Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tại sao họp mặt qua Zoom lại khiến bạn mệt mỏi?

Do đại dịch COVID-19, việc gọi video và tán gẫu với nhau qua các nền tảng trực tuyến trở thành thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, kiệt sức khi gọi điện, họp mặt qua Zoom. Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.

Trong khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ quan công sở đã có thể mở cửa hoạt động trở lại vì đảm bảo nhân viên đã được tiêm vaccine đầy đủ. Tuy vậy, có nhiều cơ quan, sự kiện vẫn phải diễn ra trực tuyến. Và với diễn biến phức tạp của các biến thể như Delta hay Omicron thì có vẻ như, việc tổ chức sự kiện, làm việc trực tuyến sẽ còn kéo dài. Nói một cách khác, thì bạn sẽ phải thực hiện rất nhiều cuộc gọi video nữa trong tương lai. Các nền tảng trực tuyến sẽ cho phép chúng ta kết nối với mọi người vì lý do công việc hay cá nhân mà vẫn có thể đảm bảo an toàn trước đại dịch. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nếu không có Zoom và các nền tảng nghe gọi trực tuyến khác, thì việc giãn cách xã hội và cách ly sẽ có những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc hàng ngày nhận hàng chục cuộc gọi video, hết cuộc này đến cuộc khác, cho dù là để tán gẫu hay họp hành, thì cũng khiến bạn vô cùng mệt mỏi. Khái niệm “mệt mỏi do Zoom” (Zoom fatigue) đã và đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trên trang tìm kiếm của Google từ tháng 4/2020 và sau đó lại tiếp tục phổ biến vào tháng 3/2021.

Trong một nghiên cứu vào tháng 8 năm 2021 trên tạp chí  Journal of Applied Psychology, các nhà nghiên cứu đã tìm cách trả lời câu hỏi bật hay tắt camera sẽ gây mệt mỏi hơn trên 103 nhân viên khi họ tham gia tổng số 1408 cuộc họp để đánh giá mức độ mệt mỏi của họ. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc bật camera thực sự làm tăng sự mệt mỏi của nhân viên trong các cuộc hợp và trong ngày tiếp theo. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng tình trạng mệt mỏi khi bật camera có thể liên quan đến áp lực về trạng thái “có mặt” khi phải bật camera. Họ cũng lưu ý rằng phụ nữ và những nhân viên mới thường sẽ gặp phải áp lực này hơn so với nam giới và những nhân viên lâu năm.

Tại sao video call lại gây mệt mỏi hơn các cuộc gọi thoại?

Đầu tiên, việc gọi video quá nhiều trong ngày hoặc trong tuần, bản thân số lượng cuộc gọi đã là một sự căng thẳng. Mặc dù công nghệ gọi video đang cố gắng mô phỏng sự gặp mặt trực tiếp mặt đối mặt, nhưng thực sự thì gọi video không thể nào thay thế cho việc gặp mặt trực tiếp được. Khi gặp mặt trực tiếp, chúng ta phải xử lý rất nhiều thông tin mà không phải thông tin nào cũng có thể biểu hiện được bằng lời nói, ví dụ như đơn giản chỉ là một cái gật đầu hay lắc đầu. Nhưng chúng ta đều đang xử lý những thông tin đó mà bản thân chúng ta cũng không nhận ra. Khi gọi video, rất nhiều các hành vi giao tiếp không bằng lời nói không được thể hiện hết. Bạn có thể nhìn thấy mặt của người đối diện nhưng đôi khi bạn sẽ không hoàn toàn hiểu hết được chuyện gì đang diễn ra, do vậy việc thực hiện các cuộc gọi video có thể sẽ gây mệt mỏi cho nhiều người.

Giao tiếp bằng mắt là một đặc điểm quan trọng khác của quá trình giao tiếp. Khi giao tiếp bằng mắt với người khác, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ta gửi và nhận rất nhiều dấu hiệu khác và từ đó giúp hình thành sự chú ý, hứng thú, đồng ý/không đồng ý với những gì đang được trao đổi. Vấn đề là khi bạn muốn thực hiện giao tiếp bằng mắt khi gọi video, thứ thực sự bạn nhìn vào sẽ là camera, và đó không phải là những gì “nên diễn ra”. Kể cả khi bạn nhìn vào mắt người đối diện (qua camera), thì với những người khác trong cuộc họp, thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang nhìn đi nơi khác. Đây thực sự là một sự mất kết nối mà không nhiều người có thể ý thức được. Và với bất cứ nền tảng trực tuyến nào, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để truyền tải lời nói cũng như mong muốn của mình tới những người khác. Khi gặp mặt trực tiếp, chúng ta thường nói điều gì đó, và sau đó là ngay lập tức xem xem phản ứng của người khác với điều chúng ta vừa nói là gì và sẽ tiếp tục nói tiếp hoặc ngừng lại. Nhưng khi gọi video, thời gian chờ có thể sẽ lâu hơn (có thể vì nhiều lý do, kỹ thuật hoặc lý do khách quan), dẫn đến việc phản ứng của người đối diện có vẻ sẽ không đúng lắm với bạn. Ví dụ như việc bạn kể một câu chuyện cười, rồi không có ai cười cả và bạn sẽ bắt đầu tự hỏi mình có vừa kể gì đó sai hay không. Có những khoảng thời gian trong zoom mà dường như mọi thứ, mọi người đều tê liệt. Nhưng sự thật là lỗi không phải do bạn hay câu chuyện của bạn, mà là do các vấn đề về kỹ thuật. Sẽ cần có một khoảng thời gian để câu chuyện của bạn đến được tai mọi người, và đôi khi khoảng thời gian này sẽ hơi dài một chút. Trong suốt khoảng thời gian “chờ” này, rất nhiều suy nghĩ sẽ diễn ra trong đầu bạn, và trong 1 cuộc họp, sẽ có nhiều khoảng thời gian chờ như vậy và nếu một ngày bạn có nhiều cuộc gọi video, cuộc họp qua zoom, thì việc “chờ” như vậy thực sự là một thử thách với não bộ.

Nghiên cứu năm 2014 trên tạp chí International Journal of Human-Computer Studies chỉ ra rằng chỉ cần khoảng thời gian chờ này dài khoảng 1.2 giây thôi đã khiến cho cuộc nói chuyện của bạn ít được chú ý hơn, ít thân thiện hơn và ít tập trung hơn, so với các khoảng thời gian chờ ngắn hơn.

Ngoài tất cả những vấn đề kể trên, thì các yếu tố khác làm xao nhãng nội dung cuộc hợp như tiếng chó sủa, tiếng trẻ con khóc hay rất nhiều yếu tố khác có thể sẽ khiến não bộ của bạn bị quá tải. Não bộ của bạn cũng giống như một chiếc máy tính vậy, chỉ có thể xử lý được một lượng thông tin nhất định. Nếu bạn bắt não bộ phải xử lý quá nhiều thông tin một lúc thì quá trình xử lý thông tin sẽ diễn ra chậm hơn.

 

Làm thế nào để các cuộc gọi video tốt hơn?

Cố gắng rút ngắn thời gian các cuộc họp: không có một khoảng thời gian nào là lý tưởng cho các cuộc họp cả, nhưng bạn nên cố gắng đạt được mục tiêu của cuộc họp càng sớm càng tốt. Đừng ngại kể cả khi cuộc họp chỉ kéo dài 15, 20 hay 25 phút.

Mời ít người hơn: càng nhiều người tham gia, cuộc họp sẽ càng trở nên kém hiệu quả và khó kiểm soát hơn. Thay vì mời tất cả mọi người tham gia họp, hãy chỉ mời những người thật sự cần thiết và quan trọng. Bạn có thể ghi âm lại cuộc họp và sau đó gửi tới những người khác ít quan trọng hơn. Còn nếu buộc phải mời nhiều người thì bạn nên giúp cho tất cả mọi người trong cuộc họp hiểu được mục đích và nội dung của cuộc họp, đồng thời cho họ biết rằng sự có mặt của họ không phải là bắt buộc.

Không bắt buộc phải bật camera: một mặt, việc bắt tất cả mọi người phải bật camera sẽ khiến mọi người không làm được nhiều việc một lúc và sẽ phải tập trung vào cuộc họp hơn, nhưng mặt khác sẽ tạo áp lực lên tâm lý người tham gia. Một số người sẽ không muốn cho mọi người biết môi trường xung quanh họ đang như thế nào, vì lý do cá nhân. Do vậy, nếu có thể, hãy để mọi người lựa chọn bật camera hoặc là không.

Trước khi họp, hãy tự hỏi: liệu cuộc họp này có cần thiết hay không. Có thể thay thế họp bằng việc gửi email hoặc gọi điện thoại ngắn được không?

Hạn chế các yếu tố gây xao nhãng: nếu đang trong cuộc họp zoom, nhưng có thông báo báo có email mới, bạn sẽ nghĩ về việc phải ngay lập tức mở email, đọc email và trả lời email như thế nào, trong khi bạn vẫn đang trong cuộc họp. Khi phải làm việc đa nhiệm như vậy, bạn sẽ dễ mệt mỏi hơn. Do vậy, hãy cố gắng tắt hết các thông báo, email, điện thoại trong khi đang họp.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: DINH DƯỠNG VÀ TẬP THỂ DỤC CHO NGƯỜI BỆNH SAU KHI ĐIỀU TRỊ COVID-19

Ths. Liên Hương - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Theo everydayhealth) -
Bình luận
Tin mới
  • 19/04/2024

    Phát hiện ung thư dạ dày bằng hơi thở

    Hơi thở có mùi khiến cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nhưng việc kiểm tra hơi thở nhanh ngoài việc có thể giúp bạn thoát khỏi nhiều tình huống khó xử còn có thể cứu mạng bạn. Theo một nghiên cứu, công nghệ kiểm tra hơi thở có thể phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm nhất .

  • 19/04/2024

    Đưa con đến viện ngay nếu con có dấu hiệu này khi mắc cúm B

    Cúm B là một loại cúm mùa do virus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Phần lớn khi trẻ mắc cúm B nhẹ sẽ tự khỏi, tuy nhiên virus cũng có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Nếu trẻ mắc cúm B có các dấu hiệu nguy hiểm dưới đây, cha mẹ cần đưa con đến viện ngay để điều trị.

  • 19/04/2024

    5 bệnh tự miễn thường gặp mà bạn cần biết

    Hệ thống miễn dịch của chúng ta có vai trò chính là nhận diện và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, đôi khi, các thành phần của hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn phản ứng với các protein trong cơ thể và gây ra các bệnh tự miễn.

  • 19/04/2024

    Tìm hiểu về các rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng ở trẻ em

    Các rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều gia đình phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nguyên nhân và cách điều trị.

  • 19/04/2024

    Vì sao không nên uống trà khi ăn thực phẩm giàu sắt?

    Trà không chỉ là thức uống giải khát mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, kết hợp trà vào chế độ ăn uống không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu sắt của cơ thể, đặc biệt ở người bị thiếu máu do thiếu sắt.

  • 19/04/2024

    Những điều cần biết về bệnh viêm phổi ở trẻ em

    Viêm phổi là một trong những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu như ho, sốt, khó thở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

  • 18/04/2024

    Tại sao bạn hay cảm thấy buồn ngủ quá mức?

    Buồn ngủ quá mức là gì và tại sao bạn lại gặp phải tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/04/2024

    6 thực phẩm trong chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư

    Ung thư có thể phòng ngừa nhờ điều chỉnh lối sống với những thói quen tốt cho sức khỏe như ăn uống lành mạnh. Một số thực phẩm trong chế độ dinh dưỡng có thể hỗ trợ giảm nguy cơ mắc ung thư.

Xem thêm