Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Tắc ruột – Nguy hiểm, vì sao?

Tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa rất thường gặp trong cấp cứu ổ bụng, chỉ đứng sau viêm ruột thừa. Có rất nhiều nguyên nhân gây tắc ruột khác nhau.

Tắc ruột là gì?

Các phần tử thức ăn thường phải di chuyển qua một quãng đường dài trên 25 feet (1 feet = 0,304 m) của ruột trước khi thải ra ngoài và chúng luôn trong trạng thái chuyển động chậm ổn định. Tắc ruột là sự ngừng trệ lưu thông các chất chứa trong lòng ruột (phân, hơi, dịch, dịch tiêu hóa) gây ra. Khi các chất này bị tích tụ đến mức gây ra áp lực đủ lớn sẽ gây ra thủng ruột và làm rò rỉ các thành phần trong dạ dày vào khoang ổ bụng. Tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa rất thường gặp trong cấp cứu ổ bụng, chỉ đứng sau viêm ruột thừa.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tắc ruột. Trong một số trường hợp, tắc ruột là không thể phòng tránh được, do vậy chẩn đoán và điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Tắc ruột nếu không được chữa trị có thể gây tử vong.

 
Các triệu chứng của tắc ruột

Tắc ruột có thể gây ra một loạt các triệu chứng như:

  • Cực kỳ đầy bụng
  • Đau bụng
  • Giảm vị giác
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Táo bón hoặc Tiêu chảy
  • Đau bụng co thắt dữ dội
  • Sưng phù bụng

Một số triệu chứng có thể phụ thuộc vào vị trí ruột bị tắc. Ví dụ như nôn mửa là một dấu hiệu sớm của tắc ruột non. Triệu chứng này thường biểu hiện muộn hơn nếu vị trí tắc tại ruột già. Tắc ruột một phần có thể gây tiêu chảy trong khi tắc ruột hoàn toàn lại gây ra táo bón. Tắc ruột cũng có thể gây ra sốt cao nếu một phần thành ruột bị thủng.

Nguyên nhân gây tắc ruột

Tình trạng tắc ruột có thể là do tắc nghẽn cơ học hay là do liệt ruột. Một số nguyên nhân gây tắc ruột bao gồm:

  • Thoát vị nghẹt
  • Một căn bệnh viêm nhiễm như bệnh Crohn, trong đó tình trạng sưng và các mô sẹo gây hẹp lòng ruột.
  • Ruột bị dính lại hay hình thành mô sẹo do một phẫu thuật ổ bụng trước.
  • Ung thư đại tràng: khối u gây tắc ruột
  • Táo bón nặng do bệnh Parkinson, dẫn tới tắc ruột.
  • Sỏi mật gây áp lực lên ruột và làm chặn đường dẫn mật.
  • Xoắn ruột là một sự tắc nghẽn do sự xoắn của quai ruột
  • Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột không ở vị trí bình thường mà lồng vào một đoạn ruột kế cận dẫn đến hiện tượng sưng viêm và cuối cùng là rách hay tắc ruột.
  • Nuốt phải dị vật.
  • Liệt ruột: thường xảy ra sau phẫu thuật ổ bụng, trong đó ruột ngừng co bóp tạm thời gây ứ trệ thành phần trong ống tiêu hóa.

Theo Merck Manual, 10-20% trường hợp tắc ruột non là do thắt nghẹt ruột, hiện tượng này có thể nhanh chóng dẫn đến hoại tử ruột kết.

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh chủ yếu là do nhiễm trùng, bệnh tại các cơ quan và giảm tưới máu ruột (thắt nghẹt). Một vài trẻ gặp phải tình trạng tắc ruột sau khi bị cúm dạ dày khiến cho ruột bị viêm.

Theo KidsHealth, lồng ruột là nguyên nhân gây cấp cứu hàng đầu đối với trẻ dưới 2 tuổi. Tắc ruột do bất cứ nguyên nhân nào thường rất khó để chẩn đoán ở trẻ sơ sinh bởi các bé còn quá nhỏ không thể miêu tả được các triệu chứng. Do vậy, cha mẹ cần phải luôn theo dõi các bé xem có bất cứ thay đổi bất thường nào không và có những triệu chứng của tắc ruột như sau hay không:

  • Sưng vùng bụng
  • Trẻ kéo đầu gối gập về phía ngực
  • Buồn ngủ
  • Sốt
  • Rên rỉ do đau đớn
  • Đi ngoài ra máu
  • Khóc to
  • Nôn mửa, đặc biệt là nôn ra chất nôn màu vàng-xanh như mật
  • Kiệt sức

Khi nào cần đi khám bác sỹ

Tắc ruột luôn được coi là một cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng ngay cả khi không bị thủng ruột.

Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn biểu hiện những triệu chứng của tắc ruột, đặc biệt nếu gần đây bạn vừa thực hiện phẫu thuật ổ bụng.

Chẩn đoán tắc ruột

Trước tiên bác sỹ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh và kiểm tra sức khỏe tổng quát. Bác sỹ có thể phát hiện ra tắc ruột khi thăm khám ổ bụng bằng ống nghe. Một số dấu hiệu dễ nhận biết khác như vùng bụng bị sưng phù hay có bướu.

Bác sỹ có thể tiến hành chụp CT hay chụp X quang ổ bụng để tìm ra chính xác vị trí tắc và nguyên nhân gây bệnh. Nếu tắc tại ruột già, bác sỹ sẽ tiến hành nội soi hoặc chụp cản quang để quan sát ruột.

 
Điều trị

Tắc ruột là trường hợp cấp cứu ngoại khoa cần được điều trị sớm và kịp thời. Không nên tự ý xử trí tại nhà.

Ban đầu, nhân viên y tế có thể luồn một ống mềm qua mũi hoặc miệng để loại bớt khí và dịch trong bụng. Hầu hết các trường hợp tắc ruột đều cần phải phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được truyền dịch liên tục trong vòng 6-8 tiếng để giảm tình trạng mất nước, hồi phục cân bằng điện giải và ngăn tình trạng sốc trong khi phẫu thuật.

Trường hợp mô ruột tại vị trí tắc đã bị hoại tử, các bác sỹ sẽ cần phải cắt bỏ.

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc bác sỹ có thể kê bao gồm:

  • Kháng sinh để phòng nhiễm trùng
  • Thuốc chống nôn
  • Thuốc giảm đau

Triển vọng điều trị

Nếu không được điều trị kịp thời, tắc ruột có thể dẫn đến hoại tử một phần ruột, gây thủng ruột, nhiễm trùng nặng và sốc.

Nói chung, tiên lượng điều trị đối với tắc ruột phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Trong khi hầu hết các trường hợp tắc ruột đều có thể xử trí được thì một số nguyên nhân khác như ung thư lại cần phải điều trị và theo dõi lâu dài.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tắc ruột: Có thể bạn chưa biết!

Bình luận
Tin mới
  • 25/04/2024

    Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt protein

    Protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe. Khi cơ thể thiếu hụt protein sẽ xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo..

  • 25/04/2024

    Dùng thuốc an toàn khi đang cho con bú

    Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, bạn đang cho con bạn một khởi đầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu cần dùng thuốc, bạn có thể thắc mắc về việc thuốc có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào. Bài viết dưới đây là những gì bạn cần biết.

  • 25/04/2024

    Cẩn trọng với thói quen bóc da môi

    Bóc da môi là một thói quen không lành mạnh phổ biến ở nhiều người. Dù là vô tình hay hữu ý, nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự khỏe đẹp của đôi môi.

  • 25/04/2024

    Tập thể dục khi mang thai

    Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ có thể giúp bạn khỏe mạnh và cảm thấy tốt nhất. Tập thể dục cũng có thể cải thiện tư thế của bạn và giảm một số khó chịu thường gặp như đau lưng và mệt mỏi. Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ (bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ), giảm căng thẳng và tăng cường sức chịu đựng cần thiết cho quá trình chuyển dạ và sinh nở.

  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

Xem thêm