Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tăng cholesterol máu - Phần 2

Từ xưa đến nay chúng ta hiểu về cholesterol chưa chính xác.

Một buổi tối mùa đông, mưa rơi và gió lạnh, người đàn ông trẻ tuổi ra bãi đỗ xe để trở về nhà sau một ngày làm việc bận rộn.

Đoạn đường chỉ hơn trăm mét, nhưng mưa nặng hạt, nên người đàn ông chạy thật nhanh cho đỡ ướt.

Đột nhiên, người đàn ông cảm thấy như tim mình bị chặn đứng lại. Ngay lập tức, toàn bộ cơ thể của anh rơi xuống, giống như vừa hoàn thành một cuộc thi chạy marathon vài chục cây số và kiệt sức.

Gió thêm lạnh…
Mưa thêm buốt…

Người đàn ông từ từ lê bước, cố mở cửa xe để trèo lên, đợi vài phút cho cơn đau thắt nghẹn ở vùng ngực dịu xuống, rồi anh lái xe cẩn thận đến bệnh viện.

Người đàn ông ngồi dựa vào chiếc ghế ngay khi đến cửa phòng khám, nhắm mắt lại và thậm chí không thể nói được, miệng chỉ ú ớ đủ để các nhân viên y tế nhận thấy có sự nguy hiểm và lao ra giúp đỡ.

Nếu đó không phải là bệnh tim thì cũng là khúc dạo đầu của bệnh tim!

Có vẻ như thần chết đã bắt đầu gõ cửa. Bác sĩ thông báo kết quả điện tâm đồ của người đàn ông chưa có dấu hiệu nhồi máu cơ tim. Nhưng xét nghiệm cholesterol toàn phần = 301, trong đó hai loại cần phải đặc biệt quan tâm là LDL = 210 và HDL = 50. Tỉ lệ cholestrol toàn phần/HDL = 6.02 là rất nguy hiểm (bình thường tỉ lệ này dưới 5).

Từ xưa đến nay chúng ta hiểu về cholesterol chưa chính xác.

HDL và LDL, đó là 2 cholesterol "tốt" và "xấu", nhưng lại không thực sự là cholesterol, chúng là những protein trong máu có nhiệm vụ mang cholesterol đi khắp mọi nơi, được gọi là lipoprotein.

HDL là viết tắt của lipoprotein mật độ cao.
LDL là viết tắt của lipoprotein mật độ thấp.

Lúc đầu, các nhà khoa học chỉ đo cholesterol "tổng" hay còn gọi là “cholesterol toàn phần”, bao gồm cholesterol trong cả LDL và HDL. Sau đó, họ biết rằng LDL liên quan đến mảng xơ vữa thành mạch gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ não, HDL lại có tác dụng ngăn chặn rủi ro này.

Tăng chỉ số “cholesterol toàn phần" thực sự là một dấu hiệu rất thiếu sót vì nó cũng bao gồm HDL.

Ví dụ, một người có nồng độ LDL xấu ở ngưỡng bình thường, nhưng HDL tốt lại có nồng độ cao, thì chỉ số “cholesterol toàn phần” vẫn tăng cao, nhưng người đó lại hoàn toàn khỏe mạnh.

LDL xấu có cấu trúc là những hạt nhỏ và dày đặc: Đây là những lipoprotein dưới dạng những hạt mỡ nhỏ, dễ dàng lắng xuống và xâm nhập vào thành động mạch, tạo nên những mảng sáp trắng ngà, còn gọi là mảng xơ vữa. Khi mảng xơ vữa đủ lớn, gây hẹp lòng mạch làm giảm lưu lượng dòng máu chảy gây tình trạng thiếu máu, thậm chí là tắc hoàn toàn. Bản thân mảng xơ vữa rất dễ bị lở loét và vỡ ra, mảnh vỡ rơi vào lòng mạch di chuyển gây tắc ở nơi khác. Tại vị trí loét, các tế bào máu gọi là tiểu cầu đến ngưng tụ lại, tạo thành cục máu đông; khi đủ lớn cục máu đông có thể gây tắc mạch tại chỗ, hoặc rụng ra di chuyển làm tắc ở nơi khác. Tổn thương tắc xảy ra ở động mạch vành thì gọi là nhồi máu cơ tim, nếu xảy ra ở động mạch não thì gọi là nhồi máu não, cả 2 đều đe dọa đến tính mạng.

HDL tốt có cấu trúc lớn: Những lipoprotein này do cấu trúc lớn nên không dễ dàng lắng xuống để xâm nhập vào thành động mạch. Trái lại, HDL giống như chiếc chổi quét những hạt nhỏ LDL, rồi mang nó đến gan. Tại gan, các hạt nhỏ LDL xấu sẽ được gan chuyển hóa, phá vỡ cấu trúc cholesterol để loại bỏ nó ra khỏi cơ thể.

Mỡ máu còn một thành phần nữa là triglyceride.

Triglyceride là chất béo trung tính lưu trữ trong tế bào để cung cấp năng lượng. Nếu một người ăn quá nhiều và không tập thể dục, triglyceride có thể tăng lên. Uống quá nhiều bia rượu cũng là một yếu tố nguy cơ. Cũng giống như LDL, triglyceride tăng cao là nguyên nhân của bệnh tim mạch, nhưng nó cũng dễ gây viêm tụy cấp rất nặng.

Chỉ số xét nghiệm mỡ máu bình thường (đơn vị mg/dL):

- Cholesterol toàn phần < 200
- LDL < 120
- HDL > 40
- Triglyceride < 150
- Tỉ lệ cholestrol toàn phần/HDL < 5

Người đàn ông 40 tuổi, cao 168cm, nặng 53kg -> BMI cơ thể = 53:(1,68x1,68) = 18,8 là ngưỡng cho phép với dáng vóc thanh mảnh. Chỉ số BMI của đàn ông bình thường từ 18,5 – 24,9. Dưới ngưỡng 18,5 là gầy gò. Trên ngưỡng 24,9 là thừa cân béo phì. Cách tính BMI = cân nặng (Kg)/chiều cao bình phương (m).

--- gầy gò--- < 18,5 ---bình thường--- < 24,9 ---béo phì---

LDL tăng cao là khúc dạo đầu của bệnh tim.

Người đàn ông rất lo lắng về điều này. Anh không muốn để lại 2 đứa con, cùng với người vợ trẻ xinh đẹp, trong khi sự nghiệp đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Phản ứng ban đầu của người đàn ông là không thể bị LDL quá cao, bởi BMI = 18,8 thuộc tuýp người thanh mảnh, không ăn nhiều dầu mỡ và thường xuyên tập thể dục, anh vẫn đá bóng, vẫn tham gia các giải điền kinh ở cơ quan và thành phố.

Kết quả xét nghiệm lại sau 2 ngày vào buổi sáng lúc nhịn đói: cholesterol gần như không thay đổi!

Bác sĩ giải thích hiện tượng tăng cholesterol máu có 2 con đường: một là do ăn uống (còn gọi là cholesterol ngoại sinh chiếm 20%), hai là do cơ thể tự tổng hợp cholesterol từ các tiền chất (còn gọi là cholesterol nội sinh chiếm 80%). Để giảm cholesterol máu cần phải kiểm soát chặt chẽ cả hai con đường này.

Những loại thực phẩm giàu cholesterol gồm trứng đặc biệt là lòng đỏ, các loại động vật có vỏ (tôm, tôm hùm, cua, sò điệp), thịt đỏ, thịt ba rọi, sữa nguyên chất.

Mỡ động vật là chất béo bão hòa có bản chất là triglyceride cũng là một thủ phạm chính gây nên bệnh tim mạch. Khi nồng độ chất béo trong máu quá cao, nó sẽ làm chậm dòng chảy của máu, dần dần các hạt mỡ tích tụ và lắng xuống, cũng gây xơ vữa và hẹp lòng mạch.

Người đàn ông đặc biệt sợ uống thuốc. Để giảm cholesterol máu, anh chỉ còn cách ngăn chặn nguồn cholesterol ngoại sinh, kiêng không ăn những thức ăn giàu cholesterol. Sau 2 tháng, xét nghiệm máu kiểm tra, anh thực sự bất ngờ khi lượng cholesterol thay đổi không đáng kể.

Cầm tờ kết quả xét nghiệm, người đàn ông vô cùng lo lắng, anh suy nghĩ rất nhiều và cân nhắc, quyết định phải kiểm soát chặt chẽ chế độ ăn uống, thực hiện ăn chay hoàn toàn, bữa ăn sẽ không có thịt và chỉ sử dụng một ít dầu thực vật để xào nấu, tăng cường ăn rau và đủ loại trái cây.

Vì ăn chay hoàn toàn nên cholesterol bắt đầu giảm.

Đúng 2 tháng sau anh làm lại xét nghiệm: cholesterol toàn phần = 243 , LDL = 179 , trong khi HDL = 37. Tất cả đã giảm rõ rệt, nhưng HDL tốt thì lại giảm quá nhiều. Tỷ lệ cholesterol toàn phần/HDL = 6,57 đáng báo động vì đã tăng cao hơn hẳn so với lần xét nghiệm đàu tiên. Riêng chỉ số triglyceride = 176 đã vượt quá ngưỡng cho phép.

Từ lúc ăn chay hoàn toàn người đàn ông luôn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.

Trước đây, người đàn ông có thể làm việc cả ngày không biết mệt, có hôm làm đến 11 giờ đêm, về nhà vẫn thừa sức lên giường cùng vợ. Những người xung quanh anh luôn lảo đảo và yếu đuối. Nhưng khi thực hiện chế độ ăn kiêng tuyệt đối, công việc của anh cứ dần dần bị chững lại, nhiều khi ruồi đậu trên mép anh cũng không muốn đuổi. Mỗi buổi sáng, anh không còn muốn thức dậy, cứ thỉnh thoảng lại báo ốm hoặc xin cơ quan cho nghỉ phép để ở nhà ngủ. Đêm nằm cạnh vợ, anh cảm thấy cơ thể mình đã chết và nguội lạnh, có thể ngã xuống bất cứ lúc nào.

Ăn chay hoàn toàn làm cho cholesterol giảm nhưng sự nguy hiểm thì lại tăng lên!

Đó là sự suy giảm cholesterol tốt HDL, tỉ lệ cholesterol toàn phần/HDL tăng lên, triglyceride cũng tăng. LDL xấu có 2 loại: đó là LDL nhỏ đã rất nguy hiểm, nhưng loại LDL siêu nhỏ còn nguy hiểm hơn nhiều. Triglyceride tăng cao sẽ tạo ra các hạt LDL siêu nhỏ dày đặc trong máu, nó dễ lắng xuống, rất khó rửa trôi các hạt LDL siêu nhỏ bám trên thành mạch máu.

Triglyceride cao + HDL thấp = Đây là sự kết hợp nguy nhất.

Lí thuyết y học hôm nay đã chỉ ra rằng, 80% cholesterol là do chính cơ thể tạo ra, chỉ 20% đến từ thực phẩm. Do đó, vai trò của chế độ ăn uống trong việc kiểm soát cholesterol bị hạn chế. Bản thân người đàn ông đã thực hiện chế độ ăn chay tuyệt đối, tổng lượng cholesterol của anh đã giảm, nhưng HDL tốt cũng giảm và tăng triglyceride, tỉ lệ cholesterol toàn phần so với HDL tăng lên, đó là những dấu hiệu báo động sự nguy hiểm. Người đàn ông cảm thấy cơ thể ngày càng tồi tệ hơn. Anh bắt đầu nghi ngờ về lợi ích của chế độ ăn chay để giảm cholesterol, kết quả xét nghiệm càng ngày càng xấu đi, người đàn ông đã kết thúc chế độ ăn chay sau đúng 1 năm.

Lịch sử đã từng hiểu sai về chế độ ăn kiêng để giảm cholesterol máu.

Năm 1913, nhà khoa học người Nga Nikolay Anitschov cùng các đồng nghiệp của mình tại Viện Y học Quân đội Sa hoàng ở St. Petersburg, đã quyết định nghiên cứu cholesterol trên thỏ. Nhóm nghiên cứu đã cho những con thỏ ăn cholesterol trong khoảng 4 đến 8 tuần và thấy rằng chế độ ăn giàu cholesterol gây ra tình trạng xơ vữa mạch máu.

Nikolay Anitschkov khẳng định đã có bằng chứng thực nghiệm khoa học chứng minh sự liên quan giữa cholesterol với xơ vữa động mạch!

Những năm 1940, khi bệnh tim gia tăng ở Hoa Kỳ và các nước phát triển, để giảm nguy cơ mắc bệnh, chế độ ăn kiêng cholesterol dần dần được khuyến cáo. Các thí nghiệm trong sinh học, cũng như các nghiên cứu khác tuân theo chế độ ăn kiêng với cỡ mẫu nghiên cứu lớn, đều khẳng định “có sự liên quan” giữa chế độ ăn giàu cholesterol với bệnh tim.

Những năm 1960, nhà sinh lí học Ancel Keys thuộc Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) đã thu thập mẫu máu từ 15.000 người trung niên và thấy rằng có mối tương quan tuyến tính rõ ràng giữa mức độ cholesterol và tỉ lệ mắc bệnh tim. Trong một làng chài nhỏ ở Nhật Bản, ngư dân ăn hải sản có mức cholesterol thấp chỉ bằng một nửa so với những thợ săn Phần Lan chủ yếu dựa vào mỡ động vật để duy trì năng lượng, tỉ lệ mắc bệnh tim của những người Phần Lan này cũng cao gấp 8 lần.

Hàng loạt nghiên cứu dịch tễ học như thế đã khẳng định chế độ ăn nhiều cholesterol là thủ phạm gây ra cơn đau tim. Sau những nghiên cứu đó, một điều suy luận nó có vẻ rất hợp li, rằng chế độ ăn giàu cholesterol sẽ làm tắc nghẽn các động mạch.

Cuối cùng, quan niệm “cholesterol là kẻ thù” đã trở nên thấm nhuần trong ý thức của người dân và giới bác sĩ, hệ quả là các nhà tiếp thị quảng cáo đã khuyên người tiêu dùng sử dụng thực phẩm "không có cholesterol".

Anitschkov và các nhà khoa học đầu tiên đã không lường trước được về sự phức tạp giữa cholesterol và bệnh tim: ví dụ như cơ thể tạo ra 80% cholesterol lớn hơn nhiều so với 20% từ chế độ ăn uống, cơ chế tự điều chỉnh lượng cholesterol, trong máu có cả cholesterol tốt và xấu.

Điều quan trọng hơn dẫn đến sai lầm là những nghiên cứu vẫn còn lỗ hổng logic. Như trong nghiên cứa của Anitschkov, thực hiện trên động vật thí nghiệm, nó có những yếu tố không được khái quát cho con người. Ví dụ, liên quan đến cholesterol, có thể gây ra chứng xơ cứng động mạch ở thỏ, nhưng thỏ khác với người là không bao giờ ăn thịt và rất nhạy cảm với cholesterol.

Một trong những điểm yếu của nghiên cứu dịch tễ là “sự liên quan” nhiều khi không đại diện cho “mối quan hệ nhân quả”. Ví dụ đơn giản, nếu thực hiện cuộc khảo sát ở một thành phố như Hà Nội chẳng hạn, sẽ thấy những người đàn ông thường xuyên mặc com lê thắt ca vát sẽ bị đau tim và đứt mạch não nhiều hơn những người ăn mặc đơn giản. Nhưng không thể kết luận trực tiếp rằng bộ quần áo com lê ca vát là nguyên nhân gây đau tim và đứt mạch não, để khuyên người dân từ bỏ thói quen mặc lịch sự, thay vào đó là khẩu hiệu “mặc quần áo xấu xí là bảo vệ tim và não”.

Toán học có tính chất bắc cầu: nếu A = B, B = C --> A = C.

Y học không thể suy luận: nếu ăn thực phẩm giàu cholesterol thì sẽ gây tăng cholesterol máu + cholesterol máu tăng sẽ gây đau tim -> ăn thực phẩm giàu cholesterol sẽ bị đau tim.

Lawrence Rudel, một giáo sư tại Đại học Y khoa Wake Forest (Mỹ), người cũng đã rất tích cực chỉ ra việc ăn thực phẩm “không có cholesterol” là không khoa học.

Tốt nghiệp tại Đại học Arkansas vào cuối những năm 1960, Rudel tình cờ thấy bài viết của Anitschkov và quyết định tập trung tìm hiểu kĩ về vấn đề này. Kết quả thật bất ngời, Rudel nhận thấy chế độ ăn giàu cholesterol gây xơ vữa động mạch ở thỏ, nhưng nó không gây tổn thương như vậy với chuột bạch. Trên thực tế, nghiên cứu của Anitschkov không thử nghiệm trên bất kì động vật nào khác ngoài thỏ, nên những tác động sẽ không rõ ràng - vì thỏ dễ bị tổn thương một cách bất thường với chế độ ăn nhiều cholesterol.

Rudel và các đồng nghiệp của ông tiếp tục nghiên cứu, họ nhân giống những con khỉ sóc dễ bị tổn thương hơn với chế độ ăn giàu cholesterol, kết quả là tỉ lệ xơ vữa động mạch ở những con khỉ sóc này gia tăng. Dựa trên kết quả nghiên cứu và các bằng chứng khác, nhóm của Rudel tin rằng, đối với một số người cũng giống như thỏ quá nhạy cảm với cholesterol, một số người khác lại như khỉ sóc là di truyền sự nhạy cảm cholesterol có tính chất gia đình.

Lawrence Rudel cho rằng con người vẫn được cảnh báo về cholesterol.

===========

TÓM TẮT NỘI DUNG CẦN LƯU Ý
----------

Chỉ số xét nghiệm mỡ máu bình thường (đơn vị mg/dL):

- Cholesterol toàn phần < 200
- LDL < 120
- HDL > 40
- Triglyceride < 150
- Tỉ lệ cholestrol toàn phần/HDL < 5

Chế độ ăn kiêng tuyệt đối không có cholesterol (không ăn bất cứ loại thịt động vật não, không ăn trứng, không uống sữa, không sử dụng mỡ động vật) sẽ làm hạ cholesterol DHL tốt, tăng triglyceride, tỉ lệ cholesterol toàn phần so với DHL tăng lên trên 5, đó là những dấu hiệu nguy hiểm cho cơ thể. Chưa kể cholesterol rất quan trọng với sinh sản tế bào, hoạt động sống của tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh và tế bào não bộ; ăn thiếu cholesterol cơ thể sẽ mệt mỏi, mất sức và buồn ngủ.

Bổ sung đủ cholesterol cho cơ thể là rất cần thiết.

Nhưng một số người nhạy cảm với cholesterol, hoặc tăng cholesterol máu do di truyền, thì vẫn phải kiểm soát lượng cholesterol ăn vào.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Các thuốc hạ cholesterol máu

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Saint-Paul - Hà Nội -
Bình luận
Tin mới
  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

  • 23/04/2024

    Chuẩn bị tốt thể lực khi tham gia chạy marathon

    Gần đây phong trào tập thể dục thể thao, các giải chạy bộ không chuyên marathon (42,295km), bán marathon (21,1km) ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo người dân thuộc nhiều độ tuổi tham gia. Đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ cộng đồng quan tâm tới vấn đề thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe.

Xem thêm