Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Một số lưu ý trong chẩn đoán và điều trị hen phế quản ở người cao tuổi

Hen phế quản là một bệnh lý mạn tính đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng viêm và tắc nghẽn đường thở. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và hiện đang được coi là một vấn đề sức khoẻ toàn cầu.

Trước đây, vấn đề hen ở người cao tuổi còn chưa được quan tâm một cách đúng đắn do có những quan niệm sai lầm cho rằng hen phế quản chỉ chủ yếu xảy ra ở những người trẻ tuổi. 

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây ở nhiều quốc gia cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi bị hen phế quản khoảng 4,5 – 9%, tức là tương đương với tỷ lệ mắc bệnh chung ở người trưởng thành, số bệnh nhân hen ở nhóm tuổi trên 65 chiếm khoảng 10% tổng số các trường hợp hen trên toàn thế giới. 

Trong khi đó, tỷ lệ tử vong do hen ở nhóm tuổi trên 65 cao gấp 14 lần và tần xuất nhập viện do hen cao gấp hơn 2 lần so với ở nhóm tuổi dưới 35, hơn một nửa số ca tử vong do hen nằm ở nhóm tuổi trên 65. Hen ở người cao tuổi có thể mới mắc hoặc xuất hiện từ lúc trẻ và kéo dài đến tuổi già, tỷ lệ hen mắc mới ở nhóm tuổi trên 65 khoảng 0,1% mỗi năm. 

Nói chung, hen ở người cao tuổi thường nặng hơn so với các nhóm tuổi khác bởi nhiều lý do khác nhau: 1/ những khó khăn trong chẩn đoán làm cho bệnh thường không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, 2/ sự phức tạp và khó khăn mà các thày thuốc gặp phải trong điều trị, 3/ sự kém nhạy cảm trong việc nhận biết sớm triệu chứng và thói quen sinh hoạt bất lợi của những bệnh nhân lớn tuổi.

Những khó khăn trong chẩn đoán hen ở người cao tuổi

Có nhiều lí do khác nhau làm cho việc chẩn đoán hen phế quản ở người cao tuổi thường gặp nhiều khó khăn và dễ bị bỏ sót. Bên cạnh quan niệm sai lầm lâu nay về độ lưu hành của hen phế quản ở nhóm tuổi này làm cho chẩn đoán hen ít được nghĩ tới, các triệu chứng của bệnh cũng rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của nhiều bệnh mạn tính thường xảy ra ở người già như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy tim hoặc xơ phổi. 

Ngoài ra, việc mắc đồng thời một số bệnh mạn tính ở người cao tuổi như tiểu đường, suy tim, bệnh mạch vành, thoái hoá khớp… hoặc việc dùng một số loại thuốc để điều trị những bệnh này có thể làm mờ hoặc che lấp các triệu chứng của hen phế quản. Bên cạnh đó, một vấn đề cũng làm cho chẩn đoán hen ở người cao tuổi thêm phức tạp là sự khó khăn của người bệnh trong thao tác đo chức năng thông khí phổi, một thăm dò quan trọng để chẩn đoán hen phế quản.

Một số lưu ý trong điều trị hen ở người cao tuổi

Cũng như với mọi nhóm tuổi khác, điều trị hen ở người cao tuổi phải bắt đầu từ việc tránh tiếp xúc tối đa với dị nguyên gây bệnh và các yếu tố làm nặng bệnh như gắng sức, khói bụi, bia rượu…Thói quen hút thuốc lá thường có ở những bệnh nhân nam giới lớn tuổi cần được hết sức lưu ý phát hiện và loại bỏ.

Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng trong chiến lược điều trị hen ở người cao tuổi là việc khai thác cẩn thận tiền sử dùng thuốc trước đây và hiện nay trong điều trị các bệnh kết hợp của người bệnh. Aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau không phải steroid (như ibuprofen, diclofenac) rất hay được sử dụng ở người cao tuổi để dự phòng huyết khối hoặc điều trị các bệnh về khớp như thoái hoá khớp, viêm khớp, các thuốc này có thể gây khởi phát các cơn hen cấp hoặc làm cho cơn hen nặng lên ở một số bệnh nhân. 

Một số thuốc chẹn bêta giao cảm không chọn lọc như propranolol, nadolol, timolol thường được sử dụng ở người cao tuổi trong điều trị một số bệnh tim mạch có thể gây ra co thắt phế quản và làm giảm hiệu quả của các thuốc giãn phế quản, đặc biệt là hiệu quả của nhóm cường bêta 2 như salbutamol, terbutalin. 

Các thuốc ức chế men chuyển như captopril, enalapril, perindopril thường được chỉ định trong điều trị cao huyết áp ở người cao tuổi có thể gây ho kéo dài, làm cho tình trạng hen nặng lên và khó kiểm soát hơn. 

Mất ngủ cũng là một vấn đề thường gặp ở người cao tuổi, việc sử dụng các thuốc an thần gây ngủ như diazepam, phenobarbital có thể gây ức chế hô hấp và làm cho tình trạng hen nặng lên. Tất cả các loại thuốc gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng hen đã nói ở trên cần phải được phát hiện và ngưng sử dụng hoặc thay thế ngay khi có thể.

Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm trong điều trị hen ở người cao tuổi là việc lựa chọn các dụng cụ hít thích hợp cho người bệnh. Do người cao tuổi thường khó phối hợp giữa tay và nhịp thở nên việc sử dụng bình xịt định liều chuẩn sẽ gặp nhiều khó khăn và nên được dùng kết hợp với buồng khí dung. 

Các bệnh nhân hen lớn tuổi thường có sức thở yếu nên việc chỉ định dùng các dạng bình hít bột khô như turbuhaler, accuhaler, diskhaler cần hết sức thận trọng, trước khi chỉ định nên đo lưu lượng hít vào của người bệnh.

Tác dụng phụ của các thuốc điều trị hen cũng thường gặp ở người cao tuổi hơn so với người trẻ tuổi. Người bệnh thường rất nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc cường bêta giao cảm như run tay, buồn nôn, nhịp tim nhanh, nhất là những người có bệnh tim mạch kết hợp, do đó cần giảm liều dùng và lưu ý phát hiện sớm các tác dụng phụ này để kịp thời xử trí. 

Khả năng đào thải thuốc kém cũng làm cho bệnh nhân hen lớn tuổi có nguy cơ cao bị ngộ độc theophyllin và do đó cần phải được dùng giảm liều và tăng khoảng thời gian giữa các liều dùng.

Những bệnh nhân sử dụng glucocorticoid đường hít liều cao kéo dài hoặc thường xuyên phải uống glucocorticoid trong điều trị các đợt hen cấp có nguy cơ cao bị loãng xương, do đó nên được kết hợp các biện pháp dự phòng loãng xương như bổ xung canxi và vitamin D. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy việc bổ xung nội tiết tố nữ có thể làm tăng nguy cơ bùng phát các đợt hen cấp nhưng điều trị này vẫn là cần thiết để dự phòng loãng xương ở những bệnh nhân nữ có nguy cơ cao.

Ths.Bs. Nguyễn Hữu Trường - Theo Diungmiendich.com.vn
Bình luận
Tin mới
  • 24/11/2024

    Thoát vị khe hoành là gì?

    Thoát vị hoành, hay thoát vị khe hoành, xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên ngực thông qua một lỗ mở ở cơ hoành (cơ ngăn cách bụng với ngực). Tình trạng này xảy ra ở nơi dạ dày và thực quản của bạn nối lại với nhau, còn được gọi là ngã ba thực quản dạ dày. Đôi khi, thoát vị khe hoành không gây ra vấn đề gì và không cần điều trị.

  • 23/11/2024

    Cách giảm đau mỏi chân khi đứng lâu

    Đau chân khi đứng lâu là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể khắc phục vấn đề này bằng một vài thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

  • 23/11/2024

    Triệu chứng và biến chứng của bệnh vẩy nến

    Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vẩy nến khác nhau tùy thuộc vào từng người và loại bệnh vẩy nến. Mặc dù bệnh vẩy nến là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, một số người có thể thấy các triệu chứng biến mất trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

  • 22/11/2024

    Thuốc xịt mũi ngừa cúm

    Bạn có bỏ qua mũi tiêm phòng cúm hàng năm vì bạn ghét bị tiêm không? Điều đó có thể hiểu được. Nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn tiêm vắc-xin. Có một lựa chọn khác: dành cho bạn: vắc-xin xịt mũi.

  • 22/11/2024

    Loại tiếng ồn nào tốt cho giấc ngủ?

    Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua câu chuyện dùng tiếng ồn trắng giúp các bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc. Vậy đã bao giờ bạn thắc mắc, có những loại tiếng ồn nào và đâu là tiếng ồn dành cho người lớn? Mọi câu hỏi sẽ được giải đáp ngay sau đây.

  • 22/11/2024

    Cách cải thiện triệu chứng đau thần kinh tọa

    Ngày càng nhiều người trẻ bị đau thần kinh tọa với biểu hiện đau phần lưng dưới lan xuống chân. Để kiểm soát cơn đau thần kinh tọa, người bệnh cần điều chỉnh từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

  • 21/11/2024

    Trị bệnh Parkinson bằng Đông y có hiệu quả không?

    Do các loại thuốc Tây y điều trị bệnh Parkinson thường đi kèm với tác dụng phụ và nguy cơ “nhờn thuốc” khi dùng lâu dài, nhiều người tìm tới các phương pháp Đông y với hy vọng các loại thảo dược tự nhiên sẽ an toàn hơn với cơ thể.

  • 21/11/2024

    Tăng cường sức khỏe xương khớp cho người cao tuổi trong mùa đông

    Khi bước vào giai đoạn lão hóa, cơ thể con người trải qua nhiều thay đổi sinh lý, suy giảm chức năng của hệ cơ xương khớp và dễ mắc phải các bệnh lý về xương khớp, đặc biệt là trong mùa đông lạnh

Xem thêm