Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tiêm vacxin có an toàn không?

Vacxin được kiểm tra rất chặt chẽ về độ an toàn. Tuy nhiên, không có nghĩa là tiêm vacxin sẽ không gây ra những tác dụng không mong muốn.

Như bất cứ một loại thuốc nào khác, vacxin cũng có một vài nguy cơ cho sức khỏe, được gọi là các phản ứng sau tiêm vacxin và những nguy cơ này hầu hết thường rất nhẹ. 

Các phản ứng với vacxin

Hoa Kỳ đã theo dõi các phản ứng nặng với vacxin bằng cách sử dụng hệ thống báo cáo về các phản ứng với vacxin (VAERS). Điều này cho phép xem xét một loại vacxin có gặp vấn đề gì về an toàn hay không. Các nhà nghiên cứu của VAERS đã theo dõi những phản ứng phụ được báo cáo lại và xem xét những phản ứng đó có thực sự liên quan đến việc tiêm vacxin hay không. Họ cũng theo dõi tần xuất xuất hiện của các phản ứng phụ nhẹ, nặng trên tất cả các liều vacxin được sử dụng.

Điều quan trọng mà bạn nên nhớ là: không phải tất cả những vấn đề sức khỏe xảy ra sau khi tiêm vacxin là do vacxin gây ra.

Bạn nên ghi lại bất kỳ vấn đề sức khỏe nào mà con bạn hoặc bạn gặp phải sau khi tiêm vacxin và báo cho nhân viên y tế biết. Những triệu chứng có thể của các phản ứng phụ với vacxin thường gặp là:

  • Sưng, đỏ và cảm thấy nóng ở vùng bị tiêm
  • Nổi mẩn hoặc phát ban
  • Yếu cơ
  • Đau khớp
  • Sốt cao
  • Rất mệt mỏi
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Mất trí nhớ
  • Yếu hoặc tê liệt bất kỳ phần nào của cơ thẻ
  • Mất thị lực hoặc mất thính lực
  • Bồn chồn hoặc kích động thái quá
  • Hãn hữu có thể có trường hợp tử vong sau tiêm vacxin

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn sau tiêm vacxin, bao gồm:

  • Bạn đang ốm tại thời điểm tiêm vacxin
  • Bạn có tiền sử gia đình phản ứng với tiêm vắc xin
  • Bạn có tình trạng suy giảm miễn dịch

Những phản ứng nghiêm trọng với vacxin thường rất rất hiếm. Với hầu hết chúng ta, nguy cơ mắc bệnh sẽ thường cao hơn là nguy cơ gặp phản ứng sau tiêm vacxin.

Các câu hỏi cần phải cân nhắc

Cũng giống như việc uống thuốc, mỗi người sẽ phản ứng khác nhau với vacxin. Những loại vacxin khác nhau sẽ có những phản ứng sau tiêm khác nhau. Những phản ứng này có thể từ nhẹ đến nặng, Mặc dù vậy, các hậu quả kéo dài thường rất hiếm gặp.

Nếu bạn lo ngại về việc tiêm vacxin, dưới đây là một số câu hỏi mà bạn nên cân nhắc:

  • Bạn có định tiêm vacxin khi bạn không bị ốm không?
  • Bạn đã bao giờ gặp các phản ứng phụ khi tiêm vacxin chưa?
  • Bạn có tiền sử gia đình bị dị ứng với tiêm vacxin, phản ứng với vacxin hoặc các rối loạn miễn dịch không?
  • Bạn có nhận thức đầy đủ về các tác dụng phụ của vacxin không?
  • Bạn có biết cách nhận ra các dấu hiệu của phản ứng phụ với vacxin không?
  • Bạn có bị dị ứng với trứng, hải sản có vỏ cứng hoặc các thành phần của vacxin không?

Thêm vào đó, một vài người có thể không có phản ứng miễn dịch hiệu quả. Những người như vậy vẫn có thể sẽ mắc bệnh sau khi đã tiêm vacxin.

An toàn, gian lận và tranh cãi

Vacxin được coi là một phát minh quan trọng của con người và đã vô cùng thành công trong việc kiểm soát và loại trừ nhiều căn bệnh chết người. Vacxin cũng được kiểm tra một cách chặt chẽ và khá an toàn. Nhưng điều đó không có nghĩa là vacxin và tính an toàn của vacxin đã tránh được tranh cãi.

Một nghiên cứu gian lận được công bố vào cuối năm 1990 đã khởi động cho nhiều thập kỷ của việc chống lại vacxin. Nghiên cứu này đã khẳng định mối liên hệ giữa tiêm vacxin và chứng tự kỷ. Tuy nhiên, các dữ liệu của nghiên cứu này sau đó đã được chứng minh là giả và chinha tác giả của nghiên cứu đã phải xin lỗi cũng như hủy bỏ kết quả nghiên cứu đó. Nhưng vẫn có một số người vẫn có tư tưởng chống lại việc tiêm vacxin.

Sự thật là các phản ứng sau tiêm vacxin nghiêm trọng rất hiếm gặp. Việc tiêm vacin thường giúp ích nhiều hơn là làm hại. Tiêm vacxin không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn bảo vệ cả cộng đồng họ đang sống. Càng nhiều người được tiêm vacxin, số người dễ bị mắc bệnh sẽ càng ít. Tác dụng bảo vệ này được gọi là miễn dịch cộng đồng.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phản đối tiêm chủng và những hệ quả

Ths. Bs.Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm