Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Giải đáp thắc mắc về sử dụng tã bỉm đúng cách cho trẻ nhỏ

Ngày càng có nhiều bà mẹ tin tưởng và sử dụng tã, bỉm cho những đứa con yêu quý. Dường như đây là vật dụng không thể thiếu cho trẻ em trong cuộc sống hiện đại và bận rộn ngày nay. Nhưng sử dụng tã, bỉm như thế nào là tốt nhất cho các em bé?

Giải đáp thắc mắc về sử dụng tã bỉm đúng cách cho trẻ nhỏ

Xung quanh việc sử dụng tã bỉm cho trẻ nhỏ, mời các bạn đón đọc bài viết của Ths. Bs Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Hỏi: Hiện nay nhiều bà mẹ có thói quen đóng bỉm cho con 24/24 giờ mỗi ngày vì tiện lợi và cho rằng trẻ có thể thoải mái hoạt động cả ngày. Điều này liệu có tốt không?

Trả lời: 

Không thể phủ nhận tác dụng của những cái , bỉm ngày càng trở nên quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của bất cứ gia đình có trẻ nhỏ nào. Trẻ có thể ngủ ngon giấc lâu hơn, không bị lạnh trong những ngày rét và dường như trông lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm. Đóng bỉm nhanh – gọn – tiện chính là lý do khiến nhiều bà mẹ ngày nay dường như đã quá lệ thuộc vào món đồ sơ sinh này, sẵn sàng cho con mặc 24/24 giờ, bẩn lại thay mà không hề bận tâm đến tác hại của nó. Dùng bỉm là cần thiết, nhưng dùng bỉm thường xuyên 24/24 giờ lại không tốt, thậm chí gây tổn hại đến sức khỏe và làn da vốn rất mỏng manh của bé.

Trước tiên, dùng bỉm cả ngày sẽ khiến làn da bé bí bức, khó chịu, đặc biệt vào mùa hè nóng bức nếu mặc bỉm 24/24 sẽ khiến bé bị nóng hơn, quấy khóc. Vùng da đóng bỉm suốt cả ngày rất dễ bị hăm, nổi mụn thậm chí là bị loét. Tình trạng hăm da, nổi mụn kéo dài lâu ngày có thể khiến trẻ hay cáu kỉnh, quấy khóc, bị viêm da, nhiễm khuẩn đường tiết niệu và hậu quả cuối cùng là trẻ chậm lớn, chậm phát triển.

Bên cạnh đó, lạm dụng bỉm cả ngày còn ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ. Các bé thường xuyên dùng bỉm có thể dẫn đến một thói quen xấu, là khi có nhu cầu vệ sinh trẻ sẽ tự động đi ra bỉm. Lâu dần, trẻ sẽ mất phản xạ gọi để báo cho cha mẹ ngay cả khi đã biết nói. Hệ quả là trẻ không tập được cách đi vệ sinh chủ động, thậm chí một số bé có thể mắc chứng đi tiểu không kiểm soát hoặc tè dầm khi lớn hơn, ảnh hưởng đến cả sức khỏe, sự phát triển và tâm lý của trẻ.

Hỏi: Hiện nay thị trường xuất hiện nhiều loại bỉm không rõ nguồn gốc. Nhiều cha mẹ nghĩ tiết kiệm nên đã mua các loại này. Trong trường hợp sử dụng phải các loại bỉm giả sẽ nguy hại thế nào với trẻ?

Trả lời: 

Trước tiên, phải khẳng định rằng, các bà mẹ chỉ nên dùng những loại tã, bỉm đã được chứng nhận về chất lượng, của các nhãn hàng có uy tín. Các loại bỉm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc được bán trên thị trường sẽ gây nguy hại cho làn da mỏng manh của bé và để lại những hậu quả lâu dài về sau.

Các loại bỉm này thường có độ thấm hút kém, không đạt tiêu chuẩn khử trùng cũng như tiêu chuẩn các vật liệu làm nên bỉm. Độ thấm hút kém sẽ khiến khả năng thấm nước tiểu kém, các chất bẩn dễ ngấm ngược lại da của bé, gây viêm nhiễm cho vùng da và cơ quan sinh dục của bé. Bỉm không được khử trùng sạch sẽ, cùng với các chất bẩn từ nước tiểu, phân của bé sẽ tạo nên môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, dễ gây bệnh ngoài da cũng như các tổn thương khác ở vùng sinh dục.

Chất lượng các vật liệu làm nên bỉm cũng đặc biệt cần quan tâm. Thông thường, bỉm được làm nên từ bông, chất thấm hút và các lớp màng nilon. Nếu các nguyên liệu này không đảm bảo tiêu chuẩn, cùng với việc sử dụng các chất tẩy trắng không đúng, bỉm sẽ có thể có các hóa chất nguy hiểm. Những hóa chất tồn dư này có thể gây mẩn ngứa, viêm da, nhiễm trùng tại đường tiết niệu, cơ quan sinh dục… Thậm chí, một số chuyên gia còn lo ngại rằng các chất này có thể gây hại lâu dài cho sức khỏe của bé, chẳng hạn như nhiễm độc các chất độc hại tồn dư trong bỉm hoặc vô sinh khi trưởng thành.

Như vậy, nếu bạn dùng một loại bỉm không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận chất lượng, dù cho bạn có tiết kiệm được một chút tiền nhưng vô hình chung mang đến những hậu quả khó lường cho làn da non nớt của bé cũng như sức khỏe lâu dài về sau.

Hỏi: Nhiều người cho rằng đeo bỉm, tã giấy cho bé trai nhiều sẽ bị hăm, ảnh hưởng chức năng sinh sản và có thể làm bé bị chân vòng kiềng. Liệu đây có phải quan điểm đúng?

Trả lời:

Trẻ đang bú mẹ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, khả năng kiếm soát cơ tròn (cơ thắt hậu môn, cơ niệu đạo) rất hạn chế. Do đó, trẻ sẽ bài tiết (tống phân, nước tiểu) theo nhu cầu ngay lập tức mà không có khả năng trì hoãn. Vì vậy, việc đóng bỉm là cần thiết đối với trẻ nhằm tránh bị ướt nhiều lần trong ngày. Nguy cơ bị hăm tã là hoàn toàn có thể nhưng nếu sử dụng đúng cách, bạn có thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ này.

Nhiều bà mẹ thường cho rằng, cho bé trai dùng bỉm lâu ngày sẽ làm hẹp bao quy đầu hay ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này của trẻ. Tuy nhiên, đây là một lo ngại không chính xác. Hẹp bao quy đầu ở trẻ có nhiều nguyên nhân, nhưng các bác sỹ chưa tìm thấy nguyên nhân nào liên quan đến bỉm cả. Có chăng, đó là thói quen dùng bỉm sai, hoặc dùng liên tục 24/24h mới khiến trẻ bị viêm nhiễm cơ quan sinh dục, trong đó có viêm bao quy đầu. Vậy thì, nếu bạn sử dụng bỉm cho bé đúng cách, bạn sẽ không phải băn khoăn về mối lo này.

Tương tự như vậy, việc đóng bỉm hay tã giấy không làm cho chân bé bị vòng kiềng. Trẻ bị chân vòng kiềng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân phổ biến liên quan đến chế độ dinh dưỡng và phương pháp nuôi dạy của cha mẹ như:

  • Trẻ thiếu vitamin D nên dẫn đến còi xương và khi trẻ bắt đầu đứng hoặc tập đi, chân phải chịu áp lực của cơ thể nên rất dễ bị vòng kiềng.
  • Cha mẹ cho trẻ tập đứng, tập đi quá sớm hoặc cha mẹ thường xuyên địu trẻ trên lưng, bế cắp nách trẻ.
  • Trẻ bị béo phì và có cân nặng quá tải đối với chân khiến chân dễ bị vòng kiềng.

Như vậy, nếu khắc phục được những cách nuôi dưỡng không khoa học, trẻ sẽ rất ít có nguy cơ bị chân vòng kiềng.

Hỏi: Các bà mẹ thường rất lo ngại khi đóng bỉm cho trẻ trong mùa hè vì trẻ hay bị hăm tã. Vậy thì, sử dụng bỉm đúng cách như thế nào và cần làm gì để phòng bệnh hăm tã ở trẻ nhỏ?

Trên lý thuyết, một miếng bỉm nếu chỉ chứa nước tiểu thì có thể mặc được trong nhiều nhất 4 tiếng. Tuy nhiên, để tốt nhất cho trẻ, trong những tháng đầu tiên sau sinh, cứ khoảng 2-3 giờ bạn nên thay bỉm cho bé. Tất nhiên, nếu bé đại tiện thì cần phải thay ngay. Điều quan trọng là nên thay bỉm thường xuyên khi bỉm đã đủ thấm ướt và giữ cho vùng da mặc bỉm luôn khô ráo để tránh cho da bé bị hăm.

Hãy để vùng da của bé được thoáng mát một chút trước khi lại dùng lại bỉm. Tốt nhất là mỗi ngày hãy để cho da bé có khoảng 2-3 giờ khô ráo, không dùng bỉm. Bé sẽ thấy rất thoải mái, đặc biệt là trong mùa hè và giúp hạn chế được hăm tã rất nhiều.

Một nguyên nhân khác khiến trẻ bị hăm tã là do lạm dụng phấn rôm. Phấn rôm khi được thoa vào vùng da nhạy cảm, lại bị “bịt kín” bởi chiếc bỉm khiến những hạt bụi phấn không thoát ra ngoài được. Điều này sẽ gia tăng tình trạng bí bách cho làn da của bé. Ngoài ra, nếu bôi quá nhiều phấn rôm vào vùng kín của trẻ sẽ dẫn đến tình trạng phấn kết hợp với nước tiểu và phân tồn đọng ở trong bỉm của bé gây nên hiện tượng vón cục, gây bít lỗ chân lông và dẫn tới hăm tã ở trẻ. Vì vậy, hãy nhớ làm khô vùng tã của trẻ trước khi sử dụng phấn rôm. Xoa một lượng nhỏ phấn rôm lên tay của bạn và thoa một lớp mỏng, đều lên da vùng đóng bỉm của bé, không tạo thành các vết phấn rôm đọng dày tại các nếp, lằn trên da bé.

Để dự phòng tình trạng hăm tã ở trẻ, các bà mẹ hãy lưu ý:

Chú trọng vệ sinh cho bé: rửa vùng kín ngay sau khi bé đi vệ sinh xong bằng nước ấm, sạch, rồi thấm khô bằng khăn bông và thay tã mới. Khi rửa cần nhẹ nhàng, tránh để bé đau và xây xước da thêm. Rất nhiều bà mẹ hiện nay lựa chọn khăn ướt hoặc giấy ướt để vệ sinh vùng kín cho bé, tuy nhiên khăn ướt có thể làm khô da bé, nên bạn cần cẩn thận chọn loại không cồn và không mùi.

Phòng bệnh là cách chữa bệnh tốt nhất, do vậy hãy thay tã thường xuyên sau mỗi 3-4 giờ hoặc sau khi bé đi đại tiện. Rửa sạch mông cho bé bằng nước sạch trong mỗi lần thay tã. Làm khô bằng khăn bông mềm, để vùng mông của bé khô thoáng khoảng 15 phút trước khi đóng lại tã bỉm. Bên cạnh đó, mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với da bé và nhớ kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện khi tã lót của bé ướt.

Lựa chọn tã, bỉm phù hợp nhất cho bé: hãy cho bé mang tã, bỉm vừa với cơ thể và nên rộng rãi, thoải mái một chút. Tã lót nên chọn loại thoáng khí, mềm mại, không kích ứng da và là các sản phẩm có nguồn gốc, uy tín. 

Không sử dụng xà phòng, các sản phẩm vệ sinh có cồn hoặc mùi thơm để thay rửa cho bé, những chất này có thể làm các triệu chứng hăm tã trầm trọng hơn. Hạn chế sử dụng bột talc, phấn rôm để làm khô do trẻ có thể hít vào phổi loại bột này, cũng như việc sử dụng không đúng cách cũng khiến vùng đóng bỉm dễ bị hăm hơn.

Cẩn trọng khi dùng các loại nước lá để rửa vệ sinh cho bé: các loại lá trà xanh, lá kinh giới, lá sài đất, khổ qua, chanh tươi, hoa cúc … có thể giúp giữ vệ sinh cho bé. Tuy nhiên, nên chọn các loại lá sạch, không có hóa chất. Đun sôi các loại nước lá này, để nguội vừa phải để tắm, rửa cho bé. Sử dụng một lượng vừa phải, không nên quá đặc và hãy theo dõi xem em bé có bị dị ứng khi dùng các loại nước lá này hay không trước khi sử dụng thường xuyên cho bé.

Nếu có thể hãy hạn chế cho bé sử dụng tã, bỉm. Hãy cho bé ngủ mà không dùng tã nhiều nhất có thể. Mỗi ngày, hãy để vùng da mông của bé không có tã tối thiểu 2 giờ. 

Nếu bé đã bị hăm tã, không dùng chung kem chống hăm cho nhiều bé. Nếu ngón tay bạn đã chạm vào vùng da bé bị hăm thì bạn không dùng lại ngón tay đó để lấy kem trong hũ nữa mà dùng ngón tay khác để lấy thêm kem. Hãy để da bé tiếp xúc với không khí trong khoảng thời gian ngắn sau khi thay bỉm. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn và các vết hăm cũng sẽ mau lành hơn. Và hãy nhớ, cho bé đi khám bác sỹ nếu bạn thấy tình trạng hăm tã của bé nặng lên và bé có vẻ rất khó chịu.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Hăm tã ở trẻ nhỏ

Ths. Bs Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

  • 21/11/2024

    Tức giận - Kẻ thù thầm lặng của sức khỏe

    Tức giận là một cảm xúc bình thường mà ai cũng sẽ trải qua, bởi hiếm ai có thể giữ được bình tĩnh khi bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại... Tuy nhiên, tức giận quá thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe.

  • 21/11/2024

    Bệnh hô hấp và cách bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh

    Mùa đông đến đi kèm với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, không khí hanh khô và độ ẩm giảm. Những yếu tố này gây nên các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Các bệnh lý đường hô hấp không chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

  • 20/11/2024

    9 cách chữa đau chân tại nhà hiệu quả

    Đau chân là vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Cùng tìm hiểu 9 phương pháp đơn giản, hiệu quả để chữa đau chân tại nhà. Áp dụng đúng cách, bạn có thể giảm đau, cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe cho đôi chân của mình.

  • 19/11/2024

    Các phương pháp điều trị bênh tiêu chảy tự nhiên khi bạn đang cho con bú

    Thật khó khăn khi bạn phải đối mặt với bệnh tiêu chảy, nhất là khi bạn đang phải cho con bú. Trong bài viết này, Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ chia sẻ một số biện pháp khắc phục tự nhiên để điều trị bệnh tiêu chảy cho các bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ.

  • 18/11/2024

    Tại sao người đái tháo đường nên ăn rau đầu tiên?

    Ăn rau đầu tiên trong bữa ăn có tác dụng thế nào với người bệnh đái tháo đường? Thứ tự các ăn các món trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường có gì đặc biệt? Nhân Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

  • 18/11/2024

    Ngày Trẻ em Thế giới: Bồi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ

    Ngày Trẻ em Thế giới là dịp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại với nhiều thay đổi, việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xem thêm