Tổng hội y học Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam
ứng dụng y học vì sức khỏe người việt nam

Liệu Trái đất có đảo lộn khi loài muỗi biến mất hoàn toàn?

Các chuyên gia cho rằng, việc vắng bóng loài muỗi trên Trái đất gây ra nhiều bất lợi cho hệ sinh thái của chúng ta.

Thời tiết ẩm, mưa nhiều là cơ hội để loài muỗi sinh sôi nảy nở một cách nhanh chóng. Với không ít người, muỗi là kẻ thù "không đội trời chung" bởi lẽ, chúng gây ra những tiếng vo ve khó chịu khi bạn đang thiu thiu ngủ hay vẫn luôn trực chờ, chỉ cần sơ hở một tẹo là chúng lao tới, hút máu và khiến bạn "phát điên" vì ngứa.
 

 
Những lúc như vậy, hẳn không ít bạn sẽ muốn hét lên và mong muốn loài vật này sẽ bị tuyệt diệt. Nhưng liệu bạn đã bao giờ tự hỏi, nếu một ngày nào đó, loài muỗi bỗng nhiên biến mất hoàn toàn trên Trái đất thì sẽ như thế nào chưa? Liệu rằng hành tinh của chúng ta vẫn bình yên hay sẽ rối loạn bởi loài côn trùng bé nhỏ này?
 
Câu trả lời hẳn khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Mặc dù không gây ra thảm họa nhưng sự biến mất hoàn toàn của muỗi trên Trái đất cũng sẽ khiến hệ sinh thái bị đảo lộn.
 
Muỗi và những sự thật "không thể ngờ"
 
Ít ai biết, muỗi đã xuất hiện và tồn tại trên Trái đất cách đây khoảng 170 triệu năm trước, các hóa thạch lâu đời nhất của muỗi được xác nhận là vào thời kỷ Phấn trắng - cách đây khoảng 200 triệu năm. 


 
Với hơn 3.500 loài khác nhau trên Trái đất, muỗi không chỉ đánh bại khủng long mà còn sống và phát triển mạnh mẽ cho tới ngày nay.
 
Dù chỉ có tốc độ bay khoảng 2km/h nghe có vẻ khá chậm chạp nhưng nếu muỗi to bằng kích thước của con người thì chúng có thể chạy nhanh hơn chúng ta gấp 100 lần. 
 

Kích thước, tốc độ sẽ phần nào giúp muỗi thoát thân khỏi sự tiêu diệt của chúng ta.
 
Bên cạnh đó, muỗi sở hữu tầm quan sát rất rộng cùng thị lực tốt - chúng hoàn toàn có thể nhìn thấy địa hình phía trên đầu và một phần phía sau cơ thể. Điều này giúp lý giải vì sao nhiều bạn khó có thể bắt trúng muỗi mặc dù chúng đang đậu trong tầm mắt.
 
... tầm quan trọng của loài côn trùng nhỏ bé...
 
Nếu bạn cho rằng, muỗi là một loài vô tích sự thì có lẽ bạn đã nhầm bởi loài côn trùng bé nhỏ này là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái, đặc biệt là việc tìm nguồn thức ăn.
 

 
Các nhà nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, một số phân loài của muỗi thường cư trú ở vùng lãnh nguyên Bắc cực vô cùng đặc biệt và là nguồn cung cấp thức ăn phong phú cho loài chim di cư.  
 
Nếu muỗi đột nhiên biến mất, một lượng lớn cá thể chim trong vùng có thể bị ảnh hưởng và sụt giảm về số lượng. Một số nhà khoa học dự đoán, số phận của nhiều loài cá trên Trái đất cũng gặp phải trường hợp tương tự như ở loài chim. 
 

 
Sự thiếu hụt nguồn thức ăn (bọ gậy, ấu trùng...) trầm trọng sẽ khiến cho các loài côn trùng hay loài cá, loài chim rơi vào tình trạng thiếu thức ăn, dần cạn kiệt về số lượng, gây ra một hiệu ứng mạnh mẽ trong cả chuỗi thực phẩm.
 
Chưa dừng lại ở đó, sự biến mất của muỗi còn khiến cho các vùng nước ngọt mất đi những nhà giám sát chất lượng nước nghiêm khắc và tuyệt vời.
 

 
Theo đó, các chuyên gia khi muốn kiểm tra chất lượng nguồn nước thường lấy mẫu nước ở vùng đó để xem có sinh vật phù du (gồm ấu trùng muỗi, sinh vật nhỏ khác) sống trong đó không. 
 
Chính bởi ấu trùng muỗi rất nhạy cảm, dù chỉ với sự ô nhiễm nhỏ thế nên nếu tìm thấy sự có mặt của sinh vật này, điều đó có nghĩa là nguồn nước an toàn.
 
... và tuyệt chiêu diệt muỗi "trăm phát trăm trúng"
 
Không ai có thể phủ nhận mối hiểm nguy của loài muỗi đến với cuộc sống của chúng ta khi muỗi là nguyên nhân gây ra căn bệnh sốt xuất huyết, sốt rét cho khoảng 246 triệu người và 1 triệu người tử vong mỗi năm.
 
 
Nhà côn trùng học Michael Dickinson đã nghiên cứu cơ chế di chuyển của các loài côn trùng trong 20 năm và rút ra được rất nhiều điều thú vị từ thử nghiệm của mình. Theo ông, chính sự phản ứng nhanh nhạy của não bộ, đôi mắt tinh tường, nhạy cảm giúp muỗi có thể thoát hiểm trong gang tấc. 
 
Do vậy, cách tốt nhất để bắt được muỗi là dùng cả hai bàn tay và đập từ hai phía lại. Nếu bạn chỉ sử dụng một tay, áp lực không khí sinh ra trong khi tay di chuyển phần nào cảnh báo cho con muỗi biết mối nguy hiểm, thậm chí áp lực này còn đẩy con muỗi ra khỏi tầm tay của bạn. 
 

 
Chính vì vậy mà việc sử dụng hai bàn tay và ép từ hai hướng lại sẽ khiến áp lực cân bằng, giúp bạn dễ tiêu diệt được con mồi hơn. 
 
Một mẹo nhỏ khác là hãy đợi đến khi con muỗi đang hút máu của bạn, vì lúc đó phản xạ của nó giảm đi đáng kể và dễ dàng hơn để đập trúng. 
 
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đang nghiên cứu cách để giúp muỗi vẫn tồn tại nhưng không gây hại cho người, đó là sử dụng phương pháp di truyền để giảm số lượng muỗi cái và tăng lượng muỗi đực.
 

 
Để tạo ra những cá thể muỗi biến đổi gene, các chuyên gia đã nghiên cứu sử dụng một loại gene có tên là Nix. Gene này có tác dụng thay đổi giới tính của muỗi cái sang muỗi đực, từ đó biến những kẻ hút máu người thành sinh vật hút nhựa cây và phấn hoa. Điều đó đồng nghĩa rằng 2/3 số muỗi cái sẽ trở nên hiền dịu và không bao giờ đốt người hay hút máu nữa. 
 
Lê Giang - Theo Trí thức trẻ/NationalGeographic
Bình luận
Tin mới
  • 22/04/2025

    Những lý do để chọn ăn mỡ lợn

    Ngày nay, nhiều người tránh xa việc ăn mỡ lợn vì nó có tiếng xấu là làm tắc nghẽn động mạch, làm tăng cholesterol và gây ra bệnh tim… Tuy nhiên, mỡ lợn có một số lợi ích sức khỏe nếu ăn đúng cách và đúng lượng.

  • 22/04/2025

    Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS)

    Bệnh xơ cứng teo cơ một bên hay còn được gọi là ALS, là một bệnh về hệ thần kinh ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh trong não và tủy sống gây mất kiểm soát cơ. Bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Cùng tìm hiểu về bệnh lý xơ cứng teo cơ một bên qua bài viết sau đây!

  • 21/04/2025

    Chế độ ăn uống phòng và điều trị hạ đường huyết

    Nếu không được xử trí kịp thời, hạ đường huyết có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, chế độ ăn uống khoa học hoàn toàn có thể hỗ trợ phòng và điều trị hạ đường huyết hiệu quả.

  • 21/04/2025

    Lưu ý quan trọng khi chọn sữa cho trẻ

    Một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà các bậc cha mẹ đặt ra trong những năm đầu nuôi con là: "Con tôi nên uống loại sữa nào và vào thời điểm nào?". Từ giai đoạn sơ sinh đến khi cai sữa và chuyển sang chế độ ăn thông thường, vai trò của sữa trong chế độ dinh dưỡng của trẻ thay đổi đáng kể theo từng giai đoạn phát triển.

  • 21/04/2025

    Ảnh hưởng của I-ốt đến chức năng tuyến giáp

    Chức năng tuyến giáp có liên quan chặt chẽ với dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống. Các vi chất dinh dưỡng như i-ốt, selen, sắt, kẽm, đồng, magiê, vitamin A và vitamin B12 ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp và điều hòa hormon tuyến giáp trong suốt cuộc đời. Do vậy, những thay đổi trong chế độ ăn uống có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, dẫn đến những thay đổi trong chức năng tuyến giáp.

  • 20/04/2025

    Nhận thức đúng về thực phẩm giải nhiệt mùa hè

    Mùa hè năm nay được dự báo nắng nóng gay gắt nên thực phẩm giải nhiệt, bảo vệ sức khỏe càng được người dân ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, người dân cần nhận thức đúng để đưa ra lựa chọn chính xác

  • 20/04/2025

    6 loại thực phẩm nên thận trọng khi dùng chung với dứa

    Dứa là loại trái cây nhiệt đới có hương vị thơm ngon được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, đôi khi việc tiêu thụ dứa với một số loại thực phẩm lại không có lợi cho sức khỏe.

  • 20/04/2025

    7 loại thực phẩm cay giúp chống ngạt mũi và đau đầu do viêm xoang

    Đầu bạn đang đau nhức, bạn bị ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, khó thở, rồi khứu giác và vị giác cũng rối loạn. Đây là những dấu hiệu phổ biến của cảm cúm, dị ứng thời tiết, viêm xoang. Một số thực phẩm có thể giúp bạn giảm các triệu chứng này !

Xem thêm