Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Mức khuyến nghị đường huyết dành cho các đối tượng

Nếu lượng đường trong máu nằm trong phạm vi khuyến nghị, đó là dấu hiệu cho thấy kế hoạch quản lý và điều trị bệnh tiểu đường đang có hiệu quả tốt. Bài viết này sẽ cung cấp những hướng dẫn chung, giúp việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên dễ dàng.

Bệnh tiểu đường là do rối loạn khả năng kiểm soát lượng đường trong máu (Glucose) của cơ thể. Đường huyết không được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng, đó là lý do tại sao việc theo dõi lượng đường huyết trong máu và giữ nó trong phạm vi an toàn là rất quan trọng.

Phạm vi đường huyết khuyến nghị của từng đối tượng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể và mục tiêu quản lý bệnh tiểu đường. Các biểu đồ trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết được phạm vi khuyến nghị về phạm vi đường huyết cũng như mức HbA1C mà người bệnh tiểu đường Type 1 và Type 2 cần duy trì.

Phạm vi đường huyết khuyến nghị có thể giúp xác định lượng đường trong máu của bạn có ở mức bình thường hay không ?

Tuy nhiên, mục tiêu đường huyết của bạn có thế khác so với khuyến nghị chung, do:

  • Tình trạng sức khỏe tổng thể.
  • Tuổi.
  • Các bệnh lý khác.
  • Thời gian mắc bệnh tiểu đường.

Dựa trên tình trạng sức khỏe hiện tại và tiền sử bệnh, các bác sỹ sẽ cho bạn biết mục tiêu đường huyết cần duy trì của bạn.

Bảng sau là mức đường huyết khuyến nghị dành cho người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2 cũng như trẻ em mắc tiểu đường type 2 theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ.

Thời điểm Phạm vi đường huyết khuyến nghị
Trước bữa ăn 80 -130 mg/dL 
1-2 giờ sau bữa  Dưới 180 mg/dL

Phạm vi trên được điều chỉnh cho trẻ em dưới 18 tuổi mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai và người mắc tiểu đường thai kì như được nêu trong biểu đồ dưới đây:

Mức đường huyết khuyến nghị dành cho trẻ dưới 18 tuổi mắc tiểu đường type 1

Thời điểm Phạm vi đường huyết khuyến nghị 
Trước bữa ăn 90 - 130 mg/dL
Trước khi ngủ và ban đêm 90 - 150 mg/dL

Mức đường huyết khuyến nghị dành cho phụ nữ mang thai mắc tiểu đường type 1

Thời điểm Phạm vị đường huyết khuyến nghị
Trước bữa ăn Dưới 95 mg/dL
1 giờ sau ăn 140 mg/dL hoặc thấp hơn
2 giờ sau ăn 120 mg/dL hoặc thấp hơn

Mức đường huyết khuyến nghị dành cho người mắc tiểu đường thai kỳ

Thời điểm Phạm vi đường huyết khuyến nghị
Trước bữa ăn Dưới 95 mg/dL
1 giờ sau ăn  140 mg/dL hoặc thấp hơn
2 giờ sau ăn 120 mg/dL hoặc thấp hơn

Mức đường huyết khuyến nghị dành cho người bình thường

Đối với những người không mắc tiểu đường, khuyến nghị về lượng đường trong máu là như nhau, bất kể tuổi tác hay tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, bác sỹ có thể đặt ra mục tiêu đường huyết khác nhau. Ví dụ, nếu bạn có một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bác sỹ sẽ yêu cầu đường huyết trong phạm vi chặt chẽ hơn.

Thời điểm Phạm vi đường huyết khuyến nghị
Trước bữa ăn Thấp hơn 99 mg/dL
1-2 giờ sau bữa ăn Thấp hơn 140 mg/dL

Xét nghiệm HbA1c

HbA1c hay A1C là chỉ số phản ánh lượng đường huyết trung bình trong vòng 3 tháng trở lại đây. Khi lượng đường máu cao, nó sẽ gắn kết với phân tử hemoglobin. Người mắc đái tháo đường sẽ có tỷ lệ phần trăm glucose gắn với hemoglobin cao hơn dẫn tới chỉ số A1C cao hơn. Bảng dưới đây sẽ cho biết chỉ số A1C của bạn đang ở trong mức bình thường hay đó có thể là dấu hiệu của tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.

Giá trị A1C Chẩn đoán
Dưới 5,7% Bình thường
Từ 5,7% đến 6,5% Tiền tiểu đường
Trên 6,5%  Tiểu đường

Thông thường, những người mắc bệnh tiểu đường nên kiểm soát A1C ở mức dưới 7%. Tuy nhiên, chỉ số này có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mục tiêu điều trị.

Tại sao cần phải theo dõi đường huyết?

Theo dõi đường huyết là một trong những yếu tố quan trọng nhất của việc quản lý bệnh tiểu đường. Việc kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu và các yếu tố khiến lượng đường trong máu tăng giảm có thể giúp bạn và bác sỹ dễ dàng trong việc điều trị. Thêm vào đó, đo lượng đường trong máu có thể giúp bạn:

  • Theo dõi tác dụng của thuốc đang điều trị.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng và lựa chọn thực phẩm phù hợp với tình trạng bệnh lý.
  • Xác định ảnh hưởng của việc tập thể dục và thay đổi lối sống tới lượng đường trong máu.
  • Theo dõi quá trình điều trị bệnh tiểu đường.

Ngay cả khi không mắc tiểu đường, bạn vẫn nên thực hiện xét nghiệm đường máu định kỳ như một phần của kiểm tra sức khỏe tổng thể. Nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, việc kiểm tra đường máu nên diễn ra thường xuyên hơn.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Người dễ bị hạ đường huyết nên ăn gì?

Làm thế nào để giảm lượng đường trong máu?

Lượng đường trong máu cao, hay còn gọi là tăng đường huyết, có thể gây ra các triệu chứng mệt mỏi, khát nước, thậm chí nhìn mờ. Nhiều yếu tố có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến như:

  • Căng thẳng
  • Bị ốm
  • Liều Insulin điều trị quá thấp
  • Ăn nhiều bữa hoặc nhiều carbohydrat hơn bình thường
  • Ít hoạt động thể lực

Theo thời gian, đường huyết cao có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Các tổn thương hệ thần kinh
  • Tổn thương hệ tim mạch
  • Tổn thương thận
  • Biến chứng về mắt
  • Insulin tác dụng nhanh

Nếu lượng đường trong máu cao hơn so với mức khuyến nghị, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ về việc sử dụng Insulin tác dụng nhanh. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại insulin nào, hãy cân nhắc đến lượng insulin có trong cơ thể. Một số loại có thể mất vài giờ sau khi sử dụng để phát huy tác dụng hoàn toàn, do đó, nên tránh việc sử dụng quá nhiều insulin nếu vẫn còn một lượng chưa có tác dụng. Điều này có thể khiến cho đường huyết của bạn giảm quá thấp. Trong vòng 15 đến 30 phút sau khi tiêm, nên kiểm tra lại mức đường huyết để đảm bảo có giảm nhưng không quá thấp.

Tập thể dục

Một cách khá hiệu quả để giảm lượng đường trong máu đó là tập thể dục. Khi hoạt động thể chất, cơ thể sẽ sử dụng lượng glucose dư thừa trong máu. Tuy nhiên, nếu bạn bị tăng đường huyết một cách nghiêm trọng, bạn nên tránh tập thể dục vì nó có thể đẩy nhanh quá trình nhiễm toan ceton, một tình trạng có thể de dọa đến tính mạng. Nên tham khảo ý kiến của bác sỹ nếu bạn thường xuyên bị tăng đường huyết đột ngột. Các bác sỹ sẽ có kế hoạch điều chỉnh thuốc và xây dựng một chế độ ăn phù hợp hơn.

Làm thế nào để tăng lượng đường trong máu? Hạ đường huyết được định nghĩa là khi lượng đường trong máu dưới 70 mg/dL. Nếu đường trong máu hạ quá thấp, bạn sẽ có các triệu chứng sau:

  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Run chân tay
  • Tim đập nhanh, toát mồ hôi
  • Đói
  • Mệt mỏi, uể oải, thiếu tập trung
  • Cáu bẳn

Lượng đường trong máu thấp có thể khiến cho bạn cảm thấy không tỉnh táo, nhìn mờ, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Hạ đường huyết trong thời gian dài có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như hôn mê hoặc co giật.

Quy tắc 15

Lượng đường trong máu thấp phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 1. Bạn nên điều trị lượng đường trong máu thấp bằng cách sử dụng "Quy tắc 15-15" theo các bước sau:

  • Tiêu thụ 15g carbohydrate và đợi 15 phút.
  • Sau 15 phút, kiểm tra lượng đường trong máu của bạn.
  • Nếu lượng đường trong máu tăng trên 70 mg/dL, bạn có thể dừng lại.
  • Nếu lượng đường trong máu của bạn vẫn dưới 70 mg/dL, hãy tiêu thụ thêm 15g carbohydrate và đợi thêm 15 phút nữa.
  • Lặp lại các bước này cho đến khi lượng đường trong máu của bạn trở lại bình thường.
  • Bạn có thể nhận được 15g carbohydrate từ 4 viên đường, nửa cốc nước trái cây hoặc soda hoặc một thìa mật ong.

Hãy cho bác sỹ biết nếu lượng đường trong máu của bạn thường xuyên giảm quá thấp. Bạn có thể phải thay đổi loại hoặc liều lượng insulin hoặc thời gian dùng thuốc. Bạn cũng nên ghi lại các triệu chứng và khoảng thời gian để mức đường huyết trở về bình thường. Thông tin này có thể giúp bác sỹ xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho bạn.

Kết luận

Theo dõi lượng đường trong máu là một phần quan trọng của việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Đường huyết luôn nằm trong mức khuyến nghị là dấu hiệu cho thấy thuốc, chế độ ăn uống và phương pháp điều trị đang có những tác dụng tốt. Mức đường huyết khuyến nghị là những hướng dẫn chung, do đó, nó có thể thay đổi tùy thuộc sức khỏe tổng thể, độ tuổi, thời gian mắc bệnh và các yếu tố khác. Nếu lượng đường trong máu thường xuyên tăng quá cao hoặc quá thấp, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ về việc thay đổi kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường.

Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM cung cấp các dịch vụ tư vấn, thăm khám dinh dưỡng cho trẻ  em và người lớn với cam kết hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và cải thiện các tình trạng như còi xương, suy dinh dưỡng, thừa cân,…Tư vấn chế độ dinh đưỡng cho người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp... Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ Hotline: 0935 18 3939 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

Hải Yến - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
Xem thêm