Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Ngừa bệnh da cho trẻ trong mùa hè

Mùa hè, nắng nóng khiến da tiết nhiều mồ hôi, cộng với bụi bẩn, có thể làm trẻ dễ mắc một số bệnh ngoài da. Các bệnh ngoài da tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho trẻ. Đồng thời nếu không điều trị kịp thời dễ gây biến chứng.

Ngừa bệnh da cho trẻ trong mùa hè

Những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ

Rôm sảy

Rôm sảy rất phổ biến ở trẻ em trong mùa hè, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chính là trong thời tiết nóng nực, mồ hôi trẻ tiết nhiều không thoát ra được hết, ứ đọng trong ống bài tiết. Miệng ống bài tiết dễ bị bụi, ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng, mọc thành từng đám, có khi dày đặc. Càng ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể... càng có nhiều rôm. Nhiều khi rôm có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí toàn thân. Rôm sảy gây ngứa ngáy, khiến bé gãi nhiều. Chỗ gãi có thể gây chợt loét rồi nhiễm khuẩn.

Khi trẻ có các biểu hiện bệnh ngoài da, nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa da liễu.

Khi trẻ có các biểu hiện bệnh ngoài da, nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa da liễu.

Mụn nhọt

Mụn nhọt là một trong những bệnh ngoài da trẻ hay gặp. Là tình trạng viêm toàn bộ nang lông và tổ chức xung quanh, chủ yếu do tụ cầu gây nên. Biểu hiện ban đầu là đỏ sưng rồi nóng gây đau nhức, dần dần mềm vỡ ra chảy mủ và thành sẹo. Mụn nhọt có thể mọc ở nhiều nơi trên cơ thể, đau nhức khiến trẻ quấy khóc, giảm mức độ ăn ngủ. Những trẻ có thể trạng yếu, không đủ sức chống đỡ với vi khuẩn có thể bị nhọt liên tiếp; nhọt này vừa khỏi nhọt khác lại mọc lên, có khi gây ra các biến chứng nguy hiểm (viêm thận cấp, nhiễm khuẩn huyết...). Nhọt mọc ở những vị trí đặc biệt như môi trên, cánh mũi có thể gây biến chứng nặng như viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, việc điều trị cần kiên trì.

Chốc lở

Bệnh chốc lở ở trẻ là một bệnh nhiễm khuẩn da, rất dễ lây, hay gặp ở trẻ em. Chốc lở thường xuất hiện trên mặt, đầu nhất là quanh mũi và miệng của trẻ. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn (chủ yếu là tụ cầu và liên cầu) xâm nhập cơ thể qua các vết thương, trầy xước hay côn trùng đốt và gây bệnh. Mùa hè ra nhiều mồ hôi nên nguy cơ chốc lở càng tăng.

Bệnh xuất hiện với những bóng nước hình tròn, dẹp, sau vài giờ, bóng nước đục dần, có mủ rồi vỡ, đóng vảy màu vàng. Trẻ em bị bệnh không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở quanh vùng có vết chốc. Vết chốc lở rất dễ lây lan sang các vùng da lành khác nếu bị dây dịch của vết chốc. Chốc lở có thể lan sang vùng kế cận, gây viêm hạch bạch huyết gần đó. Sau khi bong vảy, thường để lại vết thâm lâu dài. Nếu mẹ không để ý và kịp thời chữa cho trẻ có thể dẫn đến bệnh viêm cầu thận.

Viêm cầu thận có thể phát triển sau khi bị chốc lở do liên cầu khuẩn. Viêm cầu thận xảy ra sau khi phát chốc lở khoảng 2 tuần. Triệu chứng gồm: phù mặt, nhất là phù mi mắt, đi tiểu ít, có máu trong nước tiểu, tăng huyết áp, cứng khớp và đau khớp.

Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa ở trẻ em dễ gặp trong mùa hè khi các yếu tố như trời nóng, mồ hôi trên da nhiều. Bệnh không đơn thuần chỉ gây ra những tổn thương ngoài da như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi nhiều trường hợp do chủ quan đã gây tổn thương da diện rộng, để lại sẹo, nhiễm trùng, gây viêm nhiễm nhiều vùng khác như (tai - mũi -  họng, mắt... ), trẻ mệt mỏi, biếng ăn, chậm lớn.

Bắt đầu bệnh viêm da cơ địa hình thành hay còn gọi là giai đoạn viêm da cơ địa cấp tính. Giai đoạn này làn da của trẻ và trẻ sơ sinh có những biểu hiện khác thường so với làn da bình thường như: viêm da cơ địa có thể xuất hiện ở mặt, khuỷu tay, chân, ngực của trẻ. Xuất hiện các đám ban đỏ không rõ ranh giới, nổi mụn đỏ li ti và sau một khoảng thời gian ngắn thì chuyển thành mụn nước. Trẻ có dấu hiệu ngứa ngáy khó chịu, với trẻ lớn thì dùng tay ngãi ngứa còn trẻ sơ sinh thì quấy khóc, ưỡn mình, trằn trọc, hay thức giấc. Mụn nước có thể lan rộng và gộp lại thành mụn lớn, sau một thời gian sẽ đóng thành vảy khô, vàng nâu nhưng không bong tróc.

Viêm da cơ địa giai đoạn mạn tính là thời điểm các triệu chứng viêm da cơ địa ở trên tái phát thường xuyên, nhiều lần và có tổn thương rõ ràng trên da. Da trẻ lúc này có thể bị viêm bội nhiễm, xuất hiện các lớp sừng dày và có sự xuất hiện rối loạn sắc tố da. Tình trạng ngứa ngáy tăng nhiều hơn khi càng ngãi ngứa và da lúc này cũng bị khô nứt và chảy dịch vàng. Viêm nhiễm có thể lan rộng ra ngoài vùng da lành khác nếu không có biện pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa kịp thời. Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em và trẻ sơ sinh có các triệu chứng khá giống nhau. Làn da nhạy cảm giống nhau nên dễ bị viêm nhiễm tổn thương sâu tới lớp biểu bì của da. Do đó, tránh rủi ro cần đưa trẻ tới bệnh viện khám nhận biết sớm và điều trị đúng cách.

Bệnh tuyến mồ hôi

Nắng nóng, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi và đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm tuyến mồ hôi. Khi trẻ bị bệnh này, có các biểu hiện mụn nước, sẩn li ti, đỏ da ở vùng có nhiều tuyến mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ. Trẻ thường ngứa nhiều, nhất là khi trời nóng, ra mồ hôi. Đề phòng khi móng tay trẻ sắc, các vết gãi dễ bị trầy xước và bị vi khuẩn tấn công gây bội nhiễm.

Lời khuyên phòng ngừa bệnh da cho trẻ

Vào mùa nắng nóng bé dễ đổ mồ hôi. Do vậy, nên chọn quần áo phù hợp mùa nóng. Cho bé mặc các loại quần áo vải bông nhẹ thoáng và sáng màu. Nên thay quần áo thường xuyên cho bé. Cần chuẩn bị các loại khăn bông vải mềm để giúp bé thấm mồ hôi. Nên tắm cho bé thường xuyên hơn so với mùa lạnh nhưng không nên tắm quá nhiều lần. Nên cho bé tắm bằng nước ấm và sau khi tắm xong cần lau khô thật nhanh và thật kỹ cho bé. Nên sử dụng các loại kem chống côn trùng cho bé, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Khi cho bé ra ngoài trời, nên bôi kem chống nắng cho bé để bảo vệ da.

Mùa hè, bé thường ra nhiều mồ hôi, nếu như không được bổ sung lượng nước thường xuyên thì rất có thể trẻ sẽ bị nóng trong người, dễ gây các bệnh ngoài da. Thường xuyên cho bé uống nước trong ngày để đảm bảo lượng nước cung cấp đủ cho cơ thể các bé. Có thể cho bé ăn thêm các loại trái cây có tác dụng làm mát cơ thể.

Hơn nữa, nên theo dõi các triệu chứng và kiểm tra da của bé thật cẩn thận. Khi thấy có những dấu hiệu đáng ngờ khó nhận biết cần đưa trẻ đi khám kịp thời.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng mặt trời
BS. Lê Anh - Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Tin mới
  • 07/10/2024

    Những thực phẩm giàu vitamin D bậc nhất

    Bạn có biết Vitamin D rất quan trọng với sức khoẻ nhưng nhiều người lại thiếu hụt? Hãy cùng tìm hiểu những loại thực phẩm chứa hàm lượng vitamin D cao nhất, giúp bạn dễ dàng bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.

  • 06/10/2024

    Quản lý bệnh viêm loét đại tràng

    Viêm loét đại tràng là một căn bệnh mạn tính, nhưng bạn có thể kiểm soát được và chung sống với căn bệnh này. Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để tìm ra phương pháp điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa chúng tái phát.

  • 05/10/2024

    Vitamin K1 và K2: trẻ sơ sinh nên bổ sung loại nào?

    Vitamin K rất cần thiết cho trẻ sơ sinh, và tình trạng thiếu hụt vitamin K ở trẻ sơ sinh xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Vậy trong giai đoạn này, nên bổ sung vitamin K dưới dạng K1 hay K2 cho trẻ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

  • 04/10/2024

    Tắm khoáng nóng có giúp giảm cân không?

    Việc ngâm mình trong một vùng nước tự nhiên ấm áp, với tiếng chim hót xung quanh và không khí trong lành bên ngoài có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn. Đôi khi một số người còn tin rằng tắm khoáng nóng giúp giảm cân. Vậy điều đó có đúng không? Cùng tìm hiểu câu trả lời và khám phá các lợi ích sức khỏe có thể có khi tắm khoáng nóng cùng Bác sĩ Dinh dưỡng VIAM nhé.

  • 03/10/2024

    Tại sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần bổ sung vitamin D3?

    Vitamin D có những vai trò rất quan trọng trọng việc hấp thu canxi, tham gia vào nhiều chức năng khác như tạo xương, miễn dịch, tăng trưởng. Việc thiếu hay thừa vitamin D đều để lại những ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bổ sung vitamin D là điều được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ - trong đó vitamin D3 là dạng bổ sung được khuyến nghị tốt nhất.

  • 02/10/2024

    Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm sau mưa lũ

    Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khi trời mưa nhiều, độ ẩm tăng cao sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi, do đó thức ăn dễ bị ôi, thiu, mốc và sinh ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm.

  • 02/10/2024

    Cần lưu ý gì khi tiêm vaccine Qdenga phòng sốt xuất huyết?

    Vaccine Qdenga đang được khuyến nghị tiêm cho trẻ em trên 4 tuổi và người lớn để phòng chống sốt xuất huyết, cùng tìm hiểu về loại vaccine này qua bài viết sau đây.

  • 01/10/2024

    Tác động của Vitamin D với sức khỏe

    Vitamin D (còn được gọi là calciferol) là một loại vitamin tan trong dầu, có mặt trong một số thực phẩm tự nhiên. Vitamin D cũng được sản xuất nội sinh khi tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời chiếu vào da và kích thích quá trình tổng hợp vitamin D.

Xem thêm