Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những sai lầm dễ mắc phải khi bạn nỗ lực giảm cholesterol trong máu

Tại sao cholesterol trong máu của bạn không giảm, dù đã nỗ lực điều chỉnh lại thói quen hàng ngày, thực hiện chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục và cả sử dụng thuốc giảm mỡ máu? Hãy tìm hiểu 8 cản trở phổ biến, hay gặp và cách khắc phục đúng đắn nhất.

Khi được chẩn đoán bị tăng cholesterol máu, bạn đã điều chỉnh lại thói quen hàng ngày của mình, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và sử dụng thuốc điều chỉnh cholesterol đều đặn theo đơn của bác sĩ.

Nhưng hình như có điều gì đó đã bị bỏ lỡ, khiến nỗ lực kiểm soát lượng cholesterol của bạn thất bại. Dưới đây là 8 điều có thể cản trở nỗ lực giảm cholesterol của bạn và một số cách để giúp bạn điều chỉnh lượng cholesterol đúng cách hơn.

Đọc thêm tại bài viết: 3 nguyên nhân chính gây tăng cholesterol

#Sai lầm 1: Bạn không chú ý đến lượng đường và rượu trong chế độ ăn uống của mình.

Khi bạn được chẩn đoán bị tăng cholesterol, điều dễ hiểu là bạn sẽ tập trung vào việc hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa trong chế độ ăn uống của mình. Nhưng điều quan trọng là bạn phải xem xét cả lượng đường và rượu bạn đang tiêu thụ hàng ngày, những yếu tố này cũng góp phần làm tăng cholesterol.

Nguyên nhân là bởi vì cơ thể bạn chuyển lượng calo dư thừa từ đường và rượu thành cholesterol và chất béo trung tính và có thể góp phần làm tăng mức cholesterol không lành mạnh trong máu của bạn. Mọi người thường không nhận ra rằng đây là lý do tại sao chỉ số cholesterol của họ không cải thiện chút nào, mặc dù họ đang giảm mỡ và tập thể dục đều đặn.

Để giúp cải thiện mức cholesterol, hãy cắt giảm tất cả các nguồn đường, bao gồm đồ uống ngọt, nước trái cây và trái cây ngọt nhiều, rượu và carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng và mì ống. Thay vào đó, chọn ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ giúp làm giảm cholesterol, sử dụng bánh mỳ nguyên cám, uống nước lọc, đồ uống không đường.

#Sai lầm 2: Bạn chỉ tập trung vào mức cholesterol "xấu" LDL

Bạn có thể thấy yên tâm khi biết mức cholesterol "xấu" được gọi là LDL (lipoprotein mật độ thấp) của bạn là bao nhiêu, nhưng nó không cung cấp cho bạn bức tranh hoàn chỉnh về mức cholesterol của bạn. Các bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để xem xét toàn diện cholesterol máu của bạn, bao gồm cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL, hoặc “chất béo tốt”), cholesterol LDL ( hoặc "chất béo xấu"), chất béo trung tính và cholesterol toàn phần trong máu.

Để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bạn, các bác sĩ cũng sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tuổi tác, tiền sử gia đình và liệu bạn có các tình trạng sức khỏe khác liên quan đến bệnh tim hay không, chẳng hạn như tiểu đường và huyết áp cao.

#Sai lầm 3: Bạn quên uống thuốc điều trị mỡ máu - hoặc đã bỏ uống thuốc hoàn toàn

Thuốc điều trị tăng cholesterol, bao gồm statin, đã được chứng minh có tác động lên mức cholesterol và có thể ngăn ngừa cơn đau tim ở những người mắc bệnh mạch vành. Nhưng theo một số báo cáo, việc không dùng statin theo đúng chỉ định của bác sỹ có liên quan đến nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và thậm chí tử vong cao hơn đáng kể.

Việc không tuân thủ dùng thuốc có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm chi phí cao, không thường xuyên đến gặp bác sĩ tim mạch, lo ngại về tác dụng phụ và quên uống thuốc. Statin có thể bị ngừng sử dụng với tỷ lệ cao hơn so với các loại thuốc khác vì cholesterol cao là bệnh không có triệu chứng và việc làm xét nghiệm máu cũng không đòi hỏi phải làm thường xuyên.

Statin không thể hoạt động hiệu quả nếu bạn không dùng chúng theo quy định và việc ngừng thuốc mà không có hướng dẫn của bác sĩ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt nếu bạn có tiền sử đột quỵ. Một nghiên cứu cho thấy những người ngừng điều trị bằng statin từ 3 đến 6 tháng sau khi bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ có nguy cơ bị đột quỵ khác cao hơn trong vòng một năm sau khi ngừng thuốc.

Nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào khi sử dụng statin, hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ để có thể giải quyết vấn đề và tiếp tục điều trị để kiểm soát cholesterol của mình.

Đọc thêm tại bài viết: Những điều cần biết khi dùng thuốc hạ mỡ máu

#Sai lầm 4: Bạn nghĩ dùng thuốc điều trị mỡ máu nghĩa là có thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn

Dùng statin không có nghĩa là bạn có thể ăn những gì bạn muốn. Nhiều người lầm tưởng rằng thuốc sẽ làm giảm tình trạng quá tải cholesterol nên có thể ăn uống thoải mái. 

Đừng bỏ qua chế độ ăn giảm cholesterol. Ngay cả khi bạn đang dùng thuốc để giảm cholesterol, bạn vẫn cần theo dõi lượng calo nạp vào và giảm lượng chất béo bão hòa cũng như carbohydrate, chúng có thể góp phần làm tăng mức cholesterol không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, hãy ăn thực phẩm làm giảm cholesterol, chẳng hạn như các loại hạt họ đậu, trái cây, rau quả giàu chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt.

#Sai lầm 5: Bạn đã cắt bỏ toàn bộ chất béo khỏi chế độ ăn uống của mình

Mặc dù đúng là bạn nên cắt bỏ chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa - thường có trong các món chế biến sẵn - nhưng không phải tất cả chất béo đều cần phải tránh. Trên thực tế, bạn nên ăn chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có lợi cho tim - loại có trong dầu ô liu và các loại hạt - cũng như thực phẩm giàu axit béo omega-3, như cá hồi, cá ngừ và cá thu.

Tuy nhiên, bạn vẫn nên theo dõi lượng calo bạn ăn, lượng calo này có thể tăng lên nhanh chóng ngay cả khi bạn ăn chất béo lành mạnh. Các loại thực phẩm cung cấp chất béo lành mạnh cũng vẫn cần phải kiểm soát nượng nápj vào để không tăng quá mức lượng calo trong chế độ ăn của bạn.

#Sai lầm 6: Bạn tập thể dục không đủ

Nếu bạn chỉ ăn kiêng thường là không đủ để giảm mỡ máu. Bạn nên kết hợp chế độ ăn với tập thể dục. Nguyên tắc của việc này khá đơn giản: Ít vận động đồng nghĩa với việc bạn sẽ có mức HDL (chất béo tốt) thấp.

Bạn có thể giảm cả cholesterol máu và tăng huyết áp bằng cách tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, chẳng hạn như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội hoặc thậm chí làm vườn mỗi tuần.

#Sai lầm 7: Bạn thực hiện chế độ ăn kiêng yo-yo

Việc tăng cân – giảm cân liên tục (yo-yo) không giúp bạn giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch, ngược lại chế độ ăn này còn khiến bạn gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn và gây hại cho tim.

Bạn có thể thử chế độ ăn Địa Trung Hải, một chế độ ăn uống đã được thử nghiệm và nhấn mạnh vào trái cây, rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh (dầu thực vật như dầu oliu...) và cá; đồng thời cắt giảm lượng thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chẳng hạn như thịt. Chế độ ăn này chứa nhiều axit béo omega-3, chất xơ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm cân, giảm mỡ máu hiệu quả.

#Sai lầm 8: Bạn uống thuốc điều trị mỡ máu với nước ép bưởi

Có thể bạn muốn có một khởi đầu ngày mới lành mạnh và dùng statin vào bữa sáng. Nhưng nếu bữa sáng của bạn bao gồm nước ép bưởi,hoặc nước ép bưởi có trong chế độ ăn hàng ngày của bạn, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng đơn thuốc hạ mỡ máu.

Nước ép bưởi có chứa các hợp chất được gọi là furanocoumarin, có tác dụng ngăn chặn hoạt động của CYP3A4 – một loại enzyme trong thành ruột non giúp phân hủy một số chất, bao gồm statin. Khi CYP3A4 bị ức chế bởi furanocoumarin có trong nước ép bưởi, thì statin sẽ đi vào máu nhiều hơn, làm tăng nồng độ của thuốc trong cơ thể, khiến thuốc trở nên mạnh hơn so với dự kiến, dẫn đến nguy cơ mắc các tác dụng phụ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra có tương tác giữa nước ép bưởi và statin điều trị giảm mỡ máu.  Vì vậy, nên hạn chế ăn bưởi và các sản phẩm từ bưởi khi sử dụng statin để tránh tác dụng không mong muốn.

Những loại thực phẩm khác ngoài bưởi cũng có thể tương tác với statin và gây ra tác dụng phụ, bao gồm cam Seville, bưởi, lựu, khế và chanh chứa furanocoumarin giống như bưởi, do đó cũng có thể tương tác với simvastatin. Tuy nhiên, do chưa có nghiên cứu đầy đủ nên mức độ rủi ro của những loại trái cây này vẫn chưa rõ ràng.

Bác sĩ Đoàn Hồng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Everydayhealth
Bình luận
Tin mới
  • 27/07/2024

    Ảo giác và chóng mặt trong bệnh đa xơ cứng

    Bệnh đa xơ cứng (MS) là một bệnh miễn dịch mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một số người có thể bị ảo giác, choáng váng hoặc chóng mặt.

  • 27/07/2024

    9 lời khuyên vàng khi chăm sóc da cho bé

    Trẻ nhỏ có làn da rất mềm mại và mỏng manh. Vì vậy, các bé có thể gặp phải nhiều vấn đề và bệnh lý về da. Cùng tham khảo một vài gợi ý cũng như lời khuyên hữu ích dưới đây để chăm sóc và bảo vệ làn da nhạy cảm của em bé nhà bạn.

  • 26/07/2024

    Hiện tượng co giật cơ có thể là dấu hiệu bạn đang thiếu chất

    Hầu hết mọi người đều trải qua tình trạng co giật cơ ở bắp thịt trên tay, chân, vai, mi mắt, lưng, cơ mặt một vài lần trong đời. Biểu hiện này có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu một số vitamin, khoáng chất thiết yếu.

  • 26/07/2024

    Cách làm màu thực phẩm tự nhiên

    Màu thực phẩm tự nhiên là một cách tuyệt vời để thêm màu sắc vào công thức nấu ăn bằng cách sử dụng các nguyên liệu đã có sẵn trong tủ đựng thức ăn, giá đựng gia vị hoặc rau củ trong nhà. Màu thực phẩm tự nhiên được coi là sự thay thế lành mạnh hơn cho màu thực phẩm nhân tạo vì nó có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật và không chứa các hóa chất độc hại mà màu nhân tạo có thể có.

  • 26/07/2024

    6 bài tập cải thiện cơ bắp toàn thân không cần dụng cụ

    Sử dụng chính trọng lượng cơ thể mình, bạn có thể rèn luyện cơ bắp toàn thân với 6 bài tập thể dục không cần có thêm dụng cụ hỗ trợ.

  • 26/07/2024

    Tổng kết Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà"

    Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà" do Trung tâm Đào tạo Y học ứng dụng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Vesta-B Việt Nam tổ chức từ ngày 12 - 13/6/ đã kết thúc tốt đẹp

  • 26/07/2024

    Lý do khiến cân nặng của bạn thay đổi trong ngày

    Cân nặng của chúng ta khi cân vào buổi sáng sẽ không giống với khi cân vào buổi tối. Vậy đâu mới là cân nặng chính xác của chúng ta? Hãy cùng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

  • 26/07/2024

    5 mẹo đơn giản để ngủ nhanh và ngon hơn

    Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp bạn có một ngày mới tràn đầy năng lượng và làm việc hiệu quả hơn.

Xem thêm