Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Thận ứ nước

Thận ứ nước là tình trạng thường xảy ra khi thận sưng to lên do quá trình dẫn lưu nước tiểu từ thận xuống bàng quang bị suy yếu. Sự sưng to này thường chỉ ảnh hưởng đến một bên thận, nhưng đôi khi nó có thể bao gồm cả hai bên thận.

Thận ứ nước

Thận ứ nước thường là hậu quả thứ phát của một số bệnh tiềm ẩn khác. Đó là vấn đề về cấu trúc và là hậu quả sự tắc nghẽn trong đường tiết niệu Thận ứ nước ảnh hưởng đến khoảng 100 trẻ sơ sinh tại Mỹ.

Các triệu chứng của thận ứ nước 

Thông thường, nước tiểu chảy qua đường tiết niệu với áp lực tối thiểu. Áp lực sẽ tăng lên nếu có tắc nghẽn ở đường tiết niệu. Nếu nước tiểu tích tụ trong một thời gian dài, thì thận có thể sẽ bị to lên. Thận chứa đầy nước tiểu và bắt đầu chèn ép vào các cơ quan gần đó. Nếu không được điều trị, áp lực này có thể làm thận của bạn mất chức năng vĩnh viễn.

Các triệu chứng nhẹ của tình trạng thận ứ nước bao gồm đi tiểu thường xuyên hơn và tăng nhu cầu đi tiểu. Các triệu chứng nghiêm trọng khác có thể gặp là:

  • đau bụng hoặc đau phần thắt lưng
  • buồn nôn
  • nôn mửa
  • đau khi đi tiểu
  • đi tiểu không hết
  • sốt

Bị gián đoạn dòng nước tiểu làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Đó là lý do tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh thận ứ nước. Một số dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:

  • nước tiểu đục
  • đi tiểu đau
  • tiểu rắt
  • tiểu yếu
  • đau lưng
  • đau bàng quang
  • sốt
  • ớn lạnh

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của hiện tượng thận ứ nước, hãy đi khám bác sĩ. Nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không được điều trị có thể dẫn đến những tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm thận - bể thận và nhiễm khuẩn huyết.

Nguyên nhân gây thận ứ nước 

Thận ứ nước là hậu quả của các vấn đề bệnh lý bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến thận và hệ thống thu nhận nước tiểu tại thận.

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây thận ứ nước là tắc nghẽn một bên đường tiết niệu cấp tính. Đây là sự phát triển đột ngột của tình trạng tắc nghẽn ở một bên niệu quản của bạn, là các ống nối thận với bàng quang của bạn. Nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn là sỏi thận, nhưng sẹo và cục máu đông cũng có thể gây ra chứng tắc nghẽn một bên niệu quản cấp tính. Một niệu quản bị tắc có thể gây ra ứ nước tiểu ở trong thận và gây sưng. Dòng nước tiểu này được gọi là trào ngược bàng quang niệu quản.

Các nguyên nhân tắc nghẽn khác có thể bao gồm:

  • xoắn ở chỗ nối bể thận niệu quản
  • phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới, có thể do phì đại tiền liệt tuyến lành tính hoặc viêm tuyến tiền liệt
  • Mang thai, nguyên nhân gây nên sự đè nén do bào thai đang phát triển
  • khối u ở trong hoặc gần niệu quản
  • thu hẹp niệu quản do chấn thương hoặc dị tật bẩm sinh

Các phương pháp điều trị tình trạng thận ứ nước 

Điều trị thận ứ nước chủ yếu tập trung vào việc loại bỏ nguyên nhân gây cản trở dòng chảy của nước tiểu. Lựa chọn điều trị của bác sĩ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiết niệu.

Nếu niệu quản bị tắc, bác sĩ có thể cần thực hiện một trong số các thủ thuật dưới đây:

  • đặt ống thông niệu quản
  • đặt ống dẫn lưu thận
  • kê đơn kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng

Bác sĩ có thể loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn khi phẫu thuật. Nếu như mô sẹo hoặc cục máu đông gây tắc nghẽn, bác sĩ có thể loại bỏ hoàn toàn vùng bị ảnh hưởng. Sau đó bác sỹ có thể kết nối lại các đầu khỏe mạnh của niệu quản của bạn để khôi phục lại việc lưu thông nước tiểu bình thường.

Nếu nguyên nhân gây thận ứ nước là sỏi thận, bạn có thể cần phẫu thuật để lấy sỏi. Bác sĩ có thể thực hiện mổ nội soi. Bác sĩ của bạn cũng có thể kê đơn kháng sinh cho bạn. Điều này sẽ giúp đảm bảo bạn không bị nhiễm trùng thận.

Triển vọng dài hạn

Nếu bạn điều trị sớm, tiên lượng của bạn sẽ tốt. Loại bỏ các nguyên nhân gây tắc nghẽn là điều cần thiết để thận của bạn trở lại hoạt động bình thường.

Ai có nguy cơ bị thận ứ nước?

Có một số yếu tố nhân khẩu học có thể làm tăng nguy cơ bị thận ứ nước. Các nhóm này bao gồm phụ nữ mang thai (do một thai nhi lớn có thể đè vào niệu quản); nam trên 50 tuổi (do phì đại tuyến tiền liệt hoặc ung thư tiền liệt tuyến); phụ nữ hoạt động tình dục nhiều (do nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát); và những người có khuynh hướng bị sỏi thận tái phát.

Tham khảo thêm thông tin trong bài viết: Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người cao tuổi

Võ Dung - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm