Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Sử dụng thuốc Acyclovir đúng cách: bạn đã biết chưa?

Acyclovir là thuốc kháng virus được sử dụng trong điều trị các bệnh do nhiễm virus. Thuốc không chữa khỏi nhiễm trùng herpes mà chỉ giảm khả năng sinh sôi của virus herpes trong cơ thể, giúp điều trị chứng nhiễm trùng. Việc sử dụng thuốc có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của đợt bùng phát, giúp cho các vết loét mới không phát triển, giảm đau ngứa.

Tác dụng của Acyclovir trong điều trị

Acyclovir được sử dụng để điều trị các tình trạng nhiễm trùng do một số loại virus gây ra, cụ thể:

  • Ðiều trị ban đầu và dự phòng tái nhiễm virus Herpes simplex tuýp 1 và 2 ở da và niêm mạc, viêm não Herpes simplex.
  • Ðiều trị bệnh zona cấp tính.
  • Ðiều trị Herpes sinh dục, giảm số lượng các đợt tái phát.
  • Thủy đậu xuất huyết, thủy đậu ở người suy giảm miễn dịch, thủy đậu ở trẻ sơ sinh.

Acyclovir là một thuốc kháng virus nhưng không chữa khỏi các bệnh nhiễm trùng. Các virus gây ra các bệnh nhiễm trùng tiếp tục sống trong cơ thể thậm chí giữa các đợt bùng phát. Nhìn chung, tác dụng của acyclovir có thể được hiểu bao gồm:

  • Làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian của những đợt bùng phát này, giúp các vết loét lành nhanh hơn, giữ cho vết loét mới không lan rộng
  • Giảm đau (cả sau khi lành vết loét) hoặc giảm ngứa
  • Ở những người có hệ miễn dịch yếu, thuốc có thể làm giảm nguy cơ virus lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể và gây nhiễm trùng nghiêm trọng

Liều dùng của thuốc

Acyclovir dạng uống được sử dụng phổ biến trong điều trị. Bên cạnh đó, dạng thuốc bôi và thuốc tiêm cũng có thể được sử dụng hỗ trợ trong các trường hợp đặc biệt.

1. Đối với Acyclovir dạng uống

Ðiều trị do nhiễm Herpes simplex:

  • Người lớn: Mỗi lần 200 mg (400 mg ở người suy giảm miễn dịch), ngày 5 lần, cách nhau 4 giờ, dùng trong 5 – 10 ngày.
  • Trẻ em: cần tham khảo ý kiến chi tiết của bác sỹ, không được tự ý sử dụng.

Phòng tái phát herpes simplex:

  • Đối tượng áp dụng là người bệnh suy giảm miễn dịch, người ghép tạng dùng thuốc giảm miễn dịch, người nhiễm HIV, người dùng hóa liệu pháp: Mỗi lần 200 – 400 mg, ngày 4 lần.
  • Trẻ em: cần tham khảo ý kiến chi tiết của bác sỹ, koong được tự ý sử dụng

Ðiều trị thủy đậu và zona:

  • Người lớn: Mỗi lần 800 mg, ngày 5 lần, trong 7 ngày.
  • Trẻ em mắc thủy đậu: thận trọng theo chỉ dẫn của bác sỹ.

2. Đối với Acyclovir dạng bôi

Dùng điều trị nhiễm Herpes simplex môi và sinh dục khởi phát và tái phát. Nếu tổn thương ở miệng hoặc âm đạo, người bệnh cần phải dùng điều trị toàn thân.

Đối với bệnh zona thần kinh, cũng cần phải điều trị toàn thân bằng thuốc.

Liều dùng: bôi lên vị trí tổn thương cách 4 giờ một lần (5-6 lần mỗi ngày) trong 5-7 ngày, bắt đầu ngay từ khi xuất hiện triệu chứng. Nếu sử dụng thuốc acyclovir dạng mỡ tra mắt: Ngày bôi 5 lần (tiếp tục ít nhất 3 ngày sau khi đã dùng liều điều trị).

 

Sử dụng Acyclovir như thế nào là đúng cách?

Sử dụng Acyclovir cần tuân theo một số hướng dẫn và lưu ý sau:

  • Acyclovir dạng uống: Uống thuốc kèm hoặc không kèm thức ăn, thường 2 đến 5 lần một ngày hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Uống nhiều nước khi dùng thuốc, trừ khi có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Acyclovir dạng bôi: Chỉ dùng ngoài da. Dùng 5 lần mỗi ngày, cách nhau khoảng 4 giờ, bỏ qua liều ban đêm. Nên dùng thuốc liên tục trong 5 ngày. Nếu tổn thương lành sau 5 ngày nên tiếp tục dùng thuốc thêm 5 ngày nữa.

Thuốc hoạt động tốt nhất khi bắt đầu sử dụng khi có dấu hiệu đầu tiên của đợt bùng phát, theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên hoãn điều trị vì sẽ làm giảm khả năng hoạt động của thuốc. Đối với trẻ em, liều lượng được dựa trên trọng lượng cơ thể, dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sỹ. Không được tự ý sử dụng thuốc ở trẻ nhỏ.

Một lưu ý sử dụng thuốc là nên sử dụng đều đặn ở một khoảng thời gian nhất định để nồng độ thuốc được cao nhất. Không thay đổi liều, bỏ qua bất kỳ liều hoặc ngưng dùng thuốc sớm mà không được sự chấp thuận của bác sĩ.

Một số triệu chứng quá liều bao gồm lo lắng, động kinh, mệt mỏi, giảm ý thức, phù hay giảm tiểu tiện… Hãy thông báo ngay cho bác sỹ nếu xuất hiện các triệu chứng và dấu hiệu trên để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Dạng bào chế

Thuốc acyclovir có những dạng và hàm lượng sau:

  • Viên nang, thuốc uống: 200mg, 400mg và 800mg.
  • Dung dịch, thuốc tiêm: 50mg/ml
  • Hỗn dịch, thuốc uống: 200mg/5ml
  • Acyclovir cream dạng bôi

Tác dụng phụ của Acyclovir

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc có thể xuất hiện. Hãy thông báo ngay cho bác sỹ khi gặp phải để xử trí kịp thời. Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xuất hiện bao gồm:

  • Khó thở
  • Sốt phát ban
  • Sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng
  • Đau phía dưới lưng
  • Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không tiểu được
  • Dễ bị bầm tím trên da hoặc chảy máu
  • Yếu bất thường ở vận động các chi hoặc các bộ phận trên cơ thể

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn, đau bụng
  • Đau đầu, cảm giác mê sảng
  • Phù bàn tay hoặc bàn chân

Không phải ai cũng gặp phải các tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ khác cũng có thể xuất hiện ngoài danh sách kể trên. Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ về các tác dụng phụ có thể gặp phải để được hỗ trợ khi cần thiết.

Thận trọng khi sử dụng thuốc

Khi dùng thuốc Acyclovir, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thuốc chống chỉ định cho người quá mẫn với Acyclovir và Valacyclovir hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Thận trọng khi sử dụng ở người bệnh thận. Acyclovir được đào thải qua thận, do đó phải điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận.
  • Bệnh nhân lớn tuổi thường suy giảm chức năng thận và do đó cần được điều chỉnh liều trước khi sử dụng. Cả bệnh nhân lớn tuổi và bệnh nhân suy thận đều tăng nguy cơ tác dụng phụ gây độc thần kinh và nên theo dõi cẩn thận các biểu hiện của tác dụng phụ. Các phản ứng này nhìn chung đều phục hồi khi ngưng điều trị.
  • Đối với thuốc Acyclovir dạng bôi, chỉ dùng thuốc như một chế phẩm dùng ngoài. Không dùng thuốc cho giác mạc và niêm mạc mắt để điều trị nhãn khoa. Nếu bôi thuốc vào niêm mạc như miệng hoặc âm đạo có thể xảy ra kích ứng.

Những điều cần lưu ý khi đang mang thai hoặc cho con bú

Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng từ các nghiên cứu để xác định những nguy cơ có thể gặp phải khi dùng thuốc trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Tuy vậy, trước khi dùng thuốc hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.

Tương tác thuốc

Acyclovir có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của một số thuốc khác đang dùng, hoặc làm tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ khi sử dụng các thuốc cùng lúc. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là thông báo đầy đủ các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ. Trong một số trường hợp đặc biệt cần có sự kết hợp thuốc, bác sĩ có thể sẽ thay đổi liều lượng hoặc đưa ra các biện pháp phòng ngừa khác nếu cần thiết.

Những thuốc có thể tương tác với Acyclovir bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh chống nấm (Fungizone)
  • Thuốc kháng sinh aminoglycoside như amikacin, gentamicin, kanamycin, neomycin, paramomycin, streptomycin và tobramycin
  • Aspirin và các thuốc NSAID khác như ibuprofen và naproxen
  • Cyclosporine
  • Thuốc điều trị nhiễm HIV hoặc AIDS như zidovudine
  • Pentamidine
  • Probenecid
  • Sulfonamid như sulfamethoxazol và trimethoprim
  • Tacrolimus

Dinh dưỡng và tương tác tới Acyclovir

Hãy tham khảo ý kiến bác sỹ về việc sử dụng rượu hay thuốc lá. Một số vấn đề có thể ảnh hưởng tới việc sử dụng thuốc bao gồm:

  • Mất nước
  • Bệnh thận. Việc mất nước hoặc bệnh thận có thể làm tăng nồng độ thuốc acyclovir trong máu, tăng nguy cơ tác dụng phụ
  • Các vấn đề về hệ thần kinh. Thuốc acyclovir có thể làm cho những vấn đề này tệ hơn.

Bảo quản thuốc

Nên bảo quản thuốc trong bao bì kín ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Hãy đọc kỹ thông tin trong hướng dẫn sử dụng hoặc tham khảo ý kiến từ dược sỹ hay bác sỹ.

Tham khảo thêm thông tin tại: Thuốc tránh thai và kháng sinh: những hiểu lầm thường gặp

BS Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam (tổng hợp) -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm