Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết có nguy hiểm?

Mắc sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Nguyên nhân là vì khi mang bầu, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu, tạo cơ hội cho virus có điều kiện phát triển mạnh mẽ, từ đó bà bầu bị sốt xuất huyết nghiêm trọng. Thai phụ mắc sốt xuất huyết trong 3 tháng cuối thai kỳ có nguy cơ rối loạn đông máu, nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Sốt xuất huyết là một bệnh lây truyền do muỗi, gây ra sốt cao và một số triệu chứng giống như cúm. Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh sốt xuất huyết, họ có thể truyền virus sang con, làm tăng nguy cơ bị các biến chứng như sinh con nhẹ cân, sinh non, thậm chí tử vong. 

Mắc sốt xuất huyết khi mang thai nguy hiểm như thế nào?

Giống như các bệnh lây truyền qua muỗi khác như Zika và chikungunya, sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm khi mang thai - đặc biệt là những người đang mang thai 3 tháng cuối. Virus truyền sang thai nhi có thể khiến trẻ có nguy cơ bị nhẹ cân, sinh non và thậm chí tử vong. Sốt xuất huyết cũng liên quan đến tiền sản giật (huyết áp cao), xuất huyết, số lượng tiểu cầu thấp và sinh mổ. Trẻ sơ sinh bị nhiễm sốt xuất huyết có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn. 

Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm xuất hiện trong thời gian mang thai và khi sinh do sốt xuất huyết gây ra, bao gồm:

  • Giảm tiểu cầu: Có thể đe dọa đến tính mạng cho cả mẹ lẫn con
  • Sinh non, nhẹ cânSốt xuất huyết khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối có khả năng làm tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu người mẹ mắc bệnh nặng
  • Sảy thai: mắc sốt xuất huyết ở 3 tháng đầu thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai
  • Xuất huyết: Nếu mẹ bầu bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết là rất cao
  • Tiền sản giật 

Các triệu chứng sốt xuất huyết trong thai kỳ

Sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc nặng. Các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ bao gồm:

  • Sốt cao
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Phát ban sốt xuất huyết (thường ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, ngứa và sưng tấy)
  • Đau mắt, cơ và khớp
  • Sưng các hạch, tuyến
  • Đau đầu

Các triệu chứng nhẹ sẽ khỏi trong vòng hai đến bảy ngày, nhưng các trường hợp sốt xuất huyết nặng, còn được gọi là sốt xuất huyết Dengue, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu không được điều trị, sốt Dengue có thể dẫn đến sốc (tụt huyết áp đột ngột), chảy máu trong và tử vong. Các triệu chứng sốt xuất huyết nghiêm trọng thường bắt đầu từ 24 đến 48 giờ sau khi hết sốt. Một số dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết nặng là:

  • Đau bụng dữ dội 
  • Nôn ít nhất ba lần trong vòng 24 giờ
  • Chảy máu nướu răng hoặc mũi
  • Khó thở
  • Máu trong chất nôn, nước tiểu hoặc phân
  • Mệt mỏi, bồn chồn và cáu kỉnh

Nếu bạn đang mang thai và nghĩ rằng mình đang có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể làm giảm đáng kể nguy cơ biến chứng.

Các lựa chọn điều trị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào việc bà bầu có được chẩn đoán phát hiện bệnh sớm hay không. Nếu được chẩn đoán sớm, hiệu quả điều trị chắc chắn sẽ rất cao. Việc điều trị sốt xuất huyết kịp thời trong thời gian mang thai sẽ đảm bảo thai phụ và em bé được khỏe mạnh. Thai phụ trong quá trình điều trị sốt xuất huyết cần lưu ý những điều sau đây:
  • Không được tự ý mua thuốc sử dụng trong thời gian mang thai;
  • Khám thai định kỳ để theo dõi huyết áp và mức tiểu cầu trong máu;
  • Trường hợp sốt xuất huyết vừa và nhẹ có thể tự điều trị tại nhà bằng thuốc paracetamol để hạ sốt và làm giảm cơn đau;
  • Nên bổ sung nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước do nôn ói, tránh ảnh hưởng đến lượng dịch phôi thai;
  • Giữ tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi nhiều, vận động vừa phải;
  • Đối với trường hợp sốt xuất huyết nặng và nghiêm trọng, thai phụ cần phải nhập viện và theo liên tục trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Phòng ngừa mắc sốt xuất huyết 

Có một loại vaccine ngừa sốt xuất huyết tên là Dengvaxia, nhưng thuốc này chỉ được chấp thuận cho những người từ 9 đến 45 tuổi đã bị nhiễm virus này hoặc một loại virus sốt xuất huyết khác trong quá khứ. Những người chưa mắc bệnh sốt xuất huyết và tiêm vaccine có nguy cơ cao bị sốt xuất huyết nặng và phải nhập viện.

Nếu khu vực của bạn đang có dịch sốt xuất huyết, hãy áp dụng các cách sau để ngăn ngừa mắc bệnh:

  • Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
  • Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
  • Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
  • Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
  • Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  • Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Phụ nữ mang thai cần làm gì để phòng sốt xuất huyết?

 

Hoàng Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam -
Bình luận
Tin mới
Xem thêm