Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Sai lầm khi sơ cứu chấn thương cho trẻ nhỏ ngày Tết

Dưới đây là các tình huống chấn thương thường gặp và những sai lầm các phụ huynh có thể mắc phải khi sơ cứu cho con trẻ.

Ngày Tết là khoảng thời gian hân hoan và nhộn nhịp nhất năm, và đối với trẻ nhỏ thì Tết là khoảng thời gian vô cùng háo hức với vô vàn những hoạt động thú vị. Tuy nhiên, điều này cũng làm gia tăng nguy cơ gặp phải các tình huống chấn thương hơn so với ngày thường như bỏng, ngã, chảy máu hay sốt...

 

Bôi dầu, bơ lên vết bỏng

Bôi dầu, bơ lên vết bỏng là điều chắc hẳn chúng ta đã từng nghe qua. Trong thời gian nghỉ lễ, vào bếp và chuẩn bị những món ăn ngày Tết là một điều háo hức với bất cứ đứa trẻ nào, và điều này cũng kéo theo tình trạng bỏng do các yếu tố khác nhau rất dễ xảy ra. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là một lời khuyên không những không có lợi mà còn có hại. Lý do là bất kể dạng chất nhờn nào cũng đều có tác dụng giữ nhiệt, và khi bôi chúng lên vết bỏng sẽ khiến vết bỏng khó lành hơn.

Lời khuyên từ các chuyên gia là nếu phát hiện trẻ gặp phải tình trạng bỏng do bất cứ điều gì, việc đầu tiên là sử dụng nước sạch xối lên vết bỏng để giảm đau. Sau đó, nhẹ nhàng làm khô khu vực vết bỏng và không nên băng kín, băng chặt. Nếu vết bỏng bắt đầu có dấu hiệu phồng rộp, đổi màu da hoặc có vẻ bị nhiễm trùng (có mủ…), hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

 

Chườm nóng lên vị trí bong gân hay gãy xương

Chườm nóng là phương pháp dùng để giảm đau nhức hiệu quả. Trẻ nhỏ luôn hiếu động, và đặc biệt hơn nữa trong những ngày Tết khi có vô vàn các hoạt động diễn ra. Trẻ có thể gặp phải những tình huống như ngã, va đập hay chấn thương dẫn đến bong gân và thậm chí là gãy xương. Trong trường hợp này, chườm nóng sẽ gây nguy hiểm khi làm tăng sưng, cản trở quá trình tự lành thương.

Lời khuyên từ các chuyên gia là chườm lạnh. Theo đó, cách xử trí ban đầu tốt nhất là chườm đá hoặc túi nước lạnh vào vị trí tổn thương trong vòng 15-20 phút. Các phụ huynh có thể sử dụng túi nhựa có khoá kín, cho đá viên vào và bọc túi trong một chiếc khăn hoặc vải sạch rồi chườm lên vùng bị thương. Lưu ý là không bao giờ được đặt trực tiếp lên da mà cần được bọc bởi một lớp khăn, vải mỏng. Sau đó, nên cho trẻ nghỉ ngơi, nâng cao chân và đưa đến cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu liên quan đến gãy xương.

 

Ngâm tay, chân trong nước nóng

Ở các vùng núi cao, khu vực miền Bắc, Tết là thời điểm tương đối lạnh. Việc tham gia các hoạt động ngoài trời có thể khiến trẻ bị lạnh, và nhiều bậc phụ huynh lựa chọn cho trẻ ngâm tay, chân trong nước nóng. Tuy nhiên, cần lưu ý nhiệt độ của nước để tránh gây tình trạng bỏng đột ngột khi da đang lạnh được tiếp xúc với nước nóng vì điều này có thể gây tổn thương làn da mỏng manh của trẻ. Các bậc cha mẹ có thể sử dụng các túi giữ nhiệt hoặc sưởi tay, chân cho trẻ bằng các thiết bị sưởi khác. Nếu dùng nước, hãy đảm bảo nước ấm, không quá nóng và sau khi ngâm thì cần lau tay, chân cho trẻ khô ráo.

 

Dùng rượu xoa bóp để hạ sốt

Dùng rượu để xoa bóp là một phương pháp rất phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên theo các chuyên gia, khi trẻ gặp phải tình trạng sốt, không nên sử dụng rượu để xoa toàn thân vì điều này rất có hại cho trẻ nhỏ. Rượu có khả năng ngấm qua da và làm mát, nhưng lại gây cảm giác nóng cho vùng da được xoa bóp. Đặc biệt ở những trẻ nhỏ hay trẻ sơ sinh, việc sử dụng rượu xoa bóp còn có thể khiến trẻ ngộ độc rượu do làn da mỏng.

Tết là thời điểm thời tiết lạnh ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng núi cao, khu vực phía Bắc. Trẻ có thể bị cảm lạnh, cảm cúm nếu không được giữ đủ ấm khi tham gia các hoạt động hàng ngày. Lời khuyên của các chuyên gia là cần cho trẻ mặc đủ ấm, tránh các thời tiết cực đoan. Khi trẻ hoạt động nhiều tóat mồ hôi, không nên cởi bỏ quần áo của trẻ đột ngột vì có thể gây cảm lạnh. Nếu trẻ gặp phải tình trạng sốt, nên sử dụng các loại thuốc hạ sốt và cần đi khám nếu sốt quá cao.

 

Dùng garo để cầm máu vết thương và dùng băng dán dán lên vết cắt chảy máu

Sử dụng garo để cầm máu vết thương là một việc cần sự chuyên nghiệp và trong những tình huống nhất định. Đối với các vết cắt chảy nhiều máu, việc cần thiết là sử dụng gạc vô trùng hoặc một tấm vải sạch ấn lên vết thương và băng chặt vùng tổn thương, sau đó đưa đến các cơ sở y tế để can thiệp (khâu vết thương nếu chảy máu nhiều…). Việc garo vết thương nếu không đúng cách sẽ gây cản trở máu đến khu vực tổn thương, ảnh hưởng đến lưu thông máu và lành thương.

Đối với các vết thương nhỏ, đây là các vết thương dễ gặp phải hơn ở trẻ. Trẻ có thể tham gia vào các hoạt động nấu ăn cùng gia đình, chuẩn bị đồ đạc, trang trí nhà cửa và có thể bị thương từ các vật dụng như dao, kéo, cành cây, gai cây… Trong những tình huống này, cần rửa sạch vết thương, sau đó sử dụng gạc sạch đắp lên và dùng băng y tế quấn lại. Không nên dùng băng keo hay các loại băng khác dán trực tiếp lên vết thương vì có thể kéo theo các vi khuẩn hay gây tổn thương vùng vết thương khi gỡ băng keo ra.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên để ý và kiểm soát các hoạt động của trẻ, tránh để trẻ sử dụng các vật dụng nguy hiểm và gây tổn thương cho cơ thể.

 

Bôi các loại thuốc kháng khuẩn lên vết thương

Bôi các loại thuốc kháng khuẩn như mỡ kháng khuẩn hay rắc thuốc kháng sinh lên vết thương hở là một sai lầm mà nhiều người lớn mắc phải. Việc bôi các loại thuốc này không những không giúp vết thương lành nhanh hơn mà còn làm tăng độ ẩm cho vết thương – vốn cần được giữ khô ráo – và kéo theo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Lời khuyên từ các chuyên gia là rửa sạch vết thương, băng lại bằng các miếng gạc vô khuẩn và sử dụng băng y tế quấn lại. Giữ cho vết thương khô ráo bằng cách thay băng 2 lần/ngày. Không sử dụng các loại thuốc kháng sinh – đặc biệt là kháng sinh đường uống lên vết thương hở ngoài da.

 

Dụi mắt khi có vật lạ bay vào mắt

Trẻ hay có thói quen dụi mắt khi có vật lạ rơi vào mắt. Đây là thói quen không tốt và có thể gây thêm các tổn thương cho mắt nếu các vật thể lạ sắc nhọn hay có các độc tính. Các chuyên gia khuyên rằng các bậc phụ huynh nên hướng dẫn trẻ để trẻ hiểu rằng không nên dụi mắt vì như vậy sẽ không tốt. Thay vào đó, cần rửa mắt với nước sạch để dị vật tự trôi ra, hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt để loại bỏ dị vật.

Tết là khoảng thời gian mà hầu hết trẻ nhỏ đều mong đợi, bởi những hoạt động sôi nổi và nhộn nhịp cùng gia đình, tuy nhiên, điều này cũng có thể làm gia tăng các chấn thương gặp phải ở trẻ. Trên đây là các tình huống thường gặp nhất và những sai lầm trong việc xử trí ban đầu của các bậc phụ huynh. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý để mắt đến trẻ bên cạnh việc thực hiện những công việc khác, nhằm hạn chế cho trẻ gặp phải các chấn thương không đáng có.

Tham khảo thêm thông tin tại: Kỹ thuật sơ cứu nghẹt thở do dị vật đường hô hấp ở trẻ lớn và người lớn

BS. Minh Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - theo Stanfordchildrens -
Bình luận
Tin mới
  • 29/03/2024

    5 nguyên tắc ăn uống người bệnh đái tháo đường cần nắm rõ

    Trên thực tế, không có một chế độ ăn uống nào dùng chung được cho tất cả người bệnh đái tháo đường. Chế độ ăn uống cần phải được “cá thể hóa”, tức là xây dựng cho riêng từng người bệnh cụ thể. Để xây dựng chế độ ăn phù hợp, người bệnh cần tuân thủ 5 nguyên tắc quan trọng trong bài viết sau.

  • 29/03/2024

    Đau đầu có nên uống trà?

    Khi bị stress, đau nhức đầu, nhiều người tìm tới thức uống giúp giải tỏa mệt mỏi như trà. Tuy nhiên, liệu trà nhiều caffeine và tannin có giúp giảm đau đầu hiệu quả?

  • 29/03/2024

    Điều gì thực sự xảy ra với cơ thể bạn khi bạn dùng Collagen?

    Theo các thống kê collagen là một trong những chất bổ sung phổ biến và thị trường tiêu thụ ngày càng tăng. Nhưng trước khi bạn đổ tiền vào các gian hàng thực phẩm bổ sung, bạn nên biết rằng không phải tất cả những tuyên bố về lợi ích của collagen đều có cơ sở khoa học.

  • 29/03/2024

    Cảnh báo nguy hiểm khi thiếu vitamin B12: Đau đầu, thiếu máu ác tính

    Vitamin B12 là dưỡng chất rất cần thiết cho các tế bào thần kinh và tế bào máu đỏ và cũng cần thiết cho sự hình thành ADN.

  • 29/03/2024

    Tác dụng phụ có thể xảy ra sau mổ đẻ

    Mổ đẻ là phẫu thuật lấy thai ra ngoài qua đường cắt ở vùng bụng và tử cung, được thực hiện khi sinh thường qua âm đạo có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ hoặc thai nhi. Mặc dù sinh mổ ngày nay đã an toàn hơn nhờ sự tiến bộ của y học, phương pháp này vẫn tiềm ẩn một số rủi ro và tác dụng phụ đối với cả người mẹ và trẻ sơ sinh.

  • 28/03/2024

    Vì sao bạn nên tẩy lớp trang điểm trước khi tập thể dục?

    Việc trang điểm nhẹ nhàng trước khi đến phòng tập thể dục có thể giúp chị em phụ nữ tự tin hơn. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên Journal of Cosmetic Dermatology, việc này có thể có thể làm giảm lượng dầu trên da, gây khô da.

  • 28/03/2024

    5 nguyên liệu không nên bỏ qua khi pha chế món sinh tố chống viêm

    Sinh tố là thức uống bổ sung năng lượng và vitamin hiệu quả khi bạn mệt mỏi vì thời tiết. Công thức pha chế sinh tố nên có những thực phẩm, nguyên liệu giàu chất chống viêm để bảo vệ sức khỏe.

  • 28/03/2024

    Bà bầu "bỏ túi" ngay những lợi ích không ngờ từ việc uống vitamin trong thai kỳ

    Vitamin dành cho bà bầu là những viên bổ sung được sản xuất đặc biệt nhằm cung cấp cho cơ thể phụ nữ mang thai các vitamin và khoáng chất cần thiết. Bác sĩ khuyên bạn uống vitamin ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch mang thai cũng như trong suốt thai kỳ.

Xem thêm