Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tìm hiểu 4 loại cholesterol ảnh hưởng đến tim

Cholesterol là chất béo (lipid) dạng sáp được gan thải ra. Tùy thuộc vào loại cholesterol trong cơ thể sẽ có tác động khác nhau đến sức khỏe tim mạch.

Nồng độ các loại cholesterol tác động đến sức khỏe của tim ra sao?

Theo PGS.BS. Nieca Goldberg, trường Y khoa NYU Grossman (Mỹ), tuy có ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cholesterol vẫn có vai trò quan trọng với sức khỏe. Cơ thể sử dụng cholesterol để hình thành tế bào, một số hormone, mật dùng để tiêu hóa thức ăn...

Không phải tất cả cholesterol đều giống nhau. Cholesterol kết hợp với protein để cùng vận chuyển trong máu. Tùy vào loại protein mà cholesterol kết hợp (khoa học gọi là lipoprotein), cholesterol có thể được đào thải, hấp thu hoặc được xử lý theo cách khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Hiểu về chỉ số lipoprotein trong xét nghiệm máu hỗ trợ chẩn đoán, tiên lượng tình trạng sức khỏe.

Lipoprotein mật độ thấp hay cholesterol "xấu" (Low-density lipoprotein - LDL)

Theo PGS.BS Goldberg, cơ thể cần giảm LDL vì cholesterol này góp phần gây tắc nghẽn động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Khi cơ thể có quá nhiều LDL, cholesterol sẽ tích tụ ở những nơi không nên có như mạch máu (gồm cả những mạch dẫn đến tim), hình thành những mảng bám dạng sáp khiến động mạch bị thu hẹp và cứng lại, còn gọi là chứng xơ vữa động mạch.

Nguy hiểm là quá trình này thường không có biểu hiện rõ rệt, vì vậy người trưởng thành khỏe mạnh nên kiểm tra cholesterol mỗi 4-6 năm một lần, kiểm tra thường xuyên hơn với những người mắc đái tháo đường, bệnh tim hoặc tiền sử gia đinh có cholesterol cao.

PGS.BS tim mạch Guy Mintz, trường Y Zucker (Mỹ) cho biết, chứng xơ vữa động mạch làm chậm lượng máu đến tim (cũng như các cơ quan và mô khác). Nếu mảng bám vỡ ra, cục máu đông có thể hình thành và gây đau tim.

Bên cạnh LDL, tăng huyết áp và tăng đường huyết cũng ảnh hưởng đến mạch máu. Nồng độ LDL có xu hướng tăng ở những người hút thuốc, ít hoạt động thể chất, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn.

Theo Thư viện Y học Quốc gia (Mỹ), nồng độ LDL ổn định nên ở mức dưới 100 mg/dL. Với những người đã từng bị đau tim hoặc đột quỵ, đã được kê đơn một số loại thuốc giảm cholesterol, thì mức LDL dưới 70 mg/dL sẽ tốt hơn.

Lipoprotein mật độ cao hay cholesterol "tốt” (High-density lipoprotein - HDL)

Đây được coi là cholesterol thân thiện với tim. Do HDL hấp thu thêm cholesterol, đưa trở lại gan để đào thải ra khỏi cơ thể (gan sử dụng cholesterol để tạo ra mật, sau đó thải ra ngoài cơ thể qua phân) giúp ngăn chặn nguy cơ tắc nghẽn động mạch. Nữ giới nên duy trì HDL ở mức 50 mg/dL hoặc cao hơn, nam giới nên duy trì ở mức 40 mg/dL hoặc cao hơn.

Một số yếu tố có thể khiến nồng độ HDL thấp như hút thuốc, ít vận động, đái tháo đường type 2 các loại thuốc như thuốc chẹn beta được sử dụng để hạ huyết áp. Bạn nên duy trì cả 2 mức HDL và LDL ổn định để có sức khỏe tối ưu.

Cholesterol lipoprotein mật độ rất thấp (Very low-density lipoprotein - VLDL)

Hiểu rõ các chỉ số mỡ máu giúp bạn hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của mình

Hiểu rõ các chỉ số mỡ máu giúp bạn hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của mình.

VLDL có liên quan đến LDL nhưng ít biết đến hơn, là phương tiện thiết yếu để vận chuyển chất béo trung tính (triglyceride). Theo Thư viện Y khoa Quốc gia (Mỹ), triglyceride là loại chất béo có nhiều nhất trong cơ thể, đảm nhiệm dự trữ lượng calorie dư thừa từ thực phẩm bạn ăn.

VLDL và triglyceride đều tăng cao gây hại cho tim. Đây cũng là lý do trong bảng xét nghiệm lipid, triglyceride thường được liệt kê với LDL và HDL toàn phần. Để sức khỏe tốt, triglyceride phải dưới 150 mg/dL. Việc ăn nhiều thực phẩm có nhiều đường hoặc chất béo bão hòa có thể làm tăng chất béo trung tính.

Lipoprotein (a)

Lipoprotein (a) hay Lp (a) mới được các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều gần đây. Theo ông Anurag Mehta, giám đốc khoa tim mạch phòng ngừa tại Trung tâm Tim mạch Pauley của VCU Health (Mỹ), Lp (a) có thể tác động xấu tiềm ẩn, dù vẫn còn nhiều điều chưa được sáng tỏ.

Lp (a) dường như chủ yếu được xác định bởi di truyền và bác sĩ Mehta cho biết, các nhà khoa học không chắc chắn chính xác chức năng của nó trong cơ thể. Cũng không có sự thống nhất chung về thế nào là Lp (a) cao, tuy nhiên, các hướng dẫn chung chỉ ra ngưỡng 50 mg/dL.

Bác sĩ Mehta lưu ý, Lp (a) thường không có trong bảng xét nghiệm lipid tiêu chuẩn. Việc xét nghiệm chỉ được khuyến nghị đối với những người đã biết mắc bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch, có tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm hoặc đột quỵ vì mức Lp (a) cao.

Tuy nhiên, thay đổi lối sống không thể thay đổi chỉ số Lp (a), các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu các loại thuốc tiềm năng để xem xét tác dụng đến chỉ số này.

Một số lời khuyên giúp tim khỏe mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim có thể giúp cải thiện nồng độ LDL, HDL và chất béo trung tính. PGS.BS Goldberg khuyên bạn nên ăn nhiều trái cây và rau củ, các loại đậu, ngũ cốc giàu chất xơ, cá, thịt gia cầm, cũng như chất béo không bão hòa từ quả hạch và hạt.

Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đơn giản như đi bộ hoặc chạy bộ có thể cải thiện mức LDL, HDL cũng như sức khỏe tim mạch. Nếu tập cardio, bạn nên đặt mục tiêu tập cường độ vừa phải với 150 phút/tuần.

Khi khám sức khỏe, bạn nên chủ động hỏi bác sĩ về các chỉ số trong bảnh xét nghiệm lipid tiêu chuẩn. Cung cấp cho bác sĩ thông tin nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Ý nghĩa các chỉ số Cholesterol trong ước lượng rủi ro tim mạch.

Nguyễn Thanh - Theo suckhoecong
Bình luận
Tin mới
  • 21/01/2025

    Thời điểm uống cà phê cực tốt cho tim và tuổi thọ

    Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng thời điểm uống cà phê cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với sức khỏe. Các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra một thời điểm uống cà phê trong ngày giúp giảm nguy cơ tử vong vì bệnh tim...

  • 21/01/2025

    5 việc cần làm mỗi sáng để hạ huyết áp

    Đối với hầu hết mọi người, tăng huyết áp không có dấu hiệu cảnh báo. Cách duy nhất để bạn biết mình bị huyết áp cao là thông qua chỉ số huyết áp. Nhưng theo thời gian, tăng huyết áp không được kiểm soát có thể gây tổn thương các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm động mạch, tim, não, thận, mắt, v...v... May mắn thay, có những thay đổi về lối sống mà bạn có thể thực hiện để giúp hạ huyết áp một cách tự nhiên. Thử những thay đổi này vào buổi sáng khi huyết áp của bạn bắt đầu tăng, thậm chí trước khi bạn thức dậy là thời điểm đặc biệt tốt để bắt đầu. Hãy tìm hiểu những thói quen này cùng VIAM nhé.

  • 20/01/2025

    5 lợi ích của tỏi nướng trong mùa đông

    Tỏi nướng không chỉ thơm ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Dưới đây là 5 lợi ích của tỏi nướng giúp cơ thể khỏe mạnh hơn trong mùa đông.

  • 20/01/2025

    Xua tan mệt mỏi cuối năm: Bí quyết lấy lại năng lượng cho dân văn phòng

    Cuối năm, thời điểm mà không khí hối hả bao trùm, đặc biệt là với dân văn phòng. Áp lực công việc với deadline dồn dập, những buổi tiệc tùng liên miên khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt quệ. Vậy làm thế nào để xua tan mệt mỏi, lấy lại năng lượng để đón một năm mới tràn đầy hứng khởi? Hãy cùng Viện y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu những bí quyết hữu ích để "sạc đầy pin" cho cả thể chất lẫn tinh thần.

  • 18/01/2025

    Du lịch cuối năm khỏe mạnh: cẩm nang bỏ túi cho chuyến đi an toàn

    Cùng khám phá cẩm nang du lịch cuối năm khỏe mạnh với những mẹo hữu ích giúp bạn phòng tránh say tàu xe, các bệnh thường gặp và chuẩn bị thuốc men cần thiết. Đảm bảo chuyến đi an toàn và tràn đầy năng lượng!

  • 17/01/2025

    Phù nề sau sinh: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí hiệu quả

    Sau khi sinh, người mẹ thường tập trung vào việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các vấn đề sức khỏe có thể phát sinh trong giai đoạn này, nhưng nhiều bà không nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo sớm.

  • 16/01/2025

    Chế độ ăn cho người mắc hội chứng urê huyết tán huyết

    Một chế độ ăn uống được kiểm soát cẩn thận có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và làm chậm tiến triển của người bị hội chứng urê huyết tán huyết.

  • 16/01/2025

    Phân biệt nấm móng và vẩy nến móng tay

    Nấm móng và bệnh vẩy nến móng là hai tình trạng ảnh hưởng đến móng. Chúng có các triệu chứng tương tự nhau và bạn có thể bị cả nấm móng và vẩy nến móng tay cùng một lúc. Tuy nhiên, hai bệnh là khác nhau và có các phương pháp điều trị riêng biệt.

Xem thêm