp nhăn biểu cảm là những đường nhăn trên khuôn mặt xuất hiện khi chúng ta cử động cơ mặt. Chúng thường xuất hiện ở những vùng da mỏng manh như trán, giữa hai lông mày và xung quanh mắt và miệng.

  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

Xem thêm