Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Massage an toàn cho bé yêu

Với em bé, đụng chạm có rất nhiều ý nghĩa. Đụng chạm chính là cách mà bé giao tiếp và tương tác với thế giới. Có thể đó là lý dó mà bé thích được vuốt ve, ôm ấp khi bé cần sự che chở. Massage chính là cách tạo nên sự tương tác gần gũi, đem lại rất nhiều niềm vui cho cả cha mẹ và bé, cũng như củng cố kết nối giữa cha mẹ và con cái. Thêm nữa, massage cũng có rất nhiều lợi ích khác với sức khỏe.

Massage an toàn cho bé yêu

Massage em bé là hoạt động mà cha mẹ sẽ thực hiện để nhẹ nhàng kích thích vào cơ thể của bé, có thể sử dụng dầu massage hoặc kem dưỡng ẩm đặc biệt dành cho bé. Massage giúp em bé cảm thấy thư giãn trong khi lại có thể củng cố được sự kết nối giữa cha mẹ và con cái.

Khi nào nên bắt đầu massage cho bé

Có nhiều người cho rằng, phải đợi đến khi bé đủ 1 tháng mới bắt đầu massage cho bé. Lý do là vì hàng rào bảo vệ da của bé lúc sinh ra chưa phát triển đầy đủ và cần 15 ngày để da của bé có thể hoàn toàn bình thường. Vào ngày thứ 15, hầu hết các em bé đã rụng rốn, nếu massage vào thời điểm này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vì dầu massage có thể sẽ mắc lại ở vùng rụng rốn.

Do vậy, nhìn chung, 1 tháng là thời điểm lý tưởng để massage cho bé vì lúc này, bé đã rụng rốn, rốn bé cũng đã khô, da bé cũng đã bớt nhạy cảm hơn so với khi mới sinh. Da bé lúc này sẽ căng mịn hơn và và khi đã đủ 1 tháng, em bé cũng có thể sẽ đáp ứng lại nhiều hơn với những sự đụng chạm, kích thích trên da.

Lợi ích của việc massage

Massage cung cấp rất nhiều lợi ích cho em bé, ví dụ như:

Kích thích sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ: Theo một báo cáo năm 2012 trên tạp chí  Asian Nursing Research Journal, kích thích vào xúc giác của bé sẽ có tác động tích cực lên sự phát triển tâm lý và xã hội của bé, cùng với đó là kích thích mối liên kết giữa em bé và bố mẹ.

Giảm căng thẳng, thư giãn cơ: Massage có thể làm giảm stress ở em bé bằng cách kích thích việc giải phóng oxytocin – hormone hạnh phúc và sẽ làm giảm lượng hormone cortisol – hormone stress. Massage cũng giúp thư giãn cơ, kích thích sự phát triển của em bé và có tác dụng rất tốt với em bé hay quấy khóc.

Kích thích hệ thần kinh: Massage rất có lợi cho hệ thần kinh của em bé vì có thể kích thích sự phát triển những kỹ năng, cảm giác tinh tế ở trẻ.

Giúp bé ngủ ngon hơn: Các em bé sẽ ngủ ngon hơn khi được massage. Massage sẽ giúp các bé phát triển cơ nhanh hơn, từ đó kích thích đáp ứng miễn dịch. Trẻ sơ sinh được massage ngay trước giờ ngủ sẽ giải phóng ra nhiều melatonin hơn – hormone điều chỉnh giấc ngủ.

Có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của em bé: Massage là cách tốt nhất để làm dịu các em bé bị hội chứng Down hoặc bại não vì đây là cách giúp các em bé bình tĩnh hơn. Các em bé sinh non cũng sẽ phát triển kỹ năng vận động tốt hơn khi được massage thường xuyên. Các em bé này thậm chí còn tăng cân nhanh hơn so với những em bé sinh non không được massage. Các em bé sinh ra từ mẹ bị trầm cảm, khi được massage cũng sẽ khóc ít hơn và cho thấy sự phát triển về cảm xúc và xã hội tốt hơn khi lớn lên.

Kích thích lưu thông máu: Massage giúp cải thiện tuần hoàn máu và làm giảm cảm giác khó chịu gây ra do đầy hơi, khó tiêu và mọc răng. Massage cũng có thể kích thích các dây thần kinh chạy qua hệ tiêu hóa, do vậy có thể có ích với quá trình tiêu hóa của trẻ.

Bên cạnh đó, Massage là cách rất hiệu quả để giúp chống lại tình trạng ủ rũ sau sinh ở các bà mẹ. Các bà mẹ bị trầm cảm sẽ cho thấy sự cải thiện hơn về cảm xúc và hành vi khi họ massage cho con thường xuyên. Đối với các ông bố, các nghiên cứu cho thấy rằng những người cha thường xuyên massage cho con sẽ cải thiện sự tự tin, tăng khả năng chăm sóc em bé của các bố và tăng sự tương tác của các bố với em bé.

Thời điểm tốt nhất để massage cho bé

Thời điểm tốt nhất để massage cho em bé là khi em bé tỉnh táo, đã được nghỉ ngơi đầy đủ và có vẻ thích thú với môi trường xung quanh. Bạn có thể chọn thời điểm giữa 2 cữ bú, khi em bé không quá đói nhưng cũng không quá no. Thời điểm massage nên cách cữ bú trước của bé ít nhất là 45 phút. Sau khi massage, nên đợi khoảng 15 phút rồi mới cho bé bú để cơ thể bé có thêm thời gian để thư giãn hoàn toàn.

Cụ thể hơn, bạn có thể massage cho bé sau khi tắm hoặc trước khi bé đi ngủ (ngủ trưa hoặc ngủ tối). Massage trước khi tắm cũng rất lý tưởng bởi bạn có thể rửa sạch lượng dầu massage thừa trên da bé trong quá trình tắm để đề phòng tình trạng dầu thừa tích tụ trên làn da nhạy cảm của bé. Nếu bé có làn da khô, thì bạn nên massage cho bé sau khi tắm. Nhìn chung bạn nên massage vào một thời điểm cố định cho bé mỗi ngày để em bé có thể thích nghi với việc này.

Chuẩn bị Massage cho bé thế nào?

Trước khi biết về các bước massage, bạn cần phải chuẩn bị một số thứ sau:

Tư thế massage: ngồi trên giường hoặc thảm mềm trải trên sàn với một chiếc khăn bông tắm trải ở trước mặt. Bạn cũng có thể trải khăn bông trên bàn để massage cho bé trong khi bạn đứng. Khăn bông sẽ giúp hấp thu được lượng dầu thừa trên da bé.

Duy trì nhiệt độ phòng vừa đủ. Trong mùa đông, hãy đảm bảo rằng phòng ngủ của bạn đủ ấm  và trong mùa hè, hãy đảm bảo phòng bạn dùng để massage cho bé thông khí tốt, đủ mát và có nhiều không khí trong lành trong phòng. Em bé sẽ cảm thấy ấm rất nhanh và sẽ cảm thấy khó chịu nếu nhiệt độ không thoải mái.

Ánh sáng trong phòng cũng rất quan trọng với bé, do vậy hãy dùng nhiều ánh sáng trong phòng nhất có thể.

Lựa chọn loại dầu massage đặc biệt dành cho bé. Hãy lựa chọn loại dầu không có mùi, được làm từ nguyên liệu thiên nhiên và không chứa nước hoa

Có nên mặc bỉm cho bé khi massage: bạn có thể massage cho bé khi bé đang mặc bỉm hoặc không, nhưng nếu bé mặc bỉm, hãy nới lỏng bỉm cho bé trong khi massage vùng bụng. Massage khi bé không mặc bỉm thì bé có thể sẽ dễ bị bẩn, nhưng việc này sẽ giúp bạn đảm bảo được massage tất cả mọi bộ phận của em bé.

Chu trình massage cho bé yêu

Bước 1: Được sự cho phép của bé

Bước đầu tiên là bạn cần có được sự “cho phép” của bé vì bạn không nên massage cho bé khi bé không cảm thấy thích thú. Cách đơn giản nhất để làm việc này là xoa một ít dầu vào lòng bàn tay của bạn và xoa nhẹ nhàng xoa lên bụng của bé, vùng sau tai và quan sát phản ứng của bé. Nếu bé kháng cự lại hoặc thể hiện trạng thái tức giận, quấy khóc khi được massage, thì điều đó có nghĩa là thời điểm massage của bạn không đúng. Nhưng nếu em bé cho thấy phản ứng tích cực với những gì bạn làm, thì bạn có thể tiếp tục.

Nhưng bạn nên nhớ rằng, lúc đầu, em bé có thể sẽ không thoải mái với việc massage vì đây là trải nghiệm mới với bé. Nhưng khi đã quen dần, bé sẽ ít phản kháng lại hơn và thay vào đó, sẽ cảm thấy rất thích thú.

Bước 2: Massage chân

Hãy bắt đầu massage từ chân của em bé. Nhỏ một vài giọt dầu vào lòng bàn tay của bạn và bắt đầu massage gan bàn chân của bé. Dùng ngón tay cái của bạn để massage phần gót chân và ngón chân của bé. Sau đó, dùng lòng bàn tay của bạn đẩy nhẹ từ dưới lên trên chân của bé. Dùng ngón tay cái, xoa vòng tròn, nhẹ nhàng toàn bộ vùng bàn chân của bé, từng chân một. Không nên rút kéo các ngón chân như khi massage với người lớn. Thay vào đó, hãy massage nhẹ nhàng mỗi ngón chân ở phần đầu ngón chân để kích thích các đầu dây thần kinh ở đây.

Nhấc một chân của bé lên và vuốt nhẹ từ mắt cá chân lên tới đùi. Nếu em bé đang rất thư giãn, bạn có thể massage cả 2 chân một lúc.

Kết thúc phấn massage chân bằng việc nắn nhẹ hai bên đùi của bé, dùng cả 2 tay của bạn. Rồi sau đó lại vuốt nhẹ từ đùi xuống cẳng chân.

Bước 3: Massage tay

Sau khi massage chân cho bé, hãy chuyển sang massage tay. Các bước massage cũng tương tự như chân. Hãy nắm bàn tay của bé và xoa vòng tròn trong lòng bàn tay bé. Sau đó, vuốt nhẹ nhàng các ngón tay của bé từ dưới lên trên.

Sau đó nhẹ nhàng massage mu bàn tay của bé, vuốt theo hướng cổ tay. Massage cổ tay bé theo hình vòng tròn.

Vuốt nhẹ và chậm từ cổ tay tới cẳng tay và cánh tay. Massage vùng cánh tay theo hình tròn giống như khi bạn băng bó.

Bước 4: Massage ngực và vai

Massage từ hai vai vào ngực của bé. Sau đó lại xoa ngược lại từ ngực ra hai vai. Lặp lại nhiều lần. Sau đó, đặt 2 bàn tay bạn vào giữa ngực của bé và vuốt về 2 phía cơ thể.

Vuốt nhẹ nhàng từ phía dưới xương ức, qua ngực, di chuyển theo hình trái tim trên ngực bé.

Bước 5: Massage bụng

Bụng là một vùng rất nhạy cảm do vậy bạn nên tránh massage mạnh vùng này. Bạn nên bắt đầu vuốt từ phần trên bụng, ngay dưới xương ức và xoa nhẹ nhàng quanh bụng, quanh rốn của bé theo chiều kim đồng hồ. Không nên ấn mạnh tại vùng bụng của bé. Tránh xoa vào vùng rốn của bé. Ở những em bé nhỏ, vùng rốn rất nhạy cảm vì đó là nơi dây rốn vừa rụng.

Bước 6: Massage mặt và đầu

Massage mặt và đầu là phần khó khăn nhất vì em bé sẽ di chuyển rất nhiều. Nhưng đấy cũng là những phần quan trọng nhất cần massage. Hãy bắt đầu bằng việc đặt đầu ngón tay trỏ của bạn vào giữa trán của bé và nhẹ nhàng ấn theo khuôn mặt bé xuống cằm. Từ cằm, di chuyển ngón tay lên má và massage nhẹ nhàng vùng má theo hình vòng tròn. Lặp lại chu trình này một vài lần.

Sau khi massage mặt, hãy bắt đầu massage vùng da đầu của bé như khi bạn gội đầu cho bé. Dùng ngón tay ấn nhẹ nhàng và không nên tạo ra quá nhiều áp lực lên đầu bé vì sọ của bé vẫn còn rất nhạy cảm

Bước 7: Massage vùng lưng

Cuối cùng, nên massage vùng lưng của bé. Hãy đặt bé nằm sấp và đặt 2 tay của bé lên phía trước, không để tay của bé ở 2 bên người.

Đặt ngón tay của bạn ở vùng lưng trên của em bé và sau đó di chuyển theo hướng kim đồng hồ trong khi di chuyển chậm rãi từ trên xuống dưới mông của bé.

Sau đó, hãy đặt ngón trỏ và ngón giữa của bạn vào 2 bên xương sống của trẻ và di chuyện nhẹ nhàng xuống vùng mông. Lặp lại chu trình này. Không nên đặt thẳng ngón tay lên xương sống của trẻ. Thay vào đó, hãy đặt 2 ngón thay vào 2 bên xương sống và di chuyển dần xuống dưới.

Massage vùng bả vai theo chiều kim đồng hồ, massage tương tự nhưng nhẹ nhàng hơn cho vùng thắt lưng và mông của bé.

Khi nào nên ngừng massage cho bé?

Không có độ tuổi cố định để ngừng massage cho bé. Bạn có thể massage cho bé đến bất cứ độ tuổi nào mà bạn muốn và bé vẫn thích thủ với việc này. Nhiều bà mẹ ngừng massage cho bé khi bé bắt đầu cai sữa, nhưng lại có những bà mẹ vẫn massage cho con yêu đến khi bé 5 -6 tuổi.

Massage là cách rất tuyệt vời để để cải thiện sự kết nối của cha mẹ với em bé, đồng thời giúp bé phát triển tốt hơn.  Duy trì lịch massage cho bé và tham khảo ý kiến bác sỹ nếu bạn có băn khoăn hoặc nghi ngờ nào đó.

Thông tin thêm trong bài viết: Mát xa bụng có thể giúp giảm táo bón?

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Bình luận
Tin mới
  • 04/10/2024

    Tắm khoáng nóng có giúp giảm cân không?

    Việc ngâm mình trong một vùng nước tự nhiên ấm áp, với tiếng chim hót xung quanh và không khí trong lành bên ngoài có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn. Đôi khi một số người còn tin rằng tắm khoáng nóng giúp giảm cân. Vậy điều đó có đúng không? Cùng tìm hiểu câu trả lời và khám phá các lợi ích sức khỏe có thể có khi tắm khoáng nóng cùng Bác sĩ Dinh dưỡng VIAM nhé.

  • 03/10/2024

    Tại sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần bổ sung vitamin D3?

    Vitamin D có những vai trò rất quan trọng trọng việc hấp thu canxi, tham gia vào nhiều chức năng khác như tạo xương, miễn dịch, tăng trưởng. Việc thiếu hay thừa vitamin D đều để lại những ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bổ sung vitamin D là điều được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ - trong đó vitamin D3 là dạng bổ sung được khuyến nghị tốt nhất.

  • 02/10/2024

    Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm sau mưa lũ

    Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khi trời mưa nhiều, độ ẩm tăng cao sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi, do đó thức ăn dễ bị ôi, thiu, mốc và sinh ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm.

  • 02/10/2024

    Cần lưu ý gì khi tiêm vaccine Qdenga phòng sốt xuất huyết?

    Vaccine Qdenga đang được khuyến nghị tiêm cho trẻ em trên 4 tuổi và người lớn để phòng chống sốt xuất huyết, cùng tìm hiểu về loại vaccine này qua bài viết sau đây.

  • 01/10/2024

    Tác động của Vitamin D với sức khỏe

    Vitamin D (còn được gọi là calciferol) là một loại vitamin tan trong dầu, có mặt trong một số thực phẩm tự nhiên. Vitamin D cũng được sản xuất nội sinh khi tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời chiếu vào da và kích thích quá trình tổng hợp vitamin D.

  • 30/09/2024

    Thừa cân béo phì ở trẻ em

    Về định nghĩa, thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng “nên có” so với chiều cao. Còn béo phì là tình trạng tích lũy mỡ ở mức vượt quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.

  • 30/09/2024

    Suy thận ở trẻ em

    Suy thận ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng lại là bệnh lý cần phải được điều trị tích cực ở trẻ. Có 2 loại suy thận là cấp tính và mạn tính. Dấu hiệu nào để nhận biết suy thận ở trẻ? Cùng Bác sĩ của Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM tìm hiểu qua bài viết sau đây.

  • 29/09/2024

    Ho do viêm thực quản ái toan là gì?

    Viêm thực quản ái toan là tình trạng mạn tính của hệ miễn dịch, do dị ứng thực phẩm gây ra, biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau. Ở một số người, viêm thực quản ái toan không được kiểm soát có thể gây ho. Những người bị viêm thực quản ái toan chủ yếu ho do dị ứng hoặc hen suyễn, đồng thời cũng có thể do trào ngược axit.

Xem thêm