Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Sử dụng benzodiazepin trong thai kỳ sớm: Tăng nguy cơ sẩy thai

Một nghiên cứu về mối liên quan giữa tiếp xúc với thuốc benzodiazepin trong thai kỳ sớm và nguy cơ sẩy thai tự nhiên của các nhà khoa học Canada cho thấy: Những phụ nữ có thai sử dụng benzodiazepin - một nhóm thuốc thường được kê đơn điều trị chứng lo âu hoặc mất ngủ - có thể có nguy cơ sẩy thai cao hơn.

Nguy cơ sẩy thai cao gấp gần 2 lần

Các nhà nghiên cứu Canada đã khảo sát các kết quả từ hơn 160.000 trường hợp mang thai và phát hiện ra rằng những phụ nữ sử dụng nhóm thuốc benzodiazepin như: alprazolam, diazepam và clonazepam tăng gần gấp đôi khả năng sẩy thai.

GS. Anick Berard - Chủ tịch y khoa về lĩnh vực mang thai và cho con bú tại Đại học Montreal, Quebec (Canada), người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Lo lắng và rối loạn tâm thần là các tình trạng cần được điều trị khi mang thai. Với tỷ lệ phổ biến trong thai kỳ, các bác sĩ cần đánh giá nguy cơ và lợi ích của việc sử dụng các loại thuốc benzodiazepine khi có phương pháp điều trị không dùng thuốc thay thế”.

Nhóm nghiên cứu của GS. Anick Berard lưu ý: Nhóm thuốc benzodiazepine đã được chứng minh là đã đi qua nhau thai và có liên quan đến một số dị tật bẩm sinh nhất định. Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra mối liên kết giữa các loại thuốc này với nguy cơ sẩy thai, nhưng không rõ ràng về việc tất cả các hoạt chất trong nhóm có cùng rủi ro hay không.

Để xem xét và đánh giá tác động của các loại thuốc benzodiazepine, cụ thể đối với việc mang thai và các dạng thuốc khác nhau có tác dụng dài hay ngắn, GS. Anick Berard và các đồng nghiệp đã sử dụng hệ thống dữ liệu thai kỳ đoàn hệ Quebec, trong đó bao gồm thông tin về 438.066 trường hợp mang thai. Nghiên cứu đã lựa chọn được 161.454 phụ nữ đưa vào phân tích, bao gồm 27.149 trong số họ đã bị sẩy thai và 134.305 trong số họ đã sinh con (nhóm kiểm soát).

Sau khi tính toán loại trừ các yếu tố như rối loạn lo âu được chẩn đoán trước khi mang thai, tiếp xúc với thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ sử dụng thuốc benzodiazepin sớm trong thai kỳ có nguy cơ sẩy thai cao hơn 1,85 lần so với những người không dùng thuốc.

su-dung-benzodiazepin-trong-thai-ky-som-tang-nguy-co-say-thai-1

Phụ nữ có thai cần thận trọng khi dùng thuốc.

Tất cả các hoạt chất trong nhóm thuốc benzodiazepine đều có liên quan độc lập làm tăng nguy cơ sẩy thai. Sự gia tăng thay đổi bởi hoạt chất cụ thể được sử dụng trong nhóm benzodiazepine, từ mức thấp: 1,13 lần so với flurazepam, đến 3,43 lần so với diazepam. Các tác giả cũng lưu ý: Hầu hết các phụ nữ trong nghiên cứu chỉ sử dụng thuốc trong khoảng 2 tuần.

Benzodiazepines hoạt động theo cơ chế giải lo âu và tác động tới dẫn truyền thần kinh, GS. Anick Berard tin rằng cơ chế này có thể ảnh hưởng tới mối liên kết mong manh giữa thai nhi và mẹ trong giai đoạn đầu thai kỳ.

Quá nhiều lạm dụng benzodiazepine

Nghiên cứu cũng được truyền thông hết sức quan tâm, nhất là trong khi tình trạng sử dụng các thuốc benzodiazepin tăng lên nhanh chóng kéo theo tỷ lệ lạm dụng cũng tăng cao. Một nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Psychiatric Services in Advance (Chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên sâu) ngày 17/12/2018 của Hoa Kỳ cho biết: Nhiều hơn 1 trong 8 người trưởng thành ở Hoa Kỳ (tỷ lệ 12,6%) đã sử dụng các loại thuốc benzodiazepin trong năm 2018, tăng so với các báo cáo trước đó, trong đó có hơn 17% lạm dụng thuốc. Tỷ lệ lạm dụng cao nhất ở những người trẻ, tuổi từ 18 - 25 (5,6%) và ngang bằng với tỷ lệ sử dụng theo đơn.

Một số nghiên cứu lớn khác cũng chỉ ra rằng việc kê đơn thuốc benzodiazepin trong điều trị ngoại trú tại Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi từ năm 2003 - 2015. Việc tăng lạm dụng nhóm thuốc benzodiazepin không phải đến từ các bác sĩ tâm thần mà có sự đóng góp rất lớn từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ban đầu bởi khoảng một nửa những đơn thuốc đó đến từ họ và trong đó tỷ lệ kê đơn kết hợp với opioid cũng rất cao. Tăng lạm dụng benzodiazepin đồng nghĩa với nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ ở phụ nữ cũng sẽ tăng lên khi mà tỷ lệ sử dụng thuốc ở giới trẻ là cao nhất. Sử dụng các thuốc benzodiazepin lâu dài hoặc quá liều có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn liên quan đến sức khỏe tâm thần như: buồn ngủ, chóng mặt, nhầm lẫn, mất lý trí, suy giảm thị lực, ảnh hưởng đến hô hấp, lệ thuộc thuốc hoặc thậm chí hôn mê, tử vong khi dùng kèm với các chất kích thích khác như rượu.

Có một số lo ngại về tác động của các loại thuốc benzodiazepin khi phụ nữ sử dụng trong thời kỳ mang thai trên trẻ mới sinh. Tác động này được cho là tác dụng phụ tồn dư của thuốc lên trẻ mới sinh giống như khi người lớn dùng thuốc. Cụ thể: các triệu chứng ngộ độc đã được báo cáo ở trẻ sơ sinh, bao gồm an thần, giảm trương lực cơ (floppiness) và các vấn đề về hô hấp. Nhìn chung, các triệu chứng này xuất hiện không thường xuyên nhưng có thể xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ dùng thuốc với liều lượng cao hơn. Ngoài ra còn có một số báo cáo về tác dụng phụ của việc ngừng thuốc xảy ra ở trẻ sơ sinh khi tiếp xúc với thuốc benzodiazepin trong tử cung. Các triệu chứng của việc ngừng sử dụng thuốc benzodiazepin bao gồm khó chịu, gián đoạn giấc ngủ và ít gặp hơn là co giật.

Lời khuyên dành cho phụ nữ có thai

Đối với những phụ nữ muốn ngừng thuốc benzodiazepin trước khi mang thai, tốt nhất nên thực hiện giảm dần thuốc (trên 1 tháng). Điều này làm giảm nguy cơ xuất hiện/hoặc tái phát các triệu chứng. Sau khi ngừng thuốc, có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần để thuốc đào thải hoàn toàn. Một số phụ nữ không thể ngừng thuốc benzodiazepin mà không kèm theo các triệu chứng đáng kể và cần phải tiếp tục sử dụng thuốc benzodiazepin trong khi mang thai. Căng thẳng, lo âu, mất ngủ là các dấu hiệu thường gặp của thai kỳ và hoàn toàn có thể cải thiện bằng các biện pháp không dùng thuốc. Quyết định dùng thuốc benzodiazepin trong thai kỳ nên được thảo luận với bác sĩ tâm thần hoặc bác sĩ sản khoa của bạn, tốt nhất là trước khi có ý định mang thai.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 13 loại thuốc nên tránh dùng khi mang thai

DS. Trang Trần - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
Xem thêm