Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Lợi ích của cấy ghép implant?

Cấy ghép implant là một phương pháp thay thế răng nhân tạo. Phương pháp này bắt vít vào xương hàm của bạn và tạo một chiếc răng giả có thể thực hiện mọi chức năng như răng thật (ăn, nhai, cắn…v…v). Can thiệp này có nhiều lợi ích, nhưng không phải ai cũng phù hợp với cấy ghép implant.

Ca cấy ghép implant có thể chỉ mất khoảng 90 phút, nhưng toàn bộ quá trình theo dõi có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng vì bạn thường cần nhiều lần tái khám. Cấy ghép implant có thể giúp bạn có hàm răng giả tự nhiên và thoải mái nhất.  Tuy nhiên, chúng có thể đắt hơn các phương pháp thay thế khác và có thể không phù hợp với những người không thể phẫu thuật nha khoa.

Hãy cùng xem xét những lợi ích và hạn chế của cấy ghép implant so với các phẫu thuật nha khoa khác.

 

Lợi ích của cấy ghép implant

Cấy ghép implant thường rất bền và có thể tái tạo gần giống với hình dáng và cảm giác của răng tự nhiên khi được bọc mão răng. Cấy ghép implant mang đến nhiều lợi ích hơn các lựa chọn thay thế có sẵn.

 

Độ bền

Tiêu chuẩn vàng để điều trị răng bị mất là cấy ghép răng titan. Cấy ghép implant có thể tồn tại lâu hơn các phương pháp thay thế khác và có tỷ lệ thành công trên 97% trong 10 năm.

Trong một nghiên cứu lớn vào năm 2021 kiểm tra tuổi thọ của 10.871 răng cấy ghép trong hơn 22 năm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tỷ lệ sống sót của răng cấy ghép là:

  • 98,9% sau 3 năm
  • 98,5% sau 5 năm
  • 96,8% sau 10 năm
  • 94,0% sau 15 năm

Để tham khảo, một đánh giá năm 2021 cho thấy răng giả hoàn chỉnh có tuổi thọ trung bình là 10,1 năm. Một phương pháp thay thế răng khác là làm cầu răng, thường cần được thay thế sau mỗi 5 đến 15 năm.

Khái quát về phương pháp trồng răng Implant

 

Ngăn ngừa mất xương

Cấy ghép implant có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất xương xảy ra sau khi bạn bị mất răng. Khi bạn mất một chiếc răng, xương hàm của bạn không có răng ở phần đó của miệng. Theo thời gian, cơ thể bạn phá vỡ và tái hấp thu một số mô xương.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 30% xương ổ răng bị mất sau khi mất răng. Xương ổ răng của bạn là một phần của xương hàm chứa hốc răng của bạn. Hầu hết quá trình mất xương xảy ra trong 6 tháng đầu tiên sau khi mất răng.

Trong một đánh giá các nghiên cứu năm 2016, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy cấy ghép implant dường như có tác dụng rõ rệt đối với việc bảo tồn gờ xương ổ răng bằng cách giảm tốc độ tiêu xương. Tái hấp thu là khi một chất - trong trường hợp này là xương - bị phá hủy trước khi cơ thể hấp thụ nó.

Đọc thêm bài viết: 8 loại thực phẩm không tốt cho răng

 

Nhìn và cảm nhận tự nhiên

Cấy ghép implant hoạt động như một chân răng nhân tạo cho răng của bạn. Các nha sĩ có thể đặt một mão răng trên phần trên của bộ phận cấy ghép để giúp bắt chước vẻ ngoài và cảm giác của răng tự nhiên và có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn so với các phương pháp điều trị thay thế khác như lắp răng giả.

 

Giữ cho các răng bên cạnh ổn định

Khi bạn bị mất một chiếc răng, các răng xung quanh có thể di chuyển về phía khoảng trống và gây ra các vấn đề về khớp cắn cũng như khả năng nhai của bạn. Cấy ghép implant có thể lấp đầy khoảng trống giữa các răng của bạn và duy trì sức khỏe của các răng xung quanh bằng cách ngăn không cho chúng bị sai vị trí.

 

Phục hồi vẻ ngoài thẩm mỹ cho khuôn mặt của bạn

Tiêu xương hàm sau khi mất răng có thể làm thay đổi hình dạng khuôn mặt của bạn. Nó có thể dẫn đến những thay đổi như:

  • Da chảy xệ
  • Gò má sụp
  • Má hóp
  • Sai khớp cắn

Những thay đổi trên khuôn mặt thường dễ nhận thấy nhất nếu bạn bị mất nhiều răng. Cấy ghép implant có thể giúp ngăn ngừa những thay đổi này bằng cách giúp duy trì tính toàn vẹn cấu trúc của hàm và ngăn ngừa mất xương.

 

Hoạt động như răng tự nhiên khi nói và nhai

Cấy ghép implant gần giống với răng tự nhiên của bạn khi nhai hơn so với răng giả hoặc cầu răng truyền thống. Nó cũng có thể giúp duy trì giọng nói của bạn bằng cách lấp đầy các lỗ hổng trên răng gây ra những thay đổi đối với cách không khí đi qua miệng khi bạn nói chuyện.

 

Phục hồi lực cắn

Trong một nghiên cứu năm 2016, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hàm dưới được hỗ trợ bằng răng cấy ghép làm tăng lực cắn so với răng giả truyền thống.

 

Cải thiện chất lượng cuộc sống

Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu đã báo cáo trong số 98 người phẫu thuật cấy ghép implant, không có trường hợp thất bại cấy ghép sau khi tái khám 3 năm. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng hàm phụ được hỗ trợ bằng cấy ghép có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế tối đa nguy cơ và tỷ lệ thành công của cấy ghép là rất cao.

 

Lợi ích của cấy ghép implant so với cầu răng

Cấy ghép implant mang lại một số ưu điểm vượt trội so với cầu răng truyền thống như:

  • Tuổi thọ răng dài hơn
  • Răng trông tự nhiên hơn.
  • Ít sâu răng hơn ở các răng xung quanh.
  • Không làm hỏng răng xung quanh.

 

Lợi ích của cấy ghép implant so với răng giả

Cấy ghép implant cung cấp một số lợi ích so với răng giả truyền thống như:

  • Chúng gần giống và có cảm giác giống như răng tự nhiên của bạn hơn.
  • Không cần chăm sóc phức tạp hàng ngày.
  • Nhai thoải mái hơn.
  • Tuổi thọ răng dài hơn.
  • Có thể giúp bảo tồn mô xương hàm.

Công nghệ trồng răng Implant 4S là gì? - Nha Khoa Tâm Sài Gòn

 

Nguy cơ và hạn chế của cấy ghép nha khoa

Những nhược điểm chính của cấy ghép implant là:

  • Tốn kém hơn các lựa chọn điều trị khác.
  • Bảo hiểm của bạn có thể không chi trả cho việc cấy ghép implant
  • Yêu cầu cần phải  phẫu thuật nha khoa.
  • Toàn bộ quá trình cấy ghép có thể sẽ mất nhiều lần đến phòng khám nha khoa và lên đến 6 đến 12 tháng.
  • Đầu tiên bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghép xương nha khoa.

Giống như tất cả các quy trình phẫu thuật, cấy ghép implant có một số nguy cơ bao gồm:

  • Tổn thương răng hoặc mô xung quanh
  • Chảy máu
  • Cấy ghép thất bại
  • Suy thoái nướu
  • Nhiễm trùng
  • Phản ứng dị ứng với thuốc mê
  • Tổn thương thần kinh hoặc mô

Tỷ lệ thất bại cấy ghép implant đã được báo cáo là 11% ở người hút thuốc và 5% ở người không hút thuốc.

Đọc thêm bài viết:  Chế độ ăn uống và sức khỏe răng miệng của bạn

 

Ai phù hợp với cấy ghép implant?

Điều kiện lý tưởng cho cấy ghép nha khoa là người có sức khỏe răng miệng tổng thể tốt và bị mất răng hoặc có răng cần nhổ. Để được cấy ghép implant, bạn cần có đủ sức khỏe để trải qua phẫu thuật nha khoa.

Một số yếu tố có thể khiến bạn không đủ điều kiện để cấy ghép implant bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường không kiểm soát
  • Rối loạn đông máu
  • Hút thuốc nặng
  • Mắc bệnh chuyển hóa xương
  • Đang điều trị ung thư

Chi phí cấy ghép implant thường cao hơn các phương pháp điều trị khác như đặt mão răng hoặc cầu răng, vì vậy chúng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất nếu bạn không có bảo hiểm nha khoa.

Cấy ghép implant là phục hình nha khoa bền vững thay thế cho chân răng. Chúng có thể được che phủ bằng mão, răng giả hoặc cầu răng. Cấy ghép implant có thể mang lại kết quả trông tự nhiên và lâu dài, nhưng chúng có xu hướng đắt hơn các lựa chọn điều trị khác. Nha sĩ có thể giúp bạn quyết định xem cấy ghép implant có phải là một lựa chọn tốt cho bạn hay không.

Nếu bạn đang làm răng hoặc có ý định làm răng và muốn có chế độ dinh dưỡng giúp răng chắc khỏe cũng như nhanh hồi phục hơn, hãy liên hệ với Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam để được các chuyên gia đầu ngành tư vấn. Đặt lịch TẠI ĐÂY hoặc Hotline 0935 18 3939/ 024 3633 5678

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 10 cách để giữ cho răng của bạn khỏe mạnh

BS. Đoàn Thu Hồng - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Healthline
Bình luận
Tin mới
  • 01/04/2025

    Tăng cường miễn dịch cho trẻ mùa xuân

    Mùa xuân đến, mang theo không khí ấm áp và sức sống mới cho vạn vật. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, khí hậu biến đổi thất thường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh sinh sôi phát triển.

  • 01/04/2025

    Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ: Hiểu đúng và đồng hành cùng người tự kỷ

    Ngày 2 tháng 4 hàng năm, thế giới cùng hướng về Ngày Thế Giới Nhận Thức về Tự Kỷ – một sự kiện do Liên Hợp Quốc khởi xướng nhằm kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn đến rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

  • 31/03/2025

    Chăm sóc da cho bé vào mùa xuân: Mẹo nhỏ cho mẹ

    Mùa xuân là thời điểm giao mùa, khí hậu thất thường, hanh khô, độ ẩm thấp, dễ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ.

  • 30/03/2025

    Những thay đổi về làn da tuổi mãn kinh

    Tuổi mãn kinh không chỉ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe sinh lý nữ, mà còn ảnh hưởng đến làn da. Chị em phụ nữ nên lưu ý điều gì khi chăm sóc da tuổi ngoài 40?

  • 30/03/2025

    Người cao tuổi và bệnh giao mùa

    Giao mùa là thời điểm chuyển tiếp giữa các mùa trong năm, kéo theo sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Đối với người cao tuổi, giai đoạn này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe do hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể dần lão hóa.

  • 29/03/2025

    Đi bộ nhanh mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong

    Một nghiên cứu mới cho thấy, hoạt động thể chất vừa phải như đi bộ nhanh, yoga, làm vườn… mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.

  • 29/03/2025

    Tại sao bạn bị đau bụng khi chạy?

    Các vấn đề dạ dày khi chạy bộ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây khó chịu cho người chạy. Bạn có thể gặp tình trạng co thắt, đau bụng dẫn đến tiêu chảy trong khi chạy.

  • 28/03/2025

    3 nhóm người nên hạn chế ăn chanh

    Hầu hết mọi người có thể ăn chanh hoặc uống nước chanh một cách an toàn nhưng vì chanh có tính acid nên nó có nguy cơ gây bất lợi cho một số trường hợp cụ thể. Vậy nhóm người nào nên hạn chế ăn chanh?

Xem thêm