Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thuốc chống trầm cảm có giúp điều trị cơn đau mạn tính?

Các bác sĩ đôi khi sẽ kê đơn thuốc chống trầm cảm để điều trị cơn đau mạn tính khi các loại thuốc giảm đau thông thường khác không có tác dụng. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy không phải tất cả các loại thuốc chống trầm cảm đều có tác dụng giảm đau như mong muốn.

Trong một nghiên cứu, được công bố vào ngày 1 tháng 2 trên tạp chí BMJ, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 26 đánh giá có hệ thống, tổng hợp dữ liệu từ 156 thử nghiệm lâm sàng với hơn 25.000 người tham gia được kê đơn thuốc chống trầm cảm hoặc giả dược để giảm đau mạn tính. Các nhà điều tra đã sử dụng thang đo mức độ đau từ 0 - 100 để ước tính hiệu quả của 8 loại thuốc chống trầm cảm khác nhau đối với nhiều tình trạng mạn tính như đau lưng, đau nửa đầu, viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa.

Đọc thêm bài viết: 10 loại thực phẩm gây ra chứng đau nửa đầu

Các nhà khoa học không thể khẳng định chắc chắn rằng một loại thuốc chống trầm cảm cụ thể nào giúp giảm đau mạn tính cho một tình trạng cụ thể. Chỉ có 4 trường hợp mà các nhà khoa học có thể kết luận với “độ chắc chắn vừa phải” rằng một loại thuốc chống trầm cảm cụ thể có thể làm giảm một loại đau mạn tính nhất định. 

Hầu hết các nghiên cứu đã điều tra hiệu quả của thuốc chống trầm cảm đối với cơn đau mạn tính đều nhỏ và có chất lượng rất thấp. Vì vậy, vẫn cần những nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực này.

Thuốc chống trầm cảm SNRI có bằng chứng tốt nhất để điều trị cơn đau mạn tính

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đều kết luận rằng thuốc chống trầm cảm có tác dụng đối với cơn đau mạn tính liên quan đến các loại thuốc thuộc nhóm được gọi là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI). Những loại thuốc này làm dịu trầm cảm bằng cách tăng mức độ của hai chất hóa học trong não: serotonin và norepinephrine. Serotonin giúp điều chỉnh tâm trạng và norepinephrine, giúp cải thiện sự chú ý cũng như năng lượng.

Trong phân tích nhóm thuốc chống trầm cảm, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine được phát hiện là làm giảm các triệu chứng mạn tính của đau lưng, đau cơ xơ hóa, đau thần kinh và đau sau phẫu thuật. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy bằng chứng mức độ tin cậy thấp về việc sử dụng SNRI để giảm đau do điều trị ung thư vú, đau mạn tính liên quan đến trầm cảm và đau do viêm khớp ở khớp gối.

Bằng chứng về tác dụng giảm đau mạn tính đối với hai loại thuốc chống trầm cảm khác trong nghiên cứu cũng chưa rõ ràng. Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs) có thể làm giảm đau do hội chứng ruột kích thích, đau thần kinh và đau đầu do căng thẳng mạn tính. Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) có thể làm dịu cơn đau mạn tính liên quan đến trầm cảm.

Nói chung, những thuốc chống trầm cảm giải quyết mức độ norepinephrine trong não và tủy sống hữu ích hơn so với thuốc chống trầm cảm cổ điển chỉ giải quyết serotonin. Do đó, việc phát hiện ra rằng các chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI) hiệu quả hơn các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).

Đọc thêm bài viết: Có nên dùng thuốc dự phòng đau nửa đầu?

Điều trị cơn đau mạn tính có thể là một thách thức

Nghiên cứu trước đây cho thấy thuốc chống trầm cảm thường được kê đơn để điều trị đau mạn tính và bệnh nhân có nhiều khả năng dùng những loại thuốc này cho mục đích điều trị đau mạn tính hơn là vì lợi ích sức khỏe tâm thần của họ.

Ví dụ, một nghiên cứu về hồ sơ kê đơn ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Đài Loan đã phát hiện ra rằng cơn đau mạn tính là lý do phổ biến nhất mà các bác sĩ viện kê đơn thuốc chống trầm cảm (chiếm tới 68% các trường hợp). Tại Hoa Kỳ, nghiên cứu cho thấy, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine là thuốc chống trầm cảm được kê đơn phổ biến nhất cho chứng đau mạn tính. Tuy nhiên nghiên cứu mới của BMJ cho thấy phương pháp này có thể không hiệu quả trong nhiều trường hợp.

Điều này xảy ra một phần là do các loại thuốc giảm đau theo toa khác không hoàn hảo, hiệu quả hạn chế, tác dụng phụ nguy hiểm hoặc khả năng gây nghiện. Opioids có thể hiệu quả nhưng có nguy cơ gây nghiện. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen đôi khi có thể làm dịu cơn đau nhưng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về thận, đau tim và đột quỵ khi sử dụng lâu dài. Một loại thuốc giảm đau không kê đơn nổi tiếng khác là acetaminophen có thể làm dịu một số loại đau nhưng có nguy cơ gây tổn thương gan khi sử dụng lâu dài.

Nói chung, nghiên cứu về vai trò của thuốc chống trầm cảm đối với cơn đau mạn tính cho thấy lợi ích hạn chế, nhưng điều đó cũng đúng với hầu hết mọi loại thuốc điều trị cơn đau mạn tính.

Thuốc chống trầm cảm chắc chắn an toàn hơn opioid, đồng thời không có nguy cơ về thận và tim như thuốc chống viêm không steroid NSAID. Vậy nên thuốc chống trầm cảm có thể là những lựa chọn tốt cho những người có các các vấn đề sức khỏe chồng chéo của chứng đau mạn tính và trầm cảm.

Một hạn chế của nghiên cứu là tất cả các thử nghiệm nhỏ hơn trong phân tích đã sử dụng các phương pháp khác nhau để đánh giá cơn đau và nhiều lựa chọn điều trị cho các dạng đau mạn tính khác nhau, Điều này có thể gây khó khăn cho việc phát hiện các lợi ích điều trị nhỏ nhưng có ý nghĩa. Phân tích cũng không kiểm tra tần suất những người dùng thuốc chống trầm cảm để giảm đau mạn tính có vấn đề tâm lý tiềm ẩn có thể được hưởng lợi từ những loại thuốc này. 

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng thuốc không phải là lựa chọn duy nhất để kiểm soát cơn đau mạn tính. Một số bệnh nhân không cần dùng thuốc mà lựa chọn vật lý trị liệu, tập thể dục tại nhà hoặc các phương pháp điều trị hành vi trong khi một số người cần đến sự trợ giúp của thuốc.

Chế độ ăn uống không phải là một liều thuốc chữa bệnh nhanh chóng, nhưng nó có khả năng cao giúp kiểm soát và thậm chí ngăn ngừa các cơn đau đầu của bạn. Liên hệ ngay với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam để khám, tư vấn chế độ dinh dưỡng cùng chuyên gia đầu ngành TẠI ĐÂY hoặc Hotline 0935 18 3939/ 024 3633 5678

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everyday Health
Bình luận
Tin mới
Xem thêm