Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Nên làm gì khi bé sốt?

Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp nhất lúc bé bệnh. Đôi khi bạn lúng túng, không biết phải làm thế nào cho tốt …Bài này sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý sốt đúng cách.

Thân nhiệt bao nhiêu là sốt?

Bình thường, thân nhiệt tự điều hòa trong khoảng 37oC ± 0,6oC. Bé được xem là sốt khi nhiệt độ hậu môn từ 38oC trở lên. Bạn cần đo nhiệt độ cho bé khi thấy bé nóng hơn bình thường (sờ trán, cảm nhận bằng tay thường rất chủ quan, đặc biệt khi bàn tay của bạn mát, thậm chí lạnh khi trời lạnh…). Hiện thị trường có nhiều loại  nhiệt kế, hãy sử dụng nhiệt kế điện tử bạn nhé; vì nhiệt kế thủy ngân dễ vỡ gây ngộ độc.

Đo nhiệt độ ở hậu môn là chính xác nhất. Tuy nhiên, thực tế, bạn có thể đo nhiệt độ ở nách; nhiệt độ này  thường thấp hơn nhiệt độ hậu môn khoảng 0,5oC – và như vậy, khi bé có nhiệt độ ở nách trên 37,5oC đã được xem là sốt rồi đấy bạn.

Các nguyên nhân gây sốt thường gặp

Nguyên nhân thường nhất của sốt là nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Khi bị tác nhân gây bệnh xâm nhập, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng thân nhiệt nhằm thúc đẩy các phản ứng bảo vệ để loại trừ mầm bệnh. Như vậy, sốt không phải là một bệnh, mà là một dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể của bé đang tích cực chống lại tác nhân gây bệnh. Do đó, điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây sốt, chứ không phải là hạ sốt bằng mọi cách bạn ạ!

Làm gì khi bé sốt?

Khi bé sốt nhẹ, bạn hãy cho bé nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi và cho bé uống nhiều nước (sữa, nước lọc, nước hoa quả, nước canh,…) và ăn thức ăn dễ tiêu hóa.

Tuy nhiên, khi sốt quá cao (ví dụ trên 39oC), bé sẽ dễ mất nước và thường rất mệt. Khi đó, bạn mới nên hạ sốt cho bé bằng cách:

Cho uống thuốc hạ sốt: thuốc hạ sốt an toàn là Acetaminophen (Hapacol, Efferalgan,…). Liều thông thường là 10-15 mg/kg cân nặng của bé cho mỗi lần uống, và 2 lần dùng cách nhau ít nhất 6 giờ. Bạn cũng có thể tham khảo liều lượng sử dụng ghi trên hộp thuốc. Tuy nhiên, nếu bé của bạn dưới 2 tuổi thì tốt nhất nên dùng thuốc hạ sốt theo liều chỉ định của bác sĩ.

Cần tránh lạm dụng thuốc và dùng thuốc quá liều khi bé sốt cao liên tục – dùng thuốc hạ sốt nhiều hơn liều hướng dẫn ở trên chỉ làm tăng nguy cơ quá liều, ngộ độc thuốc thôi bạn ạ! Nhớ xem các thuốc đang sử dụng cùng lúc cho bé có chứa thuốc hạ sốt không để tránh quá liều nhé. Bạn có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt dạng uống hay nhét hậu môn.

Cả 2 dạng này đều có tác dụng hạ sốt, nhưng lại có ưu điểm riêng: khi bé ói nhiều hay đang ngủ, dùng tọa dược là hợp lý; nhưng nếu bé đang tiêu chảy thì dạng uống sẽ tốt hơn.

Chú ý là trong mỗi cữ thuốc hạ sốt, bạn chỉ dùng một trong 2 đường uống hoặc hậu môn; mà không dùng cả 2 đường cùng lúc. Ibuprofen (Nurofen, Advil,…) có sẵn trên thị trường cũng có thể giúp hạ sốt; tuy nhiên, nên sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ và không dùng nếu bé của bạn dưới 6 tháng tuổi.

Lau mát cho bé với nước ấm khoảng 30oC: dùng 5 khăn nhúng nước ướt vừa phải, 4 cái đắp ở nách và bẹn, 1 cái lau phần cơ thể còn lại (tránh bàn tay, bàn chân). Nhớ là chỉ nên lau mát sau khi đã dùng thuốc hạ sốt ít nhất 30 phút nhé bạn! Đừng bao giờ lau bằng nước đá, giấm, rượu hay chanh, vì có thể gây nhiễm độc.

Khi nào cần đưa bé đi khám ?

Khi bé sốt, một số cha mẹ thường “chẩn đoán” ngay là do mọc răng (!). Đừng chủ quan bạn nhé, hãy theo dõi bé sát, và đưa bé đi khám ngay khi có các trường hợp “báo động” dưới đây:

Bé dưới 3 tháng tuổi, ngay cả khi bé vẫn có vẻ khỏe và sốt không cao

Bé 3-36 tháng tuổi: nếu ở một trong các trường hợp sau:

  • Sốt trên 38o9C, hay
  • Sốt hơn 3 ngày, hay
  • Có vẻ không khỏe (ví dụ: quấy khóc, lừ đừ, không chịu uống, …)

Ở bất kỳ tuổi nào, bạn cũng cần đưa bé đi khám ngay nếu:

  • Sốt trên 40oC, hay
  • Sốt kéo dài đã 7 ngày (dù không sốt nhiều mỗi ngày), hay
  • Có sẵn 1 bệnh lý mạn tính nào đó, hay
  • Phát ban mới xuất hiện, hay
  • Kèm dấu hiệu nặng (không uống được; nôn tất cả mọi thứ; co giật; hay li bì khó đánh thức), hay
  • Có triệu chứng ở cơ quan, bộ phận nào đó (ho nhiều; khó thở; đau tai; đau bụng;…).

Tóm lại, sốt là dấu hiệu cho thấy cơ thể của bé đang nhiễm bệnh và đang tích cực chống lại mầm bệnh. Nhớ cho bé nghỉ ngơi, uống đủ nước và không nên lạm dụng thuốc hạ sốt khi chưa thật sự cần thiết. Hãy theo dõi sát bé và đưa bé đi khám ngay khi có dấu hiệu “báo động” bạn nhé!

TS.BS. Phạm Diệp Thùy Dương - Theo Đại học Y Dược TPHCM
Bình luận
Tin mới
  • 24/04/2024

    Ngủ không quá 5 giờ mỗi đêm khiến da chảy xệ và nhiều nếp nhăn gấp đôi

    Thiếu ngủ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hoá da. Nghiên cứu cho thấy người ngủ không đủ giấc làm tăng gấp đôi nếp nhăn và sự chảy xệ da so với người có giấc ngủ chất lượng.

  • 24/04/2024

    Mẹo chăm sóc da dầu mùa Hè

    Nhiệt độ cao kết hợp với ánh nắng khiến tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh mẽ, da đổ nhiều dầu và dễ nổi mụn. Một vài mẹo chăm sóc da dưới đây giúp bạn kiểm soát dầu nhờn trên da.

  • 24/04/2024

    Nỗi lo an toàn thực phẩm mùa nắng nóng

    Thời tiết nắng nóng càng làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cùng với sự quản lý của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, bởi nếu xuê xoa với bất kỳ vi phạm an toàn thực phẩm dù là nhỏ cũng gây hậu quả khôn lường.

  • 24/04/2024

    Tránh ăn gì khi bị viêm kết mạc để nhanh khỏi?

    Tuy chế độ ăn không giúp chữa khỏi viêm kết mạc (đau mắt đỏ) nhưng việc hạn chế ăn một số loại thực phẩm, đồ uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn.

  • 24/04/2024

    Triệu chứng của ung thư buồng trứng

    Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ bị mắc phải căn bệnh ung thư buồng trứng, vậy triệu chứng của bệnh là gì, hãy cũng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

  • 23/04/2024

    Các phương pháp giảm đau nửa đầu mạn tính

    Chứng đau nửa đầu mạn tính có thể phòng ngừa và được điều trị một cách triệt để. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc và cũng như các phương pháp điều trị thích hợp giúp làm giảm các cơn đau nửa đầu mạn tính.

  • 23/04/2024

    Căng thẳng quá mức gây suy giảm nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể

    Căng thẳng mạn tính và kéo dài không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần mà còn khiến cơ thể có nguy cơ cạn kiệt nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch và sự phục hồi thể chất.

  • 23/04/2024

    7 mẹo giúp trẻ tránh xa đồ ăn vặt không tốt cho sức khỏe

    Trẻ em thường bị thu hút bởi đồ ăn vặt. Với bao bì đầy màu sắc và hương vị hấp dẫn, những món ăn nhẹ không lành mạnh này thường khiến trẻ thích thú và muốn ăn nhiều hơn.

Xem thêm