Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những tương tác thuốc – thực phẩm nên tránh

Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc dưới đây, bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi uống rượu vang, uống sữa hoặc nước trái cây.

Việc bắt đầu uống một loại thuốc mới có thể sẽ khiến bạn phải thay đổi các thói quen sống một chút, bao gồm cả việc thay đổi thói quen ăn uống của bạn. Tương tác giữa thuốc và thực phẩm nghĩa là sẽ có một chất dinh dưỡng hoặc một thành phần nhất định của thực phẩm có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá thuốc, có thể làm tăng hoặc giảm liều thuốc mà cơ thể hấp thu. Hậu quả là: tăng nguy cơ gặp phản ứng phụ của thuốc hoặc thuốc có thể sẽ không có hiệu quả như mong muốn.

Trước khi sử dụng một loại thuốc mới, hãy hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ về bất cứ loại tương tác nào có thể xảy ra, bao gồm tương tác với cả rượu và hỏi ý kiến bác sĩ về các thay đổi trong chế độ ăn. Dưới đây là 10 loại tương tác thuốc, thực phẩm thường gặp.

Acetaminophen và đồ uống có cồn

Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau sau khi vừa uống say thì bạn đang đưa bản thân mình gặp nguy hiểm. Khi phối hợp cùng với đồ uống có cồn, nguy cơ ngộ độc gan của bạn sẽ tăng cao. Nguy cơ ngộ độc gan sẽ cao nhất nếu bạn thường xuyên sử dụng rượu bia và uống acetaminophen hàng ngày. Đặc biệt nên tránh sự phối hợp này nếu bạn uống nhiều hơn 3 đơn vị đồ uống có cồn hàng ngày.

Một số loại kháng sinh và sữa

Một số loại kháng sinh nhất định không nên được sử dụng cùng với sữa, sữa chua hoặc phô mai. Các chế phẩm từ sữa sẽ gắn với các loại thuốc và cản trở sự hấp thu của thuốc vào máu. Những loại thuốc kháng sinh này bao gồm kháng sinh nhóm fluoroquinolones và một số loại tetracycline. Tránh ăn sữa chua hoặc kem ít nhất 2 tiếng trước khi uống thuốc và 6 tiếng sau khi sử dụng kháng sinh.

Thuốc chẹn kênh canxi và statin với bưởi chùm

Thuốc chẹn kênh canxi được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và đau thắt ngực. Một số loại thuốc, ví dụ như Plendil và Procardiahoặc Adalat được biết là có thể tương tác với nước bưởi chum. Tương tự với statin được sử dụng để điều trị tăng cholesterol, ví dụ như Lipitor, và Zocor. Bưởi chum có chứa một chất có thể gây ức chế một enzyme chuyển hoá thuốc là CYP3A4. Uống hoặc ăn quá nhiều bưởi chùm sẽ gây ức chế loại enzyme này và thuốc sẽ tích tụ lại trong cơ thể, gây nguy hiểm. Tuy nhiên, tương tác này không xảy ra với các loại trái cây có múi khác, do vậy, bạn hoàn toàn có thể uống nước cam thay thế.

Thuốc ức chế MAO và phô mai

Nếu bạn dang sử dụng thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm ức chế MAO bạn sẽ cần thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm có hàm lượng tyramine cao. Tyramine là một loại acid amin tham gia vào việc điều hoà huyết áp. Sự phối hợp này sẽ làm tăng huyết áp lên quá cao. Các thực phẩm giàu tyramine bao gồm phô mai, một số loại rượu vang, cá ướp muối, nấm bia lên men, đậu fava. Đó là nguyên nhân vì sao các loại thuốc ức chế MAO không được kê đơn thường xuyên như các loại thuốc chống trầm cảm khác (ví dụ như các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc – SSRI). Nếu sự tương tác này làm bạn lo lắng, hãy trao đổi với bác sỹ về các lựa chọn điều trị khác.

Ziprasidone và các bữa ăn nhỏ

Ziprasidone là một loại thuốc chống loạn thần được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt. Bạn sẽ cần phải sử dụng loại thuốc này với bữa ăn ít nhất là 500 kcal vì có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn thêm một bữa nhỏ sẽ tăng tối đa khả năng hấp thu thuốc để thuốc có thể hoạt động tốt nhất.

Thuốc suy giáp với bất cứ loại thực phẩm nào

Nếu bạn được chẩn đoán bị suy giáp bạn có khả năng sẽ phải sử dụng Synthroid (levothyroxine) để hồi phục lượng hormone. Đa số các hướng dẫn đều cho rằng nên uống thuốc vào buổi sáng, trước khi ăn sáng 30-60 phút. Liều thuốc suy giáp sẽ khác nhau tuỳ từng người nhưng thực phẩm nói chung sẽ cản trở sự hấp thu thuốc ở ruột non và làm giảm lượng thuốc mà cơ thể thấp thu được. Trong số các thực phẩm ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc suy giáp, bao gồm cả cà phê.

Spironolactone và cam thảo

Spironolactone là một loại thuốc lợi tiểu được sử dụng để điều trị tình trạng hạ kali máu và suy tim. Hãy thận trọng nếu bạn đang uống thuốc và uống trà cam thảo, kẹo cam thảo hoặc các thực phẩm bổ sung có chứa cam thảo. Cam thảo sẽ cạnh tranh thụ thể với các phân tử thuốc và khiến thuốc không hiệu quả. Bạn nên tránh sử dụng các sản phẩm từ cam thảo nếu đang uống loại thuốc lợi tiểu này.

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc – SSRI và đồ uống có cồn

Như đã nói đến ở trên, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc là một loại thuốc chống trầm cảm và được dùng để điều trị trầm cảm. Thuốc này cũng giúp điều trị tình trạng lo âu. Nhưng sử dụng đồ uống có cồn để làm giảm các triệu chứng lo âu hay trầm cảm có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn. Việc phối hợp SSRI và đồ uống có cồn có thể gây chảy máu dạ dày hoặc chảy máu đường tiêu hoá.

Wafarin và cải xoăn

Wafarin là các loại thuốc làm loãng máu dùng để điều trị tình trạng cục máu đông. Các loại rau như cải xoăn và bông cải xanh chứa rất nhiều vitamin K. Vấn đề là vitamin K lại có tác dụng đối ngược với warfarin. Khi warfarin không phát huy tác dụng, nguy cơ hình thành cục máu đông của bạn sẽ tăng lên. Tuy vậy không có nghĩa là bạn phải tránh sử dụng vitamin K. Chế độ ăn của bạn cần duy trì cân đối. Nếu bạn ăn nhiều các loại rau này hơn (vì đến mùa rau) hoặc đột ngột dừng ăn rất nhiều loại rau, có thể bạn sẽ gặp phải các phản ứng phụ như hình thành cục máu đông hoặc bị chảy máu. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ phải điều chỉnh liều thuốc của bạn cho phù hợp.

Metronidazole và đồ uống có cồn

Metronidazole được dùng để điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn, bao gồm nhiễm khuẩn âm đạo. Không nên sử dụng bất cứ loại đồ uống có cồn nào khi đang sử dụng metronidazole vì thuốc sẽ cản trở quá trình chuyển hoá rượu/bia. Sự phối hợp này có thể gây ra tình trạng nôn mửa nghiêm trọng. Bạn nên đợi ít nhất 48 tiếng sau khi ngừng thuốc trước khi uống một ly rượu.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Tương tác thuốc: những điều bạn cần biết

Bình luận
Tin mới
Xem thêm