Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nhiễm rhinovirus – thủ phạm gây cảm lạnh ở trẻ

Khi thời tiết thay đổi thất thường, cơ thể trẻ em không kịp thay đổi để đáp ứng dẫn dến những vấn đề về đường hô hấp cũng như nhiễm các loại virus, vi khuẩn.

Rhinovirus (“rhin” nghĩa là “cái mũi”) là loại virus phổ biến nhất gây chứng cảm lạnh thông thường. Rhinovirus cũng có thể gây đau họng, viêm tai, viêm xoang và có thể gây viêm phổi và viêm tiểu phế quản nhưng ít gặp hơn.

Trung bình một đứa trẻ bị từ 8 – 10 đợt cảm lạnh trong vòng 2 năm đầu đời. Việc chăm sóc những trẻ bị cảm cúm cũng khiến người chăm sóc dễ bị nhiễm cúm hơn.

Rhinovirus thường lây nhiễm dễ dàng từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp. Khi một trẻ nhiễm Rhinovirus bị sổ mũi, dịch tiết từ mũi sẽ bám vào tay trẻ và truyền sang các đồ vật khác như bàn ghế, đồ chơi… Chính con bạn cũng có khả năng chạm vào tay hay da của những trẻ khác mang virus hay đồ chơi đã bị nhiễm virus và rồi lại đưa tay lên mắt, mũi, đây là thời cơ để virus xâm nhập vào cơ thể trẻ. Ngoài ra, trẻ có thể bị lây nhiễm qua hít thở không khí có các phần tử virus bị phát tán ra khi người bệnh ho, hắt hơi.

Dấu hiệu và triệu chứng

Thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm Rhinovirus thường từ 2 – 3 ngày. Các triệu chứng thường kéo dài từ 10 – 14 ngày, đôi khi ít hơn.

Các triệu chứng của cảm lạnh khá quen thuộc với nhiều người. Ban đầu, con bạn có thể bị chảy nước mũi với dịch mũi trong. Sau đó, dịch mũi có thể trở nên đặc hơn và thường chuyển sang đục, vàng, xám hay xanh. Sự thay đổi màu dịch mũi này là bình thường bởi đây là dấu hiệu trẻ đang từ từ hồi phục.

Các triệu chứng khác có thể thấy ở trẻ em, bao gồm:

  •      Hắt hơi
  •      Sốt nhẹ (38.30C – 38.90C)
  •      Đau đầu
  •      Đau họng
  •      Ho
  •      Đau cơ
  •      Ăn không ngon miệng

Một số trẻ có thể bị sưng và mưng mủ tại amidan, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm liên cầu khuẩn phối hợp cùng với nhiễm  Rhinovirus.

Cách xử trí khi trẻ bị cảm lạnh

Khi trẻ bị cảm lạnh, việc đầu tiên cần làm là cho trẻ nghỉ ngơi, cho trẻ uống nhiều nước nếu trẻ bị sốt.

Nếu trẻ có biểu hiện khó chịu, sốt, hãy hỏi ý kiến bác sỹ về việc cho trẻ uống paracetamol để hạ sốt.

Không nên cho trẻ sử dụng các loại thuốc ho và thuốc cảm không kê đơn mà không được sự cho phép của bác sỹ. Những loại thuốc này không có tác dụng với virus và trong nhiều trường hợp chúng không giúp giảm nhẹ các triệu chứng.

Khi nào nên cho trẻ đi khám

Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi có các triệu chứng cảm lạnh, hãy đưa trẻ đi bác sỹ ngay lập tức. Các biến chứng của bệnh cảm lạnh như viêm phổi và viêm tiểu phế quản có xu hướng diễn biến đột ngột và nặng hơn ở trẻ nhỏ.

Trẻ lớn hơn thường không cần phải đi khám khi trẻ bị cảm lạnh. Tuy nhiên, hãy đưa trẻ đi đến bệnh viện ngay nếu trẻ có xuất hiện những dấu hiệu sau:

  •      Môi và móng tay chuyển màu xanh tím
  •      Khó thở
  •      Ho dai dẳng
  •      Kiệt sức
  •      Đau tai (có thể có dấu hiệu viêm tai)

Chẩn đoán

Cảm lạnh thường được chẩn đoán thông qua việc quan sát các triệu chứng. Nói chung việc làm các xét nghiệm để nhận dạng các vi sinh vật gây bệnh cảm lạnh là không cần thiết.

Điều trị

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng do rhinovirus thường là nhẹ và không cần một phương pháp điều trị đặc biệt nào. Kháng sinh không có hiệu quả trong bệnh cảm lạnh hay nhiễm virus.

Hầu hết các ca nhiễm cảm lạnh đều tự khỏi mà không để lại biến chứng gì nghiêm trọng.

Phòng bệnh

Hạn chế trẻ dưới 3 tháng tuổi tiếp xúc với trẻ em hay người lớn bị cảm lạnh.

Hướng dẫn và cho trẻ thực hành rửa tay sạch bằng xà phòng thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm virus nói riêng và để phòng dịch bệnh nói chung.

Tham khảo thêm thông tại bài viết: Sốt virus ở trẻ em

Ts.Bs. Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
Xem thêm