Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Những điều cần biết về vô kinh/mất kinh nguyệt

Vô kinh là thuật ngữ y học chỉ tình trạng không có kinh nguyệt trong 3 tháng liên tục. Vô kinh không phải là một căn bệnh nhưng trong một số trường hợp, nó có thể là triệu chứng của một tình trạng khác.

Một số dấu hiệu của vô kinh là gì?

Các bác sĩ chia vô kinh thành hai loại: Vô kinh nguyên phát là tình trạng chưa bao giờ có kinh nguyệt ở tuổi 16; và vô kinh thứ phát thường đề cập đến tình trạng mất kinh 3 tháng liên tiếp ở những phụ nữ từng có chu kỳ bình thường.

Việc không có kinh nguyệt được gọi là “vô kinh”. Nhưng trong một số trường hợp, nó đi kèm với các triệu chứng khác, cho thấy tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Ví dụ, bạn có thể mọc nhiều lông trên mặt, đau đầu, rụng tóc, thay đổi thị lực,…Trong trường hợp này, bạn cần được thăm khám bác sĩ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của vô kinh

Vô kinh xảy ra một cách tự nhiên khi người phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Những phụ nữ đang sử dụng một số biện pháp tránh thai nhất định hoặc đã bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, những năm trước khi hết kinh, cũng có thể trải qua nhiều tháng không có kinh nguyệt.

Ở những phụ nữ khác, vô kinh là dấu hiệu của sự gián đoạn hệ thống nội tiết tố trong cơ thể. Điều này có thể là do một số điều kiện hoặc thách thức về lối sống, chẳng hạn như tập thể dục quá mức, rối loạn ăn uống hoặc gặp căng thẳng đáng kể. Thông thường khi những vấn đề này được khắc phục thì kinh nguyệt sẽ quay trở lại.

Việc sử dụng một số loại thuốc, bao gồm thuốc chống loạn thần hoặc thuốc điều trị ung thư, cũng có thể khiến kinh nguyệt của bạn ngừng lại trong một thời gian.

Các vấn đề về nội tiết tố là một trong những nguyên nhân chính gây vô kinh, bao gồm:

  • Rối loạn nội tiết, đặc biệt là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Các khối u ở các tuyến sản xuất hormone khác nhau, chẳng hạn như vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc tuyến giáp
  • Suy buồng trứng nguyên phát (còn gọi là suy buồng trứng sớm)

Đôi khi, vô kinh nguyên phát là do bất thường về giải phẫu bẩm sinh của hệ thống sinh sản hoặc do tình trạng di truyền, chẳng hạn như hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy.

Điều trị vô kinh như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh, thói quen ăn uống và tập thể dục cũng như bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào nếu bạn đang dùng. Các xét nghiệm máu cũng được thực hiện, bao gồm xét nghiệm mang thai cũng như đo nhiều loại hormone như estradiol, hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone luteinizing (LH), hormone tuyến giáp,… Nếu các xét nghiệm này không phát hiện ra nguyên nhân gây vô kinh, có thể yêu cầu chụp CT đầu hoặc MRI để tìm khối u.

Bởi vì nhiều tình trạng khác nhau có thể là nguyên nhân khiến bạn bị trễ kinh nên việc điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. 

Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc tránh thai hoặc các loại thuốc nội tiết tố khác thường được kê đơn ổn định lại nội tiết trong cơ thể
  • Liệu pháp thay thế estrogen có thể được chỉ định cho những phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh suy buồng trứng nguyên phát
  • Thuốc nhằm mục đích thu nhỏ khối u tuyến yên, nếu cần thiết

Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị vô kinh không phổ biến nhưng có thể được khuyến nghị trong một số trường hợp:

  • Sẹo tử cung: Loại bỏ mô sẹo do sinh mổ, thủ thuật y tế trước đó, lạc nội mạc tử cung hoặc tình trạng khác có thể hữu ích trong điều trị vô kinh
  • Phẫu thuật khối u tuyến yên đôi khi cần thiết để thu nhỏ khối u tuyến yên nếu dùng thuốc không thành công

Liệu pháp thay thế và bổ sung

Khi các yếu tố lối sống gây ra hiện tượng vô kinh, việc chuyển sang lối sống lành mạnh hơn có thể giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn trở lại.

  • Một chế độ ăn uống lành mạnh dành cho những phụ nữ thừa cân hoặc thiếu cân nghiêm trọng có thể đạt được chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh hơn và giúp bạn phục hồi kinh nguyệt
  • Không tập luyện quá sức, bao gồm cả các vận động viên thi đấu và vũ công
  • Giảm căng thẳng 

Phòng ngừa vô kinh và các biến chứng

Để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt một cách tốt nhất, hãy duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và tập thể dục vừa phải, không quá sức. Việc không có kinh có thể không phải là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, khi không có lời giải thích tự nhiên, đó có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống nội tiết hoặc sinh sản của bạn không hoạt động bình thường. Nguy cơ vô kinh khác nhau, tùy thuộc vào trạng thái estrogen của phụ nữ. Ví dụ, vô sinh hoặc loãng xương có thể xảy ra do nồng độ estrogen thấp, trong khi ung thư nội mạc tử cung có liên quan đến nồng độ estrogen cao.

Một số tình trạng tiềm ẩn bao gồm vô kinh như một triệu chứng có thể gây ra các biến chứng đáng kể. Ví dụ, bệnh đa nang buồng trứng không được điều trị có thể dẫn đến sản xuất estrogen dư thừa, dẫn đến tăng sản nội mạc tử cung hoặc ung thư. Phụ nữ mắc đa nang buồng trứng cũng thường không thể sử dụng insulin hiệu quả, điều này làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.

Mang thai ngoài ý muốn có thể là kết quả của vô kinh nếu bạn không sử dụng biện pháp tránh thai cẩn thận. Bạn vẫn có thể mang thai ngay cả khi kinh nguyệt không đều.

Hoàng Hà Linh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo EverydayHealth
Bình luận
Tin mới
  • 27/07/2024

    Chế độ ăn dặm tự chỉ huy có tốt hơn ăn dặm truyền thống?

    Chế độ ăn dặm tự chỉ huy (baby-led weaning) ngày càng phổ biến, nhưng chưa có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy phương pháp này ưu việt hơn ăn dặm truyền thông về mặt dinh dưỡng.

  • 27/07/2024

    Mẹo giúp trẻ vượt qua cơn đau khi mọc răng

    Trẻ mọc răng thường xuất hiện một số dấu hiệu như ngứa lợi, quấy khóc, sốt… Cha mẹ quan sát và biết cách giảm đau cho trẻ lúc mọc răng để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

  • 27/07/2024

    Ảo giác và chóng mặt trong bệnh đa xơ cứng

    Bệnh đa xơ cứng (MS) là một bệnh miễn dịch mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một số người có thể bị ảo giác, choáng váng hoặc chóng mặt.

  • 27/07/2024

    9 lời khuyên vàng khi chăm sóc da cho bé

    Trẻ nhỏ có làn da rất mềm mại và mỏng manh. Vì vậy, các bé có thể gặp phải nhiều vấn đề và bệnh lý về da. Cùng tham khảo một vài gợi ý cũng như lời khuyên hữu ích dưới đây để chăm sóc và bảo vệ làn da nhạy cảm của em bé nhà bạn.

  • 26/07/2024

    Hiện tượng co giật cơ có thể là dấu hiệu bạn đang thiếu chất

    Hầu hết mọi người đều trải qua tình trạng co giật cơ ở bắp thịt trên tay, chân, vai, mi mắt, lưng, cơ mặt một vài lần trong đời. Biểu hiện này có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu một số vitamin, khoáng chất thiết yếu.

  • 26/07/2024

    Cách làm màu thực phẩm tự nhiên

    Màu thực phẩm tự nhiên là một cách tuyệt vời để thêm màu sắc vào công thức nấu ăn bằng cách sử dụng các nguyên liệu đã có sẵn trong tủ đựng thức ăn, giá đựng gia vị hoặc rau củ trong nhà. Màu thực phẩm tự nhiên được coi là sự thay thế lành mạnh hơn cho màu thực phẩm nhân tạo vì nó có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật và không chứa các hóa chất độc hại mà màu nhân tạo có thể có.

  • 26/07/2024

    6 bài tập cải thiện cơ bắp toàn thân không cần dụng cụ

    Sử dụng chính trọng lượng cơ thể mình, bạn có thể rèn luyện cơ bắp toàn thân với 6 bài tập thể dục không cần có thêm dụng cụ hỗ trợ.

  • 26/07/2024

    Tổng kết Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà"

    Khóa đào tạo "Chăm sóc và theo dõi sức khỏe cơ bản tại nhà" do Trung tâm Đào tạo Y học ứng dụng - Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Vesta-B Việt Nam tổ chức từ ngày 12 - 13/6/ đã kết thúc tốt đẹp

Xem thêm